Thứ Năm, 3 tháng 8, 2017

Iran, đối tác không thể thiếu tại Trung Đông ?


 Giáo chủ Ali Khamenei, lãnh đạo tối của của Iran.Reuters


Từ sau cuộc cách mạng 1979, chế độ Hồi Giáo Iran bị xem là kẻ thù đe dọa ổn định khu vực. Bị cộng đồng quốc tế cấm vận trong suốt 30 năm cho đến tháng 07/2015, sau khi ký Hiệp Định Hạt Nhân, tình hình mới bắt đầu thay đổi. Thế lực của Iran trở thành quan trọng trong các hồ sơ nóng, từ Irak, Syria cho đến Yemen. Khủng hoảng trong nội bộ các vương triều dầu hỏa Ả Rập từ tháng sáu càng làm nổi bật vai trò của Teheran.

Chế độ từng bị gọi là « âm binh ác quỷ » tác động ra sao trên bàn cờ khu vực ? Chiến lược đối phó của Washington và các nước Ả Rập như thế nào ? Liệu Iran có thể đóng vai trò chủ đạo tại Trung Đông ? RFI đã đặt câu hỏi với Maya Kandel, chuyên gia về chính trị Hoa Kỳ và Pierre Razoux, chuyên gia về khối Ả Rập tại Đại Học Quân Sự Paris.

Tạp chí Tiêu Điểm tuần này xin gửi đến thính giả phần một. Phần hai sẽ phát vào tuần sau.

Phần một : « Phù thủy nhốt âm binh »

Iran từng bị xem là ác quỷ bị nhốt trong hỏa ngục. Quan điểm này, xuất phát từ chiến lược gia Zbigniew Brzezinski, cố vấn của tổng thống Jimmy Carter và cũng là một người được tổng thống Barack Obama xem là « đàn anh » và thường xuyên vấn kế, bị lung lay hay chưa ? Chuyên gia Maya Kandel, giáo sư đại học Sorbonne, phân tích :

Đúng là từ lâu nay, « phù thủy nhốt âm binh » là quan niệm rất phổ biến tại Mỹ. Nhưng Barack Obama muốn dẹp đi lối nhìn xem Iran là ác quỷ. Do vậy, có thể nói mục tiêu của Obama là làm sao đem Iran trở lại chính trường khu vực, với hy vọng Teheran đóng vai trò đối trọng với Ryad. Bây giờ, chính quyền Donald Trump muốn quay ngược lại. Nhóm cộng sự của tổng thống Donald Trump có người bảo thủ như Zbigniew Brzezinski, có người không, nhưng tất cả đều có mẫu số chung là bài Iran và do vậy họ muốn bỏ chính sách ngoại giao của Barack Obama.

Trong 8 năm, từ 2009-2017, tổng thống Obama cố gắng kéo Iran ra khỏi thế cô lập. Tuy nhiên, không phải vô cớ mà các nước tây phương và các quốc gia Ả Rập xem chế độ Hồi Giáo Iran là mối đe dọa. Chuyên gia thế giới Ả Rập Pierre Razoux giải thích :

Tất cả vấn đề bắt nguồn từ cuộc cách mạng Hồi Giáo lật đổ quốc vương Iran, một đồng minh thân thiết của Mỹ và các nước tây phương trong vùng vịnh Ba Tư. Tiếp theo đó là vụ tấn công vào tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Teheran, bắt hàng trăm người làm con tin. Mỹ đưa biệt kích giải cứu, nhưng thất bại. Sau đó hai bên cắt đứt bang giao. Từ đó, tình hình ngày càng xấu đi, tác động đến quan hệ giữa Iran và các quốc gia tây phương khác.

Điều trớ trêu là nhiều chính quyền tiếp nối sau đó tại Mỹ, từ Ronald Reagan cho đến Bill Clinton, đã tìm cách nối lại quan hệ với Iran, nhưng lần nào cũng thất bại. Nguyên do là Washington cũng như các nước Châu Âu cùng phạm một sai lầm : đó là họ muốn thương lượng với tổng thống Iran, mà không quan tâm đến giáo chủ lãnh đạo tinh thần AyatollahKhomeini và sau đó là Ayatollah Ali Khamenei .

Chính những nhà lãnh đạo tối cao này mới là kẻ nắm thực quyền ở Iran. Tây phương không hiểu rằng ở Iran, hậu trường quyền lực rất phức tạp, phức tạp gấp trăm lần chính trường Mỹ. Bàn cờ chính trị ở Washington, nếu so với Teheran, chỉ là trò chơi đố vui để học.

Giáo chủ tối cao của Iran không bao giờ dung thứ, không bao giờ để cho một nhân vật nào kể cả tổng thống dân cử lấn lướt. Do vậy, để đàm phán với Iran, thì phải nói chuyện với tổng thống và giới thân cận của Ayatollah.

Chiến tranh Iran-Irak

Iran bị cô lập, tạo cơ hội cho Bagdad mở cuộc chiến tranh kéo dài 8 năm từ ngày 22/09/1980, khi Saddam Hussein tung quân tràn qua biên giới Iran cho đến 20/08/1988. Nhận thấy chế độ Hồi Giáo Iran, thuộc hệ phái Shia, có thể là điểm tựa cho người Hồi Giáo Shia tại Irak nổi dậy chống chính quyền Suni, tổng thống Irak nhân cơ hội nội tình Iran còn bất ổn sau cuộc cách mạng lật đổ chế độ vương quyền, bất ngờ khai chiến với Iran. Trong cuộc chiến này, Bagdad được Hoa Kỳ, Liên Xô, Tây Âu và khối Ả Rập ủng hộ nhưng cuối cùng phải giảng hoà với Iran. Chuyên gia Pierre Razoux nói :

Một cách cơ bản, Hoa Kỳ và Liên Xô lúc bấy giờ, không ai ngờ xảy ra cuộc chiến Iran-Irak và cũng không ủng hộ bên nào trong giai đoạn đầu. Đối với Washington và Matxcơva, chiến tranh Iran-Irak làm xáo trộn bàn cờ chiến tranh lạnh. Mỹ cũng như Liên Xô không ai xúi giục Saddam Husein tấn công Iran, nhưng sau đó tìm cách trục lợi. Chiến tranh làm Iran yếu đi, tuy có lợi cho Mỹ, nhưng vùng Vịnh bị mất ổn định cũng không tốt gì cho các đồng minh của Mỹ như Ả Rập Xê Út và các vương triều dầu hỏa.

Trong thế trận phức tạp này, Iran trải qua nhiều tình huống trái ngược nhau : khi là đồng minh thân thiết nhất của Mỹ lẫn Tây phương, lúc thì bị xem là thù nghịch phải trói tay trói chân, rồi gần đây lại được kẻ thù xoa dịu bất chấp nghịch lý. Vì sao ? Chuyên gia Maya Kandel giải thích:

Điều chắc chắn là nếu nhìn theo chiều dài chính sách của Mỹ tại ở vùng Vịnh và Trung Đông thì cuộc cánh mạng Hồi Giáo năm 1979 tại Iran đã làm gián đoạn chính sách này và buộc Washington phải thay đổi chiến lược.

Cho đến năm 1979, chiến lược của Mỹ đặt trên cơ sở quân bình, một mặt dựa trên Ả Rập Xê Út, qua thỏa thuận Quincy 1945 (Mỹ bảo vệ vương quyền, Ryad cung cấp dầu hỏa), một mặt dựa trên Iran, mà cụ thể là cuộc đảo chính 1953 và việc đưa quốc vương Iran về nước lên ngôi.

Nhưng đến năm 1979 thì thế quân bình này bị đảo lộn. Biến cố này còn nghiêm trọng hơn cuộc chiến 1991- sau khi Saddam Hussein xua quân Irak đánh chiếm Koweit, buộc Hoa Kỳ phải đưa quân can thiệp ồ ạt giải cứu Koweit. Tuy nhiên, để có thể hiểu Washington tính toán gì thì chúng ta phải cần xem kỹ chính sách ngoại giao của Barack Obama khi ông ấy tìm mọi cách nối lại quan hệ với Teheran một cách khôn ngoan hơn các tổng thống tiền nhiệm. Tổng thống Obama cố gắng tái lập thế cân bằng với Ả Rập Xê Út để Mỹ có thể rút chân ra khỏi Trung Đông. Tuy nhiên, với chính quyền Donald Trump, dường như Washington muốn can thiệp sâu hơn.

Obama : ngây thơ hay tinh tế ?

Vấn đề then chốt ở đây là trong nhiệm kỳ hai của tổng thống Obama, Washington tìm mọi cơ hội để nới lỏng cấm vận kinh tế, chính trị, ngoại giao Iran. Vì sao Mỹ phải thay đổi chính sách, cho dù không được các đồng minh tán thành ? Chuyên gia Maya Kandel trả lời:

Có một loạt yếu tố xảy đến. Trước hết, trong ngắn hạn, tổng thống Obama được bầu với lời hứa rút ngắn cuộc chiến tranh - do tổng thống George W Bush khởi động - và đem binh sĩ Mỹ về nước. Do vậy, Obama bị áp lực của công luận rất mạnh phải rút quân về và tập trung vào các vấn đề trong nước, từ kinh tế cho đến xã hội. Obama đúng là một tổng thống muốn cải thiện các vấn đề thuộc nội tình nước Mỹ hơn là can thiệp ở nước ngoài. Ông nói rõ là muốn « giữ khoảng cách » với Trung Đông và nhất là không muốn can dự vào một cuộc chiến mới. Tuy nhiên, ý định này không thực hiện được và vào năm 2004, ông lại phải đưa quân vào Irak.

Đối với Iran, thì tại Mỹ có khái niệm được đặt tên là « cân bằng từ xa » có nghĩa là để cho Iran đóng một vai trò trong ván cờ duy trì quân bình tại Trung Đông. Dĩ nhiên, Obama bị Ả Rập Xê Út và Israel chỉ trích nhiều lắm, bị cho là « ngây thơ », xem nhẹ khả năng gây rối của Iran.

Ngây thơ hay thực tiển, trong những năm cuối nhiệm kỳ hai, tổng thống Obama đã thành công buộc Iran cam kết bỏ tham vọng chế tạo vũ khí hạt nhân. Hiệp Định 2015 mở đường cho Iran tái hội nhập vào bàn cờ thế giới. Tuy nhiên, con đường trước mặt không phải thênh thang. Một phần vì Iran can dự vào nhiều cuộc khủng hoảng trong vùng Trung Đông, vẫn xung khắc với Israel và với các nước Ả Rập theo hệ phái Suni. Chuyên gia Pierre Razoux nhận định:

Obama phải quay trở lại Trung Đông bởi vì nhiều tổng thống Mỹ khác cũng đã tìm cơ hội cho Iran đóng vai trò quan trọng. Obama cũng như một số giới chức Mỹ thân cận tin rằng Iran là một cường quốc khu vực không thể bỏ qua một bên. Tuy Tehran là thủ phạm gây ra một số vấn đề, nhất là tham vọng hạt nhân quân sự, nhưng Iran là yếu tố giải pháp hơn là yếu tố khủng hoảng. Có thể, chính các vương triều vùng Vịnh, từ những năm 2011, 2012, 2013 đã gián tiếp gây ra những vấn đề tại vùng Vịnh.

Do vậy, Washington ý thức rõ là các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, cho dù là nội chiến ở Syria, ở Irak hay căng thẳng tại Liban đều không thể giải quyết được, nếu chỉ bàn thảo với các nước khác trong khu vực mà không đối thoại với Iran. Quan điểm này đã gây ra bất đồng giữa Obama và châu Âu. Obama và giới thân cận của ông hiểu rằng cần phải đối thoại với Iran và Nga.

Mỹ đã bí mật tiếp xúc với Iran ở Oman trong khi đó các thủ đô châu Âu cố thủ trong lập luận « Iran không đáng tin cậy, bởi vì vẫn ôm tham vọng hạt nhân quân sự ».

Đâu là những mục tiêu sâu xa của Iran trong chiến lược hội nhập ? Xung đột giữa hai hệ phái Sh-a và Suni là nguy cơ gây lo ngại hơn Daech hay nội chiến Syria ? Chính quyền Donald Trump đã dứt khoát chọn một chiến lược rõ ràng chưa ?
 *
Mời quý thính giả theo dõi Tiêu Điểm Thời Sự tuần tới. Phần II : Trở lại trong thế chủ động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét