Thứ Sáu, 4 tháng 8, 2017

Dân Việt Phải Lo Tự Cứu Thôi




Với tiềm lực kinh tế như vậy, với năng lực quản lý và làm kinh tế như đã thấy suốt nửa thế kỉ qua, Việt Nam chỉ có bán và bán, và khi không còn thứ gì để bán nữa, người ta xoay sang bán nước, đó là hệ quả tất yếu của những kẻ chỉ biết bán để ăn - VietTuSaigon 


Thỉnh thoảng, tôi vẫn nghe bà con hay hay bằng hữu nói (ngay) trước mặt là mình tần tiện quá. Phía sau lưng, miệng lưỡi người đời (chắc) phải khắt khe và khó nghe hơn: “Cái đồ keo kiệt!” Mà tui kẹo thiệt, và kẹo lắm, từ thưở nào tới giờ lận. Càng già, dường như, tôi càng kẹo dữ nữa khiến rất nhiều người phải phàn nàn.

Thay vì mua vé thẳng từ Bangkok qua Manila, chỉ chừng ba tiếng – tốn cỡ 300 Mỹ Kim – tôi lại bay vòng vèo tuốt sang đến Kuala Lumpur rồi mới đáp xuống phi trường Ninoy Aquino. Tổng cộng mất hơn 7 giờ đồng hồ nhưng tôi ... hà tiện được cả trăm (đô la) chớ đâu phải ít.

Tôi có quen biết, hay hẹn hò gì, với ai ở Philippines đâu mà phải vội chớ? Tôi tính hết trơn rồi, nguyên ngày hôm đó tôi được bữa sáng và bữa trưa (free) trên cả hai chuyến bay đường dài. Thức ăn tuy dở nhưng bù lại thì rượu bia hoàn toàn miễn phí.

Đã thế, bao giờ tôi cũng xin thêm hai ly vang và một lon bia nữa, dù biết rằng mấy cháu tiếp viên hàng không (nam cũng như nữ) đều rất phiền lòng về những đòi hỏi quá đáng – và quá quắt – như vậy. Chưa hết, tôi lại luôn lựa chỗ ngồi cạnh cửa sổ nên có dịp nhìn ngắm thủ đô Malaysia từ trên không (tới hai lần) mà cũng chả tốn cắc nào.

Tính toán sát tới cỡ đó mà vẫn quên một điều lợi nhỏ là hành khách trên máy bay còn được đọc báo chùa nữa:

    Tờ Manila Bulletin, nhật báo tiếng Anh hàng đầu của Phi, có bản tin (“Duterte Warns Mining Firms”) Tổng Thống Duterte cảnh báo sẽ ngưng xuất cảng nguồn khoáng sản quốc gia và đánh thuế cho chết luôn (“tax to death”) những công ty vận hành vô trách nhiệm làm tổn hại môi sinh.
    Tờ The Star, có số phát hành lớn nhất (250,000) của Mã Lai, đi bài viết (“Little Man On A Mission: Ahmad Iszuddin Has started The Ball Rolling By Helping Endangered Turtles”) về một học sinh mười một tuổi, phát động “chiến dịch” cứu loài rùa đang có nguy cơ diệt chủng, và em đã lôi kéo được cả ngàn người cùng tham gia.

Môi trường sống đang bị tàn phá khắp nơi, nhất là ở những quốc gia đang phát triển nhưng cái cách mà các nước láng giềng đối phó với vấn đề – xem ra – khác xa với Việt Nam. Trẻ con của đất nước này không đứa nào bận tâm gì đến sinh mạng của loài thú cả, giản dị chỉ vì chúng phải lo cứu thân mình trước đã.

Nhật báo Người Việt – phát hành từ California, số ra ngày 23 tháng 7 năm 2017 – vừa đi tin (“Trẻ Con Việt Nam Phải Sáng Tạo Để Sinh Tồn”) khiến độc giả công phẫn:

 “Nhiều người sử dụng Internet tại Việt Nam đã chỉ trích hệ thống công quyền kịch liệt sau khi Thành Đoàn Sài Gòn công bố kết quả cuộc thi ‘Sáng Tạo’ dành cho thanh niên, thiếu nhi 2017...

Người ta phẫn nộ khi hệ thống công quyền đẩy những đứa trẻ chỉ chín, mười tuổi buộc phải ‘sáng tạo’ để có thể sinh tồn...

Cả ba bé gái là đồng tác giả sản phẩm ‘áo phao cứu sinh’ do các bé tự chế. ‘Áo phao cứu sinh’ này là ‘hệ thống’ những sợi dây mà các bé nhặt nhạnh, gắn chúng vào với nhau để giữ năm vỏ chai nhựa loại có dung tích 1.5 lít, dùng để đựng nước uống, giúp người mang ‘áo phao tự chế’ không chết đuối...

Từ ‘sáng tạo’và quyết định trao giải cho ‘áo phao tự chế’ của Trâm, Nhung, Lan, người sử dụng Internet tại Việt Nam đã đặt ra hàng loạt câu hỏi. Hệ thống công quyền Việt Nam có hàng loạt tổ chức từ trung ương đến địa phương để ‘bảo vệ trẻ em,’ những tổ chức này ở đâu, làm gì để ba bé gái phải ‘sáng tạo’ các ‘áo phao cứu sinh’ tự chế như thế?”

Nguyễn Thị Quỳnh Trâm, Nguyễn Thị Ngọc Nhung và áo phao tự chế. Ảnh: Báo Mới

Tôi thì tin rằng thái độ “tự cứu” của đám trẻ con Việt Nam hoàn toàn đúng đắn và hợp lý, ít nhất thì cũng thuận lý hơn việc đặt niềm tin hay kỳ vọng vào “tổ chức công quyền từ trung ương đến địa phương” ở đất nước này. Năm trước (vào ngày 20 tháng 5 năm 2016) gần ba ngàn vị nhân sĩ đã đồng ký tên trong bảng Tuyên Bố Về Tội Ác Đầu Độc Biển Miền Trung Việt Nam, và cùng đưa ra những yêu cầu khẩn thiết, như sau:

1/ Thi hành mọi biện pháp hỗ trợ người dân ven biển miền Trung nạn nhân vụ biển bị nhiễm độc khôi phục sự sống cả trước mắt và lâu dài.Tạm đình chỉ ngay việc sử dụng đường ống xả thải này trước khi các cơ quan chức năng bảo đảm được công tác kiểm tra an toàn nước thải do nó xả ra biển.

2/ Sử dụng mọi quyền lực nhà nước và biện pháp cần thiết, huy động mọi lực lượng xã hội như giới khoa học kỹ thuật, luật gia, nhà báo độc lập, nếu cần thì mời cả chuyên gia quốc tế, để nhanh chóng đưa thủ phạm vụ đầu độc biển miền Trung ra trước pháp luật; trừng trị nghiêm khắc, đích đáng, bắt chúng bồi thường mọi thiệt hại về người và của cho người dân bị liên lụy, cho những tác hại môi sinh của nước nhà.

3/ Gấp rút điều tra để trả lời câu hỏi: Vì sao Formosa, một công ty sản xuất thép với công nghệ lạc hậu và những thành tích bất hảo phá hoại môi sinh ở nhiều nước, như gần đây đã bộc lộ, lại được hưởng những ưu đãi chưa từng có, vi phạm chủ quyền quốc gia như thế?

4/ Có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, không để Formosa thi hành việc xả thải gây ô nhiễm từ từ thay vì gây độc cấp tính như vừa qua, làm công luận phẫn uất. Hậu quả của biện pháp đối phó này sẽ là cá, người và biển chết từ từ.

5/ Sẵn sàng xoá bỏ dự án Formosa, nếu những nguy hiểm tiềm tàng mà dự án gây ra không thể triệt tiêu được.

6/ Kỷ luật các quan chức trung ương và địa phương vô trách nhiệm và

có thể có tham nhũng, tiêu cực trong việc xử lý vụ đầu độc biển miền Trung.

Hơn một năm sau những yêu cầu thượng dẫn mới được hồi đáp – một cách gián tiếp, và rất phũ phàng – theo như bản tin tổng hợp của trang Tiếng Dân:

“Trước những vi phạm và trò gian lận của Formosa liên tục diễn ra trong một thời gian dài, thách thức luật pháp và công luận, thế nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chẳng những không thực hiện lời hứa của ông hồi tháng 8/2016 là đóng cửa Formosa, hôm qua 24/7/2017, ông Phúc lại viếng thăm Fomosa và đánh giá cao sự cố gắng khắc phục nghiêm túc của Formosa.”

Cũng liên quan đến về vấn đề môi sinh, tác giả Tô Văn Trường mô tả hành vi cùng thái độ của giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay là “ngu và tham.” Tôi không dám chắc là họ “ngu” hay không nhưng quả là có “tham” thật, và tham lắm. Trong khi Tổng Thống Phi Luật Tân đặt ưu tiên hàng đầu cho những chính sách không khoan nhượng, và bất khả thương lượng (non negotiable policy) trong về việc bảo vệ môi sinh thì những kẻ cầm đầu chính phủ ở Việt Nam chỉ bận tâm đến (mỗi) chuyện kim ngân:

    Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Ngân hàng Nhà nước sớm có chủ trương huy động nguồn lực trong dân, cụ thể là đôla Mỹ.”
    Bộ Trưởng Công An Tô Lâm :“Tiền nhàn rỗi trong dân rất lớn.”
    Chủ Nhiệm Văn Phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng: “Nguồn đô la Mỹ trong dân rất lớn.”
    Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước Lê Minh Hưng: “Đã có giải pháp huy động vàng, USD trong dân.”

Tất cả đều hối hả, vội vã, và nhấp nhổm như những kẻ đang trên một con tầu vét (tốc hành) nên đâu có kẻ nào nào có bận tâm đến những thảm họa môi sinh đang xẩy ra ở Việt Nam. Dân tộc này phải lo tự cứu mình thôi, cũng y như những đứa bé thơ ở trường tiểu học Bình Mỹ (huyện Cần Giờ) vậy. Đừng trông mong chi vào cái bọn cướp cạn này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét