Đoàn thanh niên dọn xác cá trên bờ biển Quảng Bình tháng 4 năm 2016. RFA photo
Formosa Hà Tĩnh xả thải ra biển gây hàng loạt cái chết về
môi trường và cả bốn tỉnh Bắc miền Trung Việt Nam đều rơi vào khủng hoảng vì biển
nhiễm độc. Cho đến thời điểm hiện tại, Formosa Hà Tĩnh vẫn tiếp tục mở rộng hoạt
động và biển vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, đời sống người dân khó khăn. Nhà nước
tuyên bố đã chi trả 95% tiền đền bù cho dân. Về phía người dân, sự bất bình
ngày càng gia tăng bởi tiền đền bù bất minh và có dấu hiệu biển thủ, cửa quyền.
Người bị thiệt hại vẫn đói khổ, kẻ ngồi không nhận tiền
Một cư dân Hà Tĩnh, tên Phú, chia sẻ: “Nó chơi trò bịp dân vậy
đấy. Nó cho kê khai 100 người thì nó đền bù khoảng 60 người thôi. Như ban đầu
kê khai thì nó kê khai cả kể từ 15 đến 19 tuổi. Nhưng sau này không còn một ai
trong độ tuổi này nhận được tiền bồi thường. Dân ban đầu đi kê khai thì ghi
danh sách từ 15 tuổi trở lên nhưng khi đền bù, 10 người chỉ nhận được 5 người,
6 người. Có nhà nó chỉ trả 2 người, may lắm 1 người vì có nhà không được đồng
nào. Thế thì đền bù đâu, đấy là tiền Formosa đền bù cho dân chứ phải tiền các
anh đâu mà các anh làm như vậy. Các anh bóp cổ dân chứ, các anh đã thấy dân
chúng tôi chết chưa, chết hơn 1 năm rồi. Đâu phải tiền các anh đâu mà các anh
làm vậy, nào là kinh tế, nghề nghiệp, sức khỏe, môi trường, tương lai... Các
anh phải đền cho chúng tôi từ A đến Z, vậy mà các hành xử như vậy. Cho nên là một
chế độ đen tối, thối nát.”
Ông Phú cho biết thêm là vấn đề đền bù cho những gia đình bị
thiệt hại có quá nhiều điều khuất tất. Từ việc khai mang hộ khẩu của một số gia
đình không hề liên quan đến đánh bắt, nuôi trồng thủy sản cho đến những gia
đình nuôi tôm nước ngọt, ở tít tận trên núi, có quan hệ bà con với cán bộ đã
thông đồng khai thiệt hại và số tiền đền bù các gia đình này nhận được lên đến
cả tỉ đồng. Trong khi đó, những gia đình nuôi tôm, nước mặn, nước lợ và người
làm nghề đánh bắt lại không nhận được đền bù hoặc chỉ nhận được số tiền ít ỏi,
nhà nào nhận được nhiều lắm cũng chỉ vài chục triệu đồng.
Như gia đình ông là một ví dụ, có hai người đi đánh bắt gần
bờ, một chiếc tàu cá hạng trung và có ba người đi buôn bán, nuôi trồng thủy sản.
Nhưng ông không hề biết số tiền đền bù là gì, ông chỉ nhận được gạo hỗ trợ của
chính phủ, sau đó có nhận được bảy chục triệu đồng nhưng số tiền nhận về chưa đầy
ba ngày thì công an xã đến yêu cầu ông nộp bớt 50% trở lại cho xã mà không nói
lý do và cũng không có bất kì biên bản thu hồi hay giấy chứng nhận gì. Ông thắc
mắc và yêu cầu có văn bản thì bên phía xã nói gia đình ông không thuộc tiêu chuẩn
nhận 70 triệu đồng, đã phát nhầm nên yêu cầu ông phải trả lại.
Sau khi trả lại tiền vì không muốn mình phải cầm nhầm tiền của
người khác, ông Phú theo dõi, tìm hiểu thì biết được tiêu chuẩn nhận của gia
đình ông không chỉ là 70 triệu, số tiền lớn hơn rất nhiều nhưng cấp chính quyền
địa phương đã chấm mút, gặm nhỏ bằng mọi cách. Để cuối cùng, những người bị thiệt
hại thì nhận số tiền chẳng đủ để mua gạo, kẻ không hề hấn gì, không liên quan
thì nhận được số tiền đền bù cao ngất.
Qua câu chuyện này, ông Phú đưa ra kết luận rằng mọi thiệt hại
từ môi trường, tài nguyên cho đến con người đều là cơ hội gặm nhấm, cào cấu tốt
nhất của chính quyền địa phương, họ ăn không từ một thứ gì và họ ăn trên cả nước
mắt, cái chết của đồng bào. Ông nói rằng những kẻ đầu tiên nhận được lợi lộc từ
Formosa là chính quyền địa phương, sau đó họ xả độc, tạo thêm một cơ hội mới để
béo tốt cho giới quan chức địa phương thông qua tiền đền bù. Và người chịu thiệt
hại đầu tiên, nhận thiệt hại cuối cùng bao giờ cũng là người dân thấp cổ bé miệng,
chẳng biết tìm đâu ra lẽ phải, công lý hay sự tử tế từ giới quan chức. Họ ăn được
là ăn, bất chấp mọi thứ để ăn.
Số tiền đền bù đã được dùng làm gì?
Người dân phơi khoai sắn làm lương thực khi thiếu gạo. RFA
photo
Chị Thảo, cư dân tỉnh Quảng Bình, người chịu thiệt hại trực
tiếp vụ Formosa xả độc, chia sẻ: “Vấn đề là biển phải sạch để nhà em sinh kế chứ
đền bù thì ăn được mấy bữa. Vì nếu em mang đổi gạo thì ăn có đủ một năm đâu. Vậy
mà khi lên nhận tiền đền bù họ làm khó làm khăn, làm như kiểu mình đi xin, nó
thích cho ai hay phát ai trước là quyền của nó, nó bảo là theo chỉ thị này nọ.
Vậy mà ban đầu em nghĩ là thôi thì chính phủ, nhà nước đã quyết, mình dân mình
phải nghe thôi, nhận tiền đền bù về để thay đổi ngành nghề. Nhưng khi đền bù
thì nhỏ giọt thì làm được gì, lần này nhận không đủ mua gạo, lần khác không đủ
mua gạo gì khác, vậy thì làm sao để chuyển đổi ngành nghề. Như con em giờ có đứa
trốn qua Lào làm thuê, cũng phải vay mượn mà đi chứ có nhà nước nào giúp...”
Chị Thảo chia sẻ thêm là hiện nay, số tiền của gia đình chị
nhận được, gọi là đền bù gì đó cũng chỉ loay hoay trong vài chục triệu đồng, cộng
tất cả mọi người trong gia đình vẫn chưa tới 100 triệu đồng. Nhưng con số mà
chính quyền xã, chính quyền huyện báo cáo lên cấp trên không phải vậy, có gia
đình lên tới vài tỉ đồng và trung bình mỗi gia đình ba trăm triệu đồng. Chị nói
rằng nếu như nhận đúng số tiền ở hạng trung bình này thì gia đình chị sẽ làm được
rất nhiều việc. Nhưng đó chỉ là bánh vẽ, con số thực nhận không là bao nhiêu,
chưa nói đến cảnh đi nhận tiền đền bù thiệt hại mà bị đối xử chẳng khác nào kẻ
ăn xin, hách dịch, cửa quyền và vô văn hóa là thói thường của những kẻ gọi là đại
diện nhà nước phát tiền đền bù cho dân.
Chị Thảo nói rằng sau khi nghe nhà nước công bố đã trả cho
nhân dân 95% tiền đền bù thì chị chỉ còn biết chưng hửng, chẳng thể nói gì
thêm. Bởi nếu thực sự nhà nước, chính quyền địa phương đã chia đúng số tiền ấy
cho dân và còn 5% nữa chưa chia thì không còn gì để bàn. Ở đây phải nói là chia
bởi tiền đền bù thiệt hại, dân sẽ chia theo đúng người, đúng sự việc, nhà nước
chỉ có quyền làm trọng tài phân phát thôi. Cái không còn gì để bàn nằm ở chỗ nếu
chia trung thực thì nhà nước quá kém bởi không định lượng được mức độ thiệt hại
cũng như đời sống khó khăn của nhân dân sau khi bị thiệt hại, đã bị Formosa Hà
Tĩnh qua mặt dễ dàng.
Trường hợp ngược lại thì vấn đề trở nên xấu hơn bởi nhà nước
không tử tế, đã bất minh, lợi dụng thiệt hại, lợi dụng nỗi đau của nhân dân mà
chấm mút, vơ vét, quơ quào. Như vậy, nếu chính quyền trung ương muốn cho nhân
dân tin tưởng thêm một lần nữa thì phải tổ chức thanh tra, điều tra một cách
nghiêm túc để trả sự công bằng cho người dân.
Bởi người dân vùng biển chết Bắc miền Trung như Hà Tĩnh, Quảng
Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đã quá khó khăn, giờ còn thêm cảnh đói khổ, tứ
tán phiêu bạt làm thuê làm mướn kiếm cơm, trẻ em đối diện nguy cơ thất học, người
lớn thất nghiệp… Lẽ ra nhà nước nên quan tâm nhiều hơn và có một chính sách đền
bù thỏa đáng, khoa học và nhân bản một chút để cứu chuộc niềm tin của nhân dân!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét