Quỳnh Vi
Kể từ 1/1/2017, theo một đạo luật mới, Bộ Công an Trung Quốc
thay thế Bộ Nội vụ quản lý các tổ chức phi chính phủ (NGO) nước ngoài hoạt động
ở đại lục. Giới NGO nước ngoài ở đây cũng đang hoang mang trước rất nhiều quy định
thắt cổ xã hội dân sự.
Ảnh: The Economist
Theo đạo luật mới này, các đơn vị cấp tỉnh của Bộ Công an
Trung Quốc sẽ có thẩm quyền cấp phép hoạt động và quản lý trực tiếp các NGO
này. Tuy nhiên, một số chi tiết chưa rõ ràng về những quy định liên quan đến thủ
tục thành lập và đăng ký của đạo luật mới đã gây ra không ít hoang mang cho các
NGO.
NGO nước ngoài phải
được một NGO trong nước bảo trợ
Không rõ ràng và có vẻ tùy tiện trong việc áp dụng là một số
ý kiến chung của những người làm việc trong các tổ chức NGO đối với đạo luật quản
lý mới.
Ngay cả một số cán bộ nhà nước có trách nhiệm trong việc quản
lý các NGO nước ngoài cũng không thể giúp giải thích các quy định một cách cụ
thể và họ cũng không hoàn toàn hiểu rõ vai trò của mình bao gồm những gì.
Trả lời phỏng vấn báo Hong Kong Free Press, bà Sophie
Richardson, Giám đốc điều hành của tổ chức Human Rights Watch (HRW) khu vực
Trung Hoa lục địa cho biết, đây không chỉ là vấn đề riêng của một số tổ chức
làm những công việc mang tính chất nhạy cảm về quyền con người như HRW. Ngay cả
những tổ chức quốc tế chuyên làm về các vấn đề an sinh xã hội khác, đã có trụ sở
đặt tại Trung Quốc từ nhiều năm qua hiện vẫn đau đầu với việc làm thế nào để chấp
hành các quy định mới.
Trong cùng bài phỏng vấn, giáo sư Shawn Shieh, một chuyên
gia về Xã hội Dân sự Trung Quốc sống tại Hong Kong, nêu lên hai vấn đề cụ thể về
luật quản lý NGO nước ngoài khiến cho việc tuân thủ quy định trở nên khó khăn.
Thứ nhất, luật mới bắt buộc mỗi tổ chức NGO nước ngoài phải
được một tổ chức nội địa làm việc trong cùng một lĩnh vực (ví dụ quyền trẻ em)
bảo trợ. Nhưng phải đến khoảng hai tuần trước khi đạo luật chính thức có hiệu lực
thì danh sách các tổ chức Trung Quốc được phép bảo trợ các tổ chức nước ngoài mới
được chính quyền Bắc Kinh công bố. Điều này đã khiến cho các NGO cảm thấy khá
mù mờ trong việc tìm kiếm tổ chức bảo trợ.
Cũng vì chỉ có một số tổ chức nội địa được cho phép trở
thành tổ chức bảo trợ, việc thiết lập một mối quan hệ tốt đẹp với những tổ chức
này là điều kiện sống còn cho các hoạt động của một NGO nước ngoài. Đây không
phải là một việc họ có thể thực hiện một cách dễ dàng.
Thứ hai, luật cho phép các NGO nước ngoài có thể đăng ký một
giấy phép tạm thời cho một số công việc và dự án ngắn hạn (temporary license)
thay vì phải đăng ký và tìm kiếm tổ chức bảo trợ. Tuy nhiên, luật lại không quy
định rõ những hoạt động nào thì có thể được gọi là tạm thời. Liệu đến Bắc Kinh
tham gia một buổi hội thảo thì có thể xem là hoạt động tạm thời tại Trung Quốc
hay không?
Vì “ổn định chính trị”
Nhận định chung của các chuyên gia làm việc trong lĩnh vực
NGO quốc tế là đạo luật mới nằm trong chiến lược thắt chặt kiểm soát của chính
quyền Xi Jinping (Tập Cận Bình) đối với các tổ chức xã hội dân sự nước ngoài tại
Trung Quốc dưới chiêu bài ổn định xã hội và chính trị.
Những NGO nước ngoài như Oxfam sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu
muốn tiếp tục hoạt động ở Trung Quốc. Ảnh: Oxfam
Luật quản lý NGO nước ngoài ghi rõ, các tổ chức nước ngoài
không được hoạt động với mục đích chia rẽ khối đại đoàn kết của các dân tộc
Trung Hoa và không được gây ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định của đất nước.
Theo đó, các tổ chức của Hong Kong, Macau và Taiwan (Đài Loan) đều được quy định
là “tổ chức nước ngoài”.
Hơn nữa, luật quản lý mới không chỉ kiểm soát các tổ chức
phi chính phủ theo định nghĩa thông thường của đa số người dân, là những tổ chức
hoạt động về nhân đạo, các quyền dân sự và chính trị hay các lĩnh vực về an
sinh xã hội. Quyền kiểm soát của chính phủ – mà đúng hơn là của Bộ Công an
Trung Quốc – còn vươn đến các hội đoàn của những doanh nhân, các tổ chức thương
mại, và ngay cả những nhóm nghiên cứu về kinh tế và giáo dục.
Trung Quốc không phải là nước duy nhất hay đầu tiên có nhu cầu
tăng cường quản lý NGO nước ngoài trong những năm gần đây. Từ năm 2012, Nga đã
bắt đầu thắt chặt việc đăng ký và quản lý các tổ chức NGO nhận tiền tài trợ từ
nước ngoài. Những tổ chức này bị buộc phải đăng ký với Bộ Tư pháp Nga và nằm
trong danh sách các “đặc vụ nước ngoài” (foreign agents).
Năm 2015, Quốc hội Cambodia thông qua luật về hội (Law on
Associations and Non-Governmental Organizations [LANGO]) bất chấp làn sóng phản
đối từ các tổ chức xã hội dân sự vì sự khắt khe trong quy định đăng ký dành cho
các NGO. Theo đó, luật này bắt buộc tất cả các hội đoàn phải đăng ký với Bộ Nội
vụ và không được phép có những hoạt động chính trị “nhạy cảm” nếu không muốn bị
rút giấy phép.
Tại Việt Nam, dự thảo mới nhất cho luật về hội cũng đã gặp sự
phản đối tương tự từ khối xã hội Dân sự vào tháng 10 năm 2016. Đã có những ý kiến
cho rằng luật về hội thực chất là luật xiết chặt quyền tự do lập hội cũng như
là bản sao của luật về NGO của Trung Quốc. Quy định cấm nhận tiền tài trợ nước
ngoài trong dự thảo luật về hội ngoài việc vi hiến, còn có thể được xem như rất
giống cách thức mà chính quyền Putin sử dụng để quản lý NGO ở Nga.
Trở lại Trung Quốc, bên cạnh những ý kiến quan ngại về luật
quản lý mới cũng có một số ý kiến cho rằng đây không phải là lúc các NGO cho
phép mình hoang mang và hoảng loạn, mà họ cần phải tập trung nghiên cứu các
khía cạnh pháp lý của đạo luật mới. Và đó có thể là một cơ hội cho các NGO sử dụng
chính những đạo luật của một nhà nước dụng pháp trị (rule by law) để thúc đẩy
và cải cách nó trở thành một nhà nước pháp trị (rule of law) thực thụ.
Nguồn: http://luatkhoa.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét