Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

2016: Vì sao bội chi ngân sách ‘vẫn ổn định’?

Lê Dung

                                  Ảnh: baothamnhung

Chẳng khác mấy quốc nạn tham nhũng mà ông Huỳnh Phong Tranh thời còn là Tổng thanh tra chính phủ đã bật ra một thành ngữ để đời “tham nhũng vẫn ổn định”, quốc nạn bội chi ngân sách cũng chỉ tiến không lùi.
Giữa tháng 12 năm 2016, Tổng cục Thống kê công bố: ngân sách nhà nước bội chi hơn 192 nghìn tỷ đồng.
Con số bội chi trên, tuy vẫn thấp hơn mức cho phép trong nghị quyết đầu năm 2016 của Quốc hội, nhưng đã trở nên quá bất tương xứng trong bối cảnh một số khoản thu còn xa mới đạt chỉ tiêu như thu từ dầu thô đạt 37.7 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 69.2% kế hoạch.
Vậy bội chi vào “túi” nào?
Đáng chú ý là mục chi phát triển sự nghiệp kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính là 786 nghìn tỷ đồng, đạt đến 95.4% kế hoạch. Có thể hiểu là làm gì thì làm, nguồn thu ra sao không biết, nhưng phần chi lương cho đội ngũ bị phản ánh có đến 30% công chức không làm gì cả vẫn phải giữ nguyên.
Đất nước cũng bởi thế nghèo đi là phải!
Dân tình cũng bởi thế ngày càng nheo nhóc cùng đôi vai quằn trĩu do sưu cao thuế nặng cho một chế độ đã xa đến mức khó còn đường quay lùi!
Tất cả đều rất “biện chứng lịch sử”.
Vào năm 2013, tỷ lệ bội chi ngân sách đã lên đến mức kỷ lục: 6.3% GDP.
Còn vào năm 2015, một “tin vui” đã xảy đến với bộ mặt chính trị quốc gia: Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước năm đó “chỉ có” 6.1%/GDP, chỉ thấp hơn đôi chút mức bội chi ngân sách 6.3%/GDP của năm 2013.
Ngay vào đầu năm 2016, con số xin ngân sách mà các địa phương trình lên trung ương vượt gấp 20 lần khả năng chi của ngân sách trung ương. Trong khi đó, rất nhiều dự án kinh tế và xã hội đang bị đình đốn vì không biết lấy đâu ra tiền. Nợ công tăng vọt với mức 20%/năm và trong thực tế đã bằng cả GDP nguyên năm.
Vào cuối năm 2015, dư luận xã hội Việt Nam đã nóng bừng với hiện tượng hàng loạt trụ sở hành chính có giá trị lên đến 3,000 – 10,000 tỷ đồng ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Hải Phòng… Trong số đó, có cả những địa phương phải thường xuyên xin gạo cứu đói cho dân như Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, nhưng không nương tay khi rút rỉa tiền ngân sách xây trụ sở hành chính.
Một số chuyên gia đã tính toán rằng với cái đà thu thuế ngày càng ghê gớm nhưng chi vẫn không giảm, ngân sách chế độ chỉ chịu được tối đa 2 năm nữa.
Tức đến năm 2018. Còn sau đó thì thế nào? Sau đó, cận cảnh đang lờ mờ hiện ra là ngân sách Việt Nam sẽ bị vỡ nợ hệt như Argentina hai lần vào năm 2001 và 2014.
Khi đó, lấy đâu ra nguồn tài lực nào để cứu vãn “sự tồn vong của chế độ”?

Lê Dung / SBTN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét