Phó trưởng ban Tuyên
giáo Vũ Ngọc Hoàng như hầu hết mọi cán bộ đã về hưu khác, mới bắt đầu tự diễn
biến. Nhưng chỉ nói lý thuyết cho vui còn quyền lực vô biên của đảng CSVN cần
kiểm soát như thế nào thì không nghe đá động đến….
Bài đọc chỉ để tham khảo: Quyền lực nhất thiết phải được kiểm soát
Tiến sỹ Vũ Ngọc Hoàng
Tiến sỹ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng Khóa
X, XI, nguyên Phó Trưởg ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Ủy
viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, công bố nhiều
bài viết rất đáng được chú ý. Trước Đại hội XII, ông là người ủng hộ rất đắc lực
cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nếu xét theo những định nghĩa của Nghị quyết
trung ương 4, khoá XII, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký và ban hành ngày
30/10/2016, thì ông Hoàng có các biểu hiện « tự diễn biến », « tự chuyển hoá ».
ĐCV giới thiệu bài mới nhất của ông vừa đăng trên Tạp chí Cộng sản số ra ngày
28/12/2016 để bạn đọc tham khảo.
Đảng Cộng sản Việt
Nam nhận thức và khẳng định trong các nghị quyết rằng, quyền lực nhà nước thuộc
về nhân dân. Việc kiểm soát quyền lực vừa là giá trị nhân văn của một xã hội tiến
bộ, phòng, chống sự tha hóa của quyền lực nhà nước và xã hội, vừa là để thực hiện
mục tiêu xã hội chủ nghĩa chân chính, để có được một nhà nước bền vững, lâu
dài, phục vụ nhân dân.
Quyền lực như “con ngựa” bất kham, ai không đủ nhân cách mà
được giao cầm cương thì nó sẽ phá tung, gây đổ ngã và làm chết cả những người
ngồi trên yên ngựa. Quyền lực là “con dao” hai lưỡi, có thể phục vụ cho đời và
cũng có thể làm hại đất nước nếu rơi vào tay những kẻ bất tài, tham lam. Năm
2011, Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề cập, dù là mới thoáng qua, việc
kiểm soát quyền lực. Rất tiếc là chủ trương đó chưa được triển khai thực hiện cụ
thể. Trước và trong Đại hội XII, Tổng Bí thư của Đảng ít nhất đã hai lần nhấn mạnh
phải kiểm soát quyền lực.
Câu hỏi trước tiên cần phải nói thêm là vì sao phải kiểm
soát quyền lực? Nếu không kiểm soát quyền lực thì sẽ thế nào?
Quyền lực nhà nước vốn là của nhân dân, khởi đầu là thế, và
mãi mãi cũng là thế; nó không phải của thần linh, không phải của bất kỳ cá nhân
ai, của một gia đình trị hoặc một tộc họ nào; cũng không phải của bất kỳ một tổ
chức nào khác. Từ lâu, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức được và đã nhiều lần
khẳng định trong các nghị quyết rằng quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân
dân không trực tiếp nắm giữ tất cả, mà chỉ nắm giữ một số vấn đề then chốt (sẽ
nói sau), còn lại là ủy quyền cho nhà nước quản lý và sử dụng quyền lực để bảo
vệ và phục vụ nhân dân, kiến tạo một quốc gia phát triển.
Tuy nhiên, trong lịch sử đã từng có không ít trường hợp những
người (hoặc nhóm người) bằng các thủ đoạn chính trị đã cướp đoạt quyền lực của
nhân dân, biến nhân dân thành đối tượng bị cai trị; nhân dân sau khi ủy quyền
thì mất quyền, còn người được ủy quyền thì dần dần bị quyền lực làm tha hóa, họ
sử dụng quyền lực không phải để bảo vệ và phục vụ nhân dân như mục đích ban đầu,
mà vì lợi ích của cá nhân, gia đình, dòng họ, của một nhóm người, họ quay lại ức
hiếp nhân dân, biến nhân dân từ chủ nhân của quyền lực thành đối tượng bị chèn
ép, bị ức hiếp, bị tước đoạt.
Ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào, quyền lực cũng luôn có hai mặt.
Mặt tích cực, nó là công cụ hữu hiệu bậc nhất để tập hợp lực lượng xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc, xây dựng một xã hội tốt đẹp, nếu như quyền lực ấy được trao cho
những con người có nhân cách tốt. Mặt tiêu cực, nó luôn làm tha hóa những con
người và bộ máy sử dụng quyền lực nhưng lại yếu kém về nhân cách và không có cơ
chế tốt để kiểm soát quyền lực. Sự tha hóa như vậy có từ trong bản chất tự
nhiên của con người và quyền lực. Có những người lúc đầu (khi chưa có quyền lực)
thì tốt, nhưng khi đã có quyền lực trong tay thì dần dần trở nên hư hỏng, thành
người xấu; thậm chí đến mức có thể phản bội nhân dân, bán rẻ Tổ quốc vì lợi ích
thấp hèn của cá nhân. Cá biệt có những người thay đổi bản chất rất nhanh, chỉ
sau một lần bỏ phiếu, họ gần như trở thành một người khác hẳn, từ dáng đi, cách
nói, cách bắt tay,… đều tỏ ra vẻ “oai vệ” hơn, “bề trên” hơn. Khi người ta đến
được đỉnh cao của “chiến thắng” trong quyền lực thì đấy là lúc người ta bắt đầu
thua, mà trước tiên là thua chính mình. Trên đỉnh cao của quyền lực ít ai nhìn
thấy tai họa ẩn chứa vốn có từ bên trong quyền lực ấy, nếu không phải là người
lãnh đạo có nhân cách lớn, minh triết uyên thâm, có khả năng vượt qua chính
mình và ma lực cám dỗ của quyền lực, để tịnh tâm nhìn xa trông rộng. Khi đã có
trong tay tất cả thì đấy cũng là lúc tự mình bắt đầu đánh mất dần chính bản
thân, tốt đẹp chân chính trước đó.
Việc kiểm soát quyền lực trước tiên là để bảo đảm cho quyền
lực luôn thuộc về đúng chủ nhân của nó, tức là thuộc về nhân dân, được sử dụng
đúng mục đích, không bị lợi dụng, lạm quyền. Khi quyền lực bị lạm dụng thì tất
yếu sẽ làm tha hóa bộ máy cầm quyền, và cũng là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn
đến tha hóa đạo đức xã hội. Sự tha hóa quyền lực tất yếu sẽ dẫn đến sụp đổ chế độ
chính trị. Nếu sự tha hóa ấy không dừng lại và quyền lực không được lành mạnh
hóa thì sụp đổ là không thể tránh khỏi. Sự sụp đổ ấy chính là tự đổ, nếu có yếu
tố bên ngoài cũng chỉ là sự hà hơi tiếp sức mà thôi.
Đặc điểm chính trị quan trọng của xã hội xã hội chủ nghĩa
(XHCN) chân chính là quyền lực thật sự và luôn luôn thuộc về nhân dân. Chỉ khi ấy
mới có một nền chính trị thật sự tốt đẹp và bền vững. Thực tế lịch sử nhân loại
đã cho thấy: nhà nước của chủ nô, của vua chúa và các tập đoàn phong kiến, nhà
nước của mô hình tập trung quyền lực vào một nhóm người bị tha hóa, biến chất,
xa rời bản chất cách mạng, xa rời nhân dân và nhà nước của tài phiệt (tư bản
hoang dã thời kỳ đầu) cuối cùng đều phải ngã đổ và kết thúc. Chỉ có nhà nước thật
sự của nhân dân thì mới bền vững lâu dài, vì “dân là vạn đại”. Vì vậy, việc kiểm
soát quyền lực vừa là giá trị nhân văn của một xã hội tiến bộ, phòng, chống sự
tha hóa của nhà nước và xã hội, vừa là để thực hiện mục tiêu XHCN chân chính, để
có được một nhà nước bền vững lâu dài phục vụ nhân dân.
Khi quyền lực không được kiểm soát thì mặt trái của nó chính
là tác nhân quan trọng nhất làm tha hóa cán bộ, tha hóa những con người được
trao quyền lực, rồi tha hóa cả bộ máy, làm cho bộ máy bị biến chất, không còn
là nhà nước của nhân dân, mà dần dần thành nhà nước đi ngược lại lợi ích nhân
dân. Trong bất kỳ điều kiện nào, sự tha hóa quyền lực ở cán bộ và các cơ quan đều
là nguyên nhân lớn nhất làm cho đạo đức xã hội xuống cấp, văn hóa suy đồi, dân
tộc bị mất dần sức mạnh nội sinh, xã hội trì trệ và quốc gia không thể hưng thịnh,
không có đủ sức mạnh để bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu XHCN tốt đẹp mà nhiều người đã
từng mong ước cũng trở nên xa vời.
Lịch sử nước ta đã từng có nhiều lần do tha hóa quyền lực mà
dẫn đến mất nước. Hầu hết các triều đại phong kiến Việt Nam đã từng bị sụp đổ
vì tha hóa quyền lực. Triều đại sau được dân chúng ủng hộ lên thay, rồi cũng
tha hóa tương tự, lặp lại như cũ. Ngay cả những triều đại đã một thời rất huy
hoàng, có công lao to lớn bậc nhất với lịch sử dân tộc nhưng sau đó cũng tha
hóa và sụp đổ (như nhà Lý, nhà Trần, Hậu Lê và Tây Sơn chẳng hạn).
Nhiều năm qua lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã rất nhiều lần
đề ra chủ trương và kêu gọi phải chống tham nhũng, chống “lợi ích nhóm” tiêu cực,
tập trung nhiều công sức để giải quyết công việc khó khăn và phức tạp này,
nhưng kết quả vẫn còn rất hạn chế, tình trạng tham nhũng, “lợi ích nhóm” đang
còn khá phổ biến và diễn biến phức tạp, gây nhức nhối, bất bình trong xã hội.
Nó cứ lan rộng dần vào tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, của công việc
quản lý và quản trị quốc gia, vào ngay trong các lĩnh vực mà trước nay thường
được cho là trong sạch, thiêng liêng (như lĩnh vực dạy người, cứu người, an
ninh quốc gia, nắm cán cân công lý để bảo vệ sự nghiêm minh, kể cả cơ quan ở cấp
cao, cả lĩnh vực làm từ thiện, nhân đạo, chính sách “đền ơn đáp nghĩa”,…). Điều
đó có nguyên nhân trực tiếp quan trọng nhất là quyền lực về cơ bản chưa được kiểm
soát có hiệu quả, từ đó dẫn đến tình trạng tha hóa trong một bộ phận cán bộ và
các tổ chức trong bộ máy lãnh đạo quản lý.
Câu hỏi tiếp theo là quyền lực cần được kiểm soát như thế
nào, bằng cách nào?
Trước tiên phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm quyền lực tối
cao thuộc về nhân dân. Lời ấy không phải là hô khẩu hiệu, mà phải được thấm sâu
trong hệ thống chính trị và trong cộng đồng nhân dân. Mọi người phải ý thức rõ
ràng và đầy đủ về quan điểm ấy, thường xuyên thể hiện bằng hành động thực tế.
Tiếp theo, quyền lực phải được kiểm soát bằng chính quyền lực nhà nước, quy định
trong Hiến pháp và các luật liên quan về cơ cấu và chức năng, nhiệm vụ của bộ
máy nhà nước, trong đó có sự phân công, phối hợp thực thi quyền lực nhà nước,
kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập
pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở quyền lực nhà nước là thống nhất, nhằm hạn
chế sai lầm hoặc khi có sai lầm thì được phát hiện và điều chỉnh, khắc phục sớm
nhất.
Nói chung, các nhà nước phong kiến chưa giải quyết được việc
kiểm soát quyền lực, mặc dù có lúc đã có một số quy định tiến bộ, manh nha của
kiểm soát quyền lực. Luật lệ của triều đình có những quy định cấm các quan
không được làm. Một số triều đại đã từng có các quan ngự sử ghi chép trung thực,
khách quan mọi việc liên quan đến các quyết định và ứng xử của nhà vua, của triều
đình để lịch sử đánh giá, phán xét công, tội. Vua cũng không được kiểm duyệt
các ghi chép này. Có các gián quan để can gián vua không làm việc sai; có trống
để thần dân kêu oan; có quan tòa liêm chính để phán xử đúng, sai… Tuy nhiên, vấn
đề kiểm soát quyền lực về cơ bản vẫn chưa được giải quyết. Nguyên nhân là do
quyền lực tập trung vào tay vua và hoàng tộc, vua bảo chết thì phải chết, ý vua
là ý trời, ý vua là pháp luật, còn nhân dân chỉ là đối tượng bị cai trị, không
có quyền tự do, kể cả quyền sống, trái ý vua thì tùy theo mức độ và sự nóng giận
của vua mà bị trị tội, kể cả tru di tam tộc. Thời kỳ đầu của chế độ tư bản cũng
vậy, quyền lực tập trung vào tay những người giàu có và cũng không được kiểm
soát. Khi chế độ tư bản phát triển đến một mức độ nhất định, đã có những bước
tiến quan trọng về dân chủ xã hội, cộng với sự phát triển của các hệ tư tưởng,
nhất là lĩnh vực triết học, làm thay đổi nhận thức và tư duy chính trị, thì quyền
lực mới được kiểm soát đáng kể, và ngày nay vẫn đang phải tiếp tục hoàn thiện.
Phương pháp tiếp cận của nước ta lâu nay đối với vấn đề này
chưa phải đã tốt, quyền lực nhìn chung chưa được kiểm soát chặt chẽ, thậm chí
không ít trường hợp hầu như ít bị kiểm soát, và trên thực tế, việc lạm dụng quyền
lực diễn ra ở nhiều nơi, nhiều cấp. Chính nó đã tạo nên sự tha hóa đến độ rất
phức tạp. Chúng ta không tiếp thu theo kiểu bê nguyên, rập khuôn máy móc mô
hình “Tam quyền phân lập” của các nước phương Tây, vì mỗi quốc gia có đặc điểm
văn hóa và ở giai đoạn phát triển khác nhau, nhưng riêng về vấn đề kiểm soát
quyền lực trong đó thì rất nên nghiên cứu một cách thật nghiêm túc để kế thừa
“hạt nhân hợp lý”. Đồng thời với việc phân công, phối hợp, kiểm soát một cách
khoa học giữa ba nhánh nói trên, còn có sự phân công và kiểm soát lẫn nhau giữa
các bộ phận ngay trong cùng một nhánh, nhất là hành pháp và tư pháp.
Tiếp theo, kiểm soát quyền lực thông qua việc thực thi rộng
rãi quyền dân chủ; kể cả hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện và dân
chủ tham dự; thông qua chế độ tranh cử, đề bạt và miễn nhiệm cán bộ; minh bạch
thông tin và trách nhiệm giải trình của các tổ chức và cá nhân được giao quyền
lực; sự giám sát của công luận, của nhân dân; tự do tư tưởng và tự do ngôn luận
để thể hiện chính kiến của những con người tham gia làm chủ đất nước. Trong đó,
cần phát huy tốt vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội –
nghề nghiệp và các phong trào lành mạnh, hợp pháp, do nhân dân tự giác và tự
nguyện lập ra nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, tham gia xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc, xây dựng xã hội. Nó là phương thức rất quan trọng để thực thi
quyền dân chủ của nhân dân; nó đã từng tồn tại và đang tồn tại trong xã hội Việt
Nam truyền thống trước đây và trong xã hội Việt Nam hiện tại, tất nhiên là chưa
hoàn chỉnh, chưa hiện đại.
Nhân dân có quyền chất vấn, yêu cầu cơ quan nhà nước phải giải
trình; có quyền phản đối những việc làm sai trái; có quyền yêu cầu cán bộ không
đủ tư cách phải từ chức hoặc bị cách chức… Các cơ quan nhà nước phải có trách
nhiệm lắng nghe, điều tra xác minh, tiếp thu, trả lời, giải trình, không được
ngăn cản, cấm đoán nhân dân thể hiện chính kiến một cách ôn hòa. Khuyến khích
công luận lên tiếng phê phán, phản đối những việc sai trái để tăng sức đề kháng
của cơ thể xã hội. Ở đâu và khi nào mà công luận bị hạn chế, ngăn cản thì ở đó
và lúc ấy cơ thể xã hội đang giảm sức đề kháng.
Trong một xã hội tiến bộ, việc minh bạch thông tin có vị trí
rất quan trọng, mọi người dân đều có quyền tiếp cận thông tin, không ai được
bưng bít thông tin, giống như “ánh sáng ban ngày” thay cho “đêm tối”, để cái xấu,
cái ác không còn nơi ẩn nấp, phải lộ rõ nguyên hình. Lâu nay ở Việt Nam ta còn
rất nhiều việc chưa được minh bạch, kể cả việc nhỏ và việc lớn, kể cả những chủ
trương, quyết định và những vụ, việc tiêu cực, tham nhũng, sai lầm. Chính sự
chưa minh bạch này đã làm cho nhân dân nghi ngờ, giảm sút lòng tin. Nghi ngờ
dung túng, bao che, cùng “lợi ích nhóm”. Nhiều việc được cho là “nhạy cảm” để lấy
cớ đó mà không minh bạch thông tin. Chính việc không minh bạch ấy đã làm hạn chế
hiệu quả của cuộc chiến chống tham nhũng và “lợi ích nhóm”, nếu như không muốn
nói rằng nó cản trở các công việc ấy. Một nhà nước của nhân dân, cớ sao không
báo cáo đầy đủ cho nhân dân biết? Nếu lãnh đạo không có ai dính dáng gì tiêu cực
trong đó thì tại sao lại sợ minh bạch? Muốn minh bạch thông tin thì lãnh đạo Đảng
và Nhà nước phải mở rộng hành lang hơn nữa cho tự do ngôn luận và báo chí, còn
bản thân báo chí cũng phải dũng cảm, bản lĩnh và nâng cao đạo đức nghề nghiệp,
nhà báo dám dấn thân cho lẽ phải và không để bị mua chuộc. Cũng có ý kiến lo ngại
rằng, khi minh bạch thông tin về các vụ, việc thì nhân dân sẽ mất lòng tin hơn
nữa. Không phải như vậy! Không minh bạch mới làm mất lòng tin. Ai cũng có quyền
nghi ngờ cả. Và người lãnh đạo tốt cũng mang tiếng lây. Không dám minh bạch vì
sợ mất lòng tin thì đó là thứ lòng tin bị đánh lừa, lòng tin nhầm lẫn.
Văn học nghệ thuật cũng cần phải tích cực tham gia “trừ
gian” để góp phần “tải đạo” theo các giá trị nhân bản và phương pháp nghệ thuật
phù hợp. Để thực thi dân chủ, việc đầu tiên là thật sự tạo điều kiện cho nhân
dân được bày tỏ ý kiến. Đồng thời phải chống loạn ngôn, chống vu cáo và xúc phạm
các cá nhân và tổ chức, vi phạm tự do của người khác, kể cả nhân dân và người
lãnh đạo.
Công tác cán bộ lâu nay, bên cạnh những mặt làm được, nhìn
chung trong hệ thống chính trị chưa tuyển chọn và sử dụng được nhiều nhân tài.
Lịch sử nước ta đã nhiều lần lặp đi lặp lại như vậy. Trong kháng chiến chống
ngoại xâm, với sức mạnh thiêng liêng của hồn nước, nhân tài tụ về dưới cờ nghĩa
để chiến đấu vì mẹ hiền Tổ quốc. Đến khi hòa bình thì nhân tài, trung thần thưa
vắng dần, còn nịnh thần thì chui vào ngày càng nhiều trong triều chính, dẫn đến
tha hóa quyền lực và sụp đổ. Cách làm công tác cán bộ chủ yếu là sắp đặt theo ý
chí và cách tư duy còn nhiều chủ quan của người lãnh đạo. Không ít trường hợp sắp
xếp cán bộ theo quan hệ, hậu duệ, “lợi ích nhóm”, bị đồng tiền chi phối; đề bạt
con cháu và những người “ăn cánh”. Từ xưa tới nay, chế độ và triều đại nào cũng
vậy, nạn “mua quan, bán chức” là một trong các biểu hiện tha hóa quyền lực nguy
hại nhất. Ở Việt Nam, nhiều năm rồi nạn “chạy chức”, “chạy quyền” đã trở nên
khá phổ biến, có những trường hợp cứ như là đương nhiên, rất đáng lo ngại, kể cả
ở những lĩnh vực hệ trọng. Công tác cán bộ chưa có được một cơ chế khoa học để
tuyển chọn và sử dụng được nhân tài, bởi còn ảnh hưởng nặng nề tàn dư của tư tưởng
phong kiến và những năm gần đây lại cộng với mặt trái của cơ chế thị trường và
sự tha hóa quyền lực.
Cần đổi mới mạnh mẽ và căn bản công tác cán bộ theo hướng
cán bộ lãnh đạo chủ chốt phải qua tranh cử trong môi trường thật sự tôn trọng ứng
cử tự do và đề cử, chọn cán bộ chuyên môn phải qua thi tuyển, thực chất và
nghiêm túc, khách quan, vừa mở rộng dân chủ, vừa tăng trách nhiệm của người đứng
đầu trong công tác cán bộ. Đó cũng là cách để nhân dân và đông đảo cán bộ tham
gia giám sát quyền lực trong việc giao quyền lực cho cán bộ. Nâng cao chất lượng
của đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, lựa chọn những người có
năng lực và bản lĩnh làm đại biểu chân chính và xứng đáng của nhân dân, dám nói
tiếng nói trung trực đấu tranh bảo vệ lợi ích của nhân dân. Khi các đại biểu Quốc
hội và hội đồng nhân dân các cấp đã được nhân dân bầu chọn thì phải toàn tâm
toàn ý, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, lắng nghe nhân dân, nói tiếng nói của
nhân dân, biểu quyết vì nhân dân. Tiến tới công khai cho nhân dân biết các đại
biểu ấy biểu quyết thế nào đối với những công việc mà nhân dân bức xúc, quan
tâm, để giám sát sự trung thành với nhân dân. Nếu các đại biểu ấy là đảng viên
thì càng phải gương mẫu thực hiện ý dân, coi lòng dân là cơ sở quan trọng nhất
để hành động – đó là nguyên tắc cao nhất. Tổ chức đảng đã giao cho đảng viên
nhiệm vụ làm đại biểu chân chính của nhân dân, đảng viên cứ thế mà hành động; tổ
chức đảng không “cầm tay, chỉ việc”. Trung thành với nguyện vọng của nhân dân,
nói tiếng nói của nhân dân – đó chính là nhân cách và ý thức đảng viên chân
chính. Đảng vì nhân dân mà hành động chứ không vì mục đích khác, không để cho
“nhóm lợi ích” chi phối và thao túng.
Lâu nay không ít trường hợp cấp ủy đảng đã sử dụng biện pháp
hành chính và quyền lực, thậm chí đã trở thành cơ quan quyền lực cao nhất trên
thực chất. Với cách này, nếu kéo dài thì tổ chức đảng sẽ bị quyền lực làm tha
hóa, vừa hạn chế công việc lãnh đạo đất nước, vừa làm suy yếu bản thân tổ chức
đảng. Cần đổi mới một cách căn bản nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng
theo hướng Đảng không làm thay, không chồng chéo với công việc của Nhà nước, nhất
là việc sử dụng quyền lực nhà nước, mà chuyển mạnh sang lãnh đạo chủ yếu bằng
các giá trị văn hóa, từ chủ trương hợp lòng dân đến noi gương và thuyết phục, không
áp đặt một chiều bằng biện pháp tổ chức, hành chính và quyền lực, Đảng phải đại
diện chân chính và xứng đáng nhất cho ngọn cờ dân chủ; phát hiện và chọn lựa
cho được các hiền tài để giới thiệu với nhân dân. Đó cũng là cách làm truyền thống
mà trước đây, trong điều kiện chưa cầm quyền và trong thời kỳ kháng chiến chống
thực dân, đế quốc, Đảng đã từng sử dụng để trở thành một Đảng lãnh đạo của nhân
dân. Bản thân trong tổ chức của Đảng cũng cần phải có cơ quan do đại hội cử ra
để giám sát cán bộ lãnh đạo về nhân cách và việc sử dụng quyền lực, trong quá
trình lãnh đạo và kiểm soát quyền lực, cần thực hành dân chủ rộng rãi và phát
huy vai trò của nhân dân để tham gia xây dựng bảo đảm cho Nhà nước ta thật sự
là nhà nước của nhân dân – là mục tiêu xây dựng Nhà nước mà Đảng nói lâu nay./.
Nguồn: http://bongbvt.blogspot.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét