Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2017

Liệu Trump có hàn gắn được quan hệ Mỹ-Israel?


Nguyễn Văn Khanh
 

Ngoại Trưởng John Kerry đọc diễn văn tại Bộ Ngoại Giao Mỹ. (Hình: AP Photo/Andrew Harnik)


Chưa bao giờ quan hệ Mỹ-Israel lại khó khăn như lúc này.

Trong suốt 72 giờ qua, các viên chức cao cấp của chính phủ Israel thay nhau xuất hiện trên các đài truyền hình chỉ để cáo buộc Hoa Kỳ là phản bội đồng minh, dàn dựng nghị quyết Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc mới thông qua hôm Thứ Sáu tuần trước với nội dung lên án Israel không thật tâm đi tìm hòa bình khi không ngừng xây những khu định cư ở vùng đất thuộc về Palestine nằm ở Tây Ngạn sông Jordan và khu vực Đông Jerusalem.

Để đối lại, Washington cũng lên tiếng chỉ trích người bạn đồng minh thân tín nhất ở Trung Đông, nhắc lại không chỉ Hoa Kỳ mà cả thế giới đều mong trông thấy một quốc gia Palestine sống hòa bình với kẻ cựu thù Israel. Trong bài nói chuyện cuối năm đọc tại Bộ Ngoại Giao, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry khéo léo chỉ trích Israel khi cho rằng quyết định của Hội Đồng Bảo An là viên thuốc đắng mà chính phủ của Thủ Tướng Benjamin Netanyahu phải nhận lãnh vì những hành động mang tính đơn phương đã và đang làm, gây cản trở cho nỗ lực của mọi người đang cùng nhau cất công đi tìm hòa bình. Trong bài nói chuyện đó, Ngoại Trưởng Kerry cũng nhắc lại chưa từng có một nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nào hết lòng với Israel, dẫn chứng là lời cam kết trong 10 năm tới sẽ giúp cho Israel $38 tỷ viện trợ võ khí. Bên Tòa Bạch Ốc, một cố vấn của Tổng Thống Barack Obama nhắc lại ngày từ ngày đầu, “Tổng thống đã nói rằng hai quốc gia (Hoa Kỳ và Israel) có mối quan hệ chiến lược, bền vững, an ninh của Israel chính là an ninh của Hoa Kỳ.”

Sự thật thế nào?

“Ngay từ ngày đầu, ai cũng thấy quan hệ giữa Tổng Thống Obama và Thủ Tướng Netanyahu là mối quan hệ rất lạnh nhạt vì quan điểm của hai ông khác nhau,” nhà báo Aaron Klein, cộng tác viên của tờ The Jerusalem Post có lần nói với các đồng nghiệp cùng săn tin ở Washington, DC. “Ông Netanyahu đồng ý nói chuyện hòa bình với Palestine với điều kiện phải bảo đảm an ninh của Israel, trong khi tổng thống Hoa Kỳ nghĩ rằng ông Netanyahu tiếp tục hành động cản trở hòa bình khi đưa người ra định cư ở vùng Tây Ngạn, lại không chịu chia đất Jerusalem cho người Palestine.” Khác biệt về chính sách “dẫn đến mối quan hệ lạnh nhạt tới độ chẳng ai ngờ, cho dù bề ngoài cả hai nhà lãnh đạo đều dành cho nhau những lời tốt đẹp nhất.”

Lạnh nhạt tới mức “có lần ông Netanyahu sang Washington, DC họp với Tổng Thống Obama, phiên họp kéo dài đến giờ ăn tối vẫn chưa giải quyết xong những bất đồng, giữa lúc mọi người nghĩ thế nào tổng thống Mỹ cũng mời thủ tướng Israel ở lại ăn tối để bàn chuyện tiếp, đâu ngờ ông Obama buông câu ai về nhà nấy, cơm nước xong trở lại bàn tiếp chuyện đại sự.” Kết quả: hai ông vẫn gặp lại nhau sau bữa cơm tối, nhưng chánh văn phòng Thủ Tướng Netanyahu gọi điện thoại nói chuyện với chánh văn phòng của Tổng Thống Obama, trách cứ “sếp của anh đối xử không đẹp với sếp của tôi, lên lớp giảng dạy chẳng có một nhà lãnh đạo nào lại làm điều (như ông Obama làm) với lãnh đạo của một nước đồng minh thân tín của mình cả.”

Mối quan hệ lạnh nhạt đó “vỡ tan từ đầu Tháng Ba, 2015, khi Thủ Tướng Netanyahu dàn xếp với Quốc Hội Hoa Kỳ do đảng Cộng Hòa kiểm soát để được mời sang Mỹ đọc bài diễn văn trước lưỡng viện, nội dung chỉ trích ông Obama sai lầm khi ký hiệp ước nguyên tử với Iran,” ông Alan Farber, cựu phụ tá cố vấn về chính sách của chính phủ Israel hiện đang hoạt động với Hiệp Hội Các Cộng Đồng Israel Nước Ngoài, nói.

“Những người bạn tôi kể lại khi Ngoại Trưởng John Kerry và bà Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Susan Rice biết được tin này, cả hai gần như lồng lộn lên, bực tức nói với nhân viên dưới quyền là thủ tướng Israel coi thường Tổng Thống Obama khi đi đêm với Quốc Hội Cộng Hòa, mà không thông báo cho người lãnh đạo nước Mỹ biết.” Trong email gửi từ Tel Aviv, ông Farber viết thêm “sau chuyện này, rất nhiều người Do Thái tin rằng thế nào Washington cũng tìm cách trả đũa.”

“Không hề có chuyện trả đũa,” một viên chức cao cấp của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ nói với giọng chắc nịch ngay sau khi nghe được những lời chỉ trích “nặng tay” của Israel, kể cả cáo buộc cho rằng Hoa Kỳ và Palestine dàn dựng để hình thành bản nghị quyết “quá khích,” sau đó đưa ra trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để vừa lên án vừa bôi nhọ Israel.

“Chúng tôi (Hoa Kỳ) không bao giờ tính đến chuyện trả đũa vớ vẩn đó,” viên chức này nói tiếp. “Chúng tôi chỉ làm đúng những gì mà chính phủ Hoa Kỳ đã đặt ra từ thời Tổng Thống Ronald Reagan, cũng như đã nhiều lần bày tỏ cho nước bạn (Israel) biết rằng chúng tôi không đồng ý khi thấy họ cứ mở rộng khu định cư ở vùng đất thuộc về người Palestine.” Tại New York, bà Samantha Power, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, cũng nói tới điều này, cho rằng những việc Israel đã và đang làm “sẽ tiêu diệt ước mong có hai nhà nước Palestine và Israel sống hòa bình bên cạnh nhau.”

Đó cũng là điều được ngoại trưởng Hoa Kỳ nhắc đi nhắc lại trong bài diễn văn của ông. Trong bài diễn văn dài 72 phút đồng hồ, ông Kerry nói việc chính phủ Israel đưa dân ra định cư ở phần đất của người Palestine tới 62 lần, lần nào cũng hàm ý cho thấy Israel đã làm điều sai trái. Tin từ Washington, DC cho hay, mặc dù đây chỉ là bài diễn văn các vị ngoại trưởng thường đọc trước ngày rời nhiệm sở, nhưng “bài diễn văn của Ngoại Trưởng Kerry được các viên chức của Bộ Ngoại Giao và Tòa Bạch Ốc viết, tới giờ chót vẫn được sửa chữa.”

Chuyện sẽ giải quyết như thế nào? Câu trả lời đúng nhất: tùy theo quyết định của Tổng Thống đắc cử Donald Trump.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét