Thùy Dương
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (T) và tổng thống Rodrigo Duterte
trong chuyến thăm Philippines ngày 13/01/2017. REUTERS/Lean Daval Jr.
Mối quan hệ bấp bênh giữa Hoa Kỳ và Philippines đã mang lại
cho Tokyo một cơ hội để thực hiện vai trò lãnh đạo ở khu vực Đông Nam Á. RFI giới thiệu bài viết « Nhật Bản dự tính chống lại Trung
Quốc ở Đông Nam Á như thế nào? » của chuyên gia chính trị Jeremy Maxie thuộc tổ
chức nghiên cứu Strategika Group Asia Pacific. Bài viết được đăng trên trang
The Diplomat vào ngày 24/01/2017.
Để tìm cách biến rủi ro địa chính trị và bất ổn chính trị
thành một cơ hội chiến lược để chứng minh vai trò lãnh đạo của Nhật Bản trong
khu vực, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã khởi đầu năm 2017 với một chuyến đi
hai ngày tới Philippines. Điều đáng chú ý là thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã thông
báo một gói viện trợ 5 năm trị giá 1.000 tỷ yen (8,66 tỷ đô la), bao gồm viện
trợ cho cả hai khu vực nhà nước và tư nhân với mục tiêu giúp Philippines phát
triển cơ sở hạ tầng.
Đây là gói viện trợ lớn nhất của Nhật Bản cho một quốc gia,
trong khi trước đây gói viện trợ của Nhật dành cho Miến Điện chỉ trị giá 800 tỷ
yen (7,7 tỷ đô la). Điều này báo hiệu là trọng tâm của chiến lược cạnh tranh của
Nhật Bản với Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á đã chuyển sang Philippines.
Hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Philippines cũng đã ký 5 hiệp định
song phương, bao gồm khoản trợ cấp 5,2 triệu đô la trang bị tàu tuần tra tốc độ
cao cho lực lượng tuần duyên của Philippines, và một thỏa thuận hợp tác giữa lực
lượng tuần duyên của Philippines và Nhật Bản. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng
cam kết sẽ hợp tác với Manila trong cuộc chiến chống nạn buôn bán ma túy bất hợp
pháp ở Philippines.
Chuyến thăm của thủ tướng Abe được xem là để đáp lại chuyến
đi của tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đến Tokyo vào tháng 10/2016. Nhân
chuyến thăm của tổng thống Duterte, Tokyo cũng đã cho Manila vay 48 triệu đô la
kèm theo một thỏa thuận theo đó các công ty của Nhật như Toyota và Mitsubishi
cam kết đầu tư 1,85 tỷ đô la vào Philippines. Ngoài ra, tập đoàn thương mại
Marubeni cũng tuyên bố sẽ đầu tư 17,2 tỷ đô la vào Philippines trong dài hạn.
Không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng hai nhà lãnh đạo Abe
và Duterte đã đưa ra một tuyên bố chung công nhận hai quốc gia ven biển đều
quan tâm tới việc duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông và áp dụng Công ước Liên Hợp
Quốc về Luật Biển (UNCLOS) để giải quyết tranh chấp chủ quyền trên biển.
Nói cho chính xác là thủ tướng Abe đã có chiến lược xích lại
gần tổng thống Philippines nổi tiếng « đồng bóng » để tiến tới một quan hệ đối
tác chiến lược mật thiết hơn với Manila, nhằm tạo thế cân bằng với một nước
Trung Quốc đang trỗi dậy, quyết đoán, thách thức nguyên trạng trong khu vực và
đang gây bất ổn về an ninh tại vùng này.
Nhìn từ Tokyo, việc Trung Quốc quân sự hóa biển Hoa Đông và
Biển Đông đe dọa trực tiếp tới toàn vẹn lãnh thổ của Nhật và các tuyến thông
thương trên biển (SLOC), yếu tố quan trọng sống còn cho nền kinh tế của Nhật.
Tokyo cũng tìm cách bảo vệ ảnh hưởng chính trị của mình đối
với Manila cũng như bảo vệ mạng lưới quan hệ tài chính và thương mại đã có từ
lâu nay để chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc. Các nhân tố địa chính trị và địa
kinh tế được củng cố bằng việc thủ tướng Abe tới thăm Úc, Indonesia và Việt
Nam. Đây đều là những mối quan hệ quan trọng trong chiến lược khu vực của Nhật
Bản.
Mặc dù Nhật Bản vẫn là đối tác thương mại lớn nhất và nước cấp
nhiều vốn đầu tư nhất cho Philippines, nhưng Trung Quốc đã bắt đầu thâm nhập
đáng kể vào thị trường Philippines. Khi tổng thống Duterte đến thăm Bắc Kinh
vào tháng 10/2016, ông được chào đón với lời hứa được Bắc Kinh cho vay vốn ưu
đãi 9 tỷ đô la và một bản thỏa thuận trị giá 13,5 tỷ đô la.
Tokyo không đủ khả năng để chi cho Manila nhiều tiền hơn Bắc
Kinh. Tuy nhiên, Nhật lại có lợi thế là một nhà đầu tư dài hạn có nhiều cam kết
và khả năng viện trợ, đầu tư. Điều này đã được thực tế kiểm chứng. Mặc dù vậy,
vào tháng 12/2016, Manila đã chọn hợp tác với Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Châu Á
(AIIB) do Trung Quốc khởi xướng, vì việc kiểm soát rủi ro của ngân hàng này ít
nghiêm ngặt hơn so với Ngân Hàng Phát Triển Châu Á (ADB) có trụ sở tại Manila.
Một lo ngại khác của Tokyo là nhà lãnh đạo dân túy
Philippines có lập trường đối đầu với Washington. Duterte đã giảm bớt hợp tác
quốc phòng, hạn chế tập trận chung với quân đội Hoa Kỳ, đề nghị Trung Quốc và
Nga trở thành nhà cung cấp vũ khí thay thế, và làm dấy lên những nghi ngại bấp
bênh về cam kết thực hiện Hiệp Định Tăng Cường Hợp Tác Quốc phòng (EDCA) ký kết
vào năm 2014 với Hoa Kỳ.
Mặc dù ít có khả năng Manila bãi bỏ Hiệp Ước Quốc Phòng ký với
Hoa Kỳ năm 1951 để liên minh với Trung Quốc và Nga, nhưng một trong những mục
đích đằng sau chuyến thăm của thủ tướng Nhật là thúc giục tổng thống Duterte
làm rõ ý định của Manila và củng cố những mối ưu tiên trong chính sách đối ngoại
của Philippines.
Hiện không ai rõ tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump - người đã
tuyên bố sẽ thực hiện một đường lối cứng rắn đối với Trung Quốc và đòi hỏi các
đồng minh của Hoa Kỳ cũng làm như vậy - liệu có hợp tác với người đồng nhiệm
Philippines để "xua đuổi Trung Quốc" và nỗ lực để phục hồi mối quan hệ
song phương Washington - Manila hay không. Mặc dù Trump không tính tới chuyện
gây áp lực để Duterte hạn chế cuộc chiến chống ma túy đẫm máu tại Philippines,
nhưng việc yêu cầu Philippines tăng cường "chia sẻ gánh nặng" có lẽ
đã không phải là một khởi đầu tốt đẹp.
Ngược lại, rất có thể Manila lại yêu cầu Washington làm nhiều
hơn nữa cho Philippines để tìm cách duy trì một trạng thái cân bằng đa phương với
các cường quốc. Nhưng kể cả nếu điều này xảy ra thì Mỹ và Philippines cũng khó
có thể khôi phục lại tình đoàn kết như dưới thời cựu tổng thống Benigno Aquino
III.
Việc Tokyo thúc đẩy Duterte hướng tới một chính sách đối ngoại
"độc lập" hơn - nhằm buộc các đối tác địa chính trị phải nhượng bộ về
kinh tế và tài chính ở mức tối đa sẽ mang lại cả cơ hội và rủi ro cho Nhật Bản.
Trong khi đó, sự gia tăng tiềm năng mở rộng vốn và thương mại của Trung Quốc có
thể sẽ phá vỡ mạng lưới thương mại và đầu tư lâu dài của Nhật Bản tại
Philippines và làm suy yếu ảnh hưởng chính trị của Nhật Bản đối với Manila.
Thêm vào đó, chiến lược của tổng thống Duterte rời xa Hoa Kỳ và xích lại gần
hơn với Trung Quốc có nguy cơ phá hoại sự hợp tác an ninh mới được thiết lập giữa
Hoa Kỳ, Nhật Bản và Philippines.
Tuy nhiên, điểm tích cực là thủ tướng Abe sẽ có cơ hội biện
minh với các chính trị gia trong nước để tăng nguồn tài chính nhà nước hỗ trợ
cho Philippines, đồng thời gây được áp lực buộc các doanh nghiệp của Nhật tăng
gấp đôi đầu tư vào Philippines. Điều quan trọng hơn là sự rạn nứt trong hiện tại
và tương lai không chắc chắn của quan hệ Mỹ-Philippines mang tới cho Tokyo cơ hội
để thực hiện vai trò lãnh đạo, với nỗ lực không ngừng để phát triển các liên
minh an ninh với Mỹ ở châu Á thành một hệ thống đa phương hơn và với nhiều trao
đổi thông tin hơn.
Nếu chính quyền của tổng thống Trump tập trung vào đối nội
và rút lui khỏi việc duy trì trật tự dựa trên nguyên tắc tại khu vực châu
Á-Thái Bình Dương, thì Nhật Bản sẽ phải « tự lực cánh sinh », đảm nhận vai trò
lãnh đạo và chia sẻ gánh nặng ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, nếu không có sự
lãnh đạo và cam kết mang tính quyết định của Hoa Kỳ, thì các đồng minh và đối
tác của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương sẽ bị hạn chế khi phải một mình hoặc hợp
tác với nhau để đối đầu với một nước Trung Quốc đang trỗi dậy và đầy quyết
đoán.
Nguồn: http://vi.rfi.fr/chau-a/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét