Thứ Hai, 2 tháng 1, 2017

Lớp học tình thương của cô giáo ở Sài Gòn


 Kim Anh




Với các ngôi trường khác thời gian 25 năm không là gì, nhưng với lớp học tình thương dành cho những học trò nghèo ngay chốn đô thị này thì quả là một chặng đường dài mà cô giáo ấy theo đuổi.
 Đó là lớp học tình thương Phước Thiện (Q.7, TP.HCM) do cô giáo Đặng Thị Thu Thảo phụ trách. Như một ngôi trường tiểu học thu nhỏ, lớp có tổng cộng 67 học sinh, chia thành các lớp từ 1 đến 5.


Học trò và các cô giáo lớp học tình thương Phước Thiện - Ảnh: K.ANH



“Không có cô chắc tôi không có được ngày hôm nay. Ba chị em tôi đều được học cô. Khi nghe cô thiếu giáo viên tôi quyết định trở lại lớp học để phụ giúp cô lo cho đàn em sau mình

Nguyễn Thị Lệ Hoa (học trò cô Đặng Thị Thu Thảo)



Mái nhà chung



Trong ngôi nhà số 59 Mai Văn Vĩnh (Q.7), cô Thu Thảo dành phần lớn diện tích để chia thành các lớp học cho các em. Riêng học sinh lớp 1 luôn luôn do cô Thảo phụ trách. Nhiều em cầm bút kiểu bó chặt tay nên cô phải kiên trì, tỉ mỉ cầm tay từng bé.



Nét chữ nào cô viết trên bảng đều tăm tắp, nhưng mấy ai biết cô mới chỉ học hết lớp 8. “Ngày xưa nhà tôi nghèo lắm, không có điều kiện học tiếp nên tôi thương những học trò không được đến trường, do vậy mới mở ra lớp học này” - cô Thảo cho biết.



Cách đây 26 năm, khi đó nơi cô ở còn là xã Tân Quy Đông, huyện Nhà Bè. Làm nghề may, thêu kiếm sống nhưng khi hỏi đám trẻ gặp trên đường thấy chúng đều mù chữ nên cô Thảo mở lớp xóa mù.



Quá nhiều trẻ đến xin học nên cô mở luôn lớp học tình thương để các em học hành bài bản, với hi vọng sau khi học hết tiểu học, các em sẽ được tiếp tục học cao hơn. Khi các em lên lớp 2, trăn trở không biết làm sao để hỗ trợ các em tiếp thì may sao, cô đã có thêm những thầy cô là tình nguyện viên đến phụ.



Sáu năm qua, lớp tình thương khối 5 còn có một học trò cũ của cô đứng lớp. Đó là cô Nguyễn Thị Lệ Hoa, lứa học trò đầu tiên của cô Thảo, học và đã tốt nghiệp lớp 12.



Mọi người xem nơi đây như ngôi nhà thứ hai của mình. Đa số gia đình học trò đều ở trọ, điều kiện khó khăn, đồng phục, tập vở đều do các cô lo liệu, thậm chí có trò còn được cô cho ăn, ngủ trưa tại chỗ để tiếp tục học buổi chiều.



Nhiều thế hệ học trò của lớp tình thương đã chuyển cấp để học tiếp THCS, THPT và có những bạn tìm được công việc ổn định.



Lời tạ lỗi của học trò cũ



Để có kinh phí duy trì lớp học, cô mở quán cơm phía trước và thuê một người phụ bán, thay cho nghề may thêu trước đây.



“Tôi không có gia đình riêng, do vậy có bao nhiêu tôi lo cho các em bấy nhiêu, đến khi nào mình không còn sức nữa thì thôi. Mong sao các em bớt khổ” - cô Thảo cho biết.



Mỗi lần đọc bức thư tạ lỗi của một cậu học trò mà cô Thảo rất yêu thương là cô lại đỏ hoe đôi mắt. Nước mắt của nỗi niềm trăn trở và cả sướng vui vì sự trưởng thành của cậu học trò năm xưa.



Khi cậu học trò ấy còn học tại lớp tình thương, cô là người giúp cậu gò từng nét chữ đầu tiên, đánh vần biết đọc. Thương hoàn cảnh cậu bé mồ côi, người anh nghỉ học đi phụ hồ nuôi hai em nhỏ nên cô Thảo dành trọn tình yêu thương cho em.



Vốn là người rất nghe lời cô nhưng lên lớp 5 cậu học trò ấy “trở chứng”, có lần ăn cắp mấy đồng tiền lẻ của bạn để ăn quà vặt.



“Lần ấy tôi gặng hỏi mãi vì rất có thể anh trai của em ấy không đi làm nên gia đình thiếu thốn, em sinh tật ăn cắp tiền. Rồi nhiều lần khác em bắt đầu ngỗ nghịch hơn, mặc tôi khuyên bảo. Hết lớp 5 em tiếp tục học lên THCS.



Mãi hai năm sau tôi nhận được lá thư tạ lỗi của em. Em nhờ một người bạn gửi lá thư đến cho tôi, dù không viết rõ tên nhưng tôi nhận ra nét chữ của em ngay” - cô Thảo giàn giụa nước mắt kể lại.



Lá thư được nắn nót bằng nét bút của cậu học trò lên lớp 8. “Tôi đã từng xem nơi ấy như địa ngục và cô giáo tôi là người cai quản địa ngục ấy. Nhưng cô tôi phải bán cơm để có tiền lo cho chúng tôi.



Một đĩa cơm cô bán không được bao nhiêu, thế nhưng cô đủ kiên nhẫn tiết kiệm từng đồng lẻ để mua áo quần cho học sinh. Có ai biết cô tôi bị bệnh mà bản thân không dám mua thuốc uống, chỉ dành lo cho chúng em.



Tôi thật hối hận khi nghe lời dụ dỗ của bạn bè mà làm cô đau khổ. Nếu có một điều ước, tôi mong cô thật mạnh khỏe để dạy cho các em nhỏ. Em hứa sẽ làm lại cuộc đời và trở thành một người đàng hoàng”.



Sau buổi chào cờ mỗi thứ hai, ngay tại lớp tình thương cô Thảo ngồi lại với các em để chia sẻ những câu chuyện của các bạn, khen ngợi những hành động tốt, nhắc nhở các em chưa ngoan.



Cứ như thế một phần tư thế kỷ trôi qua, cô vẫn âm thầm làm người đưa đò cho hàng trăm học sinh khó khăn đến với bến bờ của con chữ.



Dòng thơ “Ơn cô”



Bé Phạm Văn Tài, học sinh lớp 1, là con của học trò cũ, đang được cô Thảo hướng dẫn nắn nót tập viết chữ “yêu thương”. Chữ yêu thương ấy cô đã dành cho mẹ của Tài trong những năm tháng học với cô, nay đến thế hệ sau cũng được cô tiếp tục dành trọn tình yêu thương ấy.



Cô treo bức tranh thêu trang trọng ngay cửa lớp, đó là món quà mà học trò năm xưa tặng cô nhân dịp 20-11 với dòng thơ “Ơn cô”: “Mai đây trên bước đường dài, công thành danh toại nhớ hoài ơn cô”.



Ông Ngô Xuân Đông, trưởng Phòng giáo dục - đào tạo Q.7 (TP.HCM), cho biết chủ trương của quận là tất cả học sinh đến tuổi đi học đều được đến trường học chính quy.



“Chúng tôi đã triển khai để tất cả các trường tiểu học đảm bảo đủ chỗ cho học sinh. Tuy nhiên trong thực tế vì một số gia đình ở trọ, thường xuyên thay đổi chỗ ở, hoặc các em mưu sinh phụ giúp gia đình nên phải đến lớp học tình thương.



Chúng tôi rất trân trọng những đóng góp của các thầy cô tình nguyện viên và thấy được sự đóng góp của cô Thảo cho lớp học tình thương suốt thời gian qua” - ông Đông nói.



Theo TTO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét