Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

Khi những mầm ươm nghệ thuật bị chết yểu



Hoàng Giang

Sau đêm diễn thành công của mình, Nguyễn Thanh Nhật Minh bị loại ngay khỏi cuộc thi 'Sing My Song' vì bị cáo buộc là 'phản động' do trên trang Facebook cá nhân của anh thể hiện quan điểm 'chống phá nhà nước.'


Tháng 11/2016, một sân chơi ca nhạc mang tên Bài hát hay nhất - Sing My Song ra mắt khán giả Việt và được nhiều người yêu thích. Đây là chương trình dành cho các nhạc sĩ trẻ sáng tác và hát ca khúc của mình. Do tính chất thúc đẩy sự sáng tạo, “Sing My Song” đã đem lại một luồng gió mới cho nền âm nhạc Việt với rất nhiều ca khúc hay, độc đáo, thể hiện tinh thần dân tộc. 


Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng phát sóng, tập 5 mới ra mắt ngày Chủ nhật (17/12/2016) vừa rồi thì ngay lập tức bị gỡ xuống khỏi trang mạng Youtube, bởi có phần trình diễn của thí sinh Nguyễn Thanh Nhật Minh. Sau đêm diễn thành công của mình, chàng nhạc sĩ trẻ sinh năm 1988 này bị loại ngay khỏi cuộc thi vì bị cáo buộc là “phản động” do trên trang Facebook cá nhân của anh thể hiện quan điểm “chống phá nhà nước.” Cụ thể là Nhật Minh lên tiếng bảo vệ blogger Mẹ Nấm và Luật sư Lê Công Định sau khi những người này bị bắt vì có hành vi gọi là “tuyên truyền chống nhà nước” cũng như bày tỏ nỗi bất bình với các sự kiện chính trị trong nước. Trường hợp của Nhật Minh khiến toàn bộ ê kíp chương trình phải hoãn và duyệt lại hồ sơ của tất cả các thí sinh. Hiện nay, một thí sinh thứ hai cũng có nguy cơ bị loại khỏi chương trình với lý do tương tự.

Từ trước đến nay, mỗi khi ngồi ngẫm lại các hoạt động nghệ thuật của Việt Nam, tôi luôn đặt câu hỏi về sự xuống cấp của thị hiếu về âm nhạc, văn học… của người Việt từ những năm “Đổi mới”. Nếu như ngày trước chúng ta có Nam Cao, Vũ Trọng Phụng cùng các nhà thơ, nhà văn khác để lại cho kho tàng văn học Việt những kiệt tác khi luôn trăn trở sâu sắc về con người, xã hội thì nay, dạo quanh các nhà sách, chỉ thấy nhan nhản những truyện ngôn tình rẻ tiền không khơi gợi được một ý niệm nào. Mới đây trong chương trình “Hà Trần hát Trần Tiến”, nhiều khán giả bất ngờ được nghe nhạc sĩ Trần Tiến tâm sự về “tiền vận như con chó lang thang rách rưới ở Hà Nội.” Ông kể rằng viết nhạc ở đâu thì bị cấm ở đó. “‘Giai điệu tổ quốc’ bị cấm, ‘Đôi mắt hình viên đạn’ bị cấm, ‘Thành phố trẻ’ bị cấm, ‘Vết chân tròn trên cát’ bị cấm… cứ viết bài gì là bị cấm bài đó.” Bởi thời đó hình ảnh của tình yêu, của sự trẻ trung hay thậm chí là nỗi buồn đều mang tính nhạy cảm trong giai đoạn quyết định “vận mệnh sống còn của đất nước.”

Thời xưa, ta thôi không nhắc lại nữa. Nhưng đã trôi qua hàng thập kỷ, nhưng cái thứ “vận mệnh đất nước” to tát kia vẫn được đem ra để làm bình phong cho một chế độ phi nhân. Tôi cũng nhận ra rằng tinh hoa nghệ thuật Việt không hề mất đi, nhưng buộc phải vận hành theo một cách khác. Nhạc sĩ Trần Tiến khi xưa đã chọn cách trốn chạy vì chính những “đứa con tinh thần” của ông, còn bây giờ, hầu hết những người thuộc thế hệ của tôi chọn cách im lặng. Các tuyệt tác được viết từ nỗi trăn trở, phiền muộn cũng như ước mơ, khát vọng chỉ như đốm lửa âm ỉ lặng lẽ cháy. Những tên tay sai chính trị như thú săn mồi khát máu luôn tìm cách bóp nghẹt những kẻ dám ngáng cản đường, và sự phẫn nộ điên cuồng ấy càng thể hiện sự bất an về nỗi sợ sẽ bị đánh bại trong tương lai.

Chính trị và nghệ thuật thực chất luôn vừa có thể củng cố sức mạnh của nhau lại vừa có thể hủy diệt nhau. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là con người sống trong xã hội ấy phản ứng với hệ thống chính trị và nghệ thuật như thế nào. Rõ ràng Việt Nam không thể “sánh vai với các cường quốc năm châu” nổi khi nhiều nhân tài đất nước bị bịt mồm và đối xử vô nhân đạo khi họ bất đồng ý kiến với bộ máy nhà nước. Thay vào đó, chúng ta đang phải sống trong một thể chế độc tài, tàn nhẫn cùng thứ nghệ thuật giải trí tàn úa, rẻ tiền, mà ở đó tài năng và sự nỗ lực chỉ là một con số không tròn trĩnh.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét