Thứ Hai, 2 tháng 1, 2017

Chảy máu chất xám - bao giờ chấm dứt?



Lan Hương, RFA



             Sinh viên cầm bằng cử nhân mới nhận tại Hà Nội ngày 20 tháng 11 năm 2014.

Nhiều bạn trẻ Việt Nam không muốn công tác trong nước mà tìm cách định cư ở nước ngoài để sinh sống, làm việc.

Số liệu thống kê mới nhất của bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy hiện có khoảng 60.000 du học sinh Việt Nam trên khắp thế giới. Trong số này có đến khoảng 70% không trở lại Việt Nam để làm việc mà quyết định phát triển sự nghiệp của bản thân nơi xứ người.

Về tình trạng này, chuyên gia kinh tế- tiến sĩ Lê Đăng Doanh, lý giải nguyên nhân:

Tình hình chảy máu chất xám và những học sinh giỏi ở Việt Nam khi đi học ở nước ngoài thì tỷ lệ quay trở lại Việt Nam là thấp. Lý do thì có thể có nhiều, có thể nêu vài lý do như sau: thứ nhất là tiền lương cho người trí thức quá thấp, tiền lương cho một ông tiến sĩ ở nước ngoài học về thì cũng chỉ khoảng 3,5 – 4 triệu, không thể đủ sống ở những thành phố như Hồ Chí Minh và ở Hà Nội. Đấy là một lý do.

Cũng có những người thì sẵn sàng chấp nhận tiền lương thấp, họ vẫn sẵn sàng làm việc, nhưng lý do thứ hai có thể nghiêm trọng hơn, đó là khả năng phát triển và phát huy kiến thức và tài năng của họ là thấp. Có những trường hợp những người tiến sỹ đó về không được phân công, không được tận dụng, không được cho phát huy năng lực để giảng dạy. Có người thì được phân công làm thư ký khoa, tức là một chức hành chính chỉ nhận công văn giấy tờ, thế rồi những người đó sau đó cũng bỏ đi. Thứ ba, là điều kiện vật chất cũng như điều kiện nghiên cứu chưa đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu của họ. Phòng thí nghiệm thì chưa được trang bị đáp ứng nhu cầu, còn tài liệu và cách tiếp cận thông tin, khả năng đi dự các hội thảo nước ngoài, tiếp xúc các hội nghị quốc tế cũng hạn chế.

Nhà hoạt động xã hội, tiến sĩ Nguyễn Quang A bổ sung thêm rằng Việt Nam cũng như các nước chậm phát triển khác ở châu Á đều bị nạn chảy máu chất xám gây ảnh hưởng rất nhiều. Nguyên nhân một phần còn là do những người có tài không được trọng dụng.

Thực tế ở các nước phát triển, chính phủ luôn khuyến khích những người tài giỏi và tạo điều kiện cho họ phát triển thêm kỹ năng, thậm chí là khuyến khích những người như vậy nhập cư vào đất nước của họ.

Chủ trương chưa thành công

Sinh viên Việt Nam đi ngang một tấm áp phích trong đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội ngày 09 tháng 11 năm 2016. AFP photo

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh ghi nhận chính phủ Việt Nam đã nhận rõ được tình trạng chảy máu chất xám và đưa ra nhiều chủ trương, chính sách để thu hút nhân tài, đưa ra những đặc cách hấp dẫn hơn chẳng hạn như mức lương cao vượt hơn hẳn mức bình thường, sẵn sàng trả lương ngàn đô cho những nhân tố tài năng, hay những người từng du học nước ngoài. Tuy nhiên việc thực hiện những biện pháp như thế đến nay có thể nói là chưa thực sự hiệu quả bởi nguồn ngân quỹ của Nhà nước hạn hẹp; trong khi đó thì quá trình để phát triển hệ thống phục vụ nghiên cứu cho nhân tài đòi hỏi nhiều thời gian:

Việc quản lý tiền lương không thể áp dụng được cho tất cả mọi nơi bởi vì nguồn nhân sách không cho phép. Điều quan trọng là khả năng phát triển, tức là những người đó phải được sử dụng vào đúng vị trí, tạo điều kiện có phòng thí nghiệm, có cơ sở nghiên cứu, có cộng tác viên, có một môi trường nghiên cứu khoa học dân chủ, cầu thị, tôn trọng ý kiến khác nhau, không quy chụp, thành kiến với những người có ý kiến khác mình. Tất cả những cái đó cần phải có thời gian, và quan trọng nhất là cần phải có người đứng đầu đơn vị khoa học đó có trình độ, thái độ cầu thị, ủng hộ tranh luận dân chủ, ủng hộ ý kiến đa chiều. Đó là điều quan trọng hơn rất nhiều.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng có nhận định về các chủ trương, chính sách khuyến khích nhân tài của chính phủ Việt Nam:

Việt Nam nói thì nhiều nhưng mà họ làm thì không được mấy cả. Chúng ta nhìn thấy từ thời Hồ Chí Minh, những người tài như Trần Đại Minh, Lý Đức Thảo, theo phục vụ cho chính quyền thì hoạt động cũng luôn cầm chừng. Những người có tư tưởng độc lập, nhất là về vấn đề xã hội. Đấy là sáu, bảy chục năm trước cũng như thế. Cho đến thời gian vừa rồi họ cũng hô hào nhiều nhưng mà bản thân nhà nước về cơ bản không làm được cái gì cả. Cải thiện môi trường là một việc, họa chăng ra thời gian vừa qua hoặc trong thời gian tới thì khu vực tư nhân là khu vực có thể thu hút nhân tài. Chứ còn bản thân khu vực nhà nước với một chính quyền như thế này thì tôi nghĩ không thể thu hút được nhân tài bởi vì những nhà khoa học người ta không quen với kiểu của các quan chức nhà nước là, thường ăn bổng lộc là chính chứ không phải bằng thù lao hay lương.

Mong mỏi gì trong tương lai

Trước vấn nạn chảy máu chất xám của Việt Nam, các chuyên gia chỉ ra rằng rằng cần phải có những chuyển biến, đổi mới trong chính sách đãi ngộ nhân tài của Chính phủ, và những thay đổi trong hệ thống doanh nghiệp trong nước để biến Việt Nam thành một môi trường thực sự hấp dẫn, hứa hẹn một tương lai tốt đẹp cho những con người tài năng. Ông Lê Đăng Doanh đề ra một số gợi ý:

Hiện nay đã có một số nhà khoa học về nước và thành lập một số doanh nghiệp tư nhân như các công phần mềm hay các công ty về khoa học. Ví dụ như tiến sĩ Nguyễn Thành Mỹ đã thành lập công ty Mỹ Lan hoạt động rất có kết quả ở Trà Vinh, rồi ở Hà Nội thì có công ty cổ phần phích nước Rạng Đông đã thiết lập một trung tâm nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ và đã thu hút được nhiều giáo sư, các chuyên gia trong nước và đã mời các giáo sư Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc sang làm việc.

Tôi nghĩ rằng trong thời gian tới đây, yêu cầu phải phát triển một cách bền vững, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động sẽ đòi hỏi nhà nước và doanh nghiệp phải vận dụng khoa học công nghệ nhiều hơn, vận dụng các chất xám của các chuyên gia, nhà trí thức nhiều hơn, do đó có thể sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa.

Môi trường làm việc là một nhân tố hết sức quan trọng trong việc quyết định nơi sinh sống, công tác của đội ngũ nhân tài. Nhận thấy môi trường làm việc ở Việt Nam chưa thực sự thân thiện, cởi mở để thu hút nguồn chất xám, chuyên gia Lê Đăng Doanh đã cho đó là một điểm yếu mà chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam cần xem xét để thay đổi tình hình trong tương lai.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét