Viên Linh tự sự
Sáng Thứ Hai sau cả
tuần nắng lửa, tôi tới thăm Người Việt, và tặng các đồng nghiệp cuốn sách mới
nhất của mình: "Viên Linh Tác giả, Tạp chí, Nói và Viết Với 40 Nhà Văn Hiện
Ðại," trong đó lần đầu những cuộc phỏng vấn của tôi với 36 nhà văn nhà thơ
học giả nghệ sĩ Việt Nam được thu thập lại, trở thành một cuốn sách 224 trang.
Bìa sách “Tác giả Tạp
chí Nói và Viết Với 40 Nhà Văn Việt Nam Hiện Ðại.” (Hình: Viên Linh cung cấp)
Những cuộc phỏng vấn
này khi được đăng báo, đã kèm theo với tiểu sử và hình ảnh thời trẻ, không phải
chỉ của mình, mà của nhiều người; và được sắp xếp theo thể loại. Tay đôi với
nhau là những cặp đối nghịch, trong số có những Bình Nguyên Lộc đối với Nguyễn
Mạnh Côn, Hoàng Trúc Ly nghịch với Kiên Giang, Sơn Nam bên Nhật Tiến, Dương
Nghiễm Mậu tương phản ngộ nghĩnh với Trùng Dương, và Võ Phiến đi cặp với Túy Hồng.
Phỏng vấn về truyện Tầu thì không ai hơn Vương Hồng Sển với Trần Trọng San. Nói
về phụ nữ có những tay sở trường và bản lãnh như Lê Xuyên, Ngọc Linh, Lệ Hằng.
Nói về thơ phải hỏi Cung Trầm Tưởng. Mục Người khách chót tiếp vào lúc bận rộn
nhất của tờ báo khi lên khuôn có Xuân Vũ Thế Uyên Phạm Thiên Thư. Và vẫn hỏi-vấn
nói luôn luôn từ tòa soạn tới tư gia có những tên tuổi từ thời các báo Tiểu
Thuyết Thứ Năm, Hà Nội Báo thập niên 1930, 1940 như Lê Tràng Kiều, những Trúc
Sĩ của nhóm Thế Kỷ Hà Nội 1952, những tên tuổi khác uy tín và nhà nghề có Mặc Ðỗ,
Nguyễn Sỹ Tế, Nguyễn Hiến Lê, Tuệ Mai, Thạch Trung Giả, Nguyễn Thụy Long, Mai
Chửng, Trần Tuấn Kiệt, Vũ Thành An,... không kể bốn văn hữu phỏng vấn ngược lại
người đi phỏng vấn là Nguyễn Ngu Í trên Bách Khoa năm 1961, báo Ðời của Chu Tử
1970, Mai Thảo, Nguyễn Xuân Hoàng trên Văn 1972 và thư ngỏ của Trần Phong Giao
gửi tôi, nói về kinh nghiệm làm một tạp chí văn học trên báo Thời Tập, 1975. -
40 tác giả nói đủ thứ chuyện từ văn chương tới cuộc đời, từ thời thế làng văn
làng báo tới bản thân, từ mê tín dị đoan tới tình yêu, thể xác, và các dự định
trong tương lai.
Những người nhận sách
hôm ấy là chị Hoàng Vĩnh, trên đường ra nhà băng, Chủ Bút Thiện Giao và Tổng
Thư Ký Ðỗ Dzũng. Dzũng làm cái nghề của tôi mấy chục năm trước, tối tăm mặt
mũi, không kịp xé phong bì trong có cuốn sách, còn Thiện Giao ngắm cái bìa sách
xoay qua lật lại. Tôi giằng lấy cuốn sách, một tay trái vo tròn cuốn sách lại
trong 5 ngón tay, Giao la: “Gẫy sách còn gì!”
Câu nói của Thiện
Giáo trúng ý tôi: tôi đang muốn nói đây là cuốn sách khác hẳn những cuốn sách
in ở Cali, tôi thuyết phục cả tháng với nhà in là phải mua giấy màu ngà cho
tôi, bìa cũng vậy, loại giấy mềm của Ðức sản xuất, mỏng mà mực không thấm qua mặt
kia, mỏng để người đọc Việt Nam tìm lại cái thân mật của những cuốn sách giấy xốp
ngả vàng nâu có thể vo tròn lại, cả ruột lẫn bìa, hay gấp đôi nhét vào túi quần,
mà khi lấy ra, cuốn sách lại lưởn ra, bằng phẳng như cũ, khác hẳn loại giấy trắng
Trung Cộng hầu hết các nhà in Quận Cam đang dùng, phẩm chất ôi thôi, làm cuốn
sách cứng đơ như một cái thớt gỗ. Trước mắt nhà báo trẻ, cuốn sách của tôi sau
khi vo tròn lại, bỏ ra, lại dần dần trở về ngay ngắn mịn màng không một nếp
nhăn. Chắc tốn hơn? Không bao nhiêu, in 500 cuốn chỉ tốn hơn hai trăm nữa cho
loại giấy này. “Kỳ này bác viết truyện này ra. Viết luôn về cuốn sách phỏng vấn
từ đầu đến cuối này.” Nhà văn Nguyên Huy rút giấy bút ra, hỏi tôi địa chỉ nhà
in, anh sắp in một cuốn tiểu thuyết dày 600 trang. Giấy tốt và đẹp tuy mắc hơn,
nhưng khi bạn mang ra bưu điện gửi đi, nó nhẹ hẳn đi và giúp bạn bớt được bưu
phí khoảng hơn một hai đồng một cuốn.
Làm báo in sách ở
Saigon tôi ra vào các nhà in mỗi ngày, nên ngoài chuyện văn chương, còn biết
thêm chuyện giấy mực. Ở hải ngoại, sách Việt ở Canada in đẹp hơn Cali, cứ lấy mấy
cuốn Ðường Thi hay Từ Ðiển Hán Việt của Trần Trọng San ở Toronto ra so với các
sách Việt in ở Cali thì biết: không phải thợ in Canada giỏi hơn thợ in Cali, thợ
in Cali của ta giỏi lắm, mà mấy nhà in ở Canada như tôi hỏi, cho biết họ dùng dầu
(oil) trên máng rửa rouleau (các ống mực), trong khi chúng ta dùng... nước lã. Vì
thế mà mực thì nhạt, trang sách nhìn thiếu cái đậm đà, trong khi mấy cuốn sách
in bằng máy in máng dầu ở Canada, mực đen nhánh, rất bắt mắt. Nhưng sáng kiến của
người làm thương mại không phải dở, dùng nước có sẵn trong máy đỡ phải đi mua dầu
mất thì giờ. Nhưng đó là chuyện chục năm trước, ngày nay không mấy ai còn dùng
các loại máy in mực lỏng nữa, ngày nay có máy in mực khô, tôi không biết gì hồi
sau này, vì đã giải nghệ ấn loát từ lâu để trở về nghề báo. Chọn nghề in khi ở
Chợ Lớn làm nhà in Phúc Hưng, tôi có 14 người thợ, qua đây khi mở nhà in An
Tiêm ở đường số 2 Santa Ana đối diện nhà in của Ðông Duy cuối thập niên 80, tôi
có chỉ một người, nhưng vẫn làm, chẳng qua để tiện trả lời mỗi khi bạn cũ gặp
nhau hỏi bây giờ anh làm nghề gì, mình vẫn có câu trả lời ngon lành: “Thì vẫn sống
nhờ giấy mực.” Người nghe không để ý, hỏi cho có hỏi mà thôi, đâu có thắc mắc
giấy mực và bút mực khác nhau ra sao. Trời! Nó khác nhau như mực với nước lã.
Họp mặt các tác giả
miền Nam thập niên 1960 tại Câu Lạc Bộ Văn Hóa trên đường Tự Do. Trong hình có
30 người, theo chiều kim đồng hồ từ 11 giờ sáng: 1. Tô Kiều Ngân, 2. Nghiêu Ðề,
3. Lam Thiên Hương, 4. Kim Tuấn, 5. Vương Ðức Lệ, 6. Ðịnh Giang, 7. Hoài Khanh,
8. NHT, 9. Ðinh Cường, 10. Phạm Công Thiện, 11. Mai Thảo (1/2 mặt), 12. nhóm
sáu nghệ sĩ cải lương, 18. Viên Linh, 19. Mỹ Tín, 20. Nhóm nhật báo Người Việt
Tự Do, bốn người chỉ thấy mặt Tạ Quang Khôi, Phạm Việt Tuyền, 25. NXB Kim Anh?
(Hình: Ðinh Cường cung cấp)
Ðó là phần vật thể của
cuốn sách. Phần nội dung của cuốn “Tác giả Tạp chí Nói và Viết Với 40 Nhà Văn
Hiện Ðại” mới là đáng nói. Nhà văn Phạm Quốc Bảo cầm cuốn sách tôi tặng, hai lần
trong hai ba ngày đều nhắc tới cái nghề in nghề viết cũ mèm của tôi mà anh biết
từ Saigon. Anh có hỏi tôi về những cuộc phỏng vấn trong cuốn sách, và mừng rằng
tôi đã thu thập lại được. Ðúng thế, tôi đã phỏng vấn rất nhiều nhà văn trước và
sau 1975, và riêng cuốn này, 36 người, chỉ là cuốn đầu, và đặc biệt, chỉ là những
cuộc phỏng vấn xảy ra từ tháng 10, 1973 tới 15 tháng 4, 1975 mà thôi. Tại sao
thế?
Năm 1972 giải ngũ,
tôi cùng cô em gái mở nhà in Phúc Hưng ở đường Nguyễn Trãi, Chợ Lớn, xế trường
Trung học Bác Ái của người Hoa, độc quyền in truyện dịch Quỳnh Dao do Liêu Quốc
Nhĩ dịch cho nhà in Khai Hóa của cặp Ngọc Sương-Dũng Phát Thanh; và truyện kiếm
hiệp La Lan Từ Tốc cho nhà in Chiêu Dương của ký giả Nhất Giang. Thấy các tạp
chí văn chương lúc ấy lâm vào cảnh eo xèo, báo Văn thì xuống dốc vì tay nghề Trần
Phong Giao đã ra đi một năm rồi, báo Văn Học chỉ chuyên khai thác giai thoại
các nhà văn tiền chiến, Vấn Ðề của Vũ Khắc Khoan thì hình như thư ký tòa soạn
không có lương tháng đều đặn, thay đến ba người, Duy Thanh, Thanh Tâm Tuyền,
Mai Thảo, lại ra không đều, nên cuối năm 1973 tôi quyết định xuất bản tạp chí
Thời Tập, với sự cộng tác nòng cốt của Lê Tài Ðiển, Nguyễn Hữu Hiệu, Tuệ Sỹ,
Cao Huy Khanh, Lê Huy Oanh, Nguyễn Nhật Duật, và các nhà văn cộng tác vốn vẫn
viết bài cho tôi khi tôi làm “đầu bếp” (thư ký tòa soạn) cho các nhật báo Dân
Ta, Dân Tiến, Tiền Tuyến, các tuần báo Nghệ Thuật, Khởi Hành, Diễn Ðàn,... như
Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Hoàng Trúc Ly, Kiên Giang, Nguyễn Mạnh Côn, Thanh Tâm
Tuyền, CHÓE... Quan niệm rằng làm báo dù là văn chương, tin tức vẫn phải nóng bỏng,
nhà văn dù là không hoạt động chính trị, nhưng phải có lập trường quốc gia,
dùng ngòi bút chống bất công, phải lên tiếng trước các vấn đề của đời sống, vậy
tờ báo của tôi sẽ không là báo Văn hiền lành hay báo Bách Khoa chung chung kiểu
công tư chức làm hết giờ rồi về, tờ Thời Tập sẽ là báo sẵn sàng bút chiến, chuyện
sẽ xảy ra khi mình phải nói những điều cần nói.
Ngay số 1 của tờ báo,
mở đầu bây giờ của cuốn sách này, tôi phỏng vấn hơn chục người xin họ nhận định
về tình hình văn học Việt Nam trong năm. Tôi nói với các nhà văn tham dự: nói
gì viết gì tôi cũng đăng. Anh em tin tôi vì mới năm trước, khi Nguyễn Xuân
Hoàng phỏng vấn tôi trên báo Văn, có hai câu hỏi và đáp dưới đây, tôi trả lời
không e dè gì: “Hỏi: Ðiều gì làm ông ghê tởm nhất?” “VL: Khi đến trước một cơ
quan công quyền.” - “Hỏi: Ðiều gì làm ông khinh bỉ nhất?” “VL: Bịp.” (Văn tháng
3.1972 - đăng lại trong “Tác giả Tạp chí, Nói và Viết, trang 136). Trong thời
gian trước đó, là ký giả, tôi lui tới nhiều công sở, gặp nhiều nhân vật có chức
vị, tôi thực sự chán những thứ công bộc mà vẻ mặt và hành vi của họ phơi bày một
bề trong không thể giấu được. Mặt khác, trên tờ Thời Tập, tôi chạy hàng chữ: tờ
báo của các nạn nhân. Các nhà văn trả lời tôi trong cuộc phỏng vấn thứ nhất (về
vai trò của người cầm bút) có Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Nguyễn Trung, Huỳnh Phan
Anh, Lê Dân, Nguyễn Hiến Lê, Mặc Ðỗ, Nguyễn Sỹ Tế, Vũ Thành An, Mai Chửng, Trần
Tuấn Kiệt, Lê Tài Ðiển. [Trong số trên có 3 họa sĩ, 1 đạo diễn điện ảnh Lê Dân
và 1 nhạc sĩ]. Cuộc phỏng vấn này đã cho các văn nghệ sĩ một dịp bày tỏ quan điểm
của người trí thức sáng tạo trước hiện tình đất nước, tám chín tháng sau khi ký
kết “Hiệp Ðịnh Paris về ngưng bắn và vãn hồi hòa bình ở Việt Nam.” Các thế hệ
sau, nhất là các nhà nghiên cứu văn học sử, sẽ tìm thấy chân dung các tác giả
qua chính lời của họ được trực tiếp phổ biến giữa lòng thời thế.
Nơi trang 23 của cuốn
sách đăng tải cuộc phỏng vấn gọi là Tay Ðôi, mà thực tế có 3 người, người thứ
ba là tôi, người đặt câu hỏi. Tay Ðôi là hai người được hỏi. Ðây là một mục
chưa từng có trong văn chương báo chí Việt Nam trước 1975, cũng chưa từng có
trong văn học báo chí hải ngoại.
Thế nào là Phỏng Vấn
Tay Ðôi? Tay Ðôi là một mục mới hoàn toàn do tạp chí Thời Tập khởi xướng trong
sinh hoạt văn nghệ Miền Nam, trong đó một câu hỏi được đặt ra cho hai người
cách mặt, người này không biết câu trả lời của người kia, hơn nữa không biết
người kia là ai. Người thứ ba là chủ bút Viên Linh, người đặt vấn đề, chọn hai
tác giả tự bản chất là hai người có nhiều khác biệt với nhau hơn cả, cốt ý là đạt
tới sự đa dạng càng nhiều càng tốt, khiến nẩy ra những mâu thuẫn, đối nghịch, để
nội dung cuộc tay đôi đạt tới phong phú tối đa. Người khởi xướng sẽ chú thích,
giải thích nếu cần, vì là người trong nhiều năm đã tiếp xúc với văn giới Miền
Nam hàng ngày, hàng tuần, và cũng là người đại diện cho tờ báo, do đó đôi khi
câu hỏi đưa ra có tính khôi hài, mục đích chỉ muốn gây cho cuộc đối thoại những
nét tương phản, hầu cho bài tường thuật đạt được sự chú ý theo dõi của bạn đọc.
Các tác giả tham dự cuộc tay đôi được quyền in lại lời nói của mình và câu hỏi
của Viên Linh trong tác phẩm của mình, nhưng không được quyền giao những câu hỏi
đó cho báo khác mà không có sự đồng ý của người đặt câu hỏi, là Viên Linh hay tạp
chí Thời Tập. Bản quyền mục Tay Ðôi là của Tạp chí Thời Tập và của người sáng tạo
ra nó.
Như đã viết. trong mục
“Tay Ðôi,” một câu hỏi chung được đưa cho hai người, cốt ý là chọn hai người có
nhiều quan điểm đối nghịch, vị trí hay hoàn cảnh cũng đối nghịch: ví dụ Bình
Nguyên Lộc “tay đôi” với Nguyễn Mạnh Côn, người Nam kẻ Bắc, người dung dị hòa
hài, kẻ chi ly khó khăn. Ví dụ người nam với người nữ như Võ Phiến “tay đôi” với
Túy Hồng, điển hình trong văn giới là nhà văn nam tỉ mỉ, cây bút nữ moi móc.
Hay Dương Nghiễm Mậu “tay đôi” với Trùng Dương, chàng thanh niên văn khí thô bạo
sống ở Hà Nội Nha Trang Sài Gòn nhưng không biết đi xe đạp, không biết bơi và nữ
sĩ Trùng Dương ngồi quán hút thuốc lá và uống bia 33 không cần ly cốc.
Loạt bài này làm bật
ra những mâu thuẫn hay trái ngược không ngờ, đôi khi trong những vấn đề vô hại
tầm thường nhất. Nhưng thật sự, nó làm bật lên bản sắc của các tác giả tham dự,
nó cho độc giả thấy bản lãnh mỗi nhà văn.
Chỉ nhìn vào mấy cuộc
đối đáp tay đôi (với người phỏng vấn đặt ra câu hỏi, chú thích bổ sung các chi
tiết), người đọc đã thấy sự phong phú của “văn nghệ và đời sống” Miền Nam, chưa
kể đến tác phẩm, ngay sự sinh hoạt của nó đã đầy chất sáng tạo. Trò chuyện, đối
thoại, phỏng vấn, ghi chép, và cách trình bày, tự thân các sự việc đã thể hiện
đầy chất sáng tạo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét