Hòa vào dòng người đông đúc đến thăm Nghĩa trang Quốc gia Arlington trong một ngày cuối tuần đầu mùa Thu năm 2015, nhiều gương mặt trong phái đoàn người Mỹ gốc Việt bùi ngùi xúc động. Họ chậm rãi từng bước chân xuyên qua các dãy mộ thẳng tắp với lòng tri ân sâu sắc những người lính đã bỏ mình nơi trận địa khắp thế giới vì cuộc sống thanh bình của nhiều người, trong đó có chính họ. Họ lặng lẽ viếng ngôi mộ tập thể có mộ bia với tên của các binh sĩ Hoa Kỳ và những người lính thuộc QLVNCH đã hy sinh trong một tai nạn trực thăng tại chiến trường miền Nam VN vừa tròn đúng 50 năm.
Cựu Trung tá Hải quân Hoa Kỳ Tuấn Nguyễn, đại diện Ban tổ chức cho Đài ACTD biết Hội Quân Nhân Mỹ gốc Việt và cộng đồng người Việt từ các tiểu bang duy trì viếng thăm “Tảo mộ Mùa thu” hằng năm ở Nghĩa trang Quốc gia Arlington để tri ân và nhắc nhở những thế hệ người Mỹ gốc Việt tiếp nối về các anh hùng thuộc QLVNCH và Quân lực Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh VN cũng như những binh sĩ Mỹ gốc Việt đã ngã xuống ở chiến trường Afghanistan và Iraq.
Lần theo bước chân của phái đoàn người Mỹ gốc Việt, chúng tôi dừng lại ở phần mộ của các chiến sĩ gốc Việt đã tử nạn ở mặt trận các quốc gia Trung Đông. Thân mẫu của Hạ sĩ Thủy quân Lục chiến Bình Lê chia sẻ cảm xúc của bà trong lần viếng mộ đứa con trai duy nhất đã ra đi vĩnh viễn khi tuổi đời còn rất trẻ:
“Hôm nay, các cộng đồng, các cô chú bác đến viếng thăm nghĩa trang này, tôi rất cảm ơn đã nhớ và đến thăm con tôi. Một chút nào hồi tưởng lại việc làm có ý nghĩa của một chiến sĩ VN mà chết đi để lại tiếng thơm cho cộng đồng mình. Và đối với những người lính thì đó là một danh dự, sự tự hào của người VN rất kiên cường, bất khuất. Con tôi được chôn trong Nghĩa trang Quốc gia này, tôi cảm thấy nơi yên nghỉ của con mình rất bình yên và đẹp đẽ. Tôi cứ nghĩ con tôi ở trong 1 ngôi nhà mới. Thỉnh thoảng tôi đến thăm và hôn con tôi. Và thế là tôi sống”.
Trong lần viếng Nghĩa trang Quốc gia Arlington năm nay, một số người trong phái đoàn Người Mỹ gốc Việt còn dành thời gian đến viếng khu an nghĩ của các chiến sĩ Bắc-Nam Hoa Kỳ trong cuộc Chiến tranh giữa các Tiểu bang hay còn gọi là “Nội chiến Hoa Kỳ” từ năm 1861 đến năm 1865. Phía sau Nhà tưởng niệm Tướng Robert Lee chỉ huy Quân đội Phương Nam là ngôi mộ của các chiến sĩ vô danh, nơi chôn chung hài cốt của 2111 tử sĩ cả 2 miền Nam-Bắc. Tại lô 16 trong nghĩa trang này còn có gần 500 mộ phần của các tử sĩ miền Nam. Và tại đây, tượng đài Tưởng niệm những người lính miền Nam-Confederate Memorial được xây vào năm 1914. Trong ngày khánh thành có sự hiện của Đại tá Robert E. Lee, cháu nội của vị “bại Tướng” Lee, người đã thảo lá thư ngỏ ý kết thúc cuộc nội chiến Hoa Kỳ. Các lá cờ của phe “thua trận” miền Nam vẫn tung bay tại nghĩa địa và các khu lưu niệm trong ngày Chiến sĩ Trận vong Hoa Kỳ hằng năm.
Có mặt trong Nghĩa trang Quốc gia Arlington, cựu Thiếu tá Đạt Nguyễn, thuộc QLVNCH bày tỏ cảm nhận của ông về sự xúc động khi nghĩ đến nơi an nghĩ vĩnh hằng của các tử sĩ Nam-Bắc trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ hồi giữa thế kỷ 19:
“Cuộc nội chiến Hoa Kỳ nổi tiếng khắp thế giới là hậu quả của nó ít có nước nào theo được. Là vì sau cuộc nội chiến, người sống không bị trả thù và người chết cũng được đối xử bình đẳng. Tất cả các nghĩa trang của miền Nam được tu bổ, được kính trọng. Và đặc biệt tại Nghĩa trang quốc gia Arlington, những tử sĩ của miền Nam được chia sẻ phần đất với những tử sĩ của miền Bắc. Đó là bước đầu và chính là chìa khóa của sự hòa hợp hòa giải dân tộc mà họ chỉ tốn một thời gian 18 năm để hàn gắn tất cả những đổ vỡ do cuộc nội chiến mang lại”.
Nghĩa trang Quốc gia Arlington mở cửa suốt 365 ngày trong năm để đón những dòng người đến viếng. Ngôi mộ các chiến sĩ vô danh cả 2 miền Nam-Bắc trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ có lẽ được viếng thăm nhiều nhất. Khách viếng nghĩa trang không tìm hiểu binh lính 2 miền Nam-Bắc đã thắng và thua như thế nào nhưng họ đề cao tinh thần nhân văn và tính nhân bản của người dân Mỹ luôn ghi ơn các tử sĩ đã đổ xương máu trong cuộc nội chiến vì 1 đất nước Hoa Kỳ hùng cường trên thế giới của ngày hôm nay.
Nhiều người Mỹ gốc Việt viếng thăm Nghĩa trang Quốc gia Arlington chạnh lòng nhớ về tượng “Thương Tiếc” dựng trước cổng Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa bị kéo đổ sau ngày 30/4/1975. Nghĩa trang này là nơi yên nghĩ của hàng chục ngàn binh sĩ miền Nam. Và dù chiến tranh VN đã kết thúc 40 năm qua nhưng sự khác biệt giữa Nghĩa trang Liệt sĩ TP.HCM với Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa còn quá xa. Họ ngậm ngùi tự hỏi phải chăng đến khi mộ phần của những người lính Nam-Bắc VN không còn sự khác biệt thì đó là thời điểm trang sử mới hòa hợp hòa giải dân tộc được mở ra cho những người còn sống?
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/think-of-vn-war-10192015132806.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét