Thứ Hai, 12 tháng 10, 2015

TPP với Việt Nam



HÀ TƯỜNG CÁT/Người Việt (Tổng Hợp)

Sau tám năm thương thuyết, hôm 5 Tháng Mười, 2015 tại Atlanta Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership) đã đạt được thỏa thuận của 12 quốc gia thành viên - Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam.

Là một thỏa hiệp tự do mậu dịch rộng lớn nhất từ trước đến nay, có tác dụng ảnh hưởng tới nhiều lãnh vực, nên chắc chắn có nhiều điều khoản không thể nào làm vừa lòng tất cả mọi quốc gia. Vì vậy quá trình chuẩn nhận ở Quốc Hội của từng nước để có hiệu lực áp dụng sẽ còn khó khăn.


Đối với Việt Nam cũng như nhiều nước khác, hãy còn quá sớm để đánh giá hậu quả của sự gia nhập TPP. Có thể là xuất cảng của Việt Nam giảm và sản xuất ở nhiều ngành đi xuống do cạnh tranh, nhưng ngược lại có nhiều lợi ích to lớn khác do cấu trúc của nền kinh tế sẽ thay đổi đồng thời với đầu tư gia tăng. Hơn nữa TPP tạo ra cơ hội và môi trường mới, tốt hay xấu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố do từ chính Việt Nam.

Giải thích chi tiết hơn, bằng quan điểm của chính quyền Việt Nam, Thứ Trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh - trưởng phái đoàn thương thuyết ở Atlanta - nói: “Tham gia TPP với tư cách là một trong số các thành viên đầu tiên sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế, giúp Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa và đa dạng hóa.”

Theo lời ông, những nghiên cứu cho thấy Việt Nam có thể là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP. “Trong điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi,” TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm US $23.5 tỷ vào năm 2020 và $33.5 tỷ vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được $68 tỷ vào năm 2025.

Việc các các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật  Bản, Canada tính thuế nhập khảu 0% cho hàng hóa của Việt Nam sẽ tạo ra cú hích lớn, đặc biệt là với ngành dệt may, kim ngạch có thể tăng đáng kể. Theo tính toán, cứ $1 tỷ kim ngạch xuất khẩu dệt may sẽ tạo ra khoảng 250,000  việc làm. Ngoài ra, với quy mô xuất khẩu đủ lớn, Việt Nam sẽ thu hút đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm, và sản xuất nguyên phụ liệu. Một số tập đoàn, công ty lớn trên thế giới đã cân nhắc đầu tư vào Việt Nam với mục tiêu biến Việt Nam trở thành một trong những cứ điểm quan trọng trong chuỗi sản xuất của họ. Nhiều nghiên cứu khẳng định rằng đàu tư nước ngoài sẽ gia tăng khi Hiệp định TPP có hiệu lực.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng có điều kiện tham gia vào thị trường mua sắm công của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada... Theo số liệu của Hoa Kỳ,  mua sắm công các loại hàng hóa, vật dụng văn phòng thông thường của các cơ quan chính quyền liên bang Hoa Kỳ hàng năm đã vào khoảng $10- $12 tỷ. Đây là kênh tiêu thụ hấp dẫn đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ trưởng Khánh nói rằng tham gia TPP sẽ là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường; hỗ trợ cho đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc  nền kinh tế, giúp môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, dễ dự đoán hơn. Về mặt xã hội, tham gia TPP tạo ra cơ hội giúp nâng cao tốc độ tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo...

Tuy nhiên ông nhín nhận rằng bên cạnh những mặt thuận lợi và cơ hội, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế nói riêng luôn đi kèm với các rủi ro và thách thức, nhưng những bất trắc ấy có thể kiểm soát được nếu có sự thống nhất về nhận thức rủi ro và hành động để phòng rủi ro.

Về mặt thương mại, hàng hóa: với một số chủng loại nông sản phẩm như thịt lợn, thịt gà, mà Hoa Kỳ và một số nước khác trong TPP có thế mạnh, sức ép cạnh tranh là khá lớn khi mức thuế được đưa về 0%. Đây là những mặt hàng Việt Nam đã sản xuất dược nhưng sức cạnh tranh còn yếu. Một số nông sản phẩm khác cũng sẽ gặp khó khăn nhưng ở mức độ nhẹ hơn vì những sản phẩm này Việt Nam vẫn phải nhập khẩu lượng lớn, đó là sữa, đậu nành, ngô, nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc.

Một số sản phẩm công nghiệp mà các đối tác TPP có thế mạnh sẽ  gây khó khăn cho sản xuất cuả Việt Nam như giấy, thép, xe hơi... Tuy nhiên sức ép cạnh tranh sẽ không lớn vì sản phẩm của việt Nam hướng đến phân khúc thị trường trung bình, trong khi sản phẩm của nhiều nước TPP thường hướng đến phân khúc thị trường cao cấp.

Chính quyền Việt Nam nói rằng về thương mại dịch vụ và đầu tư, TPP không ảnh hưởng tới quyền quản lý của nhà nước nhằm đáp ứng các mục tiêu công động chính đáng, không gây tác động bất lợi cho an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền riêng tư của công dân cũng như thuần phong mỹ tục trong xã hội.

Các lĩnh vực còn lại, dự kiến sẽ không gây xáo trộn lớn vì đa phần tương tương với độ mở hiện hành. Nhưng để thực thi cam kết TPP Việt Nam sẽ phải sửa đổi hay điều chỉnh  một số quy định pháp luật về thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường. Rút kinh nghiệm từ WTO, nếu có chuẩn bị nghiêm túc và nỗ lực cao, Việt Nam sẽ đáp ứng đủ những đòi hỏi này khi được thực hiện theo lộ trình.

Về sinh hoạt xã hội, TPP có thể làm một số doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn và công nhân thất nghiệp. Nhưng trong hoàn cảnh phần lớn các nền kinh tế trong TPP không cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam nên ngoại trừ một số sản phẩm nông nghiệp, dự kiến tác động này có tính cục bộ, quy mô không đáng kể và ngắn hạn.

Xóa bỏ thuế nhập khẩu có thể làm giảm thu nhập ngân sách và sẽ được bù lại bằng số thu từ một số các sắc thuế khác, chẳng hạn  Thứ Trưởng Khánh cho biết do Việt Nam giữ lại thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng quan trọng nhất như dầu thô, than đá, một số loại khoáng sản kim loại, nên dự kiến tác động đến thu ngân sách không đáng kể.

Đó là TPP dưới nhãn quan của chính quyền Việt Nam, sẽ còn phải chờ xem thực tế trong tương lai  mới có thể đánh giá được chính xác.

Trả lời phỏng vấn báo chí, Thứ Trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, trưởng phái đoàn đàm phán Việt Nam ở TPP, cho biết vẫn chưa thể công bố cụ thể tất cả các điều khoản của TPP cho tới khi hiệp định này chính thức được thông qua và ký kết. Đây không phải thái độ riêng của Việt Nam mà là của hầu hết phái đoàn các quốc gia khác.

Tại Hoa Kỳ, một số nhân vật chính trị dựa vào sự kiện này để bày tỏ sự “không hoặc chưa ủng hộ TPP.” Thượng Nghị Sĩ Orrin Hatch, Cộng Hòa-Utah, chủ tịch Ủy Ban Tài Chính Thượng Viện, nói: “Kết thúc được một thỏa hiệp chỉ là một thành tựu cho quốc gia chúng ta nếu giúp ích cho dân Mỹ và đạt tới những tiêu chuẩn cao như các nhà lập pháp đã đề ra. Còn nhiều chi tiết chưa rõ và tôi sợ rằng thỏa hiệp này không đạt đến chuẩn mực ấy.”

Tiêu biểu nhất trong những ý kiến không ủng hộ TPP là bà Hillary Clinton, người từng mãnh mẽ thúc đẩy thỏa hiệp thời gian còn làm ngoại trưởng. Sự chuyển đổi quan điểm ấy không phải là lạ vì là ứng cử viên tổng thống, bà đang rất cần sự ủng hộ của giới công đoàn vốn là khối cử tri trung thành của đảng Dân Chủ, ít nhất trong giai đoạn bầu cử sơ bộ. Tất cả các công đoàn lớn từ lâu vẫn mạnh mẽ chống TPP vì cho rằng sẽ khiến  nhiều công ty xí ngiệp chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài và mất việc làm của công nhân. Bà Clinton trả lời phỏng vấn trong chương trình NewsHour của truyền hình PBS hôm Thứ Tư nói rằng: “Tôi nghĩ là còn nhiều điều chưa được giải đáp đầy đủ về thỏa hiệp TPP và do đó hiện nay tôi không tán thành đối với những gì chưa rõ.” Theo bà: “Thỏa hiệp chưa phù hợp với các chuẩn mực như tôi đã muốn về việc làm, lương bổng, và an ninh quốc gia.”

TPP sẽ chỉ có hiệu lực khi được Quốc Hội của từng nước trong 12 quốc gia  phê chuẩn. Tại Hoa Kỳ vấn đề có thể được định đoạt vào tháng 4, 2016. Dự kiến việc thực hiện quy trình thông qua Hiệp Ðịnh TPP theo đúng quy định pháp luật của từng nước sẽ mất thời gian khoảng từ 18 tháng tới 2 năm.

Bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế của Việt Nam, không tin việc phê chuẩn và thực hiện TPP tại Việt Nam sẽ suôn sẻ. Bà nói với VOA là TPP sẽ bị các “nhóm lợi ích” (cách Việt Nam gọi những liên kết ngầm giữa viên chức và doanh nhân để lũng đoạn cả kinh tế lẫn chính trị) cản trở. .Bà giải thích: “Ý nghĩa lớn nhất của TPP là Việt Nam  phải cải cách thể chế. TPP là một yêu cầu thay đổi đa diện chứ không chỉ là những thay đổi thuần túy về thương mại. Nhưng tại Việt Nam, thay đổi chính sách, luật lệ cho phù hợp với các chuẩn mực chung không phải là chuyện dễ dàng. Cải cách lần thứ hai sau  cuộc đổi mới giữa thập niên  niên 1980  chắc chắn sẽ bị các nhóm lợi ích chống đối...”

Thời gian qua, Việt Nam là một trong những nước thúc đẩy mạnh mẽ nhất nhằm tiến tới việc chung quyết TPP. Thứ Trưởng Khánh kể lại: “Trong đêm đàm phán cuối cùng ở Atlanta, chúng tôi đã kết thúc được dệt may với Hoa Kỳ và Mexico vào lúc nửa đêm ngày mùng 4, rạng sáng ngày mùng 5. Sau đó, 3 giờ 30 sáng mùng 5, chúng tôi kết thúc đàm phán với Hoa Kỳ về quyền sở hữu trí tuệ, đến 4 giờ 30, cuộc đàm phán song phương cuối cùng giữa Hoa kỳ và Nhật Bản kết thúc và TPP kết thúc toàn diện.

Trung Quốc, quốc gia không nằm trong 12 nước thành viên nguyên thủy của TPP, lên tiếng phản ứng thận trọng. Bắc Kinh tuyên bố “để ngỏ trước bất kỳ cơ chế nào” tuân thủ các luật lệ của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO. Tân Hoa Xã trích thông cáo của Bộ Thương Mại Trung Quốc cho rằng TPP là một trong các thỏa thuận thương mại tự do quan trọng đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và "Trung Quốc hy vọng thỏa thuận TPP cùng các cơ chế mậu dịch tự do khác trong khu vực sẽ hỗ trợ cho nhau, góp phần làm gia tăng thông thương, đầu tư và kinh tế cho khu vực châu Á Thái Bình Dương.”

Còn Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng thỏa thuận sẽ có ý nghĩa và mang  tính chiến lược hơn nếu Trung Quốc gia nhập TPP trong tương lai.

Nhiều quan sát viên dự đoán thỏa thuận mậu dịch lớn nhất trong nhiều thập kỷ mà Hà Nội và 11 đối tác mới ký kết mang lại hy vọng về khả năng Việt Nam sẽ thoát khỏi cái bóng của nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét