Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015

Thái tử Đảng và chức vụ cùng dòng họ

 
Trung Nam Hải: khu vực đầu não của chế độ tại Trung Quốc luôn được canh phòng cẩn mật 

 
BBC Tiếng Việt giới thiệu các quan điểm từ báo chí quốc tế về hiện tượng Thái tử Đảng và quá trình truyền ngôi tại Trung Quốc, vấn đề 'con cháu giới thượng lưu' ở Anh, chủ nghĩa thân quyến tại Philippines và Nam Phi:

Trung Quốc với Thái tử Đảng

GS Kerry Brown trên The Diplomat:

"Vấn đề quan trọng cho Đảng Cộng sản với 80 triệu đảng viên hiện nay là tin cậy được ai. Trong cuốn sách (The New Emperors: Power and the Princelings in China - Các Hoàng đế mới: Quyền lực và giới Thái tử Đảng ở Trung Quốc), tôi đã dùng các số liệu của chuyên gia Đan Mạch Kjeld Eric Borgsard nói rằng tầng lớp trên ở Trung Quốc - quan chức cấp thứ trưởng trở lên - chỉ là con số không quá 3000 người.


"Nhưng ngay cả trong một số người như thế cũng có các mạng lưới quan hệ khác nhau, các nhóm trung thành với những người khác nhau, và các xung lực khác nhau. Vì thế, cách dễ làm nhất là Đảng này chỉ chọn những người canh giữ quyền lực qua cách đưa lên những con em 'sáng chói' của họ. Có thể là qua quan hệ máu mủ, hoặc qua hôn nhân, và cũng có chấp nhận thành tích công việc.

Tuy thế thành tích công việc không thì không đủ trong môi trường cạnh tranh như thế. Để lên được thì còn cần phải có niềm tin sâu sắc hơn vào Đảng như một thế lực siêu quốc gia, cả về văn hóa và lịch sử. Chính thế nên lạ thay, việc chọn nhân sự này hóa ra không khác bao nhiêu với quá trình xem xét thành phần giai cấp thời Cách mạng Văn hóa từ năm 1967: chọn theo dòng máu.
Và thật là trớ trêu khi một thế hệ bị đày ải, mang trong mình vết sẹo sợ hãi thời đó nay lại phục hồi dù vô ý thức mẫu totem ý thức hệ cũ kỹ đó..."

... và các tài khoản Thiên đường

James Balland trên báo The Guardian (01/2014):
 
ICIJ nêu ra 21 nghìn chủ tài khoản từ Trung Quốc và Hong Kong ở thiên đường thuế
"Hơn 10 thành viên của các gia tộc chính trị và quân sự cao cấp nhất của Trung Quốc đã dùng tài khoản hải ngoại gửi tiền tại vùng đảo British Virgin Islands, theo các tài liệu ngân hàng vừa tiết lộ.
Anh em rể của Chủ tịch Tập Cận Bình, cũng như con trai và con rể của cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo đều có tên trong danh sách các chủ tài khoản ở những thiên đường thuế.

Số liệu của ICIJ ( đường dẫn tại đây) cho thấy hơn 21 nghìn chủ tài khoản từ Trung Quốc và Hong Kong đã dùng thiên đường thuế vùng Caribbean, đặt ra câu hỏi về việc kiểm soát tài sản và quyền lực của các gia đình thuộc tầng lớp cao nhất ở Trung Quốc.

Từ 1000 đến 4000 tỷ USD đã bị đưa ra khỏi Trung Quốc tính từ năm 2000...

Đây cũng là vấn đề mất cân bằng thu nhập tại Trung Quốc. Một nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh cho hay thu nhậư của 5% người giàu nhất Trung Quốc lớn hơn 5% dưới đáy tới 34 lần."

Anh Quốc: phân biệt ngay từ giáo dục

Judith Burns, phóng viên giáo dục viết trên BBC News:
71% thẩm phán cao cấp Anh xuất thân từ tầng lớp trên
"Anh Quốc bị cho là bị bệnh 'thượng lưu' theo một phân tích gốc gác của hơn 4000 nhân vật lãnh đạo trong các doanh nghiệp, giới truyền thông và bộ máy công quyền.
 
Nhiều chính trị gia Anh xuất thân từ trường tư Eton
Một nhóm thượng lưu nhỏ, học các trường tư ra và lên đại học ở Oxford, Cambridge, vẫn đang thống trị các ngành nghề, theo nghiên cứu của Ủy ban về Thăng tiến xã hội và Trẻ đói nghèo (Social Mobility and Child Poverty Commission).

Gọi là 'Nước Anh của tầng lớp trên' (Elitist Britain), đây là số liệu về phần trăm số người học từ các trường tư ra:

71% thẩm phán cao cấp
62% sỹ quan cao cấp trong quân đội
55% công chức dân sự cao cấp
36% thành viên Nội các
43% cây viết chính của các báo."

...và vấn đề bất bình đẳng

Helena Horton trên The Mirror phê phán "các con cháu giới học trường tư và Oxbridge" như một vấn đề gây ra bất bình đẳng tại Anh:

"Anh Quốc thiếu hẳn tính đa dạng hơn chúng ta vẫn tưởng, như số liệu mới của Ủy ban về Thăng tiến xã hội và Trẻ đói nghèo cho thấy.

Chỉ có 7% dân Anh học trường tư và 0.06% dân số học các trường Oxford hay Cambridge, nhưng những người này vẫn tiếp tục thống trị sinh hoạt công quyền cả nước Anh."

Nam Phi và cuộc chạy đua con cháu

Peter Church viết trên thesouthafrican.com (07/2015):

"Thứ trưởng Cảnh sát Nam Phi, Maggie Sotyu vừa có con gái vào làm tại Cục Điều tra Cảnh sát dù có các ứng viên giỏi hơn cô ta.

Boniwe Sotyu không có bằng cấp gì, đã vượt trên 89 ứng cử viên khác gồm nhiều người có trình độ tốt hơn, để nhậm chức.

Phe đối lập kêu gọi điều tra vụ chia chức này và chúng ta cần nhìn rộng hơn trên cả Nam Phi, xem các cáo buộc về chủ nghĩa thân quyến ra sao.

 
Tổng thống Zuma bổ nhiệm con gái út 25 tuổi vào làm chánh văn phòng một bộ 
 
Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma bị cáo buộc như thế vào năm ngoái khi ông bổ nhiệm con gái út 25 tuổi Thuthukile Zuma vào chức chánh văn phòng của Bộ Truyền thông và Bưu điện. Cô ta thành chánh văn phòng một bộ trưởng trẻ nhất trong lịch sử Nam Phi. Cô ta lên chức chỉ hai tháng sau khi vào làm việc tại văn phòng. 

Năm 2013, Bộ trưởng Truyền thông Dina Pule bị điều tra vì lấy tiền công làm quà cho bạn trai Phosane Mngqibisa và nói dối về quan hệ của họ cũng như bắt Bộ của bà ta thanh toán tiền chi tiêu các chuyến ăn chơi quốc tế cho Mngqibisa dù ông ta không có tư cách hưởng các đặc quyền đó.

Đầu năm nay, quan chức Cục Phát triển cộng đồng Nancy Sihlwayi bị tố cáo là ra lệnh cho người dưới quyền đưa em gái vào danh sách 'giới trẻ khốn khó' để nhận học bổng do cơ quan của bà ta trao để vào một đại học hàng đầu Nam Phi."

Làm gì với nạn 'chia quyền trong một nhà'?

Yen Makabenta trên Manila Times (6/2014) nhắc lại trường hợp Bộ trưởng Ngân sách Florencio Abad trong chính phủ Aquino khi đó đã bổ nhiệm 11 thành viên gia đình vào các vị trí quyền lực để nói về chủ nghĩa thân hữu:

"Chủ nghĩa thân hữu hay thân quyến (nepotism) gọi một cách đơn giản nhất là chia chác quyền lợi, chức vụ trong chính quyền cho người thân.
Giàu và nghèo tại Manila: chủ nghĩa thân thuộc bị cho là gây tổn hại cho xã hội Philippines
Đây là vấn nạn gần gũi với chủ nghĩa bảo kê: ban phát bổng lộc, tình cảm để đổi lấy sự ủng hộ về chính trị cho cá nhân hoặc nhóm được nâng đỡ.

Luật hiện hành ở Philippines về chủ nghĩa thân hữu được ghi trong Điều 9, Khoản XIII, Thông tư 40/1998 của Ủy ban Công chức.

"Không có quyết định bổ nhiệm nào trong cấp chính quyền toàn quốc, tỉnh, thành phố, địa phương trong bất cứ ngành nào, gồm cả các ban ngành của nhà nước và các tổ chức, tập đoàn do chính quyền góp vốn, làm chủ sở hữu, hoặc kiểm soát, lại được trao cho thân nhân, thành viên gia đình của thủ tưởng cơ quan, văn phòng hoặc người trực tiếp điều hành cơ quan, hoặc nhờ thân nhân người đó giới thiệu, ủy thác khiến cho người được bổ nhiệm trở thành thuộc cấp của thủ trưởng cơ quan."

Thông tư này cũng ghi rằng "trừ trường hợp được quy định khác ở cấp luật, định nghĩa 'thân nhân' và thành viên gia đình' gồm tất cả những ai có quan hệ thân bằng quyến thuộc tới hàng thứ ba (third degree) thông qua huyết thống hoặc do thân thiết (affinity)."

"Chủ nghĩa thân hữu rất ích kỷ: nó tìm cách làm lợi chỉ cho một gia đình, làm yếu đi nền dân chủ, giảm tính hiệu năng và làm tổn hại cho quốc gia rất lớn."


 http://www.bbc.com/vietnamese/world/2015/10/151016_princelings_elitism_nepotism

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét