Tín hiệu ‘vỡ đập’
Giới quan chức Việt Nam càng ngày càng tỏ ra bất lực lẫn bất nhất khi cố ngăn chặn nạn vỡ đập ngân sách.
‘Không có chuyện Chính phủ thoái vốn để trả nợ nước ngoài’ - Lần này người ta muốn đưa nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn ra đính chính trước biện pháp không thể chối cãi của Chính phủ về việc thoái vốn đồng loạt tại 10 tập đoàn lớn. Ông Muôn khẳng định chắc nịch như thế tại Hội nghị thường niên các nhà đầu tư của Tập đoàn VinaCapital.
Thế nhưng cùng lúc, vài chuyên gia rất thân cận với Chính phủ lại khẳng định điều ngược lại. Điều được coi là “khó khăn ngân sách” và trách nhiệm phải trả nợ công là lẽ đương nhiên mà ngay cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng không thể chố cãi.
Từ giữa năm nay, khi Chính phủ chỉ đạo cho Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính nghiên cứu thực thi chính sách bán dần một số công trình đã hoàn tất như cầu, đường, sân bay… để thu tiền cho ngân sách, thực tế đã cho thấy rõ tình hình “thùng rỗng kêu to”. Không chỉ cán bộ công chức mà cả đến người dân cũng hiểu rằng rất có thể đến một lúc nào đó ngân sách sẽ hoàn toàn rỗng ruột và chẳng còn gì để trả lương cho đội ngũ “hành là chính”.
Tín hiệu “vỡ đập” mới nhất vừa xuất hiện khi Bộ Tài chính Việt Nam phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án phát hành 3 tỷ USD trái phiếu nhằm tái cơ cấu nợ trong nước trong giai đoạn 2015-2016.
Con số 3 tỷ USD cho kế hoạch phát hành trái phiếu này lớn gấp 3 lần so với số trái phiếu quốc tế có giá trị 1 tỷ USD do chính phủ Việt Nam phát hành vào cuối năm 2014.
Vài tờ báo trong nước tỏ ra hồ hởi đầy giả tạo: “Nhà nước sắp thu về nhiều tỷ đô la từ trái phiếu quốc tế”. Nhưng khốn nỗi, báo cáo của Bộ Tài đã chứng tỏ một tâm trạng hết sức hoang mang. Không chỉ tình trạng bội chi ngân sách đang không biết làm thế nào giảm bớt, mà phần nợ công đến hạn phải trả lại đang ngập đến tận cổ.
Nếu vào tháng 5/2015, báo cáo của Bộ Tài chính lên Quốc hội về việc sử dụng vốn vay và quản lý nợ công còn kiên định với chỉ số nợ công so với GDP ước năm 2014 là 59,6%, thì đến tháng 9/2015, Học viện Chính sách và Phát triển của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tính toán lại và đưa ra con số nợ công trong năm 2014 là 66,4% GDP, tức vượt cả ngưỡng nguy hiểm là 65% GDP.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được tung ra chỉ ít ngày trước khi diễn ra Hội nghị trung ương 12 “quyết định về nhân sự cao cấp” của đảng.
Cũng cần lưu ý rằng mới chỉ vào giữa năm nay, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và cũng là một trong số 200 ủy viên Trung ương đảng, đã đáp rất thành thật: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm” tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, khi ông được hỏi thế nào là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Sự thật là bất chấp việc chính phủ Việt Nam vẫn thường xuyên tung ra các báo cáo tô hồng về “kinh tế quốc gia như GDP tăng hơn 6% và nợ công vẫn an toàn”, rõ ràng là tình hình ngân sách đã trở nên cực kỳ khó khăn từ cuối năm 2014, và quá khó để tìm ra nguồn để trả nợ nước ngoài.
Ai mua trái phiếu?
Một khi chính phủ đã phải “cắn răng” thoái vốn tại 10 tập đoàn lớn, trong đó có cả “con bò sữa” Vinamilk, để rút ra 10.000 tỷ đồng dùng cho “chi tiêu ngân sách”, có thể hiểu rằng hàng loạt công trình xây dựng trụ sở và tượng đài ngàn tỷ, kể cả cái đề án “đổi mới sách giáo khoa” lên đến 34.000 tỷ của một bộ trưởng quá thiếu liêm sỉ để từ chức… đã góp phần to lớn như thế nào vào việc làm khánh tận quê hương và vắt kiệt sức chịu đựng của dân chúng.
Dân chúng đã vậy, song gần 3 triệu công chức viên chức cũng đang lâm nạn. Cùng thời điểm tuyên bố kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế, Bộ Tài chính bất ngờ tiết lộ việc “có thể hoãn tăng lương năm 2016 đối với cán bộ công chức”.
Từ mấy năm qua, năm nào chính sách tăng lương cho công chức viên chức cũng được mang ra bàn thảo. Nhưng sau hết, thành quả cao nhất vẫn chỉ là một lời hứa hẹn. Sự thật rất rõ ràng là nếu vào những năm trước, khi ngân sách chưa đến nỗi “dội vào vách đá” như hiện nay mà còn không thể tăng lương, thì thử hỏi lấy tiền ở đâu ra để trả lương trong những năm tới, khi tình hình còn khó khăn hơn nhiều.
Cũng mới đây, chính Bộ Tài chính đã phải đề nghị “vay nóng” Ngân hàng nhà nước 30.000 tỷ đồng để “tạm thời giải quyết khó khăn ngân sách”. Sau một thời gian giằng co, Ngân hàng nhà nước đã chấp nhận cho Bộ Tài chính vay một “gói 30.000 tỷ đồng”. Trước đó vào tháng 4/2015, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính vay từ quỹ dự trữ ngoại hối. Mặc dù số ngoại tệ dự trữ quốc gia là khá lớn - lên đến 37 tỷ USD - nhưng đề xuất này đã vấp phải phản ứng khá mạnh mẽ của giới chuyên gia do lo sợ sẽ gây thâm hụt dự trữ ngoại hối và mất ổn định tiền tệ.
Hàng loạt dấu hiệu ngân sách cạn tiền đang lồ lộ hiện ra.
Chẳng có gì chắc chắn là kế hoạch phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế lần này sẽ “thành công” như vụ phát hành 1 tỷ USD cuối năm ngoái. Chưa kể đến việc đối tượng nào đã mua 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế của chính phủ VN lần trước vẫn còn là một bí mật mà cho đến nay chưa được công bố.
Đã có đồn đoán cho rằng người mua 1 tỷ USD trái phiếu năm ngoái không phải là doanh nghiệp nước ngoài mà chính là doanh nghiệp trong nước.
Vào cuối năm 2013, một tập đoàn làm ăn tham nhũng và nợ ngập đầu là Vinashin đã có kế hoạch phát hành 600 triệu USD trái phiếu ra quốc tế. Tuy nhiên cho tới nay, dường như kế hoạch này không mang lại kết quả nào.
Gần đây, một số đợt phát hành trái phiếu trong nước của chính phủ đã bị ế ẩm. Dường như tình hình các ngân hàng thương mại đã có nhiều dấu hiệu cạn tiền. Một số ngân hàng thậm chí còn bắt đầu lao vào cuộc đua tăng lãi suất huy động.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình ‘biến mất’?
Trong khi con số 500.000 tỷ đồng nợ xấu ngân hàng vẫn còn nguyên vẹn, sự “biến mất” trên mặt công luận của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình trong thời gian gần đây đang gây nên những đồn đoán về tình hình nhân sự của cơ quan độc quyền vàng - đô la - tín dụng và cả in tiền này trước Đại hội Đảng 12.
Vào cuối tháng 7/2015, ngay sau khi ký kết hợp tác với đối tác Mỹ tại Washington, ông Nguyễn Xuân Sơn, lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng GP, đã bị Bộ Công an bắt khẩn cấp tại Việt Nam.
Nếu không “thành công” với kế hoạch phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế, tình trạng thâm hụt ngân sách của Việt Nam sẽ càng nghiêm trọng, càng đẩy nhanh con tàu tài chính quốc gia đến bờ vực phá sản.
Khi đó, tất cả sẽ cho thấy rằng báo cáo “kinh tế vẫn ổn định và phát triển” của Chính phủ sau 9 năm “điều hành linh hoạt và uyển chuyển” là không tưởng như thế nào!
Ngay sau khi nổ ra cuộc cách mạng tại Ukraine vào đầu năm 2014, cảnh sát phát hiện trong nhà cựu bộ trưởng năng lượng của chế độ Yanukovych bị lật đổ hàng triệu USD và tới 42 kg vàng. Nhưng ngân khố quốc gia khi đó chỉ còn vỏn vẹn 500 ngàn đô la…
http://www.voatiengviet.com/content/khung-hoang-ngan-sach-thong-doc-binh-o-dau/3025031.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét