Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

Những đồn đoán quanh Đại hội XII

Radio CTM
Radio Chân Trời Mới Phỏng Vấn Ông Lý Thái Hùng

Sau một tuần lễ nhóm họp từ ngày 5 đến 11 tháng 10 vừa qua, Hội nghị lần thứ 12 Trung ương đảng CSVN đã công bố một bản Thông cáo, tóm lược một số nội dung đã được Hội nghị thảo luận như tình hình kinh tế - xã hội 2015, dự toán ngân sách 2016, chuẩn bị bầu cử đại biểu quốc hội khóa 14 và vấn đề nhân sự cho Đại hội đảng CSVN lần thứ 12 dự trù diễn ra vào tháng 1 năm 2016.

Trong các vấn đề mà bản Thông cáo nêu ra, việc sắp xếp nhân sự thượng tầng lãnh đạo, đặc biệt là bốn trách vụ Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội đã tạo ra nhiều mẩu tin đồn khác nhau về thành phần Tứ trụ cho 5 năm tới. Tại sao lại có những đồn đoán này, xin mời quý vị theo dõi phần phân tích sau đây của ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân trong chương trình hôm nay.


Thanh Thảo: Kính chào ông Lý Thái Hùng, so với những kỳ đại hội đảng CSVN trước đây, vấn đề nhân sự lãnh đạo CSVN cho 5 năm tới đã có nhiều sự đồn đoán mà chính CSVN cũng đã kêu gọi đảng viên của họ phải đề cao cảnh giác. Tại sao vậy thưa ông?

Lý Thái Hùng: Thưa chị, trong các chế độ độc tài, đặc biệt là độc tài cộng sản họ quan niệm những vấn đề nhân sự, tài chánh, sức khoẻ lãnh đạo đều là những bí mật quốc gia. Chính vì thế mà họ cố tình giữ kín trong nội bộ và chính nó đã tạo ra những đồn đoán vì các phe nhóm ở trong đảng đã lợi dụng sự “bí mật” để cho rò rỉ những thông tin có lợi cho phe nhóm họ hầu tìm cách ảnh hưởng hay triệt hạ lẫn nhau.

Nói cách khác là trong chế độ bưng bít và khống chế thông tin, những đồn đoán về các hoạt động của lãnh đạo đảng là chuyện xảy ra thường tình. Tuy nhiên, đúng như chị nhận xét là so với các kỳ đại hội đảng trước đây, kỳ này sự đồn đoán về nhân sự lãnh đạo đã râm ran hơn và trở thành một hiện tượng hỏa mù vì hai lý do sau đây:

Thứ nhất là hiện trong nội bộ lãnh đạo đảng CSVN đang có xu hướng tách rời các ảnh hưởng của Trung Quốc để tiến gần đến Hoa Kỳ và Nhật Bản sau vụ giàn khoan HD 981 xảy ra từ tháng 5/2014. Trung Quốc sẽ không để yên và tìm cách ngăn chận, dẫn đến những đấu đá giữa các phe mà hiện tượng Phùng Quang Thanh được coi là con bài của Bắc Kinh đã bị thất sủng. Chính trong bối cảnh này, các phe tung ra những đồn thổi về nhân sự mà cụ thể là gần đây có tin các trách vụ Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội vẫn giữ nguyên cho đến năm 2018, để không làm cho hai đối tác Hoa Kỳ và Trung Quốc lo ngại.

Thứ hai là có sự xung đột ngầm giữa hai thế lực là phe Tổng bí thư và phe Thủ tướng kéo dài từ năm 2012 cho đến nay. Ông Nguyễn Phú Trọng muốn dùng cơ chế Trung ương đảng để hạ bệ ông Nguyễn Tấn Dũng vì những vụ phá sản của các tập đoàn kinh tế. Ông Nguyễn Tấn Dũng đã dùng tiền và quyền để khống chế quá nửa số ủy viên trong Trung ương đảng nên đã thoát hiểm và nay trở thành một thế lực rất mạnh ở trong đảng. Trong bối cảnh đó, phe Thủ tướng đã tung tin rằng ông Dũng là người duy nhất có năng lực để làm Tổng bí thư.

Nói tóm lại, các thông tin được tung ra nhằm phục vụ cho những mục tiêu riêng của mỗi phe và vì thế đang tạo ra hiện tượng lùng bùng khiến cho chính các ủy viên trung ương đảng cũng không dám hé răng bàn thảo, nêu ý kiến vì sợ liên lụy đến bản thân của chính họ.

Thanh Thảo: Theo như Thông cáo Hội nghị thì Trungương đảng CSVN đã coi như thông qua danh sách các tân trung ương đảng, nhân sự Bộ chính trị, Ban bí thư kể cả nhân sự trong Tứ trụ cho 5 năm tới; nhưng tại sao Bộ chính trị còn phải rà soát lại đến Hội nghị 13 mới trình cho Trung ương xem xét một lần nữa thưa ông?

Lý Thái Hùng: Tôi nghĩ đây chỉ là sự tuyên bố làm dáng “dân chủ” ở trong đảng mà thôi. Trong Hội nghị 12 vừa qua, những nhân sự được đề cử tham gia vào trung ương đảng nhiệm kỳ XII (2016-2021), những trung ương đảng nhiệm kỳ XI được lưu nhiệm và nhất là thành phần dự kiến đưa vào Bộ chính trị, ban bí thư kể cả 4 chức danh Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội cho 5 năm tới, coi như đã được quyết định.

Theo như báo cáo của ông Nguyễn Phú Trọng thì việc tuyển chọn các nhân sự nói trên đã không chỉ diễn ra trong Hội nghị 12 vừa qua, mà đã bắt đầu từ nhiều tháng trước với sự đề cử và thiết lập danh sách từ những cơ sở đảng ở địa phương qua hai vòng tuyển chọn.

Vì thế mà họ nói còn phải rà soát, điều chỉnh để rồi đưa ra quyết định lần cuối tại Hội nghị 13 vào tháng 12 chỉ tạo dáng vẻ rằng tiểu ban nhân sự, nằm dưới quyền của ông Nguyễn Phú Trọng, làm việc cẩn trọng mà thôi.

Một khi Trung ương đảng biểu quyết hay đề cử một nhân sự nào rồi, khó thay đổi kết quả vì sự biểu quyết này không phải là do sự tự ý của mỗi ủy viên mà họ phải phục tùng theo khuynh hướng của từng phe. Hiện nay, phe Nguyễn Tấn Dũng kiểm soát đa số ở Trung ương do đó mà những quyết định của Hội nghị 12 phần lớn có lợi cho phe ông Dũng.

Nói tóm lại, những quyết định của Hội nghị 13 vào tháng 12 tới đây, chắc chắn là không có những thay đổi lớn mà đa số dựa theo kết quả đã được đề cử từ Hội nghị 12.

Thanh Thảo: Theo ông thì thành phần nhân sự lãnh đạo CSVN trong thời gian tới sẽ chọn thế đứng ra sao trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc?

Lý Thái Hùng: Trên bề mặt, sự kiện ông Nguyễn Phú Trọng viếng thăm Mỹ hồi tháng 7/2015 và nhất là gần đây, những cuộc đối thoại về an ninh quốc phòng giữa Mỹ và CSVN đã gia tăng đáng kể, cho thấy là CSVN đang tiến ngày một gần hơn với Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Tuy nhiên, với sở trường đu dây, bản thân của lãnh đạo CSVN sẽ không chọn đứng hẳn về nước nào mà tìm cách duy trì sự quan hệ theo nguyên tắc Ba Không, đó là “không tham gia các liên minh quân sự và không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào; không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam; và không dựa vào nước này để chống nước kia.”


Ước muốn của Hà Nội là nhằm thủ lợi theo kiểu “bắt cá hai tay”. Điều này rất khó duy trì vì hai lý do:


Thứ nhất là Hoa Kỳ muốn lôi kéo CSVN vào trong mắt xích cô lập Trung Quốc để ngăn chận đà bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông. Nếu Hà Nội thấy rõ đây là nhu cầu bảo vệ sự toàn vẹn chủ quyền biển đảo, và nhất là ngăn ngừa Bắc Kinh chiếm các đảo còn lại của Việt Nam tại Trường Sa, thì sẽ phải nghiêng lệch nhiều hơn về phía Hoa Kỳ.

Thứ hai là Trung Quốc không dừng ở biển Đông mà còn vói tay ra đại dương để ôm thế giới vào trong tay. Để làm được điều này, Bắc Kinh buộc phải đối đầu với Hoa Kỳ và Nhật Bản, và đương nhiên CSVN hoặc phải phụ thuộc vào Bắc Kinh chống lại Hoa Kỳ hoặc nghiêng về Hoa Kỳ để bảo vệ biển đảo.

Trong tình thế nói trên, lãnh đạo CSVN buộc phải chọn thế đứng ngày gần hơn với Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Thanh Thảo: Theo ông, tình trạng nào có lợi cho phong trào dân chủ hơn: CSVN tiếp tục đu dây giữa Mỹ và Trung Quốc, hay ngã hẳn về Mỹ?

Lý Thái Hùng: Đu dây là thế ngoại giao của kẻ yếu, không có xương sống. Chính sách Ba Không mà Hà Nội áp dụng trong thời gian qua đã cho thấy thế yếu của CSVN trước sự bành trướng của Bắc Kinh. Ngay cả khi chế độ nhận ra nguy cơ xâm lược từ tay đàn anh phản trắc Bắc Triều, việc rút chân ra khỏi bãi lầy Trung Quốc không phải dễ. Do đó, chế độ tiếp tục thế đu dây dù càng ngày càng thấy sợi dây mong manh và bên dưới chân là vực thẳm.

Sự kiện Hà Nội tiếp tục đu dây với chính sách ba không nói lên 2 áp lực trái chiều:

Thứ nhất, ảnh hưởng của Bắc Kinh còn rất mạnh trong nội bộ đảng CSVN, phe thân Trung Quốc sẽ tiếp tục chi phối đường lối chính sách để lệ thuộc mọi mặt vào Bắc Kinh như hiện nay.

Thứ hai, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục áp lực mạnh mẽ lên chế độ Hà Nội, nhất là sau khi gia nhập TPP để buộc Hà Nội phải có những cải tổ cụ thể theo các quy định về công đoàn, tự do tôn giáo, quyền con người.

Những diễn tiến nói trên là cơ hội để cho phong trào dân chủ khai dụng, một mặt vận động sức ép quốc tế lên chế độ Hà Nội, mặt khác tác động vào nội bộ đảng để tạo ra những chuyển biến từ bên trong.

Thanh Thảo: Xin cảm ơn ông Lý Thái Hùng


 http://viettan.org/Nhung-don-doan-quanh-%C4%90ai-hoi-XII.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét