Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

Chiến tranh Mỹ -Trung trên biển Đông là hoang tưởng


Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)

Thực hiện chuyến hải hành như Ngũ Giác Ðài đã loan báo hai tuần trước, hôm Thứ Ba, khu trục hạm USS Lassen (DDG-82) vào vùng biển Trường Sa, đi ngang đảo nhân tạo Subi và Vành Khăn mà Trung Quốc đã bồi đắp ở khoảng cách dưới 12 hải lý.

Trung Quốc chưa có phản ứng gì khác ngoài những lời tuyên bố phàn nàn ở cấp bộ, ngoại giao và quốc phòng, sau đó. Mặc dầu đã có những dư luận lo lắng hành động của Hải Quân Hoa Kỳ có thể gây nên những va chạm và đưa tới xung đột, nhưng nỗi lo ngại này là quá xa, không đúng với thực tế tình hình của cả hai nước.


                               Khu trục hạm USS Lassen (DDG-82). (Hình: Hải Quân Mỹ)

Trung Quốc đã khẳng định không có ý định quân sự hóa Biển Ðông, những đảo nhân tạo chỉ có mục đích hòa bình, sử dụng cho các nhiệm vụ tiếp trợ và hậu cần. Thật sự, mục tiêu tối hậu của họ khi bồi đắp các đảo nhân tạo là lấn chiếm và xác định chủ quyền, nhưng điều này không thể công khai nói ra và đứng về mặt công pháp quốc tế chưa có đủ giá trị để được chấp nhận.

Hoa Kỳ không có tranh chấp chủ quyền nào ở Biển Ðông và cũng nhiều lần xác định là không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp phức tạp giữa nhiều quốc gia trong vùng. Việc chiến hạm Lassen đi vào vùng biển Trường Sa chỉ là một sự tái xác định quyền tự do hàng hải trên hải phận quốc tế. Ðây không phải là một động thái chứng tỏ sức mạnh hay thi hành một nhiệm vụ quân sự, và sự hiện diện nhất thời ấy không có ý nghĩa là quân sự hóa Biển Ðông.

Do đó cho rằng chiến tranh có thể xảy ra ở Biển Ðông giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là một dự đoán hoang tưởng. Hoa Kỳ và Trung Quốc có nhiều cạnh tranh nhưng cũng có nhiều quan hệ ràng buộc về kinh tế mà cả hai bên đều có lợi. Bình thường, xung khắc giữa hai quốc gia không bao giờ có thể đưa tới chiến tranh, nếu chưa có những va chạm thiệt hại nặng nề đến quyền lợi của một nước. Hơn nữa trong thời đại toàn cầu hóa, chiến tranh giữa hai đại cường quốc không dễ có điều kiện để xảy ra như ở các thế kỷ trước.

Các quan sát viên quốc tế nhận định rằng mặc dầu căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết kể từ gần nửa thế kỷ qua, nhưng đối đầu ở Biển Ðông chưa đủ là nguyên nhân đưa đến chiến tranh, kể cả xung đột vũ trang ở quy mô nhỏ. Ðôi bên đều nhận thức được là để duy trì ổn định ở vùng Thai Bình Dương, nơi cả hai đều có nhiều ràng buộc và quyền lợi chung cũng như riêng, phải tránh sự đối đầu bằng mọi giá. Nhưng thực tế khó khăn là ở chỗ, vì nhiều lý do từ nội bộ hay từ quốc ngoại, cả Washington và Bắc Kinh đều không thể hiện thái độ sẵn sàng thỏa hiệp, mà vạch ra những ranh giới. Chính những ranh giới ấy làm cho mọi vấn đề phức tạp nếu một phía có những hành động tiến sát tới bên mà không chịu lui bước.

Ðô Ðốc Scott Swift, tư lệnh Hạm Ðội Thái Bình Dương tuần trước đã nói rằng chiến hạm Hải Quân Hoa Kỳ có tiềm lực và khả năng sẵn sàng thi hành nhiệm vụ do những nhà hoạch định chính sách ở Washington đề ra nhằm chứng tỏ quyết tâm của Hoa Kỳ bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Ðông. Ông nhận xét thêm là công pháp quốc tế không thừa nhận một hải đảo nhân tạo lập trên nền đá ngầm chìm dưới mặt biển khi thủy triều lên có thể làm gia tăng quyền lãnh thổ tại đó. Và ông nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ không đồng ý về những nỗ lực đỏi hỏi chủ quyền như thế, dù đảo nhân tạo được xây dựng rộng lớn tới mức độ nào.

Chuyến hải hành qua quần đảo Trường Sa của khu trục hạm USS Lassen có thể là khởi đầu cho một cuộc ganh đua quyết liệt Hoa Kỳ-Trung Quốc, hai cường quốc ở hai bờ Thái Bình Dương và làm thay đổi diện mạo khu vực.

Tiến Sĩ Trần Công Trực, cựu trưởng Ban Biên Giới ở Việt Nam, trả lời phỏng vấn của BBC, bày tỏ sự hoan nghênh Mỹ đã nói và làm đúng theo luật pháp quốc tế, đạc biệt là UNCLOS (Công ước Quốc tế về Luật Biển - 1982). Ông tin là Trung Quốc sẽ phản ứng, từ phản đối cho đến ngăn chặn những chuyến hải hành tương tự như vậy trong tương lai. Tuy nhiên ông không tin là có khả năng xảy ra xung đột lớn vì trên cả hai mặt pháp lý và tương quan lực lượng, Trung Quốc đều hãy còn yếu hơn.

Cũng qua phỏng vấn của BBC, Tiến Sĩ Nguyễn Ngọc Trường, chủ tịch CSSD, một trung tâm nghiên cứu chiến lược dân lập đầu tiên ở Việt Nam, nhận định rằng hành động thách thức của Mỹ khiến Trung Quốc buộc phải bày tỏ lập trường và do đó phơi bày lập trường phi lý của họ. Theo ông, Mỹ không ngăn chặn được việc Trung Quốc bồi đắp các đảo, có thể họ còn tiếp tục mở rộng thêm, nhưng sẽ chống lại việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo Trường Sa.

Theo nhận xét của ông Trường, kế hạch tuần tra đã được tuyên bố từ trước để chuẩn bị dư luận và tránh căng thẳng. Bởi vậy hành động này không gây căng thẳng kéo dài mà sẽ buộc Trung Quốc phải tìm kiếm một giải pháp lâu dài với Mỹ và các nước có lợi ích.

Tiến Sĩ Trường cũng không tin là sẽ xảy ra xung đột vũ trang và hành động của Mỹ có lợi cho Việt Nam và các nước liên quan. Ông ca ngợi sự khôn khéo trong việc chọn lựa địa điểm tuần tra; Subi và Vành Khăn là hai bãi đá ngầm nửa chìm nửa nổi, không có quy chế đảo theo quy định của UNCLOS.

Ðiều 121 UNCLOS (Công ước Quốc tế về Luật Biển năm 1982) xác định rằng chỉ có các đảo tự nhiên có hoạt động của con người và hoạt động kinh tế mới có lãnh hải 12 dặm, nơi nước có chủ quyền có thể đưa ra quy định kiểm soát sự sử dụng hải phận. Các bãi đá ngầm, hay đảo nhân tạo xây dựng trên đó bằng bất cứ cách gì, không được quyền có lãnh hải, chỉ có một khu vực an toàn 500 mét.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Mỹ John Kirby nói trong cuộc họp báo rằng Mỹ “không cần phải tham vấn bất cứ quốc gia nà khi thực hiện quyền tự do hàng hải trên các vùng biển quốc tế,” đồng thời cũng “không thông báo trước với phía Trung Quốc vì làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến thông điệp mà Hoa Kỳ muốn đưa ra.”

Nhiều cơ quan truyền thông quốc tế cho rằng chiến hạm Lassen đi gần bãi đá (đã lập thành đảo nhân tạo) Subi là dựa theo khái niệm “đi ngang vô hại” (innocent passage) của luật pháp quốc tế, theo đó tàu bè được phép đi ngang lãnh hải của một quốc gia với điều kiện tuân hành một số quy định giới hạn. UNCLOS định nghĩa: “Sự đi ngang (passage) là vô hại (innocent) chừng nào không phương hài đến hòa bình, trật tự hay an ninh của quốc gia duyên hải.” UNCLOS cũng xác định là một sự đi ngang như vậy phải được thực hiện phù hợp với công ước này và với những luật lệ quốc tế khác.

Nên lưu ý rằng thông báo của Hải Quân Hoa Kỳ về hoạt động tuần tra của khu trục hạm Lassen không đề cập gì đến “innocent passage,” bởi vì nếu nói như vậy có nghĩa là thừa nhận lãnh hải của Subi và Vành Khăn trong khi theo UNCLOS các thực thể này không có lãnh hải. Hải Quân Hoa Kỳ nói rằng tàu Lassen làm một “transit” (đi ngang hay quá cảnh) qua Trường Sa.

“Transit” là một khái niệm của luật biển cho phép tàu biển hay máy bay được quyền tự do hải hành hay phi hành để tiếp tục lộ trình mau chóng đi qua một eo biển, từ một vùng biển quốc tế hoặc một vùng EEZ này qua một vùng khác. Luật này được quy định ở Phần III của UNCLOS, không được tất cả mọi quốc gia chấp nhận, nhưng Hoa Kỳ và đa số quốc gia công nhận. Luật “transit” cũng áp dụng cho cả tàu ngầm, không cần phải nổi lên mặt biển mà có thể tiếp tục lặn theo hải trình bình thường của nó. Sở dĩ có sự bất đồng ý kiến và không chấp nhận của một số quốc gia là vì trong Phần III của UNCLOS có quy định nới rộng lãnh hải từ 3 hải lý trước kia thành 12 hải lý, khiến cho nhiều eo biển trở nên hoàn toàn thuộc về lãnh hải một quốc gia.

Sự xác định USS Lassen làm một transit qua vùng biển Trường Sa chỉ là một cách diễn giải khôn khéo khác nhằm tránh sự mất mặt cho Trung Quốc khi phải công khai phủ nhận lãnh hải của đá ngầm Subi và Vành Khăn, nhưng hành động thực tế vẫn là sự phủ nhận.

Khu trục hạm Lassen không phải là chiến hạm xa lạ với nhiều người Việt Nam vì Trung Tá Lê Bá Hùng đã làm hạm trưởng từ Tháng Tư 2009 đến Tháng Mười Hai năm 2010. Hạm trưởng hiện nay là Trung Tá Sean Eugene O'Connor.

USS Lassen (DDG-82) là một trong 33 khu trục hạm trang bị hỏa tiễn Aegis lớp Aleigh Burke của Hải Quân Hoa Kỳ. Tàu được hạ thủy năm 1999 và đưa vào biên chế hoạt động từ 2001, căn cứ ở San Diego, tới 2005 chuyển sang hạm đội... và đặt căn cứ tại Yokosuka. Tàu có chiều dài 155 m, rộng 20 m, lượng rẽ nước 9,200 tấn, vận tốc 30+ hải lý/giờ, thủy thủ đoàn 320 sĩ quan và thủy thủ. Trên tàu có 2 trực thăng MH-60R Sea Hawk. Hệ thống vũ khí chính bao gồm 56 hỏa tiễn bình phi Tomahawk cùng nhiều loại hỏa tiễn hải-không và hải-hải.

Hải Quân Hoa Kỳ thường xuyên tuần tra trên Biển Ðông bằng các chiến hạm tác chiến duyên hải (LCS) đạt căn cứ ở Singapore. USS Lassen được điều động trong chuyến đi vào Trường Sa vì có trang bị đầy đủ hơn và cũng là một cách để biểu dương sức mạnh với Hải Quân Trung Quốc. Tuy nhiên đã dự trù sẽ không thể có sự đụng độ nào xảy ra, USS Lassen chỉ đi một mình và có sự theo dõi yểm trợ trên không bởi một máy bay tuần thám biển P-8 Poseidon.

Cho đến nay chưa có tin USS Lassen sẽ còn đi tới những nơi nào nữa và sứ mạng ở Trường Sa khi nào kết thúc.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét