Thứ Tư, 14 tháng 10, 2015

‘Trùm’ dư luận viên Việt Nam giáp mặt các nhà bất đồng

'Trùm' dư luận viên Trần Nhật Quang (thứ tư từ trái sang) chụp ảnh với các nhà hoạt động xã hội và bất đồng chính kiến hôm 11/10.
'Trùm' dư luận viên Trần Nhật Quang (thứ tư từ trái sang) chụp ảnh với các nhà hoạt động xã hội và bất đồng chính kiến hôm 11/10.

Sau những tranh cãi nảy lửa trên mạng xã hội, người được coi là ‘trùm’ dư luận viên của Việt Nam, ông Trần Nhật Quang, trực tiếp đối mặt với các nhà hoạt động xã hội cũng như các nhà bất đồng chính kiến ở bên ngoài một nhà tang lễ ở Hà Nội hôm 11/10.
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh em Đỗ Đăng Dư (17 tuổi) mới tử vong với nguyên nhân mà tới nay vẫn còn gây tranh cãi giữa các bên. Các bức ảnh đăng trên mạng xã hội cho thấy ông Quang ngồi giữa nhiều nhà bất đồng chính kiến, gồm luật sư Nguyễn Văn Đài hay blogger Huỳnh Ngọc Chênh, và trong một bức ảnh khác, ông này nhìn ngang vào mặt nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng.


Trong các đoạn clip đăng tải trên mạng, khi được luật sư Nguyễn Văn Đài hỏi quan điểm về vụ em Dư, trong đó có trách nhiệm của trại giam, ông Quang bắt đầu bằng việc nói tới vấn đề con số người tử vong vì giao thông ở Việt Nam, đồng thời kêu gọi mọi người “tự bảo vệ mình” khi ra đường để không để xảy ra tai nạn giao thông.

Ông này sau đó nói tiếp về vụ em Dư: “Thực ra tôi cũng chưa biết nguyên nhân là ở đâu nhưng mà tôi chỉ biết là ở trong trại giam của Bộ Công an, đúng không? Thế thì, nếu như tôi đã có phát biểu về ủy ban an toàn giao thông Việt Nam như thế nào, rồi bản thân chúng ta như thế nào thì tôi cũng phát biểu là các trại giam của Bộ Công an cũng phải hết sức tuân thủ những cái kỷ luật an toàn để đảm bảo rằng không có tai nạn rủi ro nào ở trong trại tạm giam của Bộ Công an”.

Sau đó cuộc tranh luận giữa ông Quang và một số người, mà theo luật sư Đài nói là dân oan, đã diễn ra khá gay gắt về vấn đề quyền con người ở Việt Nam.

Khi ông Quang tuyên bố “các anh các chị không bao giờ lôi kéo được nhân dân Việt Nam và Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc”, một người phụ nữ không rõ danh tính nói: “Những người dân Việt Nam chúng tôi đã bị che mắt, bịt tai 70 năm nay rồi, nhưng chính nghĩa, sự thật bao giờ cũng thắng”.

Có nhiều ý kiến bình luận trên mạng về sự xuất hiện của ‘trùm’ dư luận viên giữa các nhà hoạt động.

Về việc này, bà Thảo Teresa, một người có mặt trong bức ảnh với ông Quang, viết: “Thực ra những ai có mặt tại đó mới hiểu lý do tại sao có tấm ảnh này, đâu có gì quá nặng nề khi một con người chủ động ra bắt tay và chào hỏi từng người và xin chụp, còn đương nhiên tôi coi khinh những việc ông ta làm, phản đối những trò phá đám của đám DLV của ông ta, nhưng tôi vẫn coi ông ta là một con người, khi ông ta ra chào đích danh tôi, một người đã bị chính ông ta xuyên tạc một cách vô cùng bỉ ổi trên mấy clip”.

"Bị nhồi sọ"

Còn luật sư Nguyễn Văn Đài cho VOA Việt Ngữ biết về cuộc “giáp mặt” với ông Quang: "Những người khác thì họ va chạm với anh Trần Nhật Quang này nhiều lần rồi, nhưng về phía cá nhân tôi thì đây là lần đầu tiên tôi gặp nhóm này. Tôi cũng muốn xem cái khả năng của họ đến đâu, rồi là xem có cơ hội nào đấy để mà có thể nói chuyện một cách hài hòa với họ được không".

Nhà bất đồng chính kiến nói tiếp: "Nhưng mà qua một ít phút tranh luận với họ thì tôi nhận thấy rằng là những nhóm này hoàn toàn không có cơ hội nào để có thể cảm hóa, hay có thể thuyết phục được họ đứng về những người hoạt động nhân quyền và hoạt động xã hội dân sự ở Việt Nam. Gần như là họ đã bị nhồi sọ và cái nhận thức của họ rất là ấu trĩ. Họ tìm mọi cách để bênh vực cho chính quyền và Đảng cộng sản về những việc làm và những yếu kém. Sau một ít phút nói chuyện tôi cảm thấy rằng không thể nào tiếp chuyện với họ được nên tôi rút lui".

VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với ông Trần Nhật Quang, và trước đây, ‘trùm’ dư luận viên này từng không đáp lại đề nghị phỏng vấn.

Vụ việc trên xảy ra vài tháng sau khi những người được coi là dư luận viên nhảy múa trong tiếng nhạc chói tai trước tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội, trong khi nhiều người khác tìm cách tới thắp hương, tưởng nhớ những chiến sỹ ngã xuống trong trận Gạc Ma.

Video về vụ việc hồi giữa tháng Ba năm nay cho thấy, lẫn trong đám đông có khoảng một chục thanh niên mặc áo phông màu đỏ, phía trước có in hình búa liềm, sao vàng và đằng sau áo có in chữ “Đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc”, kèm theo các chữ cái viết hoa DLV mà nhiều người cho là chữ viết tắt của "dư luận viên".

Sau khi bị dư luận phản đối về hành động này, ông Nguyễn Đức Chung, Giám đốc công an Hà Nội, tuyên bố rằng rằng họ “không thuộc quản lý của công an thành phố và Ban tuyên giáo”.

Ông Chung cho biết thêm đã chỉ đạo nhân viên “xác minh” vụ việc, nhưng cho tới nay, kết quả của cuộc điều tra này vẫn chưa được công bố.


 http://www.voatiengviet.com/content/trum-du-luan-vien-viet-nam-giap-mat-cac-nha-bat-dong/3005716.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét