Trung tuần tháng 9 vừa
qua tôi được dịp đến thăm một người mà tôi vô cùng ngưỡng mộ, một vĩ nhân của
thời đại, đó là Tiến sĩ Gene Sharp - cha đẻ của chiến lược Đấu Tranh Bất Bạo Động
(ĐTBBĐ).
Ts Gene Sharp và tác
giả bài viết trong chuyến viếng thăm cụ ngày 17-9-2015
Buổi chiều hôm đó trời
thật đẹp, tôi được người bạn chở tới một chung cư “khiêm tốn” không thể ngờ đối
với một nhân vật nổi tiếng như vậy, tọa lạc trong một vùng cũng rất khiêm tốn của
thành phố Boston. Sau này, tôi được biết căn nhà nhỏ bé đã được cụ mua từ năm
1968 với giá là $150.
Gõ cửa mãi mới có một
phụ nữ (không rõ là ai) ra mở cửa chính, đưa chúng tôi vào một căn studio chỉ
có 2 phòng nhỏ. Con người vĩ đại trước mắt chúng tôi là một cụ già yếu đuối,
run rẩy, ngồi xe lăn. Nhưng nụ cười tươi và thái độ thân thiện của cụ đã làm
chúng tôi cảm thấy thân với cụ ngay. Tôi cầm bàn tay lạnh giá của cụ ân cần
thăm hỏi, bày tỏ lòng tri ân và chia sẻ với cụ về công cuộc đấu tranh giành tự
do dân chủ của người Việt Nam bằng phương thức ĐTBBĐ.
Khuôn mặt cụ rạng rỡ
khi biết là Việt Nam, một đất nước mà cụ biết đến với rất nhiều tang thương của
bạo lực, đang đi trên con đường mà cụ mong ước cho toàn thế giới, đó là “giải
thể mọi chế độ độc tài, áp bức mà không phải kinh qua những giết chóc và đổ vỡ
kinh hoàng của chiến tranh”.
Tiếng nói của cụ tuy
rất khó nghe, có lẽ do tuổi già (87 tuổi) và bệnh tật, nhưng rõ ràng là cụ vẫn
còn rất tinh anh và tha thiết với những gì đang xảy ra trên thế giới liên quan
tới nỗ lực tranh đấu của con người để được sống có nhân phẩm và hạnh phúc.
Cụ tâm tình là tuy
chưa bao giờ được tới thăm Việt Nam, nhưng cụ luôn muốn tìm hiểu về một dân tộc
mà cụ đã được nghe nói đến nhiều về tinh thần quả cảm, anh dũng tranh đấu cho
hòa bình và tự do. Theo cụ: “Việt Nam phải là một dân tộc đặc biệt và có một chỗ
đứng đặc biệt trên thế giới vì những gì mà họ đã phải trải qua”.
“Việc chế độ độc tài
đàn áp các nhà tranh đấu là đương nhiên, không tránh khỏi. Càng đàn áp, càng chứng
tỏ họ đang sợ hãi và muốn triệt hạ đối lập. Đó là một chỉ dấu bạn đang thắng thế
và cần phải vững tin, không chùn bước, cương quyết không bị lôi cuốn vào những
hành vi bạo lực,” cụ ân cần cố vấn.
Sau gần một tiếng hàn
huyên, chúng tôi quyến luyến chia tay. Cụ ôm chặt bộ ba chúng tôi như không muốn
rời. Cô bạn gái trẻ đi cùng với tôi là cư dân tại Boston, đã bày tỏ lòng mong ước
được quay trở lại thăm cụ thường xuyên hơn, và sẽ mời cụ thưởng thức những món
ăn đặc thù của Việt Nam. Tôi chúc cụ sức khỏe và chia sẻ với cụ niềm tin rằng
ngày tàn của chế độ cộng sản Việt Nam đang điểm, chúng tôi mong sẽ được đón mời
cụ tới thăm Việt Nam như một thượng khách của dân tộc trong ngày vinh quang đó.
Cụ đã đáp lại bằng một nụ cười thật tươi đầy khích lệ và ánh mắt long lanh niềm
hy vọng.
Ôm tập sách được cụ
ký tặng “The Politics of Nonviolent Action (Part 1, 2 & 3)”, tôi trở lại
vùng đất California nắng ấm, vương vấn mãi hình ảnh của một con người rất bình
dị, nhân hậu, thân mật, dễ thương, khiêm nhường và lý tưởng, đã cống hiến cả đời
mình để đi tìm một phương thức đấu tranh giải phóng ít tổn hại nhất cho nhân loại.
Và ông đã tìm ra, qua
những nghiên cứu, phân tích, tổng hợp, hệ thống hóa bằng con tim và khối óc các
phương thức ĐTBBĐ thành một cẩm nang thực dụng, đã giúp cho các dân tộc tự giải
phóng khỏi độc tài ở khắp nơi trên thế giới - từ Á Châu tới Đông Âu, Bắc Phi và
Trung Đông. Các phong trào dân chủ ở Serbia, Ukraine và Đông Âu đều bày tỏ lòng
biết ơn Ts Gene Sharp. Có thể nói ông là người có ảnh hưởng nhiều hơn bất cứ
nhà lý luận chính trị nào khác cùng thế hệ. Ông đã được mệnh danh là “cha đẻ của
ĐTBBĐ”, là “người bạn tốt nhất của cách mạng”, và chính xác hơn, là “cơn ác mộng
tệ nhất của độc tài”.
Các tác phẩm của Ts
Gene Sharp đã được dịch sang 42 ngôn ngữ, đã được bí mật chuyền qua biên giới,
bị công an của các chế độ độc tài săn lùng và tiêu hủy. Vị học giả nhân bản này
cũng đã bị các chế độ độc tài gán ghép là CIA, gián điệp của Tòa Bạch Ốc, lên
án là kẻ thù nguy hiểm của an ninh quốc gia họ...
Học giả Gene Sharp,
83 tuổi, tại văn phòng làm việc của ông ở Đông Boston.
Thông điệp chính của
ông đơn giản là: sức mạnh của chế độ độc tài xuất phát từ sự sẵn sàng vâng lời
của những người mà họ chi phối - và nếu người dân có thể phát triển những kỹ
thuật để rút lại sự chấp nhận hay tuân phục của mình và bào mòn, đục rỗng các cột
trụ chống đỡ thì chế độ đó sẽ sụp đổ.
Tác phẩm được dịch và
phân tán nhiều nhất của ông - cuốn Từ Độc Tài đến Dân Chủ - được viết cho phong
trào dân chủ Miến Điện vào năm 1993, sau khi bà Aung San Suu Kyi bị cầm tù. (Cuốn
này đã được đảng Việt Tân xin phép Viện Einstein dịch qua tiếng Việt và hiện
đang được để trên trang nhà của viện này). Tuy nhiên, vì không nắm rõ lắm về đất
nước Miến điện, nên Ts Sharp đã viết chung cho mọi trường hợp và do đó, đã có
thể áp dụng linh động ở khắp nơi theo hoàn cảnh, địa dư, văn hóa và lịch sử của
quốc gia đó. Cuốn sách đã trở thành một cẩm nang nổi tiếng với một danh sách
198 "vũ khí bất bạo động", từ việc sử dụng màu sắc và biểu tượng tới
các đám tang giả và các cuộc tẩy chay...
Những vũ khí bất bạo
động này đã cung cấp cho người ta một sự thay thế cho súng đạn, và các cuộc
cách mạng trên thế giới trong hơn một thế kỷ qua đã chứng minh niềm tin của Ts
Gene Sharp là đúng khi ông cho rằng “vũ khí BBĐ mạnh hơn bạo lực rất nhiều”.
Thống kê cho thấy
trong 67 cuộc cách mạng thành công trên thế giới từ 1900 đến 2015, 75% là do
ĐTBBĐ, chỉ có 25% là do bạo động. Sức mạnh này của ĐTBBĐ còn được đo lường qua
sự giảm thiểu tổn thất nhân mạng, giảm thiểu tổn hại tài nguyên quốc gia và xây
dựng được một nền tảng quan trọng cho tiến trình dân chủ hóa, cũng như ngăn cản
sự trở lại của độc tài.
Cụ Gene Sharp hiện sống
một mình. Cách đây 4 năm cụ còn tự đi chợ. Cô học trò, kiêm phụ tá và giám đốc
viện Albert Einstein do cụ sáng lập để phổ biến phương pháp ĐTBBĐ, cô Jamila
Raquib, lo ngại cho sự an toàn của cụ mỗi khi trời lạnh tuyết đổ và đông đá; cô
đi theo cụ trong các buổi chợ, và ông cụ với tính độc lập không thích bị “theo
dõi” như vậy.
Suốt hơn 6 thập niên
dày công nghiên cứu và đóng góp, nhưng cụ vẫn nghĩ là việc làm của cụ chưa
xong. Cụ vẫn còn muốn viết một quyển sách về Albert Einstein. Chính quan tâm của
ông Einstein về những chế độ độc tài toàn trị đã khiến Ts Sharp đặt tên cho viện
nghiên cứu của cụ là Albert Einstein Institution. Einstein cũng là người đã viết
lời giới thiệu cho quyển sách đầu tay của Sharp nói về Ghandi.
Các nhà bình luận cho
rằng, nếu Albert Einstein là thiên tài của khoa học thì Gene Sharp là thiên tài
của tự do.
Cuối tháng 4 vừa qua,
người dân Boston đã có một buổi lễ vinh danh Ts Gene Sharp. Trong buổi lễ ngày
thứ Hai, 27-4-2015, Thị trưởng Marty Walsh đã vinh danh ông bằng cách chọn ngày
27-4 là “Gene Sharp Day” tại Boston hàng năm.
Trong dịp này, cô
Jamila Raqib kể lại một câu nói của Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Lithuania, ông
Audrius Butkevicius, đã tuyên bố sau khi đọc sách của Ts Sharp, là “Nếu tôi phải
chọn giữa một quả bom nguyên tử và quyển sách của Gene, thì tôi sẽ chọn quyển
sách”.
Trong cuốn phim tài
liệu có tựa “Làm sao để khởi động một cuộc cách mạng”, khi được hỏi ước mơ
trong đời của ông là gì, Ts Gene Sharp cho biết ông chỉ muốn thế giới được bình
an và thôi chiến tranh, giết chóc. Và rõ ràng là ông đã bỏ cả cuộc đời để thực
hiện ước mơ này, đã giúp đem lại tự do, no ấm, hạnh phúc cho biết bao dân tộc.
Khi tôi ca tụng công
đức lớn này của cụ, Ts Gene Sharp đã khiêm nhượng nói rằng “Đó là công khó của
những con người can đảm, đã bằng tay không đứng lên tự giải phóng chính mình và
dân tộc”. Cụ rất vui khi đã giúp được phần nào, nhưng chính những người dân can
đảm này mới đáng được vinh danh.
Một câu nói của cụ về
sức mạnh của người dân trong cuộc ĐTBBĐ khiến tôi rất cảm kích và lấy làm thú vị
vô cùng vì nó trùng với một điều mà các đảng viên Việt Tân thường tâm tình với
nhau, đó là “Chúng ta là những con người bình thường đang cùng nhau đi làm một
chuyện phi thường”. Ts Gene Sharp đã chia sẻ rằng trong ĐTBBĐ, “Ordinary
citizens band together to achieve extraordinary things”.
Một con người vĩ đại
như vậy lại đang sống rất đơn độc, đơn giản trong một khu nghèo tại East
Boston. Ông chưa từng lấy vợ dù suýt thành hôn 3 lần. Ông không có con và chẳng
biết có còn thân nhân nào ngoài cô phụ tá Jamila thương ông như Cha và thần phục
ông như Thầy. Chính cô đã phải chạy trốn khỏi quê hương từ năm 5 tuổi khi đất
nước Afghanistan của cô bị Liên Xô xâm chiếm.
Tôi đã chia sẻ với cụ
Sharp một câu nói rất chân thành: “Cụ đã được đề cử nhận giải Nobel Hòa Bình 4
lần. Tuy cụ chưa được, nhưng trong tim cháu và hàng triệu triệu người khác, cụ
đã thắng giải thưởng quý giá này”.
Trần Diệu Chân
Ngày 5-10-2015
https://www.danluan.org/tin-tuc/20151006/tran-dieu-chan-toi-di-tham-cu-sharp#sthash.d50w8Ggd.dpuf
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét