Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2015

Người Chợ Lớn ăn chè chí mè phủ Hội An

Trần Tiến Dũng/Người Việt

Ðã là người từng sống ở Chợ Lớn trước 1975, ai cũng nhớ các món ăn đậm sắc màu văn hóa của người Hoa. Nhiều người sinh sau 1975 cứ nói về văn hóa Trung Hoa là họ lầm tưởng đến khu vực ảnh hưởng Trung Cộng.

Ðến nhiều người Hoa trẻ sinh ra ở Chợ Lớn cũng ngộ nhận điều này. Anh Minh, tên phát âm theo tiếng Quảng Ðông là Mành Có, nói: “Tôi đi Trung Quốc đặt hàng bao bì mỹ phẩm, khi qua đó tôi mới biết là chẳng có gì giống với Chợ Lớn, họ mất gốc có khi còn hơn mình. Ðến chén chè chí mè phủ mà kiếm không ra để ăn cho đã thèm thì nói làm chi.”


Người phụ nữ kiếm sống bằng gánh chè chí mè phủ ở Hội An. Chè chí mè phủ là món ngon bổ rẻ của người Sài Gòn-Chợ Lớn trước đây. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Thật ra ở Chợ Lớn ngày nay, muốn tìm được gánh chè “chí mè phủ” bán rong cũng phải đỏ con mắt. Phải chăng một thời những gánh hàng rong đặc sắc của người Việt lẫn người Hoa đã lụi tàn!

Hôm chúng tôi đi Hội An, trong những điều bất ngờ nhất mà các du khách từng sống với cộng đồng Hoa kiều-Chợ Lớn bắt gặp ở Hội An đó là gánh hàng rong bán “chè chí mè phủ.”

Chí mè phủ, gọi theo người Việt là chè mè đen. Nhưng không hiểu sao tất cả người Việt đều thích gọi đúng tên tiếng Hoa của loại chè này. Nhạc sĩ Tuấn Khanh, người sống lâu năm ở quận 5, Chợ Lớn, nói: “Hồi nhỏ, cứ mỗi lần Sài Gòn lành lạnh trong mùa mưa, chiều tối nghe tiếng rao chè chí mè phủ là có cảm giác tiếng rao ấy biến mình thành người lữ thứ cặp bến Hồng Kông vậy.”

Chè chí mè phủ là thứ chè sền sệt một màu đen đậm như than đá, như bùn dưới cống. Chè được làm từ mè đen, dược tính của loại mè này được tán dương không hết lời trong các sách y thuật phương Ðông.

Mè đen chứa nhiều dưỡng chất như protein, lipit, gluxit, canxi, photpho, sắt và vitamin B1, vitamin B2. Ngoài ra, hàm lượng vitamin E có trong mè đen rất lớn, đứng hàng đầu trong các loại thực phẩm. Vitamin E có tác dụng chống oxy hóa, cải thiện tuần hoàn máu, phòng trị bệnh xơ vữa động mạch và tai biến mạch máu não, giúp sáng mắt, làm chậm quá trình lão hóa. Hơn nữa, mè đen còn trị chứng thiếu máu, chóng mặt, hỗ trợ hệ tiêu hóa, giúp làm đẹp da, mượt tóc.

Nhưng khi biến thành chè thì dù màu sắc dễ khiến người ăn dị ứng nhưng phẩm chất một chén chè chí mè phủ nóng là hàng cao thủ trong giới “võ lâm chè,” vì người ăn sẽ ngọt mát cái lưỡi, êm ái cuống họng, ấm áp cái bụng...

Lúc ở Hội An, chúng tôi hỏi thăm qua qui trình nấu chè chí mè phủ, chị bán chè cho biết công phu nấu chè gia truyền như sau. Phải chuẩn bị cẩn thận từ khâu chọn lựa mè đen, đãi mè, vo gạo cho đến lúc mè được nấu chín. Mè đen phải được đãi cho sạch rồi rửa qua nước, sau đó đem đi phơi khô. Khi rang mè, phải rang cho mè nổ và nhảy trong chảo nóng. Nước cốt dừa được cho vào bột gạo quấy đều đến khi hỗn hợp quyện đều vào nhau. Xay nhuyễn mè đen cho vào nồi nấu khoảng 3 phút rồi mới cho đường, nước cốt dừa, bột gạo, tiếp tục quậy liền tay đến khi chè đen đậm, mè đã chín thì nhắc chè xuống bếp. Những ai thao tác quen tay thì mới giữ cho chè không bị khét, không quá đặc hoặc quá lỏng, mùi vị béo thơm đặc trưng của chè.

Khi trò chuyện với người đàn bà bán chè chí mè phủ ở Hội An, chị không cho chúng tôi biết tên mà cũng tránh chuyện nhận mình là người Việt gốc Hoa, chị chỉ nói là một ngày chị bán hết ba nồi chè, hôm nào thấy trời mưa dầm, nấu ít một chút không đủ bán thì hôm sau thế nào cũng bị khách hàng cằn nhằn.

Chuyện một đô thị cổ xưa, thích ăn một món ăn truyền thống cũng là chuyện dễ hiểu, nhưng ở Việt Nam hiện nay một món ăn ngon như chè chí mè phủ, dù cho món này được bảo bộc bởi cả một không gian văn hóa di sản thế giới như Hội An, nhưng không ai chắc sẽ tồn tại được trước cơn bão các món ăn nhanh Âu Á hầm bà lằng đang hàng ngày thay đổi khẩu vị thế hệ trẻ Việt Nam.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét