Biên dịch: Nguyễn Hướng Đạo | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Nguồn: Keith Johnson
& Dan Deluce, “U.S. Gears Up to Challenge Beijing’s ‘Great Wall of Sand’”,
Foreign Policy, 22/09/2015.
***
Washington đã âm thầm
tránh không điều tàu chiến của mình đến gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây
dựng. Nhưng chính quyền Obama đang tính đến một hướng tiếp cận mạnh mẽ hơn.
Gần 20 năm trước, trước
việc Trung Quốc sử dụng các vụ thử tên lửa để đe dọa một cuộc bầu cử quan trọng
ở Đài Loan, Mỹ đã điều động hai tàu sân bay tới khu vực này. Mặc dù gây ra sự
phản đối mạnh mẽ từ phía Bắc Kinh, Mỹ không cần quá lo lắng khi biểu dương lực
lượng nhằm đáp trả lại hành vi trâng tráo của Trung Quốc, đồng thời nâng đỡ các
đồng minh của mình trong khu vực.
William Perry, Bộ trưởng
Quốc phòng Mỹ khi đó nói rằng “Bắc Kinh phải biết rằng Mỹ là lực lượng quân sự
mạnh nhất và nắm vị trí hàng đầu ở Tây Thái Bình Dương”.
Đến nay, tương quan lực
lượng đã thay đổi. Nhiều năm qua, Trung Quốc đã tìm cách làm cho Mỹ không còn
có thể hành động tự do như vậy trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Đây không phải
là một hy vọng xa xôi, trái lại, giấc mơ Trung Quốc có lẽ đang gần được hiện thực
hóa khi Bắc Kinh liên tục triển khai các vũ khí mới mạnh mẽ, bao gồm những tên
lửa có thể tấn công các hàng không mẫu hạm hoặc sân bay của Mỹ nằm giữa Thái
Bình Dương. Sức mạnh tổng hợp của quân đội Trung Quốc vẫn còn thua xa và cần phải
mất nhiều năm mới cân bằng so với Mỹ nhưng những tiến bộ Trung Quốc đạt được
mang lại cho nước này tiếng nói tại sân sau của mình. Điều này có tác động lớn
đối với cân bằng sức mạnh trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương vì nó khiến
các lãnh đạo Mỹ phải tính toán thận trọng khi triển khai tàu và máy bay chiến đấu
tới khu vực.
Đô đốc Dennis Blair,
cựu tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ từ năm 1999 đến năm 2002, sau là
giám đốc cơ quan tình báo quốc gia, nói “Khi tôi còn ở đó, chúng tôi có thể tiến
hành những hoạt động quân sự mà không lo sợ chuyện gì. Chúng ta đã từng có vị
trí ưu việt, nhưng bây giờ (nếu hành động như thế) thì sẽ có chuyện đấy”.
Trung Quốc đã làm
Washington và rất nhiều nước trong khu vực tức giận khi liên tục xây dựng các đảo
nhân tạo và sân bay trên các đảo này trong những khu vực tranh chấp ở Biển
Đông, điều chắc chắn sẽ được nhắc đến và là vấn đề trọng tâm trong cuộc gặp giữa
Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần này. Mỹ
đã công khai phản đối Trung Quốc, coi đó là những hành động “gây bất ổn” và là
mối đe dọa tới sự ổn định của khu vực. Các quan chức hàng đầu của Mỹ, bao gồm Cố
vấn An ninh Quốc gia Susan Rice, công khai tuyên bố rằng Mỹ sẽ “di chuyển tàu
thuyền, máy bay và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép”.
Tuy nhiên, quân đội Mỹ
thực ra đã không đưa tàu thuyền hoặc máy bay tới khắp mọi nơi. Tuần trước, các
quan chức quốc phòng đã thông báo cho Ủy ban Quân lực Thượng viện rằng Mỹ đã
không thực hiện bất kỳ hoạt động nhằm khẳng định quyền “tự do đi lại” nào trong
khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc kể từ năm 2012. Từ
trước tới nay, mỗi năm Hải quân Mỹ thực hiện rất nhiều hành động nhằm thực hiện
quyền này và để thách thức nỗ lực thu hẹp vùng biển quốc tế đến từ những quốc
gia khác. Sự bất lực không thể chối cãi được như thế ngày càng khiến cho một số
nhà lập pháp hàng đầu lo ngại.
Biển Đông “không thuộc
về Trung Quốc”. Thượng nghị sĩ John McCain đã nói như vậy tại phiên điều trần
vào tuần trước khi nhắc đến một tuyên bố gây tranh cãi hồi đầu tháng tại London
của Phó Đô đốc Yuan Yunai, tư lệnh Hạm đội Bắc Hải. Yuan đã tuyên bố rằng Biển
Đông “thuộc về Trung Quốc”.
“Tôn trọng quyền tự
do hàng hải không có nghĩa là mặc nhiên công nhận giới hạn 12 hải lý”, McCain
nói thêm và thúc giục các lực lượng quân đội Mỹ di chuyển ngay đến các đảo
tranh chấp. Tuần trước, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Randy Forbes (R-Va.), một người có
tiếng nói thẳng thắn về các vấn đề sức mạnh biển tại Hạ viện, cùng 28 đồng nghiệp
đã gửi một lá thư tới Obama và Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, cảnh báo rằng
sự thụ động của Mỹ có khả năng sẽ hợp pháp hóa cách hành xử của Trung Quốc.
Trong thư, các hạ nghị
sĩ này cho rằng “Mỹ càng không đối phó với những tuyên bố vô căn cứ về chủ quyền
của Trung Quốc đối với các cấu trúc nhân tạo này cũng như các vùng lãnh hải và
các đặc quyền kinh tế trong vùng nước bao quanh, thì những hậu quả đối với an
ninh khu vực càng tồi tệ.”
Một quan chức Lầu Năm
Góc nói với tạp chí Foreign Policy (FP) rằng các quan chức chính phủ đang
nghiên cứu một cách nghiêm túc về khả năng di chuyển vào trong giới hạn 12 hải
lý. Những cân nhắc này được đưa ra sau khi các tư lệnh cũ cũng như mới của Bộ
Tư lệnh Thái Bình Dương khuyến nghị nối lại các cuộc tuần tra trong khu vực 12
hải lý xung quanh một số khu vực chính trên Biển Đông.
Tuần trước, Tư lệnh
Harry Harris, lãnh đạo hiện tại của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, là người từng
miêu tả các hoạt động bồi đắp như việc xây dựng một “vạn lý trường thành cát
trên biển”, đã tuyên bố ủng hộ việc tuần tra trong phạm vi 12 hải lý trong một
số trường hợp, kể cả xung quanh bãi Chữ Thập, nơi mà Trung Quốc đang xây dựng một
đường băng sân bay. Phát biểu của ông khiến cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên
bố “thực sự quan ngại”. Một người phát ngôn của bộ này cảnh báo Mỹ đừng “thách
thức chủ quyền lãnh thổ và an ninh của Trung Quốc bằng lý do bảo vệ quyền tự do
đi lại”.
Quan hệ giữa hai nền
kinh tế lớn nhất thế giới đã trở nên căng thẳng bởi những khác biệt về chính
sách thương mại, nhân quyền và tình báo mạng, bên cạnh những vấn đề khác. Tuy
nhiên, các hành động ngày càng khiêu khích của Trung Quốc tại Biển Đông trở
thành một thách thức trực tiếp đối với chính sách xoay trục sang châu Á, một
trong những hòn đá tảng đã được tuyên bố rõ ràng trong chính sách đối ngoại của
chính quyền Obama.
Một quan chức chính
phủ cấp cao nói với FP: “Chúng tôi đã tuyên bố rõ ràng rằng chúng tôi có những
mối quan ngại nghiêm túc đối với một số bước đi của Trung Quốc, cụ thể là trong
năm vừa qua, liên quan với việc bồi đắp đất trên diện rộng mà nước này đã thực
hiện”. Ông dự đoán Obama và Tập sẽ có “sự trao đổi rất thẳng thắn” về vấn đề
này.
Bất chấp tất cả các
phản đối công khai và riêng tư từ Washington, Manila và các nước khác trong khu
vực, trong năm qua, Trung Quốc tiếp tục tăng cường nhịp độ của các hoạt động bồi
đắp và xây dựng. Gần đây nhất, Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng một sân bay trên
bãi đá Vành Khăn, không xa Phillipines, mặc dù đã hứa chấm dứt công việc bồi đắp.
Tính riêng trong năm vừa qua, đây sẽ là sân bay thứ ba mà Trung Quốc xây dựng
trên các đảo nhân tạo.
Đô đốc Blair từng
nói: “Theo kinh nghiệm của tôi với Trung Quốc, đừng thuyết phục họ bằng luận điểm;
bạn phải làm gì đó”.
Tuy không nói ra, các
quan chức Nhà Trắng nhận ra rằng Trung Quốc đã ngang bướng trong vấn đề các đảo
tranh chấp và từ chối đàm phán hoặc đưa ra các nhượng bộ. Trong một diễn văn hướng
tới chuyến thăm của ông Tập, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sử dụng giọng
điệu thách thức về vấn đề các đảo tranh chấp.
Sự khó khăn của Mỹ
trong việc thuyết phục Trung Quốc ngưng chiến dịch bồi đắp đảo nhân tạo phản
ánh sự dịch chuyển cân bằng quân sự nói chung giữa hai nước. Từ khi Trung Quốc
bắt đầu hiện đại hóa quân đội của mình, trùng với đợt biểu dương lực lượng của
Mỹ ở Đài Loan, Trung Quốc đã tiến những bước dài cả về số lượng và chất lượng
vũ khí. Cụ thể, các lực lượng tên lửa và hải quân Trung Quốc đã phát triển cả về
số lượng và phạm vi hoạt động. Đầu tháng này, trong cuộc duyệt binh mừng chiến
thắng Thế chiến II tại Bắc Kinh, người ta thấy có một cặp tên lửa hiện đại được
thiết kế nhằm vào các tàu sân bay dễ bị tấn công ở xa ngoài biển và một cặp
khác có thể bay 3.500 km và tấn công các căn cứ không quân của Mỹ như tại Guam.
Trong một nghiên cứu
thấu đáo về sức mạnh quân sự của Mỹ và Trung Quốc mới phát hành, hãng Rand
Corp. lưu ý rằng những bước tiến của Trung Quốc đang nhanh chóng đem lại cho Bắc
Kinh khả năng đẩy quân đội Mỹ ra xa các bờ biển của mình. Eric Heginbothem, tác
giả chính của bản nghiên cứu này nhận định trên một blog: “Nếu cả Mỹ và Trung
Quốc tiếp tục đi theo quỹ đạo hiện tại, biên giới cho sự thống trị của Mỹ tại
châu Á sẽ ngày càng co hẹp lại”.
Tất nhiên, thái độ
khiêu khích và việc xây dựng lực lượng của Trung Quốc trong khu vực đã gặp phải
những phản ứng – điều sẽ khiến Bắc Kinh gặp khó khăn hơn trong việc đạt được mục
đích của mình.
Những quốc gia như Nhật
Bản, Phillipines, Việt Nam, Malaysia và Úc ngày càng hoảng sợ trước những hoạt
động bồi đắp và tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa
Đông. Các nước này đang tăng cường quân đội của mình và làm sâu sắc quan hệ quốc
phòng với Washington.
Như một phần của
chính sách “xoay trục”, Mỹ đang triển khai nhiều máy bay và tàu chiến tới khu vực
và đổ tiền vào việc phát triển các tàu ngầm rô-bốt và các vũ khí công nghệ cao
khác nhằm loại bỏ ưu thế mà những tiến bộ về tên lửa mang lại cho Trung Quốc.
Washington cũng đang gửi các tàu tuần tra mới tới Phillipines, nới lỏng lệnh cấm
vận vũ khí kéo dài 40 năm đối với Việt Nam, thảo luận về việc quay trở lại các
căn cứ không quân và hải quân tại Phillipines, và mở rộng mối quan hệ đồng minh
quốc phòng với Nhật Bản, nước vừa mới thông qua các dự luật giúp cho việc triển
khai quân đội của mình (ra nước ngoài) được dễ dàng hơn.
Mira Rappa-Hooper, một
nhà nghiên cứu cao cấp của Chương trình An ninh Châu Á – Thái Bình Dương tại
Trung tâm An ninh Mỹ Mới nói rằng “Việc Trung Quốc liệu có thành công trong các
nỗ lực giành được ảnh hưởng quân sự tại khu vực hay không phụ thuộc phần lớn
vào hành vi cân bằng khu vực này cũng như sự tiếp tục vị thế lãnh đạo của Mỹ.
Câu chuyện mới chỉ bắt đầu”./.
http://nghiencuuquocte.net/2015/10/06/mydoi-pho-dao-nhan-tao-cua-trung-quoc/#more-11039
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét