Ngô Nhân Dụng
Ông Vladimir Putin, tổng thống Nga mới mừng sinh nhật 63 tuổi trong
không khí huy hoàng, chỉ thua ông Stalin đời xưa. Ông đã ra sân đánh hockey
cùng với những nhà tỷ phú tay chân và các cầu thủ hạng nhất nước Nga và thế giới;
đội ông thắng 15-10! Chính ông đã làm bàn bảy, tám lần chắc vì không đối thủ
nào dám chặn đường banh của ông! Một nhạc sĩ Nga tung ra đĩa video mới, với bài
đồng ca chính: “Bạn thân nhất của tôi là Tổng Thống Putin!” Một họa sĩ triển
lãm những bức tranh vẽ chân dung Putin, so sánh ông với những danh nhân lịch sử,
như Che Guevara, họa sĩ Salvador Dali, và Ðại Ðế Hy Lạp Alexander! Dân Nga vẫn ủng
hộ ông Putin, với tỷ lệ 84%, kể từ khi ông chiếm bán đảo Crimea đầu năm 2014.
Trong ngày sinh nhật của ông năm nay, Hải Quân Nga đã bắn hỏa tiễn từ biển
Caspian ở Nga vượt 1,500 cây số sang tận xứ Syria đánh quân nổi dậy IS, bay qua
Iran và Iraq!
Ở nước ngoài, dân theo giáo phái Shi A tại Iraq hoan hô ông Putin không
khác gì dân Nga. Phái Shia chiếm đa số ở Iraq và họ đang kiểm soát chính quyền
sau khi Mỹ lật đổ chế độ Hussein. Ông Putin đang đánh lực lượng IS (gọi là
Daesh trong tiếng Á Rập) ở Syria, là những người theo phái Sun Ni đang muốn chiếm
cả hai nước Iraq và Syria lập một quốc gia Hồi Giáo mới. Nhiều người Iraq đang
truyền nhau giả thuyết kể rằng bố ông Putin chính là người Iraq theo đạo Shi A!
Ông cụ tên là “Abu Tin,” làm nghề bán sung (tin là quả sung, trong tiếng Á rập).
Cụ di cư sang Nga, đổi Abu Tin thành Putin, lấy một cô vợ tóc vàng rồi đẻ con đặt
tên là Abdulamir, đọc lối Nga thành ra Vladimir! Lãnh tụ người Shia ở Quốc Hội
Iraq ngỏ ý nên mời ông Putin giúp đánh quân IS (Daesh) ở Iraq sau khi máy bay Mỹ
thả bom mấy năm nay rồi vẫn chưa tiêu diệt hết được!
Ông Putin đã đánh bom quân Daesh tại Syria để bảo vệ chính quyền Bashar
Assad đang lâm nguy, nhưng không đụng tới quân IS ở Iraq. Putin phải can thiệp
vì căn cứ Hải Quân Nga duy nhất ở miền nước ấm trên bờ biển Syria. Muốn hiểu tại
sao Vladimir Putin sốt ruột, phải đem máy bay, hỏa tiễn đến trực tiếp giúp
Assad, cần nhìn lại thời gian trước đây bốn, năm năm. Lúc đó Syria là một quốc
gia cô lập, được Nga và Iran bảo trợ. Mỹ và các nước Châu Âu không có ảnh hưởng
nào trên chính quyền Assad.
Cha con ông Assad là khách hàng được Nga cung cấp vũ khí, Nga được đặt
căn cứ hải quân tại Tartus, bên bờ Ðịa Trung Hải. Chính quyền Assad cũng là đồng
minh tự nhiên của Iran vì cả hai đều thuộc phái Shi A, khối tín đồ Hồi Giáo thế
giới do Iran lãnh đạo.
Từ bốn năm nay, Syria trở thành bãi chiến trường giữa ba phe: chính quyền
Bashar al-Assad, lực lượng IS, và các nhóm nổi dậy khác. Các nhóm này được các
nước chung quanh như Á Rập Saudi, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp viện và tài trợ, có
máy bay Mỹ giúp. Từ giữa năm 2015, các quân lực của chính quyền Assad thua liên
tiếp, nhà độc tài sắp bị lật đổ. Iran đã gửi hàng ngàn quân sang giúp Assad, một
vị tướng Iran đã tử trận ở Syria. Tổ chức Hizbollah của những tín đồ Shi A thiểu
số ở Lebanon được Iran trang bị đã đưa quân qua giúp Assad. Tất cả các nhóm chống
Assad đều theo phái Sun Ni.
Chính quyền Iran đã thúc đẩy ông Putin đem thêm máy bay, xe tăng và trọng
pháo vào Syria để cứu nng người đồng đạo. Bản tin AP trong tuần này tiết lộ Tướng
Qassem Soleimani, vị tướng cầm đầu đạo quân Quds của Iran đã sang Nga nói chuyện
với ông Putin suốt ba giờ, trong Tháng Tám vừa qua. Tướng Soleimani dùng bản đồ
và hình ảnh chứng minh cho ông Putin thấy rằng nếu quân IS tiếp tục thắng thế,
không bao lâu nữa đạo quân Hồi Giáo Sun Ni cực đoan này sẽ đến sát biên thùy nước
Nga khi quân đội của Assad tan hàng! Chính quyền Iraq đã được Iran thông báo về
chuyến đi của Tướng Soleimani, chính quyền Mỹ trong vai trò bảo hộ chắc chắn phải
nhận được tin tức này, do đó các nước Á Rập và Châu Âu đồng minh của Mỹ cũng đã
biết trước hành động can thiệp của ông Putin.
Tại sao Nga phải lo ngại trước viễn tượng quân IS thắng thế? Bởi vì từ
biên giới Nga đi về phía Bắc có các nước nhỏ theo Hồi Giáo nằm trong liên bang
Nga, thuộc vùng Caucasus. Chính phủ Putin đã phải đàn áp phong trào Hồi Giáo nổi
dậy tại Cộng Hòa Chechnya, không thể nào làm ngơ trước mối nguy đạo quân IS quá
khích cực đoan hơn đang tới ngưỡng cửa.
Nhưng chắc ông Putin cũng biết can thiệp vào Syria là một ván bài gay
go, không thể kéo dài. Một phần vì kinh tế Nga đang suy yếu, phần khác vì kinh
nghiệm sa lầy của Liên Xô ở A Afghanistan từ gần 30 năm trước.
Kinh tế Nga tiếp tục xuống dốc vì giá dầu lửa xuống thấp, bán dầu khí
là nguồn ngoại tệ lớn nhất của Nga. Mỹ và các nước Châu Âu tiếp tục cấm vận vì
Putin chiếm Crimea và gây loạn ở phía Ðông nước Ukraine. Ðồng tiền Nga đã mất một
nửa giá trị. Số tiền đầu tư và tiêu thụ đều giảm, số sản xuất xuống. Trong năm
tháng đầu năm 2015, số tiền vay để mua nhà đã giảm bớt 40% so với năm trước.
Trong Tháng Sáu vừa qua, số xe hơi bán đã giảm 30%. Kinh tế Nga sẽ giảm bớt ít
nhất 3% trong năm 2015. Với số ngoại tệ dự trữ 200 tỷ Mỹ kim đang đốt dần dần
ông Putin sẽ không đủ vốn để đánh một canh bạc lớn. Tướng David Petraeus, cựu
chỉ huy quân Mỹ ở Iraq và Afghanistan điều trần tại Quốc Hội Mỹ, đoán rằng ông
Putin có thể tiếp tục can thiệp tại các nước Ukraine, Belarus, Moldova, Syria,
Georgia nhiều nhất là hai năm! Trong khi đó, một đại biểu Quốc Hội Nga thân cận
với Putin đoán rằng cuộc can thiệp vào Syria chỉ kéo dài mấy tháng. Hiện nay dư
luận dân Nga chống việc can thiệp vào Syria (hơn 60%). Ông Putin đang đưa những
toán “quân tình nguyện” do chính quyền Chechnya thân Nga cung cấp sang Syria, gồm
những người cũng theo Hồi Giáo. Một nhóm“quân tình nguyện” khác sẵn sàng qua
Syria chiến đấu là những người theo Nga nổi dậy ở miền Ðông nước Ukraine. Cuộc
đình chiến đang tiến hành khiến nhiều tay trong cánh quân này “thất nghiệp.” Nếu
không muốn trở về đời sống thường dân tẻ nhạt, họ sẽ tình nguyện sang Syria!
Bài học Afghanistan vẫn còn sâu đậm trong ký ức dân Nga. Liên Xô đã đem
quân vào xứ này để bảo vệ một chính quyền cộng sản, nhưng bị sa lầy vì dân
Afghanistan nổi dậy chống quân xâm lược. Khi tinh thần chiến đấu tan rã, quân
Nga phải rút về, một hậu quả là sau đó chính quyền Xô Viết sụp đổ. Nếu ông
Putin dấn chân vào Syria và Iraq thì miền này có thể sẽ là một bãi đầm lầy
không khác gì Afghanistan.
Tại Syria không phải chỉ có một nhóm nổi lên chống chính quyền Assad mà
còn nhiều phe phái khác. Sau khi Nga bắt đầu đánh bom, tổ chức Liên Minh Dân Tộc
Syria, vừa chống chính quyền Assad vừa đánh quân IS đã tố cáo máy bay Nga tấn
công cả các lực lượng không thuộc quân IS nhưng chống Assad, để bảo vệ nhà độc
tài tàn bạo này. Ngày 6 Tháng Mười, đại diện 41 nhóm trong liên minh này đã
tuyên bố họ sẵn sàng chiến đấu chống cự và sẽ đánh bại quân Nga. Cùng lúc đó,
chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã tố cáo máy bay Nga xâm phạm lãnh thổ nước họ. Thổ Nhĩ Kỳ
kiểm soát đường eo biển nối Hắc Hải qua Ðịa Trung Hải, con đường thiết yếu để
Nga tiếp tế cho căn cứ Hải Quân Tartus ở bờ biển Syria.
Ðiều nguy hiểm nhất cho ông Putin là cả thế giới Hồi Giáo theo phái Sun
Ni sẽ coi Nga là kẻ thù vì cấu kết với Iran và phái Shi A. Những phong trào quá
khích từ nay sẽ tấn công vào Nga thay vì chỉ nhắm vào nước Mỹ; mà nước Nga thì
nằm ngay bên cạnh họ. Trong năm 2015, chính phủ nhiều nước Hồi Giáo vùng Trung
Á, trước năm 1990 vẫn nằm trong Liên Bang Xô Viết, đã báo động nhiều thanh niên
xứ họ đã lên đường sang Iraq và Syria gia nhập quân IS! Ông Putin không thể vui
mừng khi được nhiều người Iraq hoan hô, coi ông là một tín đồ Shi A chính hiệu!
Càng nhiều người hoan hô thì khối tín đồ Sun Ni chiếm đa số khắp nơi càng coi
Putin là tử thù!
Ông Putin can thiệp vào Syria để có mặt trong một cuộc đàm phán giữa
các phe phái về một giải pháp chính trị cho xứ này, sau khi 250,000 người đã chết
và 10 triệu người phải chạy loạn và tị nạn sang các nước khác. Khi nào có được
một thỏa hiệp, Nga không cần bỏ bom nữa. Nhưng bao giờ thì các phe phái có thể
ngồi xuống thảo luận với nhau?
Theo tình hình hiện nay thì viễn tượng đó còn xa vời. Lực lượng IS chắc
chắn không bao giờ ngồi xuống nói chuyện với bất cứ ai; mà cũng không ai muốn
nói chuyện với họ. Các lực lượng thuộc Liên Minh Dân Tộc Syria cũng không đoàn
kết đủ với nhau để có một lập trường chung. Những nhóm tham chiến chống chính
quyền Assad nhưng không được các nước Á Rập trong vùng chấp nhận như Mặt trận
Nusra, hậu thân của Qaeda, sẽ khó được mời ngồi vào bàn hội nghị. Các nước Á Rập
và Thổ Nhĩ Kỳ đều đòi phải lật đổ Assad, trong khi Nga và Iran muốn bảo vệ ông
ta, bao giờ họ mới mặc cả xong để thỏa hiệp?
Cho nên cuộc phiêu lưu của ông Putin vào vùng đất Trung Ðông Hồi Giáo sẽ
còn kéo dài, cho đến khi kinh tế Nga kiệt sức. Chính phủ Mỹ có thể dửng dưng đứng
ngoài chờ rất nhiều năm nữa cũng không cần một giải pháp nào cho nước Syria. Mỹ
đang cho máy bay giúp các đạo quân được Saudi, Qatar hoặc Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ và
quân Kurds, với chi phí không cao lắm. Mỹ cũng kêu gọi lật đổ Assad để làm vừa
lòng các nước Á Rập khác, nhưng chính quyền Mỹ không thiết tha lật đổ Assad
ngay bằng bất cứ giá nào. Một chính quyền khác lên thay chỗ Assad có thể cũng
chống Mỹ không khác gì Assad! Mỹ không cần thêm căn cứ quân sự, mà vị trí nước
Syria cũng không quan trọng gì, so với thế lực Mỹ có sẵn trong vùng này. Hơn nữa,
nước Syria còn rối loạn thì các nước Á Rập và Iran đều phải bận tâm, đồng minh
quan trọng nhất của Mỹ là Israel đỡ bị áp lực. Ông Putin xoay trở thế nào trên
chiến trường Syria để khỏi bị sa lầy như Brezhnev tại Afghanistan trước đây 30
năm? Là một người khôn ngoan, ông ta phải quyết định trong năm, sáu tháng tới!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét