Phạm Nhật Bình
Mua và bán dâm được định nghĩa như một hành vi trao đổi tình dục nam nữ ngoài phạm vi vợ chồng để trao đổi với tiền bạc, vật chất hay quyền lợi. Một thời gian dài nó bị các nhà đạo đức học lên án và bị pháp luật cấm đoán bằng nhiều hình thức. Đa số các quốc gia trên thế giới đều cấm hình thức mua bán này, nhưng cũng có khoảng 20 quốc gia công nhận là một nghề hợp pháp có kiểm soát.
Nếu cho đây là một “nghề”, nó có thể coi như là một nghề lâu đời nhất trên thế giới, cũng theo quy luật kinh tế sơ đẳng có cầu có cung. Cho dù nó bị cấm đoán nhưng vẫn tồn tại dai dẳng, làm tốn hao nhiều giấy mực tranh cãi nhất trong dư luận.
Việt Nam là một quốc gia cộng sản độc tài, vốn tự hào với hào quang tưởng tượng về một nền đạo đức xã hội chủ nghĩa hơn người. Nên họ coi mại dâm là phản ảnh “sự tha hóa đạo đức và áp bức bóc lột xuyên lịch sử từ chế độ nô lệ, phong kiến cho tới chủ nghĩa tư bản”, là tệ nạn cần phải xóa bỏ. Họ coi mại dâm là bất hợp pháp và người bán dâm từng bị đưa vào trại gọi là “phục hồi nhân phẩm” khi bị bắt nhưng thực chất là hình thức làm mất nhân phẩm người phụ nữ.
Tuy nhiên, từ năm 1990 đến nay “nạn” mua bán dâm ở Việt Nam giống như “nạn tham nhũng” vẫn tiếp tục sống mạnh và phát triển như nấm mùa mưa. Hàng loạt nhà nghỉ từ bình dân tới cao cấp, các quán karaoke, bia ôm, nhà hàng trá hình, những tiệm hớt tóc ôm, thậm chí.... nhổ răng ôm, là nơi hàng ngày cung ứng cho khách làng chơi đủ loại dịch vụ mà báo quốc doanh gọi chung là “mát mẻ”. Ở ngay quận Bình Tân của Sài Gòn còn hình thành hẳn một “con đường sung sướng” không khác gì một khu “đèn đỏ” danh tiếng nước ngoài.
Đạo đức xã hội chủ nghĩa rồi cũng bất lực trong việc trừng phạt ngăn chận nạn mua bán dâm lan tràn nhanh chóng khắp nơi khi chính chủ nghĩa xã hội đã kéo con người xuống chỗ bần cùng vì cái đói. Ở đồng bằng sông Cửu Long, nơi vẫn được coi là vựa lúa miền tây, người dân chưa bao giờ biết đến cái đói; nhưng dưới thời cộng sản thì nhiều đàn bà, con gái miền tây đã trở thành thứ đồ vật trao đổi tình dục, hay lấy chồng nước ngoài để thoát cảnh đói kém.
Ước tính của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nêu ra trong một hội thảo về phòng chống mại dâm hồi đầu năm 2015, cả nước có khoảng 30 ngàn người hành nghề mại dâm. Đây cũng chỉ là con số thống kê không chính xác, vì mọi người đều biết con số gái mại dâm dưới mọi hình thức thực sự lớn hơn nhiều lần và nó hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà nước.
Bất lực trong ngăn chận sự phát triển rầm rộ của mại dâm trên cả nước, mới đây một viên chức thành phố Sài Gòn đã đề nghị: gom các cơ sở kinh doanh “dịch vụ nhạy cảm” vào một khu riêng để ngăn chặn tệ nạn mại dâm bùng phát, giúp cho việc tầm kiểm soát hiệu quả hơn.
Xem ra cán bộ lãnh đạo Sài Gòn đang viện dẫn đủ mọi lý do để đưa ra vấn đề hợp pháp hóa mại dâm như một biện pháp cởi mở nhất giúp cho nhà nước xóa bỏ dần hay hạn chế tệ nạn này. Nhưng vấn đề lại không nằm ở những mong muốn tốt đẹp đó.
Đành rằng nạn mua bán dâm ở quốc gia nào cũng có, nhưng không cứ tập trung vào một vài khu “đèn đỏ” ở các đô thị lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Hải Phòng là có thể giải quyết vấn đề. Vấn đề là chính quyền hiện nay sẽ giải quyết nó như thế nào theo một chính sách thống nhất trên toàn quốc chứ không thể theo từng địa phương.
Mặt khác, nhà nước cộng sản có vẻ cố tình không biết hay làm ngơ trước một sự thật không thể chối cãi: nạn mại dâm phát triển trên khắp đất nước Việt Nam không phải vì thiếu luật pháp hay thiếu biện pháp tập trung người hành nghề mại dâm vào các “khu đèn đỏ” công khai.
Vấn nạn này có một nguyên nhân thật gần gũi với những người đang thi hành luật pháp. Đó chính là sự ăn chia chặt chẽ giữa công an và xã hội đen. Chúng gắn liền nhau trong hình thức “một đồng một cốt”, đưa đến tình trạng bao che lẫn nhau để ăn bẩn từ đồng tiền của các cô gái bất hạnh. Ở cấp thấp nhất, mại dâm trong một khu xóm không thể tồn tại nếu không có sự đồng tình của công an khu vực. Và để đánh đổi sự bao che này, tất cả chỉ tính bằng tiền cho cả công an và các tay anh chị xã hội đen.
Ở mức cao hơn là nạn buôn người, trong đó việc buôn bán phụ nữ Việt Nam đưa ra nước ngoài để hành nghề mại dâm đã được nhiều cơ quan truyền thông quốc tế như BBC, AFP đề cập đến. Phụ nữ Việt Nam bị đưa sang những động mãi dâm ở nhiều nước; xa xôi như Nga, Ghana,...hay gần gũi như Trung Quốc,
Kampuchia v.v.... Việc buôn người này không dễ dàng nếu không có sự tiếp tay của các quan chức an ninh địa phương. Báo cáo về nạn buôn người trên 188 quốc gia của bộ ngoại giao Hoa Kỳ từ năm 2012 đến nay vẫn xếp Việt Nam vào bậc 2 trong cuộc chiến chống nạn buôn người (làm được nhiều nhất để chống nạn buôn người được xếp vào bậc một, làm ít nhất xếp bậc ba. Việt Nam làm ví dầu âu ơ cho có lệ, bị xếp vào bậc 2).
Trong chế độ hiện nay, người dân Việt phải chứng kiến nhiều điều trái ngược. Trong khi lực lượng công an trực tiếp nuôi sống xã hội độc tài bằng tệ nạn cờ bạc, ma túy, mại dâm thì cũng chính lực lượng đó phối hợp với côn đồ để công khai trấn áp các nhà dân chủ yêu nước. Đó là thực tế thường xảy ra ở các xứ độc tài, không riêng tại Việt Nam. Vụ án Năm Cam vào năm 2007 đã cho thấy điều này.
Do đó, những đề nghị đột xuất ở một thành phố như “phố đèn đỏ Sài Gòn” tưởng là hay nhưng thực tế lại phục vụ cho một nhóm có chức có quyền hay nói cách khác là hợp thức hóa sự cấu kết giữa côn-an và xã hội đen.
Phạm Nhật Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét