Thứ Năm, 10 tháng 9, 2015

Con đường lên nắm quyền của ông Ngô Đình Diệm, 1945-54 (P3)



 Biên dịch: Hoài Phi & Vy Huyền

Chiến dịch tranh cử thủ tướng của ông Ngô Đình Diệm, 1953-1954

Quyết định rời Hoa Kỳ đến châu Âu tháng 5 năm 1953 của Ngô Đình Diệm là một bước khởi đầu trong ván cờ chính trị mới. Mặc dù cuộc chiến ở Đông Dương vẫn ở thế bế tắc, ông và những đồng minh của ông nhận thấy có sự thay đổi chính trị mà họ hy vọng rằng sẽ có lợi cho ông. Nhờ vị trí thuận lợi của mình ở Sài Gòn, Ngô Đình Nhu nhận thấy rằng những nhà quốc gia không cộng sản đang mất hết kiên nhẫn với Bảo Đại và chiến lược giành độc lập trong Liên hiệp Pháp của Bảo Ðại. Bốn năm kể từ ngày ký kết Hoà ước Elysée, Pháp rất ít khi nhượng bộ chủ nghĩa dân tộc tại Việt Nam, và với Paris, Quốc gia Việt Nam nhiều nhất là độc lập trên danh nghĩa. Đa số người quốc gia thất vọng với Thủ tướng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Tâm, một người có tiếng là thân Pháp và chuyên quyền. Cuối cùng, những người quốc gia đã nổi giận vì quyết định đơn phương của Paris trong việc phá giá đồng bạc Đông Dương vào đầu tháng 5 năm 1953, một hành động vi phạm những thoả thuận trước đó với các Quốc gia Liên hiệp, đồng thời làm gia tăng lạm phát và khó khăn ở Đông Dương. [1] Khi những bất mãn với Pháp và Bảo Đại tăng cao, anh em họ Ngô ý thức được rằng thời gian đã chín muồi để có thể đưa ra ván cược quyền lực mới.


Khi lập kế hoạch, Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đều biết rằng phải đi những nước thận trọng. Họ cần phải làm cho Bảo Đại và chiến lược tìm độc lập qua nhượng bộ từng phần của ông ta bị mất uy tín; tuy nhiên, họ cũng phải tránh phê phán trực tiếp cựu hoàng, nếu không, e rằng Bảo Đại khi quá tức giận sẽ từ chối việc ứng cử của Ngô Đình Diệm ngay từ ban đầu. May mắn cho anh em họ, các sự kiện vào mùa hè 1953 đem lại chính những cơ hội mà họ cần. Đầu tháng Bảy, chính phủ Pháp đề nghị một vòng thảo luận mới với các Quốc gia Liên hiệp nhằm “hoàn thiện” nền độc lập của họ trong Liên hiệp Pháp. Nếu như người Pháp đưa ra đề nghị này vào năm 1949 hay 1950, nó có thể được coi là sự công nhận từng bước lập trường của Bảo Đại; tuy nhiên, vào thời điểm năm 1953, các đề nghị thương thảo thêm dường như chỉ đổ thêm dầu vào nỗi âu lo của những người quốc gia về ý định chân thành của người Pháp.

Trong hàng loạt những buổi họp với những lãnh đạo phe quốc gia vào tháng Bảy và tháng Tám, Ngô Đình Nhu khéo léo khơi gợi những mối lo âu của họ. Làm việc với Nguyễn Tôn Hoàn của Đại Việt – người, như đã nói ở trên, đã cộng tác với Ngô Đình Diệm một thời gian ngắn trong năm 1947-1948 trước khi Quốc gia Việt Nam thành lập – Ngô Đình Nhu đã úp mở ý tưởng triệu tâp Đại hội Đoàn kết không chính thức tại Sài Gòn vào đầu tháng Chín, sau khi Bảo Đại rời Việt Nam đi Pháp. Ý tưởng về Đại hội nhanh chóng được nhiều người quốc gia, trước đây nổi tiếng theo phe Bảo Đại, ủng hộ; ngoài ông Nguyễn Tôn Hoàn của Đại Việt, những người này gồm có lãnh đạo Cao Đài Phạm Công Tắc, tướng Trần Văn Soái của Hoà Hảo, Tướng Lê Văn Viễn của Sài Gòn (Bảy Viễn Bình Xuyên) và một số nhân vật Công giáo quan trọng. Bên cạnh đó, một số nhóm trước đó đã ngừng ủng hộ Bảo Đại và Quốc gia Việt Nam (chẳng hạn Đồng minh Hội và Việt Nam Quốc dân Đảng thuộc phe quốc gia, và một số tổ chức Phật giáo) cũng đồng ý tham dự Đại hội. Tướng Viễn bằng lòng để sự kiện này tổ chức ở Bình Xuyên, Sài Gòn. [2]

Đại hội Đoàn kết ngày 5, 6 tháng 9, 1953 là một sự kiện hỗn độn. 55 đại biểu có mặt đã tham gia ký xác nhận bản tuyên bố phản đối mạnh mẽ chính sách độc lập từng phần của Bảo Đại. Tuy nhiên, ngay sau khi bản tuyên bố được ký, những người tham dự bắt đầu tranh cãi về những ẩn ý của bản tuyên bố này. Tướng Viễn e ngại rằng Đại hội sẽ vượt khỏi khả năng kiểm soát, nên chỉ sau hai ngày, đã quyết định kết thúc sự kiện này sớm bằng việc đóng hội trường. Phạm Công Tắc của Cao Đài, người trước đó đã phê phán nặng nề Bảo Đại trong những nhận xét công bố trước cuộc họp, giờ đây cùng với những thủ lĩnh của Bình Xuyên và Hoà Hảo gởi điện tín tới cựu hoàng để tái khẳng định sự trung thành của ba nhóm này đối với Quốc gia Việt Nam. Trong khi đó, Ngô Đình Nhu tuyên bố rằng Đại hội đã tạo ra một tổ chức chính trị mới với tên gọi Phong trào Đại đoàn kết và Hoà bình; tuy nhiên, ông cũng thận trọng tránh những lời tuyên bố gay gắt chống Bảo Đại và phủ nhận việc Đại hội đã chọn được lập trường chính trị chính thức. [3]

Về việc xây dựng liên minh, Đại hội Đoàn kết là một thất bại. Tuy nhiên, vì với Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Diệm, sự kiện này chủ yếu chỉ để chiếm lấy quyền hành từ tay Bảo Đại, nên trong trường hợp này, Ðại hội là một thành công rực rỡ. Từ Pháp, Bảo Đại muốn giành lại vị thế chính trị nên đã tuyên bố rằng một “Hội nghị Quốc gia” chính thức sẽ được tổ chức ở Sài Gòn vào tháng Mười năm đó. Những lãnh đạo cấp cao của Cao Đài, Hoà Hảo và Bình Xuyên ngay lập tức đồng ý tham dự, cùng với đại diện của những nhóm quốc gia khác. Tuy nhiên, Ngô Đình Nhu và những đồng minh của ông cố ý vắng mặt trong trong buổi họp ngày 12 tháng 10, 1953. Ban đầu, Hội nghị có vẻ nhằm đưa ra phê chuẩn như dự định ủng hộ Bảo Đại và chính sách của ông. Tuy nhiên, ngày 16 tháng 10, các đại biểu bất ngờ phê chuẩn quyết định bác bỏ sự tham dự vào Liên hiệp Pháp và ủng hộ việc “độc lập hoàn toàn”. Dù rằng sau đó các ủng hộ viên trung thành Bảo Đại đạt được một thoả thuận bổ sung vào những tuyên bố chống đối trước đó, rằng một Việt Nam độc lập sẽ không thuộc Liên hiệp “như trong hình thức hiện tại”, nhưng những tổn thất chính trị đã xảy ra. Mục đích của Hội nghị Quốc gia là để chứng tỏ sự ủng hộ của phe quốc gia dành cho Bảo Đại, nhưng thay vào đó, nó lại cho thấy mức độ bất mãn của những người này đối với Bảo Đại và chính sách của ông. [4]

Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu không tham gia Hội nghị tháng Mười, vì hiển nhiên họ sợ rằng việc tham gia của họ sẽ kéo thêm sự ủng hộ cho Bảo Đại. [5] Tuy nhiên, ngay sau đó, họ khám phá rằng, kết quả bất ngờ của hội nghị buộc Bảo Đại phải thân thiện hơn với Ngô Đình Diệm và cân nhắc lại khả năng bổ nhiệm ông vào chức thủ tướng. Đầu tháng 10, trước khi Hội nghị Quốc gia khai mạc, Bảo Đại có một cuộc gặp riêng với Ngô Đình Diệm ở Paris; đó là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên của họ trong vòng bốn năm. [6] Sau khi Hội nghị tan rã, cựu hoàng càng trở nên hoà hoãn hơn. Trong cuộc gặp mặt lần thứ hai với Ngô Đình Diệm ở Cannes ngày 26 tháng 10, Bảo Ðại thăm dò khả năng bổ nhiệm Ngô Đình Diệm vào chức thủ tướng với việc thẩm vấn “giả định” về thiện ý phụng sự của Ngô Đình Diệm. [7] Cựu hoàng hoãn lại quyết định về Ngô Đình Diệm vài tháng sau đó; tuy vậy, đến cuối năm 1953, ván cờ của anh em họ Ngô rõ ràng đã giành phần thắng lớn. Uy tín và vị thế của Bảo Đại với toàn dân thấp đến mức kinh khủng. Thái độ chống Pháp kiên quyết của Ngô Đình Diệm, ngược lại, có vẻ rất hợp với phương hướng chung của chính kiến quốc gia ở Sài Gòn, và vì vậy nó dường như bỗng nhiên trở thành điều mà cựu hoàng không thể thiếu được.

Những tháng sau Hội nghị tháng Mười, áp lực với Bảo Đại tiếp tục tăng lên, trong khi Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu tiếp tục mở rộng lợi thế của họ. Tháng 12, 1953, Bảo Đại nhượng bộ những than phiền của phe quốc gia và cách chức Thủ tướng chuyên quyền Tâm. Bằng việc thay thế chính phủ của Nguyễn Văn Tâm với nội các lâm thời dưới quyền của Hoàng tử Bảo Lộc, một thành viên của hoàng tộc, Bảo Đại hy vọng kéo dài thời gian để tìm cách giành lại sự ủng hộ của thần dân. Thời cơ giờ đây là vàng bạc, và anh em họ Ngô đã không bỏ lỡ. Vào đầu tháng 3, 1954, sau khi Bảo Đại chấp thuận trên nguyên tắc việc thành lập Quốc hội mới, Nhu và những đồng minh của ông xuất bản một bài viết ở Sài Gòn, trong đó, họ tuyên bố chiến thắng và đồng thời thúc ép nhượng bộ thêm. Nước cờ này khơi mào cho sự phân chia giữa phe phái những người quốc gia; trong khi một số thủ lĩnh theo Bảo Đại, một số nhóm trong nội bộ của Cao Đài, Hoà Hảo và Đại Việt lại công khai ủng hộ Ngô Đình Nhu và những đòi hỏi “cách mạng dân tộc chủ nghĩa” của ông. [8]

Khi những đấu đá chính trị ở Sài Gòn tăng cao, tin từ miền Bắc vào giữa tháng Ba cho hay Việt Minh đã vây hãm căn cứ của Pháp ở Điện Biên Phủ. Tin này, cùng với việc chính phủ Pháp đồng ý đàm phán về vấn đề Đông Dương tại hội nghị các Cường quốc ở Geneva, lập tức biến khả năng người Pháp rút khỏi Việt Nam thành điều sắp xảy ra. Tại Paris, Bảo Đại cảm thấy rằng ông đang hết những lựa chọn. Khi vị thế của người Pháp ở Điện Biên Phủ trở nên bấp bênh, cựu hoàng chuyển lời đến Ngô Đình Diệm qua người em út của ông là Ngô Đình Luyện. Điện Biên Phủ rơi vào tay Việt Minh ngày 7 tháng 5, 1954; vài ngày sau đó, Ngô Đình Diệm đến Paris để gặp Bảo Đại lần nữa. Theo những gì được biết sau này, Ngô Đình Diệm rất e dè; ban đầu, ông làm như không hề quan tâm đến chức vụ thủ tướng. Bảo Đại buộc phải để nghị Ngô Đình Diệm đến lần thứ hai, khẩn nài Diệm rằng “sự bảo vệ cơ đồ Việt Nam tuỳ thuộc vào việc này”. [9]

Những sự kiện xảy ra ở Sài Gòn và Pháp trong suốt thời gian 1953-1954, và vai trò liên quan của Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu là những mấu xích quan trọng giúp chúng ta hiểu con đường đến quyền lực của Ngô Đình Diệm và việc người Mỹ được cho là đã tham gia vào việc đảm bảo cho Ngô Đình Diệm được bổ nhiệm. Từ lâu nay, mọi người quả quyết rằng những quan chức Hoa Kỳ đã bí mật áp lực Bảo Đại chọn Ngô Đình Diệm. [10] Tuy nhiên, sử gia David L. Anderson chỉ ra rằng, vào đầu năm 1954, những quan chức cấp cao của chính quyền Eisenhower chỉ “biết mơ hồ” về Ngô Đình Diệm, và những tài liệu chính thức của Hoa Kỳ không cung cấp bằng chứng những cáo buộc rằng Hoa Kỳ tổ chức chiến dịch ủng hộ Ngô Đình Diệm. Thay vào đó, Anderson lập luận rằng quyết định của Bảo Đại được hình thành chủ yếu bởi niềm tin của ông rằng Quốc gia Việt Nam cần có sự ủng hộ của Hoa Kỳ để tiếp tục tồn tại, và Bảo Ðại cho rằng Ngô Đình Diệm là một lãnh đạo có khả năng nhất để bảo đảm được sự ủng hộ này. [11] Những khẳng định của Anderson ban đầu có vẻ chỉ có tầm quan trọng tương đối nhỏ, nhưng nó trở nên lớn dần trong những tranh luận sau đó về nguồn gốc và tiến triển của việc can thiệp của Hoa Kỳ vào Việt Nam trong thập niên 1950.

Những bằng chứng ở đây cho thấy rằng giải thích của Anderson là đúng nhưng không trọn vẹn. Ngoài những lý do của tình hình thế giới, quyết định của Bảo Đại chủ yếu được hình thành bởi những tiến triển chính trị tại Việt Nam. Vào mùa xuân năm 1954, những sự kiện xảy ra đã hợp thức hoá quyết định của Ngô Đình Diệm trong việc giành quyền độc lập “đúng nghĩa” từ người Pháp. Ngay cả trước khi người Pháp bại trận tại Điện Biên Phủ, lập trường của Ngô Đình Diệm về vấn đề độc lập hiển nhiên được ưa chuộng hơn khi so sánh với Bảo Đại. Hơn nữa, Ngô Đình Nhu và những đồng minh của ông cho thấy một cách thuyết phục rằng Ngô Đình Diệm nắm giữ một tâm điểm chính trị tại Việt Nam. Như Bảo Đại sau này viết trong hồi ký của mình, sự kính mến của những người quốc gia dành cho anh em họ là phần quan trọng trong bàn tính chính trị của ông:

“Từ những gì tôi biết về ông, tôi biết rằng ông Diệm là một người khó tính. Tôi cũng biết về sự cuồng tín và xu hướng thiên về Thiên Chúa của ông. Nhưng, trong hoàn cảnh hiện tại, không có một lựa chọn nào tốt hơn. Ông được người Mỹ biết đến, và họ đánh giá cao tính không khoan nhượng của ông. Trong mắt họ, ông là người xứng đáng với chức vụ đó nhất, và Washington sẽ không dè xẻn trong việc ủng hộ ông. Bởi vì quá khứ [của ông Diệm] và bởi vì sự hiện diện của người em ông ở vị trí hàng đầu của “Phong trào Công đoàn Quốc gia”, ông sẽ có được sự cộng tác của những người quốc gia thế lực nhất, những người đã hạ bệ ông Tâm và ông Bửu-Lộc. Cuối cùng, cũng vì tính không khoan nhượng và sự cuồng tín của mình, ông là người ta có thể trông cậy được trong việc chống lại chủ nghĩa cộng sản. Đúng, ông chính là người cần thiết cho hoàn cảnh như vậy.” [12]

Đến giờ này, các sử gia vẫn chưa tìm ra được một tài liệu bằng chứng nào cho việc Hoa Kỳ đã bí mật đưa Ngô Đình Diệm vào chức vụ thủ tướng vào mùa xuân 1954, nhưng cho dù có một âm mưu như vậy đã được ấp ủ và thi hành, nó cũng không ảnh hưởng nhiều đến quyết định của Bảo Đại. Vào tháng 5, 1954, Bảo Đại đã bị các sự kiện áp đảo và bị Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu vượt mặt về chiến thuật. Ông hầu như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc giao cho Ngô Đình Diệm chức thủ tướng với những điều kiện mà Ngô Đình Diệm đã đòi hỏi từ lâu: Quốc gia Việt Nam phải có “toàn quyền” trong mọi khía cạnh của chính phủ, quân sự và kinh tế.

Ngày 16 tháng 6, 1954 – đúng năm năm kể từ ngày công bố bản tuyên ngôn cho một hướng đi khác đến “cách mạng xã hội” – Ngô Đình Diệm chính thức đồng ý thành lập nội các, và vì vậy trở lại với chính trường lần đầu tiên kể từ năm 1933. Với Ngô Đình Diệm, người đã cam chịu nhiều thất vọng chính trị qua gần một thập kỷ, đây là thời điểm hoàn toàn chính đáng cho sự trở lại. Chắc chắn rằng, Ngô Đình Diệm quá kinh nghiệm với những thăng trầm của nền chính trị Đông Dương để có thể tin rằng chiến thắng của ông là trọn vẹn, hay được bảo đảm thành công về mặt lâu dài. Ngược lại, ông biết rằng việc ông được bổ nhiệm không đem lại cho ông gì hơn một cơ hội để nắm lấy những nhiệm vụ to lớn và đầy đe doạ mà chính phủ Quốc gia Việt Nam đang đối mặt. Dù sao, Ngô Đình Diệm giờ đây đã có những mở đầu chính trị mà ông quyết tìm kiếm từ lâu, và ông phấn khích với những gì đạt được. “Thật thế, giờ phút này là giờ phút quyết định”, ông đã tuyên bố như vậy ngay sau khi quyết định bổ nhiệm được thông báo. [13] Như những sự kiện cho thấy, những quyết định trong hai năm 1954-1955 quả thật đã có những hệ quả sâu sắc cho Việt Nam và cho tất cả những cường quốc muốn gây ảnh hưởng ở đất nước này. Do bởi tính kiên trì, nhẫn nại, lập kế hoạch, tranh thủ cơ hội và dự phần không nhỏ của may mắn, cuối cùng Diệm giành được cơ hội để định hướng cho đa số những quyết định đó. Đó là vai trò của cả một cuộc đời, và ông đã đặt cược đến cùng.

Kết luận

Khi Ngô Đình Diệm về Sài Gòn vào ngày 25 tháng 6, 1954 với cương vị Thủ tướng [được chỉ định] của Quốc gia Việt Nam, nhiều người ở Việt Nam và khắp nơi nghĩ rằng nhiệm kỳ của ông sẽ sớm kết thúc. Quốc gia mà ông đang nắm quyền vẫn còn hoạt động chủ yếu theo mệnh lệnh của những quan chức thuộc địa Pháp, những người có thái độ từ cam chịu chấp nhận đến thù địch trước việc ông Ngô Đình Diệm được bổ nhiệm. Trong khi đó, những quan chức Hoa Kỳ lại phân chia rõ rệt trong việc nên hay không nên ủng hộ ông. Nếu Ngô Đình Diệm không thể dựa vào ủng hộ của bên ngoài để giữ vững chức vụ, ông cũng không thể trông mong gìn giữ vai trò lãnh đạo đơn giản bằng việc lôi kéo các lực bẩy của quyền lực quốc gia. Quân đội Quốc gia Việt Nam được chỉ huy bởi những tướng lãnh thân Pháp, là những người rất nghi ngờ Ngô Đình Diệm. Uy quyền của Quốc gia Việt Nam đa số chỉ giới hạn ở những thành thị lớn của Việt Nam, và vùng nông thôn là những mảng độc lập không chính thức của các thủ lĩnh. Ngay cả ở Sài Gòn, quyền lực của Ngô Đình Diệm cũng bị hạn chế vì lực lượng cảnh sát địa phương đều thuộc quyền kiểm soát của Bình Xuyên. Chỉ vài tuần sau khi nhận chức, phạm vi quyền lực của ông lại bị thu hẹp bởi tuyên bố rằng người Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đạt được thoả thuận ở Geneva, chia đôi Việt Nam thành hai miền nam bắc trước cuộc tổng tuyển cử năm 1956 – một cuộc tuyển cử được nhiều người dự đoán là phe cộng sản sẽ giành phần thắng.

Bất chấp những việc xảy ra, vị thế của Ngô Đình Diệm không vô vọng như mọi người thấy. 18 tháng tiếp theo đó, ông tập hợp lại quân đội, dẹp tan những bè phái kình địch, trục xuất Bảo Đại và tuyên bố sự thành lập một quốc gia miền Nam Việt Nam mới mà ông giữ chức Tổng thống. Một thảo luận đầy đủ về việc Ngô Đình Diệm đã làm thế nào để có thể bất chấp những dự tính (của các phe phái khác) và củng cố uy quyền của ông trong thời gian 1954-1955 nằm ngoài phạm vi của bài tiểu luận này; dù vậy, những lập luận được đưa ra ở đây cho thấy những gì mọi người biết về ông và những cách để ông giữ vững được quyền lực của mình sau năm 1954 cần phải được xem xét lại. Có ba điểm đặc biệt rõ ràng.

Đầu tiên, vào thời điểm tiến đến chức vụ thủ tướng, Ngô Đình Diệm không hề thiếu những đồng minh tại Việt Nam như mọi người lầm tưởng. Ngoài những người Công giáo ủng hộ ông, ông còn có những ủng hộ từ những nhóm và những lãnh đạo không Công giáo quan trọng khác, phần lớn nhờ vào những cố gắng của các anh em của ông trong giai đoạn ông sống lưu vong. Những hoạt động của Ngô Đình Nhu trong suốt thời gian đầu những năm 1950 (như việc thành lập đảng Cần Lao và việc thu nhận những công đoàn lao động của Trần Quốc Bửu) đặc biệt quan trọng, bởi vì chúng đem đến những phương tiện để Ngô Đình Diệm có thể vận động sự ủng hộ trong suốt những tháng đầu tiên đầy xáo trộn sau khi ông lên nắm quyền.

Thứ hai, trong năm 1954, Ngô Đình Diệm không hề chú ý đến Hoa Kỳ hay có khuynh hướng đi theo những lời khuyên của người Mỹ. Không có bằng cớ nào chứng tỏ rằng Ngô Đình Diệm được bổ nhiệm nhờ một chiến dịch gây áp lực (với Bảo Ðại) do những quan chức Hoa Kỳ khởi xướng. Thay vào đó, ông nắm được chức thủ tướng là nhờ vào chuỗi tập hợp những vận may và việc ông cẩn trọng kết hợp tất cả những hoạt động của ông với hoạt động của những người ủng hộ ông ở Đông Dương. Vì Ngô Đình Diệm không lệ thuộc vào sự ủng hộ của người Mỹ hay theo những chỉ định của người Mỹ trước tháng 6, 1954, không có lý do gì để cho rằng ông lập tức dựa vào các quan chức Hoa Kỳ sau ngày đó. Lên nắm quyền nhờ vào những cố gắng cá nhân của ông và của các anh em ông, ông Ngô Đình Diệm không có khuynh hướng theo Hoa Kỳ về chính sách và chiến lược chính trị. Ngược lại, trở lại Sài Gòn với quyết tâm hơn bao giờ để đi theo quyết định của mình và để tiến hành những dự định nhằm củng cố và mở rộng quyền lực, chúng ta cần lưu ý đến xu hướng chỉ dùng những quyết định của riêng mình của Ngô Đình Diệm khi phân tích những sự kiện xảy ra sau năm 1954, và đặc biệt khi đánh giá quan hệ của ông với các quan chức Hoa Kỳ.

Cuối cùng, những lời nói và việc làm của Ngô Đình Diệm trong suốt giai đoạn 1945-1954 cho thấy sự bất hợp lý khi cho rằng ông là nhân vật “truyền thống”, người không muốn hiện đại hoá và phát triển. Mặc dù ông có thiên hướng vận động ngầm, Ngô Đình Diệm nhận biết rằng thành công hay thất bại cuối cùng của thể chế mới của ông cần xoay quanh nhiều việc khác hơn là chỉ đặt những kế hoạch và phi vụ bí mật. Trong bài diễn văn đầu tiên của mình sau khi trở về Sài Gòn, Ngô Đình Diệm tái khẳng định rằng mục tiêu của ông là đề xướng thay đổi cách mạng ở Việt Nam.

“Trước một thời cơ khẩn cấp, tôi sẽ hành động quyết-liệt. Tôi sẽ cương-quyết vạch ra một đường lối cứu-quốc. Một cuộc cách-mệnh toàn diện sẽ được thực hiện trong hết mọi ngành tổ-chức và sinh-hoạt quốc-gia.” [14]

Trong những tuyên bố trước đó về những điều này, viễn kiến về cuộc cách mạng mà Ngô Đình Diệm đưa ra vào tháng 6 năm 1954 vẫn còn đang ở mức ban đầu và mơ hồ. Nhưng dù sao, nó vẫn là một viễn kiến, và ông đã đặt cược thành công của chính thể mới vào khả năng thi hành viễn kiến này của mình. Với sự giúp đỡ của Ngô Đình Nhu, hướng đi của Ngô Đình Diệm ngày càng trở nên chi tiết và tỉ mỉ hơn vào thời gian sau đó. Đến năm 1957, chính thể đã công khai lấy chủ nghĩa Nhân vị làm tư tưởng chính thức và tuyên bố cuộc “Cách mạng Nhân vị” là mục tiêu tối thượng của chính sách quốc gia. Như cách chọn sử dụng những từ ngữ này cho thấy, quan điểm của Ngô Đình Nhu về nhân vị là nhận thức cơ bản cho tư tưởng mới này. Trong suốt thời gian đó cho đến năm 1963, anh em họ Ngô tiếp tục hoàn thiện tư tưởng mới này, và chúng có mặt cả trong những chính sách cột trụ của việc xây dựng quốc gia ở những lãnh vực như phát triển kinh tế, cải cách điền địa và an ninh quốc gia.

Kết cuộc thì cuộc Cách mạng Nhân vị đã không được thực hiện. Như những người chống Ngô Đình Diệm (và thậm chí cả nhiều người ngưỡng mộ ông) cho biết, hệ tư tưởng của Ngô Đình Diệm về chủ nghĩa Nhân vị không chỉ phức tạp mà còn hết sức trừu tượng và thường quá dày đặc để có thể lĩnh hội được. Mặc dù nó cung cấp tài liệu và hình thành chính sách của chính thể, nó mang quá ít ích lợi khi dùng làm phương tiện để tạo ra sự ủng hộ cho những chính sách này. Tuy nhiên, khi nói rằng hướng đi của Ngô Đình Diệm không thực hiện được, không có nghĩa nó không quan trọng, hay cần gạt bỏ nó như đơn thuần chỉ là ảo tưởng vô vọng của một bạo chúa lạc hậu. Theo nhiều người Việt Nam và khá nhiều những người Mỹ phát hiện thấy, Ngô Đình Diệm có tài ghê gớm trong việc truyền cảm hứng cho những người gặp gỡ và lắng nghe ông; việc ông cũng có khi tẻ nhạt, độc đoán và thậm chí tàn bạo cũng không làm lu mờ đi khả năng này. Như nhiều nhà lãnh đạo khác, Ngô Đình Diệm kết hợp những tham vọng quyền lực và viễn kiến của mình bằng nhiều cách phức tạp và đôi khi mâu thuẫn nhau. Tháo gỡ những phức tạp về chính trị và tư tưởng của ông, vì vậy, là một bước quan trọng để đi đến việc xem xét lại và hiểu rõ hơn vai trò của ông trong cuộc đấu tranh lâu dài và rối rắm, để hình thành nên số phận Việt Nam hiện đại./.

 ***
Edward Miller là giáo sư khoa Lịch sử, trường đại học Dartmouth.


Nguồn: Edward Miller “Vision, Power and Agency: The Ascent of Ngô Ðình Diệm, 1945–54“, Journal of Southeast Asian Studies, 35 (3), October 2004, pp 433–458.

http://nghiencuuquocte.net/2015/09/05/con-duong-nam-quyen-ngo-dinh-diem-p3/#

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét