Phạm Nhật Bình
Câu hỏi có vẻ chân thành ấy bộc lộ cho người ta thấy quá nhiều nguy cơ tiềm ẩn trong cơ thể của một đảng chính trị độc quyền, đến nay đã trở thành một thứ ung nhọt đang vỡ.
Cũng là một cơ quan tuyên truyền, giáo dục về đường lối, chủ trương của Đảng, cũng như những vấn đề căn bản của chủ nghĩa Mác-Lênin và cái gọi là “tư tưởng Hồ Chí Minh”, Tạp chí Cộng sản không khỏi lúng túng khi đưa ra những giải pháp cho những căn bệnh ngặt nghèo của đảng mà họ chưa từng gặp phải.
Trước hết bài báo cũng phải thừa nhận, so với thời gian trước đây không lâu, hiện nay có những đảng viên “không vượt qua được gian khổ, thử thách”, đã “thoái lui hoặc đầu hàng, phản bội, làm tay sai cho địch chống lại cách mạng”. Đó là một thực tế, và thực tế ấy đang diễn ra trong nội bộ đảng càng ngày càng gay gắt.
Thật sự đây không chỉ là vấn đề phai nhạt lý tưởng, hay thiếu niềm tin vào con đường xã hội chủ nghĩa mà chính lý thuyết cộng sản đã sụp đổ sau khi đã lên tới điểm cực đại ở cuối con đường giải thực. Ở Việt Nam, lãnh đạo cộng sản với sự giúp sức của phong trào cộng sản quốc tế đã nắm được thời cơ, “cướp công” từ những thắng lợi do công sức toàn dân.
Nhưng trong 40 năm qua, trong điều kiện hòa bình để xây dựng một đất nước dân chủ phồn vinh, chủ nghĩa cộng sản cho thấy nó chưa hề là một chân lý đáng tôn thờ. Mà ngược lại càng ngày nó càng đưa đất nước đến chỗ tụt hậu, đói nghèo, dân chủ bị bóp nghẹt. Chính sự thức tỉnh của các tầng lớp đảng viên đã đẩy nhanh quá trình xét lại mà đảng sợ hãi gọi là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hay “mất niềm tin” và “từ bỏ lý tưởng cách mạng”, sẵn sàng đưa đất nước đi theo hướng khác.
Không ít đảng viên cộng sản từ lâu đã nhìn thấy bộ mặt thật của chủ nghĩa xã hội, một lý thuyết hoang tưởng không có khả năng đưa đất nước tiến lên sau chiến tranh. Nhất là từ năm 1991, con đường xã hội chủ nghĩa đã bị nước Nga từ bỏ để trở về hội nhập với sự phát triển của phương Tây.
Sau năm 1975, đảng CSVN cầm quyền trên cả nước, sự bế tắc về kinh tế bao trùm khắp nơi. Hơn 10 năm xoay trở trong bất lực, cuối cùng đảng buộc phải học lại những bài học về kinh tế thị trường. Cả nước Việt Nam tạm thời thoát khỏi tình trạng xã hội bùng phát loạn lạc do đói nghèo. Giai đoạn ấy giờ đây được ca ngợi là “thời kỳ đổi mới” dưới sự lãnh đạo tài tình của đảng, nhưng ai cũng thấy những thành tựu của Việt Nam trong hơn 20 năm là do kinh tế tư bản tạo ra.
Nhưng thời kỳ phát triển kinh tế cũng là môi trường tốt cho nạn tham nhũng hoành hành từ trên xuống dưới, nhất là trong một chế độ độc quyền chính trị. Trong lúc đảng Cộng sản Việt Nam là người bao che dung dưỡng, sự giàu lên nhanh chóng của một số người trong và ngoài chính quyền đã hình thành các nhóm quyền lợi, chẳng những khống chế Việt Nam về mặt kinh tế mà còn về chính trị. Điều này càng thôi thúc những đảng viên cộng sản đã thức tỉnh thay đổi tư duy sâu sắc hơn về con đường đảng đang đi. Họ là những người bị đảng cáo buộc “suy thoái về tư tưởng chính trị”.
Sự thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ càng ngày càng rõ ràng khiến đảng phải lo sợ. Vì thật sự không có một thế lực thù địch nào có thể làm “mảnh đất tốt” trong nội bộ đảng hơn những người đã từng sống trong môi trường xã hội chủ nghĩa nay nhận thức được sự sai lầm của nó.
Cho dù con số thống kê cho thấy trong ba năm gần đây nhất, có đến trên 54 ngàn đảng viên bị các hình thức kỷ luật khác nhau nhưng điều này cũng không làm cho đảng trong sạch hơn. Mà ngược lại, tình trạng sa lầy của đảng lại càng trầm trọng hơn khi đảng viên công khai vạch trần sự thối nát của chế độ và nhiều người tuyên bố ra khỏi đảng.
Trước tình trạng này, Tạp chí Cộng Sản cố gắng đưa ra những phương cách giải quyết mà họ tin là có thể chống lại sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và làm cho đảng “thật sự trong sạch, vững mạnh”.
Thứ nhất là đề cao lý tưởng, “nắm vững ngọn cờ (rách) tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Đưa ra điều này nhưng đảng cũng thừa biết lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin ngày nay đã lỗi thời, không còn giá trị áp dụng trong thực tế. Còn tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là một sự phóng đại vì chính Hồ Chí Minh trong đại hội 2 cũng xác nhận mình không có tư tưởng nào khác: “Không, tôi không có tư tưởng nào ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lê nin…Tôi chỉ là học trò của Mác, Ang-ghen, Lênin chứ làm gì tôi có tư tưởng ngoài triết học Mác…”
Thứ hai, phải “bảo đảm tính (phản) khoa học của cương lĩnh, chú trọng bảo vệ chính trị nội bộ”. Cương lĩnh 1991 đã đề ra rất nhiều cái gọi là “phương hướng cơ bản” để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trong đó có thể kể đến 3 mục tiêu quan trọng nhất mà cho đến nay, sau nhiều chục năm vẫn chỉ là những mục tiêu còn quá xa xôi. Hay nói như ông Nguyễn Phú Trọng “Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa?” Câu nói ấy đã đánh đổ hết những gì còn lại của con đường hoang tưởng mà chính tổng bí thư đảng vô tình thừa nhận.
Tuy nhiên, để thu đoạt những quyền lợi kinh tế kếch sù, đảng tiếp tục níu kéo đất nước trong vòng tăm tối bằng những mỹ từ “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, hay “Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Cuối cùng vì hai tay đảng đã vấy bẩn nên cũng lo âu nghĩ đến mục tiêu “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”.
Nhưng đảng có trong sạch, vững mạnh được hay không khi hàng loạt vụ tham nhũng trong hàng ngũ thượng tầng bị phơi trần trước công luận. Điển hình như chỉ một “quả đấm thép” Vinashin, công quỹ đã mất trắng trên 4 tỷ đô-la. Hay nói thực tế hơn, nó đã chạy vào túi các quan tham.
Trước tình trạng sụp đổ của hệ tư tưởng dẫn đường, sự chuyển hóa trong hàng ngũ cán bộ là điều không tránh khỏi. Ngay trong quân đội hiện tượng phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối của đảng, đòi “phi chính trị hóa các lực lượng vũ trang” càng ngày càng phổ biến. Lời kêu gọi tuyệt đối trung thành với đảng, với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giờ đây trở nên khôi hài như vở tuồng quá cũ trên sân khấu về chiều.
Phương cách thứ ba đưa ra là “giáo dục, rèn luyện đạo đức (giả) cách mạng đối với mọi cán bộ, đảng viên”. Điều này cũng trở nên vô ích trong khi đại bộ phận cán bộ đảng viên đang hối hả lao đầu vào việc làm giàu bất chính. Nhất là trong giới cán bộ lãnh đạo, càng cao cấp chừng nào lại càng có cơ hội vơ vét nhiều hơn. Đảng như một bầy sâu đang đục khoét cơ thể Việt Nam thì việc “rèn luyện đạo đức cách mạng” giống như đem nước đổ đầu vịt.
Cho dù ông Nguyễn Phú Trọng từng dặn dò nhiều lần trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 11 khóa XI ngày 7/5/2015: “Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có bản lĩnh chính trị không vững vàng, có biểu hiện cơ hội chính trị, có tham vọng quyền lực, phe cánh, mị dân v.v… Thì người ta thấy ngay rằng ông đang kể ra thật đầy đủ các thói hư tật xấu mà hầu như đảng viên từ trên xuống dưới đều mắc phải. Vậy phải chọn ai đây là người có đầy đủ “phẩm chất cách mạng”?
Tờ báo cũng phải thừa nhận chẳng những “tham nhũng lớn” mà “tham nhũng vặt” vẫn chưa được ngăn chặn có hiệu quả, làm băng hoại đạo đức trong Đảng và xã hội. Khi đạo đức đã băng hoại thì dù có hô hào học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng chỉ là một vở hài kịch rẻ tiền.
Cuối cùng, Tạp chí Cộng sản đành phải kêu gọi đảng viên “củng cố đoàn kết, thống nhất vững chắc trong Đảng”. Tờ báo cũng đưa ra câu nói của Lênin “Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta”, như lời cảnh báo chính xác nhất cho tình trạng của đảng hiện nay. Tình trạng chia rẽ, đấu đá lẫn nhau trước mỗi kỳ đại hội đảng hay trong các kỳ họp hội nghị trung ương cho thấy “tình đồng chí” đã biến thành “âm mưu chính trị” tiêu diệt nhau để tranh giành quyền lực.
Không ai quên năm 2012, trong buổi họp bế mạc Hội nghị Trung ương 6 tại Hà Nội, Nguyễn Phú Trọng nghẹn ngào khi thừa nhận: “Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã nghiêm túc tự phê bình và thành thật nhận lỗi trước Ban Chấp hành Trung ương …” Vì lẽ, ông không thể thi hành kỹ luật đối với một ủy viên Bộ chính trị là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người phạm nhiều sai lầm trong quản lý kinh tế.
Như thế đảng không thể đổ vấy cho sự phá hoại tưởng tượng nào đó của “thế lực thù địch bên ngoài” đã làm suy yếu đảng. Mà đó chính là sự tha hóa, suy thoái đến tận cùng từ trong nội bộ đảng. Có thể mượn câu nói của Lênin để sửa lại “Không ai có thể tiêu diệt được đảng mà chính những sai lầm của đảng sẽ làm được việc đó.”
Xét cho cùng khi tay đã nhúng chàm quá sâu, đảng làm sao vững mạnh, trong sạch được trước mắt nhân dân!
Phạm Nhật Bình
http://viettan.org/Tay-da-nhung-cham-dang-lam-sao.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét