Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

Tập Cận Bình đến Mỹ vì kinh tế



Ngô Nhân Dụng

Tập Cận Bình và Barack Obama sẽ bàn rất nhiều vấn đề xung khắc giữa hai nước. Có thể đoán trước có ba loại vấn đề. Một là những vấn đề họ sẽ nói rất mạnh mẽ, nhưng không làm gì được cả, phải để đó chờ giải quyết sau. Hai là những vấn đề họ sẽ nói nhẹ nhàng, kín đáo, nhưng kèm theo các hành động ráo riết. Và sau cùng là những vấn đề họ sẽ nói nhiều mà cũng sẽ làm nhiều.

Ðứng đầu sổ nói nhiều và làm nhiều là chuyện kinh tế, mối quan tâm lớn nhất hiện giờ của Tập Cận Bình. Mà nói chuyện kinh tế trong lúc này, ai cũng biết, Bắc Kinh đang ở thế rất yếu - sau một lần phá giá tiền tệ một cách lúng túng vụng về và hai lần thị trường chứng khoán suy sụp mà chính quyền cố vực lên không được. Tập Cận Bình không thể chỉ nói chuyện kinh tế với các đại biểu Quốc Hội và tổng thống Mỹ, mà phải thuyết phục các nhà tư bản thật sự.


Những người đầu tiên Tập Cận Bình sẽ gặp khi tới Seattle ngày hôm qua là dân làm ăn lớn nhất nước Mỹ: chủ tịch các công ty Microsoft, Boeing, Starbucks, IBM và DuPont, thêm Bill và Melinda Gates. (Henry Kissinger thì “tuần chay nào cũng có nước mắt,” để làm chứng rằng quan hệ Mỹ-Hoa từ 1970 đến nay chỉ có tiến tới, không thể giật lùi)! Ngày Thứ Tư một số người đứng đầu các công ty lớn hai nước sẽ gặp nhau, phía Trung Quốc có Jack Ma, chủ tịch sáng lập Alibaba, một bản sao của Amazon, eBay và Paypal nhưng số thu lớn hơn các công ty đó và Facebook, Google cộng lại, nhờ có hơn một tỷ dân Trung Hoa là khách hàng.

Nhiều vấn đề hai bên sẽ nói lớn tiếng nhưng sẽ không thể làm gì cả, vì rắc rối quá. Trong đó có chuyện nhân quyền (Pháp Luân Công đã biểu tình ngay trong giờ đầu), vấn đề Ðài Loan, Nhật Bản, và đặc biệt là an ninh ở vùng Biển Ðông nước ta. Ðại sứ Mỹ ở Bắc Kinh, Max Baucus nói trước với các nhà báo rằng các vấn đề về Biển Ðông rất đáng quan tâm nhưng chưa thể giải quyết gì trong cuộc gặp gỡ Obama, Tập Cận Bình năm nay.

Một vấn đề sẽ không được nói nhiều trước công chúng, nhưng sẽ đưa tới các chương trình hành động là các vụ “tập kích tin học.” Ðại Sứ Baucus coi đây là một vấn đề ưu tiên hàng đầu trong bang giao giữa hai nước. Từ nhiều năm qua, Mỹ đã tố cáo “tin tặc” của Bắc Kinh ăn trộm các dữ kiện tin học của chính phủ và các công ty Mỹ; nhưng năm nay họ tiến một bước mạnh hơn: Ðe dọa trả đũa. Chính phủ Mỹ không thể trả đũa bằng cách “cũng đi ăn trộm;” vì bị Quốc Hội cấm, cho nên phải dùng món võ phong tỏa. Ông Baucus nói thẳng rằng sau khi Mỹ dọa phong tỏa kinh tế, Trung Cộng mới chịu ngồi xuống nói chuyện, thay vì cứ chối quanh chối quẩn như trước. Người Mỹ biết rằng ông Tôn Tử là người Tàu, ông ấy dạy rằng trong chiến tranh, “biết mình biết người, trăm trận trăm thắng. Nhưng vấn đề an ninh tin học ở đây không phải chỉ là chuyện gián điệp mà còn mối lo phá hoại. Thử tượng tượng hai quốc gia lâm chiến mà cả hệ thống thông tin một nước bị bên địch phá cho tê liệt, thì chỉ có cách kéo cờ trắng. Vì vậy Tập Cận Bình sẽ phải chịu cho Barack Obama đặt một số điều kiện để bảo đảm bọn “tin tặc” Trung Cộng không thể tiếp tục tấn công nước Mỹ như trước. Những điều kiện này sẽ được giữ kín, ít nhất để giữ thể diện cho Bắc Kinh. Sẽ chỉ được nhắc sơ qua trong thông cáo chung, nhưng sẽ có các hành động cụ thể.

Bên cạnh những vấn đề “Nói to làm nhỏ” như nhân quyền hay an ninh ở Biển Ðông; và các vấn đề “Nói ít làm nhiều” như an ninh tin học; thì trong các vấn đề kinh tế, cả hai chính quyền tha hồ nói và làm công khai. Không ai cần “giữ thể diện” nữa. Bởi vì Trung Cộng rõ ràng đang ở thế yếu.

Một sự kiện nóng hổi ông Tập Cận Bình không thể nào quên, là Thứ Sáu tuần trước, Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (Fed) đã công bố quyết định không tăng lãi suất. Như đã trình bày trong mục này, cả thế giới chờ đợi nghe quyết định của bà Janet Yellen, chủ tịch Fed. Ðiều khiến ông Tập Cận Bình không thể nào quên là trong tuần qua bà Yellen lại nêu tên nước Trung Hoa khi giải thích quyết định của Fed! Nói theo lối các quản giáo, “Bà có ý đồ gì vậy”

Ba tháng trước, bà Janet Yellen đã báo trước đến lúc sắp tăng lãi suất, vì kinh tế Mỹ đã gia tăng đều đặn từ sáu năm qua. Cứ tiến chậm và chắc như vậy, lương bổng sẽ tăng, lạm phát sẽ lên cao. Tăng lãi suất là một cách ngăn chặn lạm phát. Cả thế giới chờ Mỹ tăng lãi suất, trước khi chứng khoán bên Tàu suy sụp. Trong phiên họp tuần trước, hội đồng tiền tệ của Fed quyết định không tăng lãi suất, dù chỉ tăng từ .25% lên .35%! Bà Yellen có bổn phận giải thích lý do với công chúng. Lý do chính, bà nói, là kinh tế Trung Quốc đang yếu. Kinh tế Trung Quốc và các nước đang mở mang đều yếu, nên mối lo lạm phát ở Mỹ cũng giảm bớt, Fed không cần tăng lãi suất ngay bây giờ!

Khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc độ, sẽ có rất nhiều thứ như kim loại, cao su, dầu lửa, khí đốt, vân vân xuống giá vì công nghiệp nước Tầu không mua như trước nữa. Các món đó bán rẻ hơn, hàng hóa mà người ta làm ra với các món đó cũng rẻ hơn. Giá cả không tăng, bớt lo lạm phát. Một lý do nữa là đồng mỹ kim đã lên giá 15% trong vòng 12 tháng qua, nghĩa là dân Mỹ đang được mua hàng nhập cảng với giá rẻ hơn. Càng bớt lo lạm phát.

Sau khi bà Yellen công bố quyết định không tăng lãi suất, phản ứng của thị trường chứng khoán thế giới mới đáng ngạc nhiên. Bình thường, khi lãi suất giảm hoặc không tăng như chờ đợi thì giá các cổ phần sẽ cao hơn. Lý do, vì người ta vay tiền dễ dàng hơn để sản xuất cũng như tiêu thụ; thì giá trị các công ty sẽ lên cao. Hơn nữa, mua trái phiếu vẫn chỉ được trả lãi suất thấp thì nhiều người thích mua cổ phiếu hơn.

Nhưng trong tuần trước, thị trường chứng khoán thế giới đã phản ứng ngược lại: Các thị trường ở Châu Mỹ, Châu Âu, Châu Á đều xuống sau khi nghe tin Mỹ không tăng lãi suất. Tại sao thị trường chạy ngược chiều như vậy? Tất cả vì mối lo lắng chung về kinh tế Trung Quốc.

Bà Yellen nêu tên Trung Quốc khi giải thích tại sao không tăng lãi suất. Nhưng bà cũng nhắc nhở đến một sự thật ai cũng biết, là kinh tế Trung Quốc đang yếu, cũng như kinh tế nhiều nước đang lên khác, như Nga, Brazil, Indonesia, các nước lớn Châu Phi. Kinh tế Trung Quốc lớn hàng thứ nhì thế giới, mua bán với tất cả các nước lớn khác. Nhưng không ai biết chính quyền cộng sản Trung Hoa sẽ làm gì và không biết họ có khả năng cầm lái con tầu kinh tế trong cơn sóng gió này hay không. Ðó là một tình trạng bất trắc từ Trung Quốc lan ra khắp thế giới.

Mà thị trường chứng khoán sợ nhất khi thấy tương lai bất trắc. Vì vậy cả thế giới bây giờ theo dõi các hành động của Bắc Kinh xem họ sẽ xoay trở ra sao. Câu hỏi lớn nhất là đảng Cộng Sản Trung Quốc còn tiếp tục chương trình cải tổ kinh tế mới hay không?

Tại Seattle, nói chuyện với các doanh nhân hàng đầu của nước Mỹ, ông Tập Cận Bình bảo đảm với họ rằng ông vẫn tiếp tục “cho thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân bố tài nguyên.” Phải cải tổ hệ thống ngân hàng, phải tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước, phải giảm bớt vai trò của chính quyền, không can thiệp vào các thị trường nữa - trong đó có chính sách hộ khẩu là một can thiệp thô bạo vào thị trường lao động. Ngày đầu tuần, Thủ Tướng Trung Quốc Lý Khắc Trường nói chuyện với Bộ Trưởng Tài Chánh Anh Quốc George Osborne cũng hứa hẹn: “Chúng tôi sẽ xây dựng những thị trường chứng khoán cởi mở, công khai minh bạch và ổn định trong tương lai dài hạn.”

Chuyến đi của ông Tập Cận Bình nhằm mục đích rõ rệt là gây được lòng tin của giới kinh doanh Mỹ vào tương lai kinh tế Trung Quốc. Mà đó cũng là lãnh vực hai nước có thể đồng ý với nhau được nhiều nhất. Bởi vì trong lãnh vực kinh tế, khi anh cũng chấp nhận sống theo quy luật thị trường như tôi thì hai bên không có gì đối nghịch nhau cả. Trong các vấn đề nhân quyền, an ninh vùng Ðông Nam Á, tin tặc, vân vân, có những khúc mắc khó giải quyết. Khi cả đều hai nói bằng ngôn ngữ của đồng tiền thì thỏa hiệp sẽ nhanh hơn.

Nhưng ông Tập Cận Bình sẽ khó bỏ qua chuyện bà Yellen nêu tên kinh tế Trung Hoa như lý do chính khiến bà không thể tăng lãi suất trong tuần qua. Tại sao bà không nói chung chung về tình trạng kinh tế thế giới, từ Hy Lạp tới Brazil và Trung Quốc, tất cả đều yếu kém? Tại sao bà lại chỉ nhắc tới Trung Quốc? Ông Tập Cận Bình sẽ phải chấp nhận một điều là trong một nước tự do dân chủ người đứng đầu ngân hàng trung ương được quyết định hoàn toàn độc lập với chính sách của hành pháp và lập pháp. Họ nói và làm theo lương tâm. Hiện nay bà Janet Yellen đang phải đóng vai trò làm ngân hàng trung ương của cả thế giới chứ không riêng của nước Mỹ. Vì mỗi quyết định của bà sẽ ảnh hưởng tới kinh tế tất cả các nước trên thế giới. Chính vì vậy mà thay vì tăng lãi suất trong tuần trước, Ngân Hàng Trung Ương Mỹ đã ngừng tay không tăng; để tránh không làm cho kinh tế thế giới bị chao đảo thêm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét