Thứ Tư, 2 tháng 9, 2015

Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (2/9/2015)



Nguyễn Thế Phương



Hoa Kỳ đang đứng trước cuộc tranh luận về ngân sách quốc phòng năm 2016. Tác giả Justin T. Johnson thuộc Trung tâm An ninh quốc gia và Chính sách đối ngoại Allison (Heritage Foundation) đã có bài viết về vấn đề này. Ông Johnson ví von, ngân sách quốc phòng cũng giống như một gói bảo hiểm; cắt giảm ngân sách quốc phòng cũng giống như mua một gói bảo hiểm giá rẻ. Người ta sẽ chẳng thể nào biết được hậu quả của gói bảo hiểm rẻ tiền cho đến khi những điều tồi tệ xảy ra. Ngân sách quốc phòng cũng như vậy.

Xác định Hoa Kỳ nên chi tiêu vào quốc phòng như thế nào, vào cái gì… về lý thuyết luôn dễ hơn nhiều so với thực tế. Vậy hãy bắt đầu trước với lý thuyết. Điều đầu tiên cần làm là phải xác định đâu là những lợi ích sống còn của Hoa Kỳ. Hầu hết người Mỹ đều đồng tình rằng, quân đội Hoa Kỳ phải là lực lượng bảo vệ đất nước, bảo vệ công dân khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài. Nhưng như vậy liệu có đủ? Hoa Kỳ có cần phải bảo vệ đồng minh của mình không? Thương mại quốc tế và những lợi ích chung thì sao? Washington cần phải xác định được lợi ích cốt lõi của mình trong một thời gian cụ thể. Muốn như vậy, trước hết, giới hoạch định chính sách và ngân sách quốc phòng cần phải trả lời được những câu hỏi trên.


Bước tiếp theo, cần phải xác định được những mối đe dọa đến lợi ích sống còn của Hoa Kỳ là gì. Một số mối đe dọa là hiển nhiên và thường trực, ví dụ như chiến tranh hạt nhân và tấn công khủng bố. Nhưng một số mối đe dọa có thể đang xuất hiện hoặc đang phát triển, ví dụ như Trung Quốc. Cần phải có những phân tích rõ ràng để xác định được đâu là những mối đe dọa đến lợi ích quốc gia, không chỉ ở thời điểm hiện tại mà còn cả ở tương lai gần.

Bước thứ ba, khi đã xác định được lợi ích là gì và những mối đe dọa cụ thể, Washington cần biết nên làm gì để bảo vệ những lợi ích đó khỏi các mối đe dọa. Điều này bao gồm cả những giải pháp cứng (quân đội) và mềm (ngoại giao, liên minh, kinh tế). Kết hợp những yếu tố này sẽ tạo ra một chiến lược quân sự, bảo vệ các lợi ích sống còn của Hoa Kỳ. Các báo cáo quốc phòng gần đây của Lầu Năm Góc là cơ sở tốt để hai đảng Dân chủ và Cộng hòa xác định được các lợi ích, đánh giá các mối đe dọa để từ đó đưa ra được chiến lược và ngân sách quốc phòng phù hợp.

Một khi đã ra được chiến lược, Hoa Kỳ cần phải có các công cụ để thực hiện chiến lược đó. Đối với quân đội, những công cụ này đồng nghĩa với việc xác định năng lực và khả năng cần thiết để thực hiện chiến lược. Ví dụ, để bảo vệ nước Mỹ khỏi mối đe dọa từ tên lửa, cần phải có máy bay đánh chặn tầm xa. Nhưng máy bay đánh chặn là chưa đủ, cần phải bổ sung thêm các hệ thống tên lửa đánh chặn. Thêm vào đó, cần phải xây dựng được khả năng phòng thủ cùng lúc nhiều đợt tấn công từ nhiều kẻ thù khác nhau.

Trong bối cảnh Washington đang xoay trục về Châu Á – Thái Bình Dương và cạnh tranh chiến lược trong thế kỷ 21 phần lớn sẽ diễn ra trên biển và trên không, Hải quân Hoa Kỳ là đối tượng nhận được nhiều sự quan tâm. Bài toán đặt ra cho hải quân là lực lượng này thực sự cần bao nhiêu tiền và tàu chiến mỗi năm. Việc ngân sách quốc phòng bị thu hẹp khiến số lượng tàu chiến của Hoa Kỳ suy giảm. Số lượng tàu chiến mới mỗi năm cũng vì thế mà giảm đi.

Cho đến thời điểm hiện tại, quy mô lực lượng hải quân của Washington gần bằng với quy mô những năm 1930, tức là đang suy giảm, ở mức 273. Số lượng tàu chiến đã giảm đi 14% kể từ sau sự kiện 11 tháng 9. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2012, ứng cử viên Cộng hòa khi đó là Mitt Romney đã đưa ra kế hoạch mở rộng quy mô hải quân lên 350 tàu. Nhiều thành viên của đảng Cộng hòa cũng kêu gọi nên tăng số lượng tàu chiến. Chính quyền đương kim Tổng thống Barack Obama cũng đưa ra kế hoạch xây dựng lực lượng hải quân lên con số 308 tàu năm 2022 và 321 tàu năm 2028. Trong khi đó, các chuyên gia phân tích quốc phòng lại cho rằng Washington cần phải duy trì số lượng tàu chiến trong mức giữa hai con số 323 và 346 tàu.

Câu hỏi đặt ra là, nếu muốn tiến đến con số gần 350 tàu, liệu ngân sách quốc phòng Hoa Kỳ có “kham nổi”?

Để trả lời được câu hỏi này, cần phải nhìn lại ngân sách dành cho đóng tàu gần đây. Năm 2015, số tiền dành cho đóng mới tàu chiến là 16 tỷ USD. Hải quân Hoa Kỳ đang yêu cầu được cấp 16,6 tỷ USD trong năm 2016 để tiếp tục đóng tàu chiến mới. Số tiền này chỉ chiếm khoảng 3% tổng chi tiêu quốc phòng và chưa đến 1% chi tiêu toàn liên bang. Chưa kể, ngoài chi phí chế tạo tàu chiến, hải quân còn phải trả thêm tiền cho công tác đào tạo, huấn luyện thủy thủ làm chủ con tàu. Đóng thêm tàu chiến sẽ kéo theo cần phải đào tạo thêm nhân lực để vận hành.

Và dù cần phải bỏ ra nhiều tiền hơn để mở rộng hải quân, song Hoa Kỳ có thể bảo vệ đất nước và các lợi ích sống còn tốt hơn trước các mối đe dọa từ bên ngoài. Nhất là khi Trung Quốc, đối thủ chính của Hoa Kỳ ở châu Á – Thái Bình Dương đang tiến ra đại dương một cách mạnh mẽ trong những năm gần đây.

Một số tin vắn quốc phòng đáng chú ý:

Ngày 27 tháng 8, Nhật Bản đã chính thức hạ thủy tàu sân bay trực thăng thứ 2 thuộc lớp Izumo mang tên Kaga. Tàu có lượng giãn nước 19.500 không tải và 24.000 tấn khi đầy tải. Kaga có thể sẽ được trang bị tên lửa Raytheon RIM-116 cùng hệ thống phòng chống tên lửa Mk 15 Vulcan Phalanx. Một số chuyên gia quốc phòng nhận định, các tàu sân bay lớp Izumo đủ khả năng cho phép triển khai tiêm kích F-35B ngay trên boong tàu.

Philippines kêu gọi Hoa Kỳ giúp đỡ, bảo vệ binh sĩ nước này ở bãi Cỏ Mây. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, ông Voltaire Gazmin cho biết Philippines đã lên tiếng kêu gọi sự giúp đỡ từ Mỹ khi ông này gặp chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc Harry Harris, nhân chuyến thăm và làm việc của ông này ở Philippines. Ông Gazmin thông báo Đô đốc Harris đã nhận lời giúp đỡ bằng việc sẽ gửi máy bay tuần tra đến bãi Cỏ Mây. Washington cũng có kế hoạch tăng cường hiện diện bằng những cuộc diễn tập quân sự và cứu hộ nhân đạo ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Ấn Độ và Australia lần đầu tiên tập trận hải quân chung. Cuộc tập trận mang tên AUSINDEX sẽ diễn ra ở cảng Visakhapatnam tại vịnh Bengal. Lực lượng mà Australia đem đến tập trận bao gồm máy bay tuần tra chống tàu ngầm P-3, tàu ngầm lớp Collins, tàu hộ tống, tàu chở nhiên liệu… Về phía Ấn Độ, hải quân nước này sẽ sử dụng nhiều loại vũ khí hiện đại như máy bay chống tàu ngầm P-8 và tàu hộ tống tự sản xuất. Hải quân hai nước sẽ tập trận cả trên biển và trên bộ, đặc biệt tập trung vào các cuộc tập huấn chống tàu ngầm.

Tàu buồm Lê Quý Đôn, tàu buồm huấn luyện đầu tiên của Hải quân Việt Nam đã chính thức bắt đầu loạt thử nghiệm trên biển trước khi chuyển giao vào tháng 9. Tàu Lê Quý Đôn được nhà máy Marine Projects ở Ba Lan chế tạo theo hợp đồng được ký kết giữa hai bên vào năm 2013. Cuối tháng 8, tàu đã tiến hành đợt thử nghiệm dài ngày hỗn hợp với sự có mặt của thuỷ thủ đoàn Việt Nam-Ba Lan. Tàu có chiều dài 67 mét, rộng 10 mét, giãn nước 950 tấn với khả năng mang theo 30 thuỷ thủ và 80 học viên sẽ giúp cho hải quân Việt Nam nâng cao chất lượng huấn luyện trước tình hình mới.


http://nghiencuuquocte.net/2015/09/02/chuyen-dong-quoc-phong-chau-a-thai-binh-duong-292015/#more-10259

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét