Ngô Nhân Dụng
Xin lỗi quý vị độc giả,
phải nhìn thấy những chữ nặng nề trong tựa đề trên đây. Tám chữ đó người viết
không đặt ra mà trích từ một lá thư công khai của ông Ngô Bảo Châu, một nhà
toán học Việt Nam lỗi lạc được thế giới công nhận.
Ðộc giả Người Việt
khi đọc tin đảng Cộng Sản ở tỉnh Sơn La, Việt Nam, tính đem 1,400 tỷ đồng (gần
70 triệu đô la Mỹ) ra làm khu công viên dựng tượng Hồ Chí Minh, nhiều người, ở
trong và ngoài nước đã phản ứng bằng những lời lẽ nặng nề, thậm tệ hơn nữa.
Nhưng những lời Giáo Sư Ngô Bảo Châu viết trên trang Facebook của ông đáng chú
ý, vì ông chưa bao giờ tỏ ra phẫn nộ dùng lời lẽ như vậy khi bầy tỏ ý kiến về các
vấn đề chung. Ông sinh ra và lớn lên trong chế độ Cộng Sản ở miền Bắc. Không thể
gọi ông là người “chống Cộng,” nghĩa là bài bác chủ nghĩa Cộng Sản hay chống chế
độ độc tài đảng trị. Ngược lại, ông vẫn thường cộng tác với chính quyền trong
các dự án giáo dục; ông cũng không hay phản bác những chính sách của đảng Cộng
Sản.
Lần này, ông Ngô Bảo
Châu nổi giận có lý do. Ông viết: “Trẻ con ăn không đủ no, áo không đủ ấm, sinh
hoạt như lũ thú hoang, mà bỏ ra 1,400 tỷ để xây tượng đài thì hoặc là khốn nạn,
hoặc là thần kinh!”
Hàng ngày, đồng bào
ta ở Hà Nội, Sài Gòn hay Hải Phòng, Ðà Nẵng cũng có thể nổi giận nói như vậy
khi chứng kiến cảnh các đại gia ăn tiệc với những chai rượu giá hàng ngàn đô la
đổ ra như nước lã, trong khi những đứa trẻ gầy còm, đen đủi, quần áo rách mướp,
đang lê la ngoài phố, không được đi học. Nhưng rất ít người đứng ra nói lớn những
lời phẫn nộ như ông Ngô Bảo Châu: Hoặc là khốn nạn, hoặc là thần kinh!
Tại sao người ta
không nổi giận, không phản kháng? Bởi vì họ đã nhìn thấy những cảnh đó nhiều
quá rồi! Họ đã quen rồi, đã từng nói nhiều rồi mà không thấy hiệu quả nào hết.
Có lẽ con số 1,400 tỷ đồng, 70 triệu đô la nó kích thích tình lân mẫn và đức
liêm sỉ của mọi người mạnh hơn. Nhìn con số đó, người mẫn cảm nghĩ ngay tới những
trẻ em “ăn không đủ no, áo không đủ ấm, sinh hoạt như lũ thú hoang” để so sánh,
vì các em bé này có khi không được một đô la để sống mỗi ngày.
Nhiều nơi trong nước
mình mỗi người dân đang sống với lợi tức dưới một đô la một ngày; hàng triệu
người như vậy. Theo thống kê của nhà nước, Sơn La là một tỉnh nghèo bậc nhất. Tỷ
lệ chính thức năm 2013 cho biết trong tỉnh có 27% các gia đình sống trong cảnh
“nghèo.” Chữ “nghèo” đóng ngoặc kép ở đây được định nghĩa theo tiêu chuẩn nhà
nước. Năm 2008, người dân thành thị sống với lợi tức là 370 nghìn đồng một
tháng; dân nông thôn là 290 nghìn đồng một tháng được coi là “chuẩn nghèo.”
Trong những năm từ 2011 tới 2015, một hộ nghèo ở nông thôn được định nghĩa là
gia đình có mức thu nhập bình quân từ 400 ngàn đồng mỗi người một tháng trở xuống.
Ở thành thị là những hộ có mức thu nhập bình quân từ 500,000 đồng một tháng hay
thấp hơn.
Như vậy thì 27% các
gia đình sống trong tỉnh Sơn La đang sống với mức lợi tức dưới 20 đô la một
tháng. Sơn La có hơn một triệu 200 ngàn dân, thì 325 ngàn đồng bào đang sống với
dưới 70 xu Mỹ mỗi ngày. Hai tỉnh bên cạnh, Ðiện Biên và Lai Châu còn thảm hơn.
Tỷ lệ nghèo ở Lai Châu trên 27%, còn Ðiện Biên cao hơn 35%.
Người ta thường không
tin các con số thống kê của các chế độ Cộng Sản, từ Liên Xô, Trung Cộng cho tới
Cuba. Muốn thẩm lượng tính chất xác thực của các số thống kê trên, quý vị có thể
đặt câu hỏi: Tỷ lệ nghèo ở các thành phố lớn là bao nhiêu? Ðọc thống kê của nhà
nước, ta thấy liệt kê các “địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp hoặc không còn hộ
nghèo” là: Thành phố Hồ Chí Minh (0%), Bình Dương (0%). Coi như cả tỉnh Bình
Dương, cả thành phố Sài Gòn không có nhà nào “nghèo” hết, kể cả những gia đình
sống trên lề đường. Có ai muốn tin các con số đó không? Các thành phố lớn và tỉnh
tiếp theo có Ðồng Nai (0.66%), Thành phố Ðà Nẵng (0.77%), Bà Rịa-Vũng Tàu
(0.,95%), Hà Nội (1.01%). Quý vị ở các địa phương trên có thể biết rõ hơn. Các
số thống kê của nhà nước xưa nay vẫn đáng nghi ngờ.
Cho nên có thể đoán số
người thuộc “chuẩn nghèo” ở Sơn La còn đông hơn, có thể hàng nửa triệu, và số
thu nhập của họ còn thấp hơn, có thể chỉ tới nửa mỹ kim mỗi này. Một gia đình
năm có thể phải sinh sống với lợi tức 3 đô la một ngày!
Những người Việt Nam
mỗi ngày đang được ăn no, ở khắp thế giới, nghĩ đến những con số trên không khỏi
rớt nước mắt. Nhất là trong số đó có các trẻ em.
Ngô Bảo Châu nghĩ tới
những em “ăn không đủ no, áo không đủ ấm, sinh hoạt như lũ thú hoang.” Nghĩ như
vậy, lại nghĩ tới số tiền 70 triệu đô la phung phí, trong lòng không nổi giận
thì không phải là người. Ðúng là một lũ “Hoặc là khốn nạn, hoặc là thần kinh!”
Khi nghĩ tới các em, lại nhớ thời tôi ở tuổi các em bây giờ, 5 tuổi, 7 tuổi,
tôi đã sống trong cảnh “ăn không đủ no, áo không đủ ấm” thật sự. Ðầu thời kháng
chiến, gia đình tôi ở Cầu Ðất, Thái Nguyên. Có lúc mẹ đi xa cả tháng bị kẹt đường
xe lửa hỏng, không về nhà được. Chị lớn của tôi năm đó 14, 15 tuổi thấy nhà hết
gạo, đi vay gạo hàng xóm không ai có sẵn; chị đã đi bắt cua cả ngày đem ra chợ
bán lấy tiền mua gạo và mua ngô (bắp) nuôi hai đứa em trai lên chín và lên ba.
Em bé được ăn cháo, anh và chị ăn bắp. Chị em tôi may mắn không đến nỗi “sinh
hoạt như lũ thú hoang” là nhờ thời đó có giáo dục gia đình. Nhờ làng xóm chung
quanh vẫn còn sống trong nền nếp tinh thần cha ông để lại, chưa bị phá tan
hoang như sau này. Việt Nam bây giờ nhiều em sinh hoạt như lũ thú hoang. Vì có
khi ngay cả cha mẹ các em đã sống hoang dã rồi, không ai giáo dục con cái. Sau
khi chiến tranh đã chấm dứt hơn 40 năm, vẫn thế.
Nhìn con số 70 triệu
đô la, quả là một khoản tiền lớn. Ðó lại là tiền công quỹ, có thể đem dùng vào
nhiều việc ích lợi cho dân. Ai cũng phải hỏi tại sao không đem tiền công quỹ đầu
tư vào những hoạt động kinh doanh tạo công việc làm ăn cho dân bớt nghèo đi?
Người lãnh đạo tỉnh
Sơn La mới giải thích rằng việc xây dựng tượng đài là “ước nguyện thiêng liêng
của cấp ủy, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và nhân dân, vân
vân.” Tất nhiên, ước nguyện của bấy nhiêu ông bà có chức, có quyền, có súng,
thì phải thắng ước nguyện của hơn 300 ngàn người sống với dưới một đô la một
ngày! Ông Cầm Ngọc Minh, chủ tịch tỉnh Sơn La nói về con số 1,400 tỷ đồng mới bảo
rằng “Không nên đặt vấn đề đắt rẻ.” Ông lại còn than thở, “Chưa có tượng đài là
thiệt thòi cho chúng tôi.”
Thiệt thòi trước mắt
là mất cơ hội rút ruột. Ở Việt Nam người ta biết từ 30% đến 45% chi phí khi thực
hiện các dự án được bỏ vào túi các viên chức. Không xây dựng tượng là mất toi
30 triệu đô la. Thiệt thòi! Thiệt thòi cho chúng tôi quá! Cho nên không riêng tỉnh
Sơn La, trên toàn quốc còn có 58 dự án xây dựng tượng đài, trong 14 năm nữa! Cứ
mỗi vụ rút ruột được 30 triệu đô la, tổng số sẽ lên tới 1,740,000, 000 đô la!
Ðọc con số hơn tỷ rưỡi
đô la này, thấy lớn. Nhưng thực ra cũng “chưa lớn” bởi vì phải chia cho rất nhiều
quan chức, chia rải ra đến 14 năm trường. Chúng ta sẽ không thấy nó lớn, khi so
sánh với những vụ tiền chạy đi mất tích ở cấp cao hơn. Một vụ Vinashin thôi, chỉ
trong mấy năm đã thấy bốn tỷ đô la tiền nợ nước ngoài bay đi đâu mất để đến nỗi
hết tiền trả nợ! Vì vậy, khi cả nước kêu lên về dự án phung phí 70 triệu đô la,
bộ máy đảng và nhà nước ở trên cùng cũng không dám ngăn lại! Các anh đã nuốt mấy
tỷ đô la ngon lành, đến lượt lũ chúng tôi chỉ ăn có bạc triệu anh lại dám ngăn
cản à? Ðến đại hội đảng anh có cần phiếu của lũ chúng tôi không? Thế là im thin
thít!
Giáo Sư Ngô Bảo Châu
giữ tinh thần hoài nghi khoa học, đặt giả thuyết lũ người đem 1,400 tỷ đồng ra
xây dựng để rút ruột là bọn “Hoặc là khốn nạn, hoặc là thần kinh!”
Người dân Việt thì đã
biết rõ từ lâu rồi, không có nghi ngờ gì nữa. Từ trên xuống dưới, chỉ toàn một
lũ khốn nạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét