Thứ Ba, 22 tháng 9, 2015

Sửa đổi Bộ Luật hình sự: “Đừng tin những gì Nguyễn Sinh Hùng nói”.

Phạm Nhật Bình


Việt Nam tuy là một nước nhỏ nhưng được mô tả có cả một “rừng luật”. Trong đó Bộ luật hình sự là một bộ luật được đánh giá là rừng rú và khắc nghiệt nhất với những điều 79 tội “Tuyên truyền chống nhà nước”, 88 “Âm mưu lật đổ chính quyền”, 84 “Khủng bố chống chính quyền nhân dân”…và vô vàn những điều luật phi lý khác. Trong suốt một thời gian dài, chế độ độc tài tại Việt Nam xử dụng bộ luật hình sự cùng với các công cụ đàn áp khác gồm công an, toà án và nhà tù, như các vũ khí để đàn áp những người yêu nước, hầu bảo vệ thể chế độc đảng.

Hàng trăm nhà hoạt động ôn hòa bất đồng chính kiến, những bloggers, những nhà báo tự do chỉ dùng ngòi bút đòi tự do ngôn luận, chỉ ra những thực tế của đất nước, thực trạng của xã hội, những yếu kém trong cung cách quản lý đất nước, đều bị nhà nước tìm cách tống vô tù bằng các tôi danh gán ghép: “tuyên truyền chống nhà nước” hoặc “âm mưu lật đổ chính quyền”.


Dưới áp lực của các cơ quan nhân quyền quốc tế và các chính phủ dân chủ Tây phương, nhất là đòi hỏi mạnh mẽ của phong trào đấu tranh trong nước, Hà Nội bị buộc phải làm công việc gọi là cải cách luật pháp. Do đó mới đây, tại phiên họp thảo luận về Bộ luật hình sự (sửa đổi) ngày 14/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và nhiều đại biểu khác cho rằng, “bộ luật này hết sức quan trọng, có ảnh hưởng tới sự sống của người dân, tức là ảnh hưởng tới quyền con người, do đó phải quy định thật chi tiết”.

Thật khôi hài và chua chát khi nghe nhận định của chủ tịch Quốc hội đồng thời cũng là lời thú nhận trong bao lâu nay, quyền con người ở Việt Nam bị chà đạp bởi những điều luật được suy diễn rất mơ hồ và vô luật pháp. Nay điều ấy được ông Nguyễn Sinh Hùng diễn tả bằng hai chữ ngắn ngủn “ảnh hưởng” vô thưởng vô phạt.

Ông Hùng cũng tỏ ra quan tâm đến quyền con người khi nêu ra thí dụ về tội “tuyên truyền chống phá nhà nước” và “yêu cầu phải nói rõ” các hành vi thế nào là chống phá nhà nước. Đối với chế độ, đây là một trọng tội quy định trong Điều 88 của Bộ luật hình sự, khi được xem là “đặc biệt nghiêm trọng” có thể bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

Khi ông Nguyễn Sinh Hùng “yêu cầu phải nói rõ” thế nào là chống phá nhà nước, mặc nhiên ông thừa nhận Điều 88 này rất mơ hồ, nhưng luôn luôn được tùy tiện xử dụng để kết án những nhà bất đồng chính kiến với những bản án hết sức nặng nề.

Theo ông Brad Adams, giám đốc Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), thì "chính phủ Việt Nam đã nhiều lần từ chối không chịu sửa đổi hoặc rút lại những điều khoản về an ninh quốc gia trong bộ hình luật, như điều khoản 88, kết tội những người đối lập ôn hoà và tiếp tục dùng điều luật này để bắt những người chỉ trích phải im tiếng".

Cũng thật rõ ràng khi trong một cuộc phỏng vấn của Đài RFA, một số thanh niên trẻ trong nước cho rằng "Điều 88 rất mơ hồ, thiếu minh bạch chỉ có lợi cho Đảng và nhà nước".

Ông Nguyễn Sinh Hùng không dừng lại những lời lừa dối bằng lớp sơn cải cách luật pháp, mà còn nói thêm “Tôi nói thật là ta phát biểu nhiều khi cũng vi phạm, (cũng) bắt cũng được đấy…Muốn bắt ai thì bắt, đâu có được”. Chính ông cũng thừa biết chế độ đã biết bao lần “muốn bắt ai thì cứ bắt” vì đó là quy luật "thà bắt lầm còn hơn bỏ sót" của những chế độ công an trị như Việt Nam. Nhưng ông cứ nói cho sướng miệng trước diễn đàn do đảng làm chủ.

Một danh sách dài những người đấu tranh ôn hòa đã bị gán ghép tội danh, bị tống vô tù nhiều năm minh chứng cho người ta thấy bản chất của một chế độ chỉ tồn tại bằng hành vi bạo lực và khủng bố người dân. Chẳng những muốn bắt ai thì bắt, mà công an của đảng còn có toàn quyền “muốn đánh ai thì đánh”… Những trận đòn tàn bạo trong thời gian nhiều năm qua của công an phối hợp với côn đồ đã giáng xuống đầu những công dân không có tấc sắt trong tay. Gần đây nhất ngày 28/8/2015 tại Lâm Đồng, mà nạn nhân là những người bạn đến thăm anh Trần Minh Nhật mới mãn hạn tù.

Trong một vấn đề khác, ông Nguyễn Sinh Hùng sau khi nghe báo cáo dự thảo Nghị định quản lý thiết bị y tế, cũng đã hùng hổ phát biểu kèm theo cảnh báo rằng "không có phí phiếc gì đâu đấy"… Và ra lệnh Bộ Y tế phải “thực hiện theo Luật đầu tư, tức là mọi người có quyền tự do kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Tuy “Không có phí phiếc gì đâu đấy” nhưng cũng chính ông phải “kêu trời” khi biết một con gà khi tới tay người tiêu thụ đã gánh 14 loại phí và lệ phí! Hoặc nông dân phải cõng hơn 1000 loại phí. Lúc ấy chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đã làm gì trong cái quốc hội đảng cử dân bầu của ông? Ông chẳng làm gì được cả, ngoài những lời hô hào suông.

Người ta có thể đặt câu hỏi vì sao ông Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng trước quốc hội lần này lại tỏ ra “bức xúc” đến thế? Vốn là một quốc hội lấy việc gật đầu và ngậm miệng ăn tiền làm chủ trương lớn, liệu cơ quan trang trí này của đảng có được chút ảnh hưởng nào trong cải cách, sửa đổi luật pháp? Khi mà chính ông bộ trưởng tư pháp Nguyễn Bắc Son nói rằng, luật tự do báo chí phải thông qua Bộ Chính trị, và mặc dù đã trình trung ương cho ý kiến hai lần rồi, nhưng khi quốc hội thảo luận về luật báo chí cũng chưa được phê duyệt chính thức.

Ai cũng biết để thi hành việc cưỡng bách người dân cúi đầu dưới quyền thống trị của chế độ độc tài, luật lệ của chế độ không bao giờ diễn tả đầy đủ và minh bạch tội trạng như trong thể chế dân chủ truyền thống. Vì lẽ làm như thế, công an côn đồ không còn quyền tùy tiện bắt bất cứ ai và chế độ độc tài khó ra tay đàn áp những thành phần đối lập, bất đồng chính kiến. Chế độ độc tài chỉ có thể tồn tại trong sự mờ ám và gian dối như mọi người đều biết.

Những lời phát biểu hùng hồn của Nguyễn Sinh Hùng trước quốc hội chẳng qua chỉ muốn tạo sự chú ý của dư luận nhằm mục đích chuẩn bị cho sự về hưu của ông. Trong những ngày tháng sắp tới khi đại hội đảng lần thứ 12 khai diễn năm 2016, đây là kiểu dọn đường rút lui tỏ ra khôn ngoan của những lãnh đạo sắp đi vào quên lãng. Họ muốn lưu lại một chút gì đó thơm tho nhưng tiếc thay lại phun ra những lời vô tích sự khó ngửi.

Suy ra bây giờ chủ tịch sắp về hưu thì chỉ mới nói như vậy. Nhưng chắc chắn khi đã thực sự có cái sổ hưu trong tay và không còn quyền lực, ông ta sẽ còn nhiều câu nói hay hơn nữa.

Cải cách hay sửa đổi luật pháp không nằm trong những lời nói hay hô hào suông như chiếc loa phường đầu ngõ. Mà nó phải nằm trong việc thực hiện cải cách căn bản sâu rộng nhất, hoặc thay đổi hẳn cả một thể chế đã mục nát từ trên xuống dưới.

Cho nên có thể khẳng định, đừng tin những gì Nguyễn Sinh Hùng nói vì đó chỉ là những lời nói dối theo đúng phong cách người cộng sản sắp về chiều!


 http://viettan.org/Sua-doi-Bo-Luat-hinh-su-%C4%90ung-tin.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét