Thủ tướng Campuchia
Hun Sen ăn Tết Khmer, một kỳ nghỉ lễ tương tự như Tết Năm mới của người Do Thái
(cùng diễn ra vào tháng 4) theo một cách rất riêng. Trong một buổi lễ tổ chức tại
khu đền cổ Angkor, Hun Sen và đối thủ chính trị chính của mình, Sam Rainsy,
cùng ăn một chiếc bánh gạo nếp khổng lồ đạt kỷ lục Guiness, nặng hơn bốn tấn.
Quả lả một sự kiện lạ lùng, bởi lẽ lần
cuối cùng Sam Rainsy xuất hiện tại đây là tháng 9 năm 2013, khi cáo buộc Hun
Sen là một kẻ dối trá và tráo trở.
Hôm đó, Sam Rainsy và
55 thành viên đắc cử của Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) đối lập đã tẩy chay
phiên khai mạc Quốc hội khoá mới để phản đối những gian lận tại cuộc tổng tuyển
cử trước đó, khi đảng CNRP thua cuộc một cách sít sao. Với khu đền cổ linh
thiêng đằng sau là nơi chứng giám, đảng CNRP kêu gọi một cuộc điều tra, cam kết
“không phản bội lại ý chí của nhân dân.”
Chính trị Campuchia
đang đứng trước một bước chuyển mới, sau nhiều năm nội chiến, đàn áp quân sự,
chế độ toàn trị, quân đội nước ngoài chiếm đóng, ủy thác quốc tế, và giờ trên
thực tế là độc đảng chuyên chế. Sau kiểm phiếu, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của
Hun Sen mất khoảng một phần tư số ghế trong Quốc hội. Trong nhiều tháng sau đó,
hàng chục ngàn người Campuchia, dẫn đầu bởi đảng CNRP, đã xuống đường tố cáo Hun
Sen và yêu cầu ông phải từ chức. Tuy vậy, ngày nay thật khó để phe đối lập đạt
được một thỏa hiệp, phần nào do “văn hóa đối thoại”, cụm từ được dùng đi dùng lại
như thần chú, nhưng tới nay cho thấy rất ít hiệu quả.
Liệu có phải Hun Sen
gian lận? Ông là Thủ tướng Campuchia trong 30 năm qua, bất chấp nguồn gốc chính
trị rất khó coi. Sau khi lật đổ Pol Pot với sự giúp đỡ của Việt Nam, Hun Sen,
người từng là một chỉ huy Khmer Đỏ đào ngũ, được đưa vào chính quyền tại
Campuchia vào năm 1979. Hun Sen tại vị kể cả sau cuộc bầu cử năm 1993, mặc dù đảng
của ông đã chưa bao giờ giành được đa số phiếu phổ thông, ngoại trừ năm 2008. Mọi
cuộc bầu cử thắng lợi của đảng CPP đều bị đặt dấu hỏi. Trong nhiều năm, Hun Sen
đã dụ dỗ và đe dọa, mua chuộc lẫn thu phục, vô hiệu và trung lập hóa một lượng
lớn đối thủ ở cả xa và gần.
Hun Sen đã hoàn thiện
nghệ thuật của chủ nghĩa chuyên chế thông qua tuyển cử khi một mặt không xa
lánh các nhà tài trợ phương Tây, những người bề ngoài luôn tỏ ra tôn trọng pháp
quyền, nhưng cân bằng ảnh hưởng của họ bằng cách chào đón nhiều hơn những nhà đầu
tư Trung Quốc. Bộc trực nhưng cũng rất khéo léo, thực dụng nhưng không kém tài
diễn thuyết, Hun Sen là một nhà chính trị xuất sắc. Việc Hun Sen cầm quyền lâu
năm như vậy cũng phản ánh một nền văn hóa chính trị Campuchia vốn được truyền cảm
hứng từ những câu chuyện dân gian về những vị vua hùng mạnh và mưu trí, những
con thỏ đồng nhanh nhẹn, tinh quái hơn cả những loài vật lớn hơn mình, những
câu chuyện vinh danh và tưởng thưởng những kẻ tham vọng, gian xảo, nhẫn tâm, và
dễ dàng thích nghi với hoàn cảnh.
Phân tích cuộc bầu cử
năm 2013 và ảnh hưởng của nó cho thấy ngay cả các đối thủ của Hun Sen cũng
không thoát khỏi quan niệm quyền lực này. Mặc dù kêu gọi nền dân chủ đa đảng, tự
do và nhân quyền, Sam Rainsy và đảng CNRP dường như đang vô tình áp dụng một số
phương cách Hun Sen đang làm. Phe đối lập nói rằng họ đại diện cho ý chí và lợi
ích của nhân dân, nhưng đôi lúc họ đối xử với những người ủng hộ như một công cụ,
mang tính chất thao túng nhiều hơn là giải phóng. Đảng CNRP thực hiện đấu tranh
bất bạo động nửa vời: Họ chỉ trích chính phủ độc quyền sử dụng vũ lực, nhưng lại
đang cố gắng có được điều này. Đi theo chủ nghĩa dân tộc và mua chuộc dân chúng
với con bài chống Việt Nam là một nước cờ của CNRP nhằm thách thức tính hợp
pháp của chính quyền Hun Sen, nhưng bên cạnh các mối nguy thực sự, họ đang gián
tiếp khẳng định một vài yếu tố thần thoại hóa Hun Sen.
Có lẽ thật khó để
không dính vào những điều này, đặc biệt trong bối cảnh đảng CPP có sự trợ giúp
từ các nguồn lực nhà nước. Cũng có thể CNRP đã quá chậm trong việc ủng hộ một số
cải cách. Mặc dù vậy, chiến thuật của họ dường như cũng đã xác nhận rằng cạnh
tranh dân chủ tại Campuchia gốc rễ vẫn là một cuộc đấu tranh quyền lực mà trong
đó Hun Sen luôn biết cách chiến thắng.
Thủ tướng như vua
Hứa hẹn về nền dân chủ
đa đảng sẽ trở lại Campuchia sau cuộc bầu cử năm 1993, với sự rút lui của quân
đội Việt Nam và một hiệp ước hòa bình do Liên Hợp Quốc làm trung gian hòa giải
kết thúc cuộc nội chiến dai dẳng, dường như ngay lập tức bị dập tắt. Bất chấp
việc đảng CPP thất cử trước đảng FUNCINPEC, một đảng bảo hoàng, Hun Sen vẫn đường
hoàng ngồi vào ghế thủ tướng thứ hai, để rồi tới năm 1997, tổ chức một cuộc đảo
chính.
Khi ấy, Khmer Đỏ vẫn
đang tiến hành chiến tranh du kích, nhưng dần tan rã trong vai trò một phong
trào. Hun Sen đẩy nhanh sự tan rã Khmer Đỏ bằng các đòn quân sự và lời hứa bảo
vệ các nhà lãnh đạo nào đào tẩu. Cách làm này không chỉ loại bỏ đối thủ mà còn
giúp tạo nên hình ảnh của một Hun Sen mang lại hòa bình và một người đi đầu ủng
hộ chủ trương hòa giải dân tộc.
Trong thập niên tiếp
theo, quyền lực của Hun Sen ngày một được củng cố. Ông vô hiệu hóa các phe phái
đối thủ trong CPP. Ông đưa những người bảo hoàng vào liên minh và khiến họ thay
đổi. Ông thao túng hoàng gia Campuchia, đặc biệt là sau năm 2004 khi vua
Norodom Sihanouk, người lúc ấy đã già và đau yếu liên miên, thoái vị nhường
ngôi cho người con trai Norodom Sihamoni.
Hun Sen đánh bại phe
dân chủ đối lập bằng đe dọa và các vụ kiện tụng. Mục tiêu chính của Hun Sen là
Sam Rainsy, một chuyên gia tài chính được đào tạo ở Pháp, và là Bộ trưởng Tài
chính thuộc đảng FUNCINPEC trong năm 1993-1994 và rồi sau đó tự lập ra đảng
riêng của mình. Sam Rainsy kêu gọi một chính phủ trong sạch, bảo đảm quyền lợi
người lao động, và củng cố hệ thống pháp quyền. Sam Rainsy sống sót sau một cuộc
tấn công bằng lựu đạn năm 1997 mà trong đó hơn một chục người bị chết. Hun Sen
coi Rainsy như cái gai trong mắt.
Năm 2009 đánh dấu đỉnh
cao quyền lực của Hun Sen. Cuộc bầu cử năm 2008 giúp đảng CPP chiếm đa số trong
Quốc hội. Một tòa án Liên Hiệp Quốc bắt đầu xét xử các cựu thành viên Khmer Đỏ,
ngoại trừ những người đang phục vụ trong chính phủ Hun Sen. Sam Rainsy cũng mắc
sai lầm lớn trong chuyến thăm tới biên giới Việt Nam-Campuchia cùng năm, khi nhổ
một cột mốc mà ông ta cho rằng vi phạm biên giới chính thức giữa 2 nước. Điều
này khiến Rainsy bị kết tội “kích động phân biệt chủng tộc” và phải lựa chọn sống
lưu vong hay vào tù. Năm 2010, Rainsy còn phải chịu một án tù dài hơn do tội
làm giả bản đồ và truyền bá thông tin sai lệch, điều càng đảm bảo ông ta phải rời
xa Campuchia một thời gian nữa.
Những năm tiếp theo,
Hun Sen càng củng cố quyền lực, phần nào nhờ kinh tế Campuchia tăng trưởng mạnh
mẽ. Từ năm 1993 đến năm 2013, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của
Campuchia là 7,7%, đứng thứ 6 trên thế giới. Tỷ lệ hộ nghèo của cả nước giảm.
Nhưng tăng trưởng cũng đồng nghĩa với việc 1 nhóm ít người trở nên giàu có và
cơ hội để các doanh nghiệp thao túng. Nguồn tin của một số tổ chức phi chính phủ
(NGO) cho hay khoảng 700.000 người Campuchia đã bị ảnh hưởng do di dời và mất đất
vì chính phủ nhượng quyền sử dụng đất cho các công ty lớn.
Hun Sen đã xây dựng
được một chế độ chính trị hỗn hợp, một loại hình chính trị kết hợp nhiều đặc điểm
khác nhau. Các nhóm nhân quyền chỉ trích chính phủ Hun Sen vì điều này và các
cáo buộc lạm dụng khác, đôi lúc hơi quá đáng khi so với cách họ chỉ trích chính
phủ các nước Lào, Thái Lan, và Việt Nam. Nguyên nhân có thể là do Campuchia cởi
mở hơn các nước trên: Sự hiện diện của Liên Hợp Quốc trong những năm 1990 đã
cho ra đời và cho phép một loạt các tổ chức phi chính phủ và các kênh truyền
thông tiếng nước ngoài tự do hoạt động.
Hun Sen đã xây dựng một
chế độ chính trị hỗn hợp, một loại hình chính trị không tưởng, pha lẫn tàn tích
của chế độ cộng sản, một phần chủ nghĩa tư bản bè phái, một phần chủ nghĩa gia
trưởng phong kiến kiểu mới, và một phần bảo hoàng cực hữu. Đảng CPP, giống như
các đảng tàn dư cộng sản khác sót lại sau thời Chiến tranh Lạnh, gắn chặt hệ thống
đảng với nhà nước. Đảng CPP giám sát toàn hệ thống nhà nước từ trên xuống dưới
bằng bộ máy quan liêu, hệ thống tư pháp, an ninh, và phương tiện truyền thông
truyền thống. Một hệ thống với bí mật, góc khuất, và sự hoang tưởng. Đảng CPP
điều hành nền kinh tế dựa trên một cơ chế vừa bóc lột vừa phục vụ, vừa cướp bóc
vừa ban ơn. Nhà nước cung cấp các dịch vụ giáo dục, y tế, và giao thông cho người
dân như ban ân huệ, chứ không phải như đây là các sản phẩm công cộng tất yếu.
Cùng lúc đó, Hun Sen
đề cao nền quân chủ Campuchia nhằm gắn mình vào sự thần bí của hoàng gia và chiếm
lĩnh tính biểu tượng của nó. Hun Sen rất thích được so sánh với người anh hùng
Campuchia thế kỷ XVI là Sdech Kan, một thường dân đã trở thành vua sau khi giết
chết vua vì vua muốn giết ông; Hun Sen đã xây dựng một số bức tượng của Sdech
Kan trên khắp đất nước, một số bức mang nét mặt của Hun Sen. Trong lễ hỏa táng
Sihanouk vào tháng Hai năm 2013, vua Sihamoni, hoàng thái hậu, và các đại lão
hòa thượng lần lượt cố gắng thắp lên ngọn lửa giàn thiêu, nhưng đều bất thành.
Khi Hun Sen thử thắp lửa, dàn hỏa thiêu bùng lên ngay lập tức. Phát biểu sau
đó, Hun Sen nói đó như một phép lạ và là một dấu hiệu cho thấy ông là người “kế
thừa nhiệm vụ bảo vệ nền quân chủ.”
Từ thứ dân tới công
dân
Hun Sen bước vào mùa
bầu cử 2013 với phong độ cao nhất. “Nếu bạn yêu thích Hun Sen, nếu bạn thương mến
Hun Sen, nếu bạn hài lòng với Hun Sen, nếu bạn tin tưởng Hun Sen,” ông nói như
đinh đóng cột, hãy “bỏ phiếu cho CPP.” Trong các cuộc bầu cử trong quá khứ, chiến
dịch vận động tranh cử của Hun Sen nhắm tới những điều mang tính tổng quát, về ổn
định và tiến bộ, cũng như khơi gợi về cái gọi là bóng ma Khmer Đỏ. Hun Sen sử dụng
một số biện pháp dân túy: mức lương tối thiểu hàng tháng của công nhân may đã
được tăng lên; một con đường mới đã được thông xe, một cây cầu mới xuất hiện.
Ông cũng đã tiến hành các biện pháp đe dọa. Một chiến dịch cải tạo đất sẽ kết
thúc nếu CPP không tái đắc cử. Nội chiến có thể xảy ra. “Thay đổi không phải là
một trò đùa,” Hun Sen phát biểu một tháng trước bầu cử.
Trong số 7 đảng phái
khác trong cuộc đua, đảng CNRP có vai trò quan trọng nhất. Dù vậy, CNRP vẫn là
một đảng non trẻ và lãnh tụ của họ, Sam Rainsy, vẫn đang phải sống lưu vong. Đảng
CNRP được thành lập vào năm 2012, chỉ một năm trước bầu cử, sau khi đảng Sam
Rainsy và Đảng Nhân quyền, vốn là đối thủ của nhau, nhận ra rằng họ có thể đã
thắng đảng CPP tại một số khu vực nếu họ hợp nhất.
Đảng CNRP đưa ra một
đề cương trông giống như một danh sách các ước mơ hơn là một chương trình tranh
cử, ở đó công nhân và công chức sẽ nhận lương cao hơn, giá xăng giảm, và chăm
sóc y tế miễn phí cho người nghèo. Tất cả điều này bằng cách nào đó sẽ được tài
trợ bằng tiền thu hồi được sau khi chấm dứt chính phủ tham nhũng – một lời hứa
khác nhằm khiến đám đông ủng hộ hài lòng. Khi Sam Rainsy vắng mặt thì Kem
Sokha, một nhà vận động nhân quyền kỳ cựu, trở thành người đứng đằng sau hầu hết
các chiến dịch của đảng CNRP cũng như chống lại các vụ kiện tụng nhằm phá hỏng
chiến dịch tranh cử của đảng.
Xét đến các thách thức
của đảng CNRP, Hun Sen có lý do để cảm thấy an toàn, điều giải thích lý do tại
sao một vài tuần trước cuộc bầu cử, ông cho phép Sam Rainsy trở về nước, chiều
ý một số chính phủ phương Tây, với một lệnh ân xá của hoàng gia. Sau bốn năm sống
lưu vong, Sam Rainsy, lãnh đạo phe đối lập, với đôi kính gọng đen và dáng vẻ của
một vị giáo sư, đã có thể trở về Campuchia mà không sợ bị bắt, mặc dù lúc đấy
đã quá muộn để tham gia chạy đua tranh cử, hoặc thậm chí quá muộn để đăng ký bỏ
phiếu.
Sam Rainsy về nước
ngày 19 tháng 7, và bất chấp việc truyền thông nhà nước không đưa tin, ông đã
được đám đông chào đón nhiệt liệt. Hàng chục ngàn người xếp hàng từ sân bay đến
trung tâm của Phnom Penh, hô vang khẩu hiệu “B’do!”(Thay đổi!). Đêm cuối cùng của
chiến dịch tranh cử, các đảng đều tổ chức các chương trình ca nhạc nhằm thu hút
thêm nhiều cử tri: Đảng CPP mời các ngôi sao nổi tiếng, sân khấu hoành tráng,
nhà vệ sinh di động, thức ăn đóng hộp; trong khi đảng CNRP chỉ có một sân khấu
tồi tàn với 1 chiếc đèn chiếu, và mỗi người tới được nửa cái bánh mỳ. Cuộc bầu
cử lần này hẳn là một cuộc chiến giữa quyền lợi và lòng nhiệt tình.
Kết quả bỏ phiếu rất
sát sao. Vào tối ngày 28 tháng 7 năm 2013, sau một ngày bầu cử ít bạo lực một
cách bất thường, đảng CPP nhanh chóng thông báo giành được 68 ghế trong Quốc hội
và đảng CNRP chiếm 55 ghế. (Các đảng khác không giành được ghế nào). Gần như
ngay lập tức, đảng CNRP tuyên bố đã giành được 63 ghế, tức là coi như chiến thắng
trong cuộc bầu cử. Bất chấp việc chính phủ điều hành cuộc bầu cử, đây vẫn là một
kết quả không hề dễ dàng với Hun Sen: Đảng CPP đã mất 22 ghế tại Quốc hội.
Có nhiều lý do giải
thích cho sự thất bại này. Khoảng 1,5 triệu cử tri Campuchia là những người bỏ
phiếu lần đầu tiên. Họ đều trẻ tuổi và không mấy nhớ về các bất ổn của đất nước.
Cam kết của Hun Sen nhằm duy trì ổn định tác động rất ít tới họ. Mặc dù Campuchia
đã trở nên giàu có hơn trước, đối với nhiều cử tri, xã hội vẫn còn nhiều bất
công. Đô thị hóa, cùng với sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông xã hội,
đã nâng cao nhận thức về sự bất bình đẳng và việc những người giàu có đứng trên
pháp luật.
Sam Rainsy cũng khéo
léo khai thác tâm lý chống Việt Nam rộng rãi ở Campuchia. Trong khi đảng CPP
coi Việt Nam như vị cứu tinh giúp Campuchia thoát nạn Khmer Đỏ thì đa số người
dân Campuchia lại cho rằng tại thời điểm đó, Việt Nam đã xâm lược Campuchia. Sam
Rainsy đã kích động tâm lý chống Việt Nam khi tuyên bố các vụ lạm dụng đất đai
là do chính phủ ưu tiên các công ty Việt Nam. Điều này đúng, nhưng không đầy đủ,
bởi lẽ các công ty Trung Quốc còn hưởng lợi nhiều hơn, nhưng một nửa sự thật
cũng đã đủ để khiến một định kiến trở nên đúng đắn.
Cái chết của cựu
hoàng Sihanouk tháng 10 năm 2012 có thể cũng góp phần thúc đẩy các cuộc bỏ phiếu
chống CPP. Trong thời gian để tang kéo dài sau đó, hàng nghìn người dân
Campuchia thuộc mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp, từ mọi vùng đất nước tụ tập phía
trước cung điện hoàng gia để tỏ lòng tôn kính với nhà vua. Một phóng viên người
Pháp ở Campuchia từ năm 1999 nói với tôi đây là lần đầu tiên cô thấy nhiều người
tỏ vẻ bất mãn và công khai than thở rằng Sihanouk, đối trọng duy nhất với Hun
Sen, cũng đã ra đi. Đoạn phim phát sóng kỷ niệm thời kỳ hoàng kim của Sihanouk
trong những năm 1960 với hình ảnh các nhà máy lớn, trường học thân thiện, và
các ban nhạc rock nữ gây một ấn tượng rằng: cuộc sống dưới thời CPP có tốt hơn
so với thời Khmer Đỏ, nhưng nó vẫn còn có thể tốt hơn nữa.
Nhà phân tích chính
trị Lao Mong Hay, người đã bước vào độ tuổi 70, nghẹn ngào nói với tôi sau cuộc
bầu cử rằng ông chưa từng bao giờ thấy người dân Campuchia can đảm và tự do đến
vậy. Cuối cùng, ông cho biết, người dân Campuchia đã chuyển mình từ “thứ dân”
thành các “công dân.”
Tự do nhất, bất công
nhất
Tuyên bố của đảng
CNRP về việc có gian lận bầu cử là vì 2 lý do: Số lượng cử tri Campuchia bỏ phiếu
cho CNRP đã tăng kỷ lục, nhưng sau đó họ bị gian lận về kết quả. Trên toàn quốc,
sự khác biệt giữa CPP và CNRP chỉ khoảng 290.000 phiếu trong số 6,6 triệu cử
tri, và trước cuộc bầu cử, các tổ chức NGO đã cảnh báo về nhừng vấn đề lớn
trong hệ thống sẽ ảnh hưởng tới nhiều người hơn thế. Tên của hơn 1 triệu cử tri
đủ điều kiện bỏ phiếu dường như đã bị loại khỏi danh sách cử tri chính thức,
nhưng danh sách lại chứa tới 250.000 cử tri bị trùng thông tin. Chính quyền địa
phương, phần lớn là đảng viên CPP, đã phân phát khoảng 290.000 phiếu bầu tạm thời
sau thời gian đăng ký. Viện Dân chủ Quốc gia sau đó báo cáo rằng một số lượng lớn
phiếu bầu cho CPP là từ cử tri sử dụng phiếu bầu tạm thời. Koul Panha, người đứng
đầu Ủy ban vì Bầu cử Tự do và Công bằng Campuchia, một nhóm giám sát đã triển
khai 11.000 quan sát viên trong ngày bầu cử, nói với tôi rằng nếu cuộc bầu cử
năm 2013 là cuộc bầu cử “tự do nhất” trong lịch sử của Campuchia, thì nó cũng
là cuộc bầu cử “không công bằng nhất”.
Hun Sen thường được
coi là “lãnh đạo chuyên quyền (strongman) của Campuchia”, nhưng danh hiệu đó vẫn
còn chưa nói hết khả năng của Hun Sen trong việc thao túng vũ lực. Nhưng gian lận
lại là một thứ rất khó để chứng minh và xác định. Tên của một trong số các con
gái của Kem Sokha xuất hiện trên danh sách cử tri của 2 quận, và nếu CPP đã có
một kế hoạch tổng thể, hẳn họ sẽ không dám tính phiếu của cô ấy hai lần. Loại mực
dùng để xác định cử tri, vốn được cho là không thể tẩy xóa lại có thể bị tẩy sạch
trong vòng 5 phút. Và loại mực Kem Sokha sử dụng tại điểm bỏ phiếu cũng vậy. Vì
vậy, nếu có một nơi nào trên toàn bộ đất nước Campuchia mà những kẻ gian lận muốn
sử dụng mực không thể xóa được thì hẳn là chỗ này (để chứng minh với Kem Sokha
là họ không gian lận – NBT).
Những khó khăn của việc
chứng minh gian lận dường như là một rào cản lớn khác đối với các nhà lãnh đạo
đảng CNRP, và nếu bạn không thể ước lượng được nó, bạn có thể phóng đại nó lên.
Cuối cùng, CNRP thấy rằng kích động tâm lý tức giận về gian lận chung chung sẽ
giúp họ tập hợp thêm những người ủng hộ, cũng như việc không nhấn mạnh vào các
chi tiết cũng sẽ giúp CNRP có không gian để đàm phán với CPP. Khoảng một tháng
sau cuộc bầu cử, Sam Rainsy nói với tôi rằng ban đầu, các nhà lãnh đạo của CNRP
tuyên bố đã giành chiến thắng vì họ “đang ở trên than nóng.”
Bây giờ điều ông
thích nói hơn là “Tinh thần đó thực sự phản ánh tình hình là cả 2 đảng đều
giành chiến thắng ngang ngửa nhau.” Đảng CNRP vẫn kêu gọi một cuộc điều tra,
nhưng chỉ nhằm vào những bất thường trong ngày bầu cử và trong quá trình kiểm
phiếu. Điều này sẽ phân phối lại một vài ghế trong Quốc hội và cho phép đảng
CPP duy trì quyền lực cũng như cho phép đảng CNRP một tư thế đàng hoàng khi bước
vào Quốc hội.
Có người gọi đây là một
chiến thắng của chủ nghĩa thực dụng trước sự nguyên tắc và tán dương sự thực tế
của các nhà lãnh đạo đảng CNRP, khi họ đã nhìn về phía trước hơn là tốn thời
gian để rồi thua cuộc. Mặc dù vậy, thành công này của CNRP có được là nhờ những
chiêu trò chính trị vặt vãnh. CNRP đã không công khai giải thích chiến lược của
mình với những người mà nhờ có số phiếu của họ CNRP mới có thành công ngày hôm
nay, những người mà đảng CNRP tuyên bố họ là người đại diện.
(Còn tiếp 2 phần).
Stéphanie Giry là
Biên tập viên mục Ý kiến của tờ New York
Times phiên bản quốc tế.
http://nghiencuuquocte.net/2015/09/30/mo-xe-chinh-truong-campuchia-p1/#
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét