Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015

TPP là gì?

Đỗ Đăng Liêu

Quá trình thành lập TPP


TPP là viết tắt của Trans-Pacific Partnership (Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương). Trans-Pacific (Xuyên Thái Bình Dương) ở đây có nghĩa là những quốc gia nằm ở 2 bên bờ biển Thái Bình Dương, ở phiá Tây có những nước tiếp giáp Thái Bình Dương như Nga, Nhật, Trung Hoa, Triều Tiên, Phi Luật Tân, Việt Nam, Mã Lai, Brunei, Nam Dương, Papua New Guinea, xuống đến Úc, Tân Tây Lan và các đảo quốc vùng Oceanie; ở phiá Đông là các quốc gia Châu Mỹ tiếp giáp Thái Bình Dương như Hoa Kỳ, Canada, Mễ Tây Cơ, Guatemala, El Salvador, Honduras, Nicaragua, Costa Rica, Panama, Colombia, Ecuador, Peru, Chile.


TPP được thành lập với sáng kiến của 3 quốc gia Singapore, Tân Tây Lan và Chile khi gặp nhau trong Hội Nghị APEC năm 2002 tại Mexico. Ba quốc gia này bắt đầu các cuộc thảo luận tay ba vào năm 2005 và Brunei đã nhanh chóng tham gia và trở thành bộ tứ 4 quốc gia sáng lập TPP.

Đến nay, ngoài 4 quốc gia kể trên đã có thêm 8 quốc gia nữa tham gia theo thứ tự thời gian là Mỹ, Úc, Peru, Việt Nam, Mã Lai, Mexico, Canada, Nhật. Cả 12 quốc gia còn đang trong vòng đàm phán đơn phương hoặc đa phương về các quy định giữa các nước liên hệ.

Nam Hàn, Colombia, Costa Rica, Nam Dương, Đài Loan, Thái Lan, và nhiều nước khác đang có ý định tham gia vào TPP.

Một số đặc điểm của TPP

TPP là một hiệp định thương mại tự do với mục đích hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực hai bên Thái Bình Dương. Mục tiêu ban đầu của TPP là giảm 90% các loại thuế xuất nhập cảng giữa các nước thành viên trước ngày 1 tháng 1, 2006 và cắt giảm còn 0% vào năm 2015 và cuối cùng là để tiến tới việc xoá bỏ hoàn toàn các rào cản cho hàng hoá, dịch vụ xuất nhập cảng trong khối.
Hiện tại 12 thành viên của TPP chiếm 40% GDP của cả thế giới và chiếm 26% lượng giao dịch hàng hóa toàn cầu. Các tỷ lệ này cho thấy vai trò quan trọng của TPP trên bàn cờ kinh tế chính trị thế giới.

TPP cũng sẽ thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước này, như: sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm, hay an toàn lao động,… Nói cách khác, những thoả thuận TPP bao hàm nhiều thứ ngoài lãnh vực thương mại.

Mặc dầu TPP sẽ mang lại rất nhiều quyền lợi cho các nước thành viên, hiện vẫn còn nhiều điều chưa được thông suốt và gây nhiều tranh cãi trong chính nội bộ các quốc gia thành viên trong một số lãnh vực như:

- Quyền sở hữu trí tuệ (thời gian được kéo dài hơn);
- Y tế cộng đồng (bị cho là đi thiên vị các nhóm lợi ích và bất lợi cho dân chúng);
- Việc các công ty tư nhân nước ngoài được phép kiện và đòi bồi thường từ chính phủ các quốc gia thành viên;
- Việc thương lượng các chi tiết và điều luật giữa các nước thành viên đều diễn ra trong vòng bí mật, chỉ được tiết lộ những thông tin trên đến các cơ quan chính phủ, tổ chức, và cá nhân có liên quan trực tiếp đến việc tư vấn chính sách giao dịch và dân chúng hoàn toàn không được biết (bị cho là thiếu sự minh bạch và thiếu dân chủ).

Phần lớn những thông tin liên quan đến TPP mà dân chúng đã được biết đến là nhờ ở những nguồn Wikileaks chuyên tiết lộ các tin tuyệt mật.

Tại một số quốc gia thành viên như Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản,… đã có sự phản đối tiến trình TPP dưới những hình thức khác nhau, từ biểu tình đến các kháng nghị, tuyên cáo, phát biểu trên mạng internet.

Theo những thông tin bị tiết lộ thì cho tới giờ này người ta được biết là thỏa thuận TPP bao gồm 29 chương, trong đó chỉ có 5 chương là trực tiếp liên quan đến vấn đề trao đổi hàng hóa, dịch vụ, các chương còn lại đề cập nhiều vấn đề liên quan đến các chuẩn mực, tiêu chuẩn khác nhau về môi trường, chất lượng lao động, luật lệ tài chính, thực phẩm và thuốc men... .

Trung Quốc và TPP

Câu hỏi đầu tiên mà ai cũng đặt ra là Trung Quốc, một quốc gia nằm trong khu vực, là “công xưởng” lớn nhất của thế giới, và là nền kinh tế đứng thứ nhì thế giới, lại không có mặt trong TPP.
Theo như nhận định của nhà kinh tế học người Mỹ Jeffrey Schott, thuộc viện kinh tế Peterson Institute for International Economics, thì những khuôn khổ mà TPP mong muốn đạt đến, mang tính toàn diện cao, “khó lòng được Trung Quốc được chấp nhận”.

Học giả Zhu Wenhui đã đưa ra quan điểm xem TPP như một “mạng lưới quyền lực mềm mà Hoa Kỳ đang phủ quanh Trung Quốc”, vì với vị thế là đối tác lớn nhất trong TPP, Hoa Kỳ đang phát triển TPP thành một tổ chức có sức ảnh hưởng cao trong khu vực và đồng thời chịu sự chi phối lớn từ phía Hoa Kỳ. Zhu Wenhui cũng đã đưa ra lời cảnh báo là những áp lực trong tương lai về hợp tác kinh tế khu vực sẽ khiến Trung Quốc phải tham gia vào TPP và sẽ bị kìm hãm trên nhiều lĩnh vực thông qua những khuôn khổ ràng buộc và luật chơi do Hoa Kỳ đặt ra.

Giáo sư Zhou Zhongfei, một chuyên gia về Luật Thương Mại thuộc Đại Học Thượng Hải, đã đưa ra nhận định là TPP là một phần trong chiến dịch “trở lại Châu Á” của Hoa Kỳ, với lập luận là TPP sẽ góp phần cân bằng vị thế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đối với nền kinh tế châu Á, gây ảnh hưởng lên quá trình hội nhập kinh tế của châu Á, buộc nền kinh tế này sát nhập vào khu vực tự do thương mại châu Á – Thái Bình Dương, mà Mỹ đang chi phối.

Nói chung, trong tương lai, TPP sẽ là một thách thức lớn đối với vị thế của Trung Quốc trong nền kinh tế khu vực.

Trong thời gian qua, mặc dầu không tham gia vào tiến trình TPP, Trung Quốc đã có những kế hoạch và nỗ lực riêng nhằm khẳng định vai trò và tiếng nói của mình trong khu vực, mà 2 trong những việc đã làm là Hiệp Định Thương Mại Tự Do (FTA) giữa Trung Quốc và ASEAN có hiệu lực vào năm 2010, và Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Cơ Sở Á Châu (AIIB - Asian Infrastructure Investment Bank) được thành lập vào cuối năm 2014 với vốn là 100 tỉ mỹ kim.

Riêng Ngân Hàng AIIB được xem là để cạnh tranh với Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) và Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB), là những cơ chế được Trung Quốc xem là bị chi phối bởi các nước phát triển. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã thúc đẩy nhanh chóng quan hệ thương mại song phương với các quốc gia trong vùng, kể cả Ấn Độ.

Tuy hiện tại là như vậy, nhưng, như lời của Bộ Trưởng Ngoại Giao Tân Tây Lan là ông Murray McCully, thì “cánh cửa vẫn luôn để ngỏ” đối với việc Trung Quốc tham gia TPP.


Kết luận

Đối với nhiều người thì TPP mang lại rất nhiều lợi ích cho các thành viên, như tạo thêm công ăn việc làm, cải tiến tình trạng lao động, bảo vệ môi sinh, minh bạch hoá các quan hệ thương mại và kinh doanh trên thế giới, và cải tiến quan hệ chính trị và ngoại giao giữa các khối đang căng thẳng.
Tuy nhiên, nhiều người khác không quan niệm như vậy và nghĩ rằng TPP, ít nhất là với tiến trình thành lập không minh bạch, và với những điều khoản chưa được bàn cãi thông suốt, vẫn còn có những điểm không tốt đối với quốc gia này hay quốc gia nọ trong một số lãnh vực, kể cả ở mức chính sách quốc gia.

Theo dự trù thì các cuộc đàm phán giữa các quốc gia thành viên sẽ được đúc kết vào tháng 6/2015. Tuy nhiên, mãi đến tháng 6/2015 Quốc hội Hoa Kỳ mới thông qua đạo luật cho phép Tổng thống Obama xúc tiến nhanh việc đàm phán TPP nên vì thế mà Hiệp định TPP chỉ có thể hoàn tất và ra đời vào cuối năm 2015.

Đỗ Đăng Liêu


http://viettan.org/TPP-la-gi.htmlAA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét