Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

Tàu cao tốc Trung Quốc lao vào chốn hoang vu


                                    Người dân tộc Đồng ở Trình Dương ăn mặc rất sặc sỡ 

 
Sự tăng trưởng đến chóng mặt của Trung Quốc đang đe doạ đến phong tục truyền thống của các sắc dân thiểu số tại những vùng hẻo lánh miền nam nước này. Nét sinh hoạt đầy bản sắc dân tộc đang dần nhạt nhòa ở tám ngôi làng cổ của người Đồng ở Trình Dương (Chengyang).

Chúng tôi chạy xe trên con đường mấp mô đầy bụi bặm chạy xuyên qua một thung lũng xanh tươi, hẻo lánh thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Chiếc taxi chồm chồm qua những ổ gà. Hai bên đường, gà qué chạy táo tác. Trên cánh đồng, những người nông dân đang còng lưng làm lụng.
Ở cuối con đường là một hình ảnh chẳng ăn nhập gì: một nhà ga xe lửa mới tinh, hiện đại và sáng choang.


Nhà ga Nam Tam Giang (Sanjiang) không có lối đi vào như thường thấy ở các sân ga, chẳng có bãi đậu xe, đèn chiếu sáng và đương nhiên là không có những cảnh quan đẹp mắt xung quanh. Nhưng nó đã đi vào hoạt động, với những đoàn tàu cao tốc tối tân thuôn hình viên đạn lướt đi gần như không một tiếng động vào sân ga rồi vọt đi với vận tốc lên tới 350km một giờ.

Tất cả phản ánh sự tương phản của Trung Quốc thời hiện đại. Nhà ga và những đoàn tàu cao tốc đại diện cho công nghệ tân tiến, còn ngay bên cạnh là đường sá, cơ sở hạ tầng thua kém xa.

Đây là một đất nước đang ở tình trạng phát triển nóng vội: khát khao chuyển sang hiện đại hoá thật nhanh, nhưng lại không buồn cân nhắc thấu đáo xem quá trình đó cần phải thực hiện ra sao.

Ta nên biết rằng trong tiếng Quan thoại, tức ngôn ngữ chính thức của Trung Quốc, thì không có thời quá khứ hay tương lai. Và ở Trung Quốc hiện nay, thời hiện tại mới là điều người ta quan tâm.
Một mặt, nhà ga Nam Tam Giang là công trình được chào đón.


 Mặt khác, tôi cũng biết rằng việc đi lại dễ dàng hơn sẽ đe doạ vẻ nguyên sơ Tam Giang Đồng Tộc Tự trị khu, một vùng quê yên bình ở sâu về phía nam của Trung Quốc, nơi người Đồng đã sinh sống hơn ngàn năm nay.


Người Đồng ăn mặc sặc sỡ, ở nhà sàn và làm những cây cầu gỗ tinh xảo rải rác khắp Quảng Tây. Lối sống truyền thống, đơn giản nhưng đầy quyến rũ của họ được thể hiện rõ nét nhất ở những thôn xóm cổ xưa ở Trình Dương, cụm tám ngôi làng nằm bên dòng sông Lâm Tây uốn lượn qua những cánh đồng trù phú.

Cho đến giờ, Trình Dương vẫn đang tránh được nạn du lịch hóa ồ ạt vốn thường phát sinh khi các thành phố được mở mang, vươn ra nuốt chửng những làng mạc cận kề.

Nhờ cái hành trình đằng đẵng, ê ẩm người kéo dài năm tiếng đồng hồ trên xe buýt đó mà hàng triệu du khách trong và ngoài nước đổ tới Quế Lâm hàng năm, nơi có phong cảnh kỳ thú với những ngọn núi đá vôi bị phong hóa nhọn hoắt, không buồn đưa Trình Dương vào danh sách đến thăm.

Thay vào đó, họ kéo nhau đến những ngôi làng gần hơn, nằm trên triền núi ở các vùng Dương Sóc (Yangshuo) và Long Thắng (Longsheng), vốn được các hãng du lịch quảng cáo ồn ào. Tại các làng này, cảnh sinh hoạt thường ngày của người dân tộc Đồng, Choang, H'mong và Dao được sắp xếp thành những màn trình diễn.

Việc ở gần Quế Lâm vừa có lợi, lại vừa có hại cho các ngôi làng: Tiền của du khách giúp kinh tế phát triển, nhưng văn hóa bản địa thì ngày càng mai một, bị xói mòn.

Thật không may là Trình Dương nay đang theo hướng đi tương tự.

Với sự hiện diện của nhà ga mới, nay du khách chỉ mất 90 phút đi tàu từ Quế Lâm là tới nơi. Các quán ăn, nhà trọ đã bắt đầu được xây dựng lộn xộn tại Mã An (Ma’An), một trong tám ngôi làng cổ nơi này.

Chỉ trong vòng 18 tháng tới, Trình Dương có thể sẽ trở nên nổi tiếng và nhộn nhịp. Nhưng ở bảy ngôi làng còn lại, mọi thứ vẫn còn nguyên vẹn, nghĩa là ngay lúc này, du khách vẫn còn cơ hội hiếm hoi để trải nghiệm văn hoá Đồng trước khi những ngôi làng này biến đổi vĩnh viễn.

Trong các xóm nhỏ xinh xắn của Mã An, Bình Trại (Pingzhai), Bình Thản Trại (Pingtanzhai), Yên Trại (Yanzhai), Đồng Trại (Dongzhai), Đại Trại (Dazhai), Cơ Trường Trại (Jichangzhai) và Bình Bộ Trại (Pingpuzhai), cuộc sống hàng ngày vẫn trôi đi nhẹ nhàng không chút hối hả.

Mỗi khi mặt trời mọc, gà lại gáy vang báo sáng, những căn bếp bập bùng ánh lửa, những ấm nước cũ kỹ reo sôi, và những bộ quần áo dân tộc phơi trên các khung cửa sổ nhà sàn được thu dọn. Trẻ em tụ tập, hát múa các điệu truyền thống dưới nắng ban mai. Những người phụ nữ Đồng chăm chỉ lo việc nhà, giặt giũ ngoài sông, khâu găng tay cho lũ trẻ hoặc làm thịt gà nấu bữa ăn chiều. Những người khác thong thả ra đồng ngay gần nhà làm lụng.

Dân địa phương chủ yếu ăn lúa mì, gạo và khoai lang tự trồng. Tiền thì có từ việc đem bán đậu nành, trà, bông thu hoạch được tại thành phố Tam Giang, cách đó khoảng 25km về phía nam.

Mỗi ngôi nhà có ý nghĩa sâu sắc với gia chủ. Theo phong tục của người Đồng, khi một đứa trẻ chào đời thì cha mẹ bé sẽ trồng một vài cây linh sam. Lúc đứa con được 18 tuổi rồi lập gia đình, chúng sẽ nhận của “hồi môn” là những cây linh sam đã lớn ấy. Gỗ này dùng để dựng ngôi nhà mới cho đôi vợ chồng trẻ, và rồi sẽ có những đứa trẻ được sinh ra trong ngôi nhà mới đó.

Có những gia đình nhiều thế hệ cùng sống trong những ngôi nhà hai tầng rộng rãi, quây quần chừng 20 đến 40 nếp nhà trong một xóm nhỏ. Mỗi xóm nhỏ là một cộng đồng xã hội gần gũi, thân thiết. Ý thức cộng đồng khăng khít này được thể hiện rất rõ ở sân làng.

Trong lúc tôi đang mê mải ngắm nghía một khu đình bằng gỗ tinh xảo ở Yên Trại, có một nhóm các cụ già vẫy đến hỏi chuyện. Các cụ ra hiệu, mà tôi đoán là muốn hỏi xem tôi từ đâu đến. Khi tôi nói “nước Úc”, họ tỏ vẻ không hiểu. Tôi cố nói thêm “kangaroo”, các cụ vẫn ngơ ngác.

Ngay lập tức tôi nghĩ đến iPad, một sản phẩm của thế giới hiện đại, cái thế giới đang đe doạ di sản văn hoá truyền thống của người Đồng, với hy vọng biết đâu nó có thể rút ngắn khoảng cách giao tiếp.

Các cụ thích thú chuyền tay nhau chiếc iPad để xem những bức ảnh thành phố Perth quê tôi, những con thú hoang ở Úc, ảnh gia đình và ngôi nhà của tôi. Trông các cụ trông phấn khởi lạ thường.

Nhưng niềm vui xẹp xuống khi một cụ đứng lên uốn éo rồi khoát tay về phía Bình Trại. Tôi suýt quên mất là cứ 10 giờ sáng mỗi ngày, có một nhóm người lại tụ tập múa hát các nhịp điệu dân tộc truyền thống ở sân làng bên đó.

Khi tôi tới đó, một tốp nam nữ mặc đồ vải bông và lụa sặc sỡ đang biểu diễn cho chừng chục du khách Trung Quốc xem. Một thanh niên giật mình khi thấy tôi, một người khách phương Tây hiếm hoi. Anh lạc bước, xấu hổ cười khúc khích và phải chờ vài nhịp để bắt kịp với điệu nhảy của cả nhóm.

Tiếng trống dồn dập hòa nhịp với tiếng khèn, sáo. Những nhịp múa, giọng ca và tiết tấu âm nhạc kết hợp rất ăn ý, đem đến cho khán giả một màn trình diễn hoàn hảo.



Cầu Phong Vũ ở Trình Dương là tác phẩm nổi tiếng nhất của các thợ mộc tài hoa người Đồng (Hình: Getty Images)
Sau buổi diễn dài 45 phút, các “diễn viên làng” tạo dáng chụp ảnh cùng du khách. Trông họ tự tin, tỏ rõ niềm tự hào mãnh liệt cả về màn trình diễn cũng như nền văn hoá của dân tộc mình.

Người Đồng là một sắc dân có chưa đến ba triệu người trong một đất nước gần 1,4 tỷ dân. Họ chủ yếu làm nghề nông cho đến khi có các khu tự trị của người dân tộc được thành lập ở miền nam Trung Quốc từ giữa thế kỷ 20.

Từ lúc đó, người Đồng bắt đầu phát đạt. Họ là những người nông dân rất chăm chỉ và giỏi nghề mộc, đã xây nên các cây cầu gỗ nổi tiếng bắc ngang sông. Cây cầu nổi tiếng nhất của người Đồng là cầu Phong Vũ ở Trình Dương, dài gần 80m và cao 11m, được trang trí với những hình chạm khắc tinh tế.

Cầu Phong Vũ được xây dựng năm 1912 hoàn toàn bằng gỗ trừ phần trụ cầu bằng đá và mái ngói lợp phía trên. Các phần gỗ được ráp một cách khéo léo bằng mộng mà không dùng đến đinh sắt. Trên cầu có cấu trúc năm gian tháp giống như đình làng với nhiều lớp mái, hiên rộng rãi, là chỗ trú cho người dân vào những khi mưa bão.

Người dân địa phương vẫn lên cầu để trò chuyện, tụ tập, thế nhưng cây cầu nay chủ yếu là chỗ bán hàng lưu niệm. Những người bán hàng rong kiên nhẫn ngồi trên cầu, chờ bán cho du khách những món đồ thủ công hay những chiếc khăn lụa.

Chắc họ sẽ chẳng phải chờ lâu nữa. Rồi đây Trình Dương sẽ sớm trở thành điểm hút khách du lịch ở Trung Quốc và sẽ ngày càng mất đi những nét bản sắc riêng của mình.

Nhưng vào lúc này thì Trình Dương vẫn còn là nơi hiếm hoi, nơi mà du khách vẫn có cơ hội được tận mắt chứng kiến một xã hội bộ tộc cổ xưa.


Nguồn; BBC Tiếng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét