Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2015

Sài Gòn mùa trái cây, nhớ nước mắt người nông dân



 Văn Lang

SÀI GÒN (NV) - Sài Gòn tuy không phải là vùng đất nông nghiệp, nhưng cứ tới mùa trái cây là sản phẩm khắp ba miền lại tràn ngập đường phố Sài Gòn.


                            Vải thiều bán trên đường phố Sài Gòn, vắng bóng người mua.


Năm nay, cũng như mọi năm, phố xá Sài Gòn lại đỏ một màu của chôm chôm miền Tây, vải thiều miền Bắc và thanh long miền Trung...Giới truyền thông Việt Nam gần đây có câu: “Khi đường phố đỏ trái cây, thì người nông dân... đỏ mắt.”

Câu trên, có lẽ thuộc loại một “bài ca” đi cùng năm tháng. Vì, điệp khúc được mùa thì mất giá, nông sản bán không được, cứ lặp đi lặp lại. Đỏ mắt vì trông người mua, đỏ mắt vì xót thương phận mình hẩm hiu.

Gần đây nhất, Bộ Công Thương đã phải huy động từ các nhà hảo tâm, cho tới học sinh, sinh viên đi “giải cứu” cho dưa hấu miền Trung.

Trước đó, thương lái Trung quốc ra tận ruộng dưa của người nông dân. Nhưng chỉ chịu mua với giá từ 300 đồng tới 500 đồng/ký. Với giá đó, thì người nông dân chỉ còn biết ngồi khóc ngay trên ruộng dưa của mình, chứ đâu ai còn bụng dạ nào mà đi thu hoạch dưa.



                                Thanh long miền Trung bán trên vỉa hè Sài Gòn,với giá 10 ngàn
                                  đồng 3 ký,vẫn vắng người mua. (Hình: Văn Lang/Người Việt)


Chưa hết, TV còn chiếu cảnh tại cửa khẩu biên giới Việt-Trung, mỗi ngày có hàng ngàn chiếc xe tải chở dưa hấu chờ thông quan. Nhưng dù cố gắng lắm thì mỗi ngày cũng chỉ có khoảng 300 xe dưa qua được cửa khẩu. Số dưa hấu tồn đọng, hư hỏng vì không kịp đem đi tiêu thụ,đổ đống hai bên vệ đường biên giới. Thương lái Việt ngồi khóc giữa núi dưa hư, thúi...

Vụ “giải cứu” dưa hấu miền Trung làm dậy lên làn sóng dư luận từ Nam ra Bắc.

Nhưng một tin buồn khác là, sau khi giới truyền thông và nông dân vui mừng về việc sau nhiều năm cố gắng cuối cùng Hoa Kỳ và Úc đã đồng ý cho vải thiều Việt Nam “nhập cảnh.” Mà Việt Nam một tuần chỉ tổ chức được một chuyến bay và xuất đi được một tấn vải thiều. Trong khi vải đã đang vô mùa chín rộ...

Năm 2014, vải thiều Việt Nam đạt sản lượng là 190 ngàn tấn, tiêu thụ nội địa là 90 ngàn tấn, riêng miền Nam mà chủ yếu là Sài Gòn tiêu thụ hết 60 ngàn tấn.

Năm nay, vải được mùa khả năng sẽ đạt trên 200 ngàn tấn. Nhưng triển vọng tiêu thụ qua con đường xuất khẩu xem ra vẫn xa vời. Đó là lý do mà trái cây đỏ đường thì người nông dân đỏ mắt.

Thanh long Bình Thuận đổ đống bán trên vỉa hè Sài Gòn với giá là 10 ngàn đồng... 3 ký. Với giá đó thì riêng tiền vận chuyển đã “ăn” hết giá thành sản phẩm. Bởi vậy, báo chí Việt Nam từng đồng loạt đưa tin, người nông dân đổ bỏ sữa trước cổng công ty thu mua sữa, dưa hấu, thanh long thì bỏ mặc trên đồng cho bò ăn...

Với tình trạng này thì nền kinh tế Việt Nam sẽ ra sao, khi mà về căn bản thì Việt Nam vẫn là một nước nông nghiệp - lạc hậu.

Vấn đề không phải là giải cứu dưa hấu, vải thiều,hành tím... mà cái chính là phải giải cứu người nông dân. Đó cũng chính là con đường giải cứu Việt Nam khỏi đói nghèo, bất công và lạc hậu.


                   Măng cụt đặc sản trái cây miền Nam, bán ở khu vực chợ An Đông với
                                 giá 79 ngàn đồng/ký. (Hình: Văn Lang/Người Việt)


Như với giá dưa 3 ngàn đồng/ký, Việt Nam đâu có cần phải xuất qua Trung quốc để bị “ép” thê thảm như vậy? Nhưng Việt Nam không có thị trường tiêu thụ nào khác, trong nước thì khả năng tiêu thụ kém chứ không phải là vấn đề giá thành.

Như nhìn vô một bữa ăn của người Việt Nam, dù là thành thị hay miền quê, thì thành phần trái cây chiếm một vị trí rất nhỏ bé, gần như không đáng kể.

Sữa bò tươi thì vì bán không được, vì chỉ có công ty sữa thu mua với số lượng có hạn, người nông dân đành đổ bỏ sữa. Trong khi chính họ, con em họ, cũng như cái xứ Việt Nam này có hàng triệu, hàng triệu người suy dinh dưỡng vì thiếu chất bổ dưỡng. Nhưng người dân không có thói quen uống sữa, nhiều người cứ uống sữa vô là tiêu chảy.

Trong khi ngân sách của gia đình Việt Nam chủ yếu chi vô mấy thứ tào lao. Thứ nhất là phải kể tới tiền rượu, bia và sau đó là thuốc lá, cà-phê... Những người đàn ông Việt Nam không biết rằng họ đang “nhậu” cuộc đời của vợ, con họ; nhậu luôn sức khỏe và tương lai của họ, con cái họ.

Bởi vậy, không có gì lạ khi đầu tư nước ngoài vô Việt Nam các ngành rượu,bia,thuốc lá tăng chóng mặt. Đến nỗi chính mấy tay bợm nhậu chính hiệu con nai vàng cũng không thể kể hết tên các thương hiệu bia đang có mặt ở Việt Nam. Vì Việt Nam là một thị trường béo bở, nơi mà các chất uống, hút có hại cho sức khỏe bị các xứ văn minh tẩy chay, thì Việt Nam lại hăm hở rước về... Trong khi người nông dân Việt Nam đỏ mắt trông chờ những giải pháp cho nông sản Việt Nam.

Giải pháp đó chỉ có thể nằm trong tay ngành chế biến công nghệ thực phẩm.

Tại sao không thấy kêu gọi đầu tư, hay Việt Nam tập trung đầu tư cho ngành công nghiệp thực phẩm? Vải thiều, chôm chôm, nhãn, thơm, dưa hấu... dù là vô vụ mùa chín rộ thì các nhà máy chế biến đồ hộp, hay làm mứt, sấy khô...hoàn toàn có thể thu mua hết. Sau đó bán trong nội địa hay xuất khẩu đều được.

Việt Nam muốn mở rộng thị trường xuất khẩu của mình thì phải tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm của quốc tế, từ khâu trồng trọt cho tới khâu bảo quản, chế biến.

Nếu không, lệ thuộc hoàn toàn thị trường Trung quốc, chỉ cần một cái “hắt hơi, sổ mũi” trong quan hệ Việt-Trung vốn đang căng thẳng trên Biển Đông sẽ làm nông dân và nông sản Việt Nam từ điêu đứng tới... chết đứng.

Những giải pháp vĩ mô hoàn toàn nằm ngoài tầm tay người nông dân, và trách nhiệm cũng như khả năng hoàn toàn nằm trong tay nhà nước độc tài và độc quyền hiện nay.


Nguồn: nguoi-viet.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét