Kính Hòa, phóng viên RFA
TS Nguyễn Thanh Giang: Mỏ sắt Thạch Khê nằm cách thành phố Hà Tĩnh 18km về phía đông bắc. Cách bờ biển 1,6km, cách cảng Vũng Áng 66km. Đây là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á với trữ lượng nửa tỉ tấn, trữ lượng của nó chiếm đến phân nửa trữ lượng quặng sắt Việt nam. Hàm lượng sắt trung bình cho toàn mỏ là 58%.
Kính Hòa: Từ khi phát hiện ra cho đến nay việc khai thác mỏ sắt này diễn tiến như thế nào thưa Tiến sĩ?
TS Nguyễn Thanh Giang: Cho đến nay có nhiều tổ chức tư vấn để khai thác. Năm 64, 84, 85 thì tổ chức tư vấn của Liên Xô cũ đã lập luận chứng kinh tế kỹ thuật cho giai đoạn khai thác từ 91 đến 97.
Rồi một công ty của Đức cũng lập dự án tiền khả thi để khai thác đến độ sâu 400 mét. Công ty Nippon Steel cùng công ty Mitsui, công ty Nisho Iwai của Nhật bản cũng đã lập báo cáo khả thi cho mỏ với công suất 5 triệu tấn / năm.
Nhưng mà do nhiều nguyên nhân khác nhau những dự án đó không thể triển khai được. Cho đến năm 2007 thì tổng công ty thép Việt nam và Viện mỏ Liên bang Nga đã đưa ra đưa ra được một báo cáo nghiên cứu khả thi. Dựa vào báo cáo này thì mấy năm sau đó công ty cổ phần sắt Thạch Khê và Liên hợp thép Vũng Áng ra đời với cổ đông là 9 tập đoàn Việt nam với tập đoàn Formosa của Đài Loan và Tata của Ấn Độ. Sau khi tập đoàn này thành lập thì đưa ra một kế hoạch với 5 tỉ đô la đầu tư, họ dự đoán là đến năm 2012 thì sẽ cho ra đời mẻ thép đầu tiên. Rồi từ năm 2015 sẽ khai thác ổn định với 10 triệu tấn quặng một năm, để cung cấp cho các tổ hợp thép ở Vũng Áng với công suất 24 triệu tấn năm.
Nhưng mà sau đó suốt mấy năm không có vốn. Có các tập đoàn như Đóng tàu Việt nam có cổ đông khá lớn ở đấy bị sập tiệm. Có đến 4 tập đoàn Việt nam ở đấy rút đi, cho nên vốn đã thiếu lại càng thiếu.
Bên cạnh đó các phương án về kỹ thuật đưa ra không thích hợp và đúng đắn cho nên là bây giờ đến đấy thì như là một bãi chiến trường. Dân thì bị dồn đi, xóm làng xơ xác tan hoang, nước giếng ăn cũng không còn, nước ngoài đồng bãi cũng không còn. Rất nhiều người dân không được đền bù theo lời hứa nên rất tiêu điều, thậm chí là đói khổ nữa.
Từ năm 2013 có thêm được ký kết của Kobelco của Nhật ký một cam kết sẽ hỗ trợ kỹ thuật và tài chính, và mỏ đã bắt đầu sản xuất trở lại.
Kính Hòa: Với dự án hiện nay thì khai thác lên để xuất khẩu hay để luyện thép trong nước thưa Tiến sĩ?
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang: Mỏ sắt Thạch Khê liên quan đến khu Formosa, tức là nó chính là nguồn cung cấp cho nhà máy thép ở Formosa. Và một số nhà máy thép trong nước.
Kính Hòa: Như vậy mỏ sắt Thạch Khê và khu công nghiệp Vũng Áng của người Trung quốc đầu tư có liên hệ với nhau?
Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang: Đó là cái lý do, lý do để họ nhảy vào lập khu đó. Họ không có kỹ thuật cũng như không đóng góp tài chính vào việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê, nhưng mà họ trông chờ quặng sắt ở Thạch khê để đưa sang Formosa hoạt động.
Kính Hòa: Với dự án hiện nay có sự tham gia của Nhật bản thì nó có đúng với sự mong đợi của các nhà khoa học và kinh tế trong nước chưa?
TS Nguyễn Thanh Giang: Chúng tôi cho rằng nếu bây giờ Nhật bản họ đầu tư thêm vào mỏ sắt Thạch Khê, thì sẽ tạo điều kiện cho nó hoạt động trở lại. Tôi hy vọng là sự đóng góp của họ làm cho mỏ sắt Thạch Khê hoạt động hữu hiệu hơn.
Kính Hòa: Xin cảm ơn Tiến sĩ.
Nguồn: RFA Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét