Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

Vì Sao Trung Quốc Thách Thức Cả Thế Giới Trong Cuộc Tranh Chấp Trên Biển Đông Hiện Nay?



Nguyễn Trọng Bình

Theo Viet Studies


Quy mô xây dựng của Trung Quốc tại bãi đá Huy Gơ - Ảnh: Võ Xuân Hiệp


1. Câu chuyện biển Đông lại một lần nữa nóng lên kể từ khi Mỹ điều máy bay do thám và công bố những hình ảnh bồi đắp, cải tạo xây dựng các đảo mà trước đây họ đã dùng vũ lực cướp từ tay Việt Nam. Việc làm này của Trung Quốc hiện đang bị dư luận và cộng đồng thế giới lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ. Tuy vậy, có thể thấy không riêng gì lần này, mỗi khi bị cộng đồng thế giới chỉ trích thì gần như ngay lập tức Trung Quốc phản ứng lại với một thái độ và tâm thế không hề nao núng (nếu không muốn nói là rất tự tin và đầy kiêu hãnh). Tại sao như vậy? Tại sao Trung Quốc dù nghe hết, biết hết những gì dư luận thế giới nói về mình nhưng họ vẫn cứ làm với thái độ bất chấp tất cả?

Đặt ra vấn đề trên để thấy rằng, lâu nay, trong cuộc tranh chấp ở biển Đông với Trung Quốc, đa phần chúng ta chỉ xem xét vấn đề ở phương diện nào có lợi cho ta nhất mà thôi. Điều này là đương nhiên. Tuy vậy, nếu như thế có khi nào là chủ quan và duy ý chí vì như người xưa nói “biết người biết ta trăm trận trăm thắng”?

Lịch sử và văn hóa Trung Quốc cho thấy họ là bậc thầy của chiêu thức “binh bất yếm trá”. Vì vậy một tinh thần cảnh giác thường trực và cao độ với Trung Quốc sẽ không bao giờ thừa. Đặc biệt, đừng bao giờ chủ quan cho rằng“không ai hiểu Trung Quốc bằng Việt Nam” hay như có người phát biểu“tôi không bất ngờ về việc làm của Trung Quốc hiện nay”. Thực ra, nói như thế là ngụy biện vì nếu đã hiểu rõ bộ mặt thật họ vậy sao cứ chơi và xem họ là “bạn thân”, là “đồng chí tốt”? “Bạn” và “bạn thân” là hai vấn đề, hai quan điểm, hai lập trường rất khác nhau chứ? Ai đời đã biết cái đứa năm lần bảy lượt đâm sau lưng mình mà vẫn kết thân với nó? Nói ra điều này chỉ càng làm cho người bên ngoài họ cười vào mặt mình mà thôi.

Nói cách khác, trong bất cứ mọi thời điểm mọi hoàn cảnh, cần thiết chúng ta phải tự đặt ra thật nhiều giả thiết và tự phản biện lại tất cả các giả thiết ấy để thấy rõ hơn đâu là điểm mạnh đâu là điểm yếu của mình. Có như vậy mới không bị động và may ra mới tìm được giải pháp tối ưu nhằm đối phó với sự ranh ma của Trung Quốc.

2. Vì sao Trung Quốc luôn tỏ thái độ xem thường và thách thức Việt Nam và cộng đồng thế giới trong vấn đề tranh chấp trên biển Đông? Để trả lời câu hỏi này nhất định chúng ta phải tự đặt mình vào lập trường và quan điểm của họ để phân tích, xem xét. Ở đây tôi thử phân tích và lý giải một số căn nguyên như sau:

- Thứ nhất, về mặt chiến lược “đối nội”, trong khi Việt Nam đến giờ vẫn còn loay hoay không biết tuyên truyền; “giải thích” làm sao cho dân chúng trong nước hiểu và đồng thuận; thậm chí Nhà nước hiện này còn rất “kiên định” cấm dân chúng biểu lộ sự bất bình trước thái độ hung hăng của Trung Quốc (vì “mọi chuyện đã có Đảng và Nhà nước lo”) thì ngược lại, từ lâu Trung Quốc đã có một chiến lược dài hơi để tuyên truyền cho toàn dân họ rất bài bản và kỹ lưỡng. Nói cách khác, trong khi “lòng dân” và “ý Đảng” ở Việt Nam vẫn còn chưa gặp nhau thì ngược lại, dân chúng Trung Quốc riêng về vấn đề biển Đông từ trước tới nay vẫn luôn ủng hộ chính sách ngoại giao cứng rắn và không nhân nhượng Việt Nam của chính quyền ông Tập Cận Bình.

Về vấn đề này, mới đây tác giả Đoàn Công Lê Huy trong bài viết “Bàn cờ chín khúc biển Đông của Trung Quốc” trên báo Tuổi trẻ số ra ngày 28/5/2015 đã khái quát và chỉ ra rất cụ thể rằng như sau: “Như kỳ thủ đánh cờ nghĩ trước trăm nước, qua hàng thế kỷ họ luôn xuất kỳ có chủ ý. Họ chuẩn bị chu đáo và thực hiện từng nước đi. Toàn quân, toàn dân, toàn diện, được chỉ huy từ trên cao, bằng một cây gậy nhất quán. Họ luôn hát vang giai điệu chính và làm sao để gần 1,4 tỉ người không lạc điệu. Trên biển dẫu có lúc lộn xộn, có đến năm “lực lượng chấp pháp”, năm con rồng cùng quấy phá biển Đông - ngũ long nộ hải - thì cũng không bao giờ họ lạc giai điệu chính. Có nghĩa là chiến lược vẫn nhất quán dù chiến thuật có thể lúc thế này lúc thế kia. Mao Trạch Đông hay Tưởng Giới Thạch dù có khác nhau về phe phái thì bản đồ vu vơ đường lưỡi bò chín đoạn vẫn được đồng thuận xài chung. Họ vẫn cùng nhau hát đúng giai điệu chính trên căn bản này”.

- Thứ hai, về đối ngoại, thời gian qua chính quyền Trung Quốc hoàn toàn yên tâm vì họ biết quan điểm và lập trường của Việt Nam là không kiện họ ra tòa án quốc tế như Philippines; Việt Nam cũng không liên minh với nước nào để chống lại họ. Và điều quan trọng hơn cả là Mỹ, Nga (hai cường quốc trên thế giới) đều tuyên bố không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp này.

- Thứ ba, về mặt pháp lý nhất là việc nhìn nhận và giải thích luật quốc tế, nếu như Việt Nam đang có chút lợi thế là bộ sưu tập các bản đồ cổ (trong đó chứng minh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, không thuộc chủ quyền của Trung Quốc) và các học giả quốc tế cũng không chấp nhận ranh giới “đường lưỡi bò” thì ngược lại Trung Quốc có ưu thế hơn thông qua một “bằng chứng lịch sử” khác. Đó là cái công hàm oan nghiệt do ông Phạm Văn Đồng thay mặt nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký và “trân trọng” gửi cho họ vào năm 1958 (mà mọi người đã rất nhiều lần tranh luận trước đây). Dù muốn dù không chúng ta phải thừa nhận, Việt Nam rất khó ăn khó nói với bạn bè thế giới về nội dung ghi trong cái mảnh giấy (tuy chỉ có mấy chữ nhưng tác hại rất khủng khiếp) này.

Cho nên, thời gian qua nếu Việt Nam nói “chúng tôi có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” thì phía ngược họ cũng đường hoàng, dõng dạc tuyên bố giống hệt như vậy. Và khi chúng nói họ “hung hăng”, “ngang ngược” thì họ cũng đáp trả lại Việt Nam là kẻ “lật lộng”, “phản bội”...

- Thứ tư, nhiều chuyên gia luật hiện nay chỉ tập trung phân tích việc Trung Quốc cải tạo các đảo đá ngầm hiện nay thành đảo nhân tạo thì về mặt pháp lý căn cứ vào các điều khoản của “Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) họ sẽ không được công nhận chủ quyền. Điều này là không có gì sai. Tuy nhiên, đáng tiếc là Trung Quốc hiện nay không quan tâm đến vấn đề ấy. Điều họ quan tâm là phải làm sao bằng mọi cách nhanh chóng kiểm soát tất cả những đảo mà họ đang xây dựng để từng bước kiểm soát cả biển Đông. Trên cơ sở đó làm bàn đạp từng bước dùng sức mạnh “nước lớn” của mình để áp đặt “luật chơi” mới lên các “nước nhỏ” nhằm phân chia lại trật tự thế giới với Mỹ ở Thái Bình Dương. Tóm lại, mục tiêu của họ là kiểm soát trên thực địa chứ không phải chuyện công nhận hay không công nhận của UNCLOS. Đừng nghĩ rằng, họ không sợ “mất mặt”, “mất uy tín” với bạn bè quốc tế. Thực ra, họ biết hết những chuyện ấy nhưng điều quan trọng là họ tin rằng sau khi độc chiếm biển Đông; trở thành bá chủ họ sẽ tạo dựng và lấy lại uy tín còn mạnh mẽ hơn nữa. Nói cách khác đây là chiêu“tiên hạ thủ vi cường/ Hậu thủ vi tai ương” trong Binh pháp Tôn Tử mà họ đương nhiên sành sỏi hơn chúng ta rất nhiều.

- Cuối cùng, những ngày qua, kể từ khi Mỹ đưa máy bay vào do thám và công bố những hình ảnh Trung Quốc đang cải tạo đảo, dư luận lại bắt đầu làm sống lại giả thuyết “chiến tranh Trung - Mỹ” sắp nổ ra. Dĩ nhiên chúng ta nhất định cũng cần đặt ra tình huống giả định này để nhìn nhận vấn đề cho thật thấu đáo. Tuy vậy, như nhiều chuyên gia khác cũng nhận định, kịch bản Trung - Mỹ xảy ra chiến tranh trên biển Đông trong tương lai gần ít có khả năng xảy ra hơn kịch bản Trung Mỹ “bắt tay” và thương lượng với nhau. Câu nói của ông Tập Cận Bình khi gặp ngoại trưởng Mỹ John Kerry mới đây:“Thái Bình Dương đủ rộng cho cả Trung Quốc và Mỹ” ít nhiều đã ngầm nói lên điều này. Và nếu như kịch bản này xảy ra thì chắc chắn Việt Nam khi ấy chỉ là một quân cờ để hai cường quốc thế giới mang ra “cân, đo, đong, đếm” mà thôi.

3. Từ những phân tích trên có thể nói, hiện nay nhìn toàn cục Trung Quốc đang nắm thế chủ động hơn so với Việt Nam và các nước khác tuyên bố chủ quyền ở Biến Đông. Đó chính là lý do thời gian qua mặc cho Philipines kiện họ ra tòa quốc tế và mặc cho Bộ ngoại giao Việt Nam liên tiếp gửi các công hàm phản đối nhưng họ vẫn chẳng coi ra gì.

Từ đây, trên phương diện nhận thức chung, để đối phó và tạo ra ưu thế cho mình trong cuộc đối đầu này, Việt Nam, theo tôi nhất định phải tập trung vào các nhóm vấn đề quan trọng sau đây:

- Một, phải thay đổi tư duy trong cách tiếp cận vấn đề, tức là điều quan trọng bây giờ là phải hết sức cảnh giác đồng thời tập trung mọi nguồn lực nhằm giữ vững các đảo hiện tại đang nắm quyền kiểm soát. Nói cách khác vấn đề bây giờ là không để mất thêm đảo nào nữa vào tay Trung Quốc chứ không phải nói như ông Phó thủ tướng Vũ Đức Đam dạo nào:“Đời tôi và các bạn chưa đòi được thì con cháu chúng ta sẽ đòi lại”.[1] Thử hỏi tại sao bây giờ không quyết liệt đòi, không tự tin sẽ đòi lại được mà nhắn gửi, dặn dò con cháu như thế? Nói như thế khác nào đã công khai thừa nhận sự thất bại của mình hiện nay đồng thời đẩy quả bóng trách nhiệm cho thế hệ mai sau? Và phải chăng thế hệ lãnh đạo trước đây cũng từng suy nghĩ như vậy, cũng từng “trăn trối” và nhắn gửi thế hệ lãnh đạo của ông Phó Thủ tướng hôm nay nhưng các ông cũng làm được gì đâu!?

- Hai, cần chủ động tạo điều kiện thuận lợi cho Mỹ và các đồng minh của Mỹ thay Việt Nam “bảo vệ nguyên tắc luật pháp quốc tế trên biển Đông”[2] và ngăn chặn Trung Quốc quân sự hóa các đảo mà họ đang kiểm soát. Điều đó cũng có nghĩa trong hoàn cảnh hiện nay nếu còn chần chừ không thể hiện rõ ràng dứt khoát, lập trường quan điểm của mình chắc chắn Việt Nam mãi mãi chỉ là con tốt không hơn không kém trên bàn ngờ ngoại giao một khi Trung Quốc “bắt tay” với Mỹ bằng chiến thuật lùi một bước để tiến nhiều bước...

Và quan điểm và lập trường ở đây không phải là Việt Nam nên “theo ai” hay “ngã về bên nào” mà là cần nhanh chóng chấm dứt trò chơi “đu dây” đầy mạo hiểm với việc lấy cảng Cam Ranh ra để giữ thăng bằng. Hay tệ hơn nữa là tâm lý “tọa sơn quan hổ đấu”!

- Ba, về mặt đối nội Đảng, Quốc hội Việt Nam cần nhanh chóng ra Nghị quyết nhằm tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về tình hình biển Đông hiện nay, đặc biệt nội dung bản Nghị quyết phải thể hiện rõ tinh thần hiệu triệu như lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của chủ tịch Hồ Chí Minh trước đây. Tức là “chúng ta càng nhân nhượng thì Trung Quốc càng lấn tới vì họ muốn cướp đảo của ta lần nữa...” Theo tôi, mọi chuyện đã đến nước này thì không còn gì mà giấu giếm, úp mở với nhân dân hay ngụy biện vì là chuyện “nhạy cảm”, “tế nhị” nên Quốc hội chỉ “họp kín”. Nếu ra được Nghị quyết lúc này về trước mắt sẽ ổn định được lòng dân còn về lâu thế hệ con cháu mai sau còn có cái để mà “ăn nói” với Trung Quốc (hay nếu như muốn tiếp tục “đòi lại” các đảo bị Trung Quốc cướp mất như lời dặn dò của ông Phó Thủ tướng mà tôi vừa đề cập ở trên). Và nhất là để lịch sử mai sau còn viết vào đó lại vài dòng ghi nhận công lao của thế hệ lãnh đạo hôm nay chứ không phải là không là những lời nguyền rủa nhu nhược, hèn kém.

- Cuối cùng, Việt Nam cần kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế như Philippines đã làm. Cho dù Trung Quốc hiện nay không coi luật pháp quốc tế ra gì nhưng cần phải kiện họ vì chỉ có cách này cộng đồng quốc tế mới tin tưởng và ủng hộ Việt Nam nhiều hơn. Khi ấy Mỹ và các đồng minh Nhật, Úc... mới có “cơ hội” giúp Việt Nam ngăn chặn sự hung hăng của Trung Quốc. Hiện nay, chính vì Việt Nam cứ ỡm ờ, không dám kiện nên cộng đồng quốc tế họ hoài nghi. Mình cứ nói “chính nghĩa” và “lẽ phải” thuộc về mình nhưng lại không cho thấy quyết tâm bảo vệ “chính nghĩa” và “lẽ phải” đến cùng thì làm sao người ta tin những gì mình nói.

Ngoài ra, khởi kiện bây giờ cũng là phòng tránh một sự lật lọng của Trung Quốc về sau. Tức là trong trường hợp sau khi hoàn thành việc cải tạo các đảo hiện nay, với sức mạnh và sự ảnh của một “nước lớn” có thể họ sẽ kiện ngược lại Việt Nam. Khi ấy với tư cách là “bị đơn” lại là “nước nhỏ”, Việt Nam rất khó thoát ra khỏi sự điều khiển của họ.

Cần Thơ, 30/5/205

 https://www.danluan.org/tin-tuc/20150602/nguyen-trong-binh-vi-sao-trung-quoc-thach-thuc-ca-the-gioi-trong-cuoc-tranh-chap


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét