Biên dịch: Lê Thanh Danh
Đây là bài thứ hai trong loạt bài của Patrick Cronin về chiến
lược thống trị khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Trung Quốc. Xem Phần 1 tại
đây.
Một số nhà phân tích cho rằng “đội hình” đảo nhân tạo của
Trung Quốc trên Biển Đông không đáng gây ra bận tâm lo lắng vì chúng có thể bị
“xử” dễ dàng một khi chiến tranh nổ ra. Tuy nhiên, họ không nhìn ra được cách
thức mà những hòn đảo này gắn kết vào chiến lược “chậm mà chắc” đưa Trung Quốc
trở thành bá quyền khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Trước một Trung Quốc đang trỗi dậy, Hoa Kỳ và các quốc gia
trong khu vực luôn muốn vừa tối đa hóa hợp tác, lại vừa tối thiểu hoá xung đột.
Chính điều này đã đẩy chúng ta rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan trước các
hành động hung hăng và mang tính cưỡng ép của Trung Quốc, ví dụ như hành vi xây
đắp các đảo nhân tạo. Trung Quốc đang tích cực gia tăng gấp đôi diện tích đất
trên Biển Đông mà họ có ban đầu. Họ tìm cách biến tuyên bố chủ quyền mập mờ về
đường chín đoạn, bao phủ gần hết toàn bộ Biển Đông (điều theo Hoa Kỳ là không
có cơ sở pháp lý), thành một “chuyện đã rồi”. Bắc Kinh cũng đã từ chối không
tham gia vào vụ kiện được đệ trình bởi Philippines trước Tòa Trọng tài về Luật
Biển (ITLOS). Điều này đặt một dấu hỏi lớn về các lợi ích thực sự của Trung Quốc
liên quan tới việc tuân thủ pháp luật quốc tế. Học giả người Úc Alan Dupont mô
tả hành động hiện nay của Trung Quốc là hành vi cải tạo địa lý nhằm mở đường
cho tham vọng kiểm soát Biển Đông. Rõ ràng tham vọng chiến lược của Trung Quốc
là tăng khả năng triển khai nguồn lực tại các vùng biển gần, nhằm tương xứng với
sự gia tăng về sức mạnh và vị thế của Trung Quốc. Điều này còn được thúc đẩy bởi
một não trạng đòi “công bằng lịch sử”, chủ nghĩa dân tộc và các động lực chính
trị trong nước.
Các quan chức Trung Quốc cũng cố tìm cách để giải thích những
hành động của họ. Có lập luận cho rằng Trung Quốc đang cải tạo các thực thể
chìm, xây dựng cảng và đường băng như một loại hàng hóa công toàn cầu (global
public good). Theo Đô đốc Wu Shengli (Ngô Thắng Lợi), “khi các điều kiện thích
hợp”, Trung Quốc sẵn lòng mở cửa các đảo nhân tạo để phục vụ hợp tác quốc tế,
như viện trợ nhân đạo hoặc tìm kiếm và cứu nạn. Trong một lập luận khác, Trung
Quốc cho rằng chính vì Việt Nam và Philippines đã “đi trước” nên buộc họ phải
xây dựng cơ sở của riêng mình trên Biển Đông. Nhưng thực tế là hoạt động của
Trung Quốc có quy mô bỏ xa các quốc gia còn lại. Không những thế, như một kiểu
đe dọa mơ hồ và dễ chối cãi khi bị gặng hỏi, ít nhất một quan chức Trung Quốc
đã khẳng định rằng các cơ sở này là để hỗ trợ “chất lượng cuộc sống các binh
sĩ” – như có mong muốn nhắn nhủ các quan chức Hoa Kỳ rằng Trung Quốc có dự định
xây dựng ra-đa, đường băng, cơ sở neo đậu tàu và các doanh trại quân đội trên
các tiền đồn này.
Không cần phải có khả năng tiếp cận các kế hoạch bí mật của
Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) mới có thể hiểu được những mục
đích tiềm tàng của quá trình bồi đắp đảo: chúng giúp tăng khả năng triển khai sức
mạnh của Trung Quốc, và làm suy giảm khả năng triển khai sức mạnh của Hoa Kỳ.
Chẳng hạn như trong trường hợp Trung Quốc gây sức ép lên Đài Loan, Hoa Kỳ sẽ tốn
nhiều thời gian hơn nếu muốn hỗ trợ cho Đài Loan. Điều này hoàn toàn khác với
cách mà chúng ta đã từng làm khi điều động hai hàng không mẫu hạm đến eo biển
Đài Loan những năm 1995-1996. Hơn nữa, các đường băng và những cơ sở trên Trường
Sa và Hoàng Sa sẽ là bàn đạp để Trung Quốc có thể thiết lập sự kiểm soát cả
trên biển lẫn trên không, chưa kể đến Vùng Nhận diện Phòng Không (ADIZ). Khi
Trung Quốc bất ngờ tuyên bố thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông vào tháng 11 năm
2013, người ta nhanh chóng nhận ra Trung Quốc không có khả năng đảm bảo thực
thi kiểm soát vùng này trên thực tế. Thông qua đảo nhân tạo, PLA có khả năng
thiết lập kiểm soát đối với những chuyển động trên Biển Đông. Điều này làm gia
tăng các phí tổn trong trường hợp Hoa Kỳ muốn tuần tra trên vùng biển quốc tế
và cũng đồng thời là khu vực mà Trung Quốc khẳng định là Vùng Đặc quyền Kinh tế
(EEZ) của mình. Đặc biệt, Trung Quốc có khả năng xây dựng một vùng trú ẩn cho
các tàu ngầm tên lửa liên lục địa (SSBN), một phần trong chiến lược cải thiện vị
thế hạt nhân của Trung Quốc. Một chiến lược triển khai SSBN như thế sẽ giúp cho
Trung Quốc xây dựng được một lực lượng hạt nhân cơ động, có khả năng sống sót
cao hơn, đủ khả năng đe dọa Hoa Kỳ do đảm bảo cơ hội triển khai khả năng tấn
công hạt nhân đáp trả. Mặc dù không ai muốn phải sử dụng đến vũ khí hạt nhân,
tác động chính của chiến lược này là nhằm suy giảm “sức nặng” chiếc ô hạt nhân
của Hoa Kỳ với đồng minh trong khu vực, từ đó gia tăng sự thống trị của Trung
Quốc. Tại châu Á cũng như bất kỳ nơi nào khác, tầm nhìn thường có ý nghĩa tương
đương hoặc thậm chí là lớn hơn cả thực tế.
Một vài cựu quan chức Hoa Kỳ và các chuyên gia nổi tiếng cho
rằng Washington không được phép để cho các động thái tại Biển Đông phá hoại mối
quan hệ rộng lớn hơn với Trung Quốc. Tôi cũng đồng ý với quan điểm này. Thay vì
tranh luận về một cuộc chơi một mất một còn với Trung Quốc, vấn đề cần giải quyết
là chúng ta có nên đặt ra lằn ranh đối với các hành vi bị coi là sai trái hay
không, và cần phải vẽ lằn ranh này ra sao. Nghịch lý ở đây là, nếu chúng ta
nhìn mối quan hệ cạnh tranh về mặt an ninh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tại khu vực
như là biểu tượng của quan hệ toàn cục, chứ không phải chỉ là một ganh đua đơn
thuần, thì điều này sẽ khiến cho mối quan hệ chung giữa hai bên trở nên xấu đi.
Hơn thế nữa, rủi ro xảy ra các rạn nứt lớn đến từ sự phản đối của Hoa Kỳ đối với
các hành vi gây bất ổn định là không lớn, vì bản thân Trung Quốc vẫn xem trọng
mối quan hệ Mỹ – Trung và không muốn mối quan hệ đó tan vỡ.
Thay vào đó, chúng ta nên cân nhắc những hệ quả khi không
dám đứng lên bảo vệ những chuẩn tắc quốc tế, bảo vệ các đồng minh và đối tác của
mình. Nếu các hành động và thái độ sai trái không bị trừng phạt, nếu các hành
vi này không chuốc lấy hậu quả gì, thì mọi cường quốc sẽ không có bất kỳ động lực
nào để tuân thủ các chuẩn mực, các quy tắc ứng xử và luật pháp quốc tế. Nói
cách khác, thách thức ở đây không phải là nguy cơ chiến tranh (không kể đến những
hành vi cẩu thả thiếu tính toán, vốn là những vấn đề thật sự nguy hiểm). Thách
thức là làm sao cân bằng được sự đối nghịch giữa một bên là hợp tác Mỹ – Trung
và bên kia là nhu cầu làm rõ những hành vi nào được xem là vi phạm những chuẩn
tắc của khu vực.
Một Trung Quốc không được kiểm soát sẽ hiện thực hóa sự chi
phối bá chủ trên các vùng biển gần. Đó mới là rủi ro thật sự. Tương lai này có
thể được nhìn thấy phần nào trong cuộc khủng hoảng năm 2012 xung quanh Bãi cạn
Scarborough. Việc Philippines xua đuổi những tàu cá Trung Quốc trong vùng biển
mà Manila tuyên bố chủ quyền đã nhanh chóng leo thang thành một cuộc đối đầu
kéo dài hàng tháng trời giữa hải quân Trung Quốc và Philippines. Lúc đó,
Washington đã trấn an Manila và thuyết phục Philippines rằng Hoa Kỳ sẽ hạ nhiệt
khu vực. Nhưng thực tế cuối cùng thì Trung Quốc vẫn quay trở lại Bãi cạn
Scarborough và kiểm soát vô thời hạn khu vực tranh chấp này, mặc dù Scarborough
nằm sâu bên trong vùng EEZ của Philippines. Ở cấp độ cá nhân, một số học giả
Trung Quốc đã xem vụ việc này như mô hình cưỡng bức mở rộng của Hoa Kỳ, vừa gây
áp lực hiệu quả đối với một đồng minh của Hoa Kỳ, vừa buộc Washington không thể
can dự. Chiêu bài này lại được tái diễn với các cơ sở hạ tầng quân sự hiện đang
được Trung Quốc xây dựng trên các đảo nhân tạo. Từ góc nhìn này, chúng ta có vẻ
đã sẵn sàng để Trung Quốc cướp lấy Biển Đông chỉ vì một nỗi sợ mơ hồ rằng Bắc
Kinh sẵn sàng hy sinh lợi ích hợp tác kinh tế với Hoa Kỳ và các quốc gia khác.
Các quy tắc quản trị tại Châu Á – Thái Bình Dương mang ý
nghĩa quan trọng. Mô típ hành vi gần đây của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh chắc
chắn đang nỗ lực hạn chế Hoa Kỳ hội nhập vào khu vực năng động nhất thế giới.
Trung Quốc sẽ quyết định việc tiếp cận các lợi ích chung toàn cầu. Mặc dù Bắc
Kinh luôn nói chuyện kiểu “cả hai cùng thắng”, họ lại thật sự có ý rằng Trung
Quốc sẽ “thắng tất”.
Một mình Hoa Kỳ có thể thúc đẩy khu vực hướng tới bảo vệ và
đưa ra những luật lệ công bằng với tất cả các quốc gia. Giúp cho Trung Quốc
phát triển tầng lớp trung lưu của họ là một việc tốt, nhưng để cho Trung Quốc
xây dựng cơ sở quân sự trên đảo nhân tạo thì không tốt chút nào. Giúp Trung Quốc
và khu vực hiểu được sự khác biệt này sẽ là một trong những nhiệm vụ tối quan
trọng trong các chính sách của Hoa Kỳ trong những năm sắp tới.
Patrick M. Cronin là Giám đốc cấp cao tại Chương trình An
ninh Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Hoa Kỳ mới và là cựu Giám
đốc Viện Nghiên cứu chiến lược Quốc gia trực thuộc Đại học Quốc phòng Quốc gia
Hoa Kỳ.
Nguồn: Patrick Cronin, “How China’s Land Reclamation Fits in
Its Regional Strategy for Dominance”, War on The Rocks, 18/5/2015 - nghiencuuquocte
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét