Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

Việt - Mỹ và chuyến thăm của TBT Trọng

 

Chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng có tính biểu tượng sâu sắc, theo nhà nghiên cứu chiến lược ngoại giao Việt Nam từ Hà Nội. 


Thực chất chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam ông Nguyễn Phú Trọng có ba nội dung nổi bật là 'tính biểu tượng', sự 'công nhận lẫn nhau' và 'gỡ bỏ một số khó khăn, trở ngại' trong quan hệ Việt - Mỹ, theo một nhà nghiên cứu về chiến lược ngoại giao từ Hà Nội.

Trao đổi với Bàn tròn Thứ Năm của BBC tuần này về chủ đề "Bang giao Việt Mỹ và chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Trọng", Tiến sỹ Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Quan hệ Quốc tế, nói:

"Có ba ý, thứ nhất là tính biểu tượng. Phải nói là chuyến thăm Mỹ lần này của Tổng Bí thư nguyễn Phú Trọng có tính biểu tượng hết sức sâu sắc.


"Và bản thân nó khẳng định một điều, nó cho thấy là sự công nhận lẫn nhau giữa hai nhà nước, giữa hai chế độ, đây là điều hết sức quan trọng đối với Đảng cộng sản Việt Nam, đối với đất nước Việt Nam.

"Đấy là hai nước với chế độ chính trị khác nhau, hoàn toàn có thể hợp tác và cùng hướng tới những vấn đề có lợi ích chung. Đấy là điểm thứ hai.

"Điểm thứ ba là nó sẽ giúp gỡ bỏ một số cách thức, một số khó khăn và trở ngại ở trong quan hệ Việt - Mỹ, để mở đường cho những cơ hội hợp tác."

Và nhà nghiên cứu đưa ra ví dụ:

"Hiện nay nhận thức của rất nhiều người Mỹ, hoặc rất nhiều người ở Mỹ về Việt Nam là tương đối lạc hậu, chậm so với những thay đổi ở Việt Nam, hoặc là họ có những nhận thức không phù hợp với bối cảnh hiện nay.

"Ngược lại ở Việt Nam cũng có những người chưa hiểu biết về Mỹ, do vậy chuyến đi này sẽ giúp gỡ bớt những rào cản, những khó khăn, mà trước hết là về mặt nhận thức.

"Cái thứ hai, nó góp phần thúc đẩy các cơ hội mở ra cho những tương lai hợp tác to lớn giữa hai bên, giữa các doanh nghiệp, giữa nhân dân, giữa các đoàn thể và giữa các nhà nước với nhà nước.
"Và tôi nghĩ đấy chính là điều mà lãnh đạo Việt Nam đang kỳ vọng từ chuyến đi này,"ông Trần Việt Thái nói với Tọa đàm.

Hy vọng tương lai

Bình luận về việc ông Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ, từ Đại học Thành Thị Hong Kong, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Jonathan London, đang giảng dạy ở Khoa Nghiên cứu châu Á và Quốc tế, Đại học Thành thị Hong Kong, nhấn mạnh:

"Hơi tiếc một chút, bởi vì sắp tới Việt Nam sẽ có những lãnh đạo mới sẽ lên cầm quyền.
"Và tôi hy vọng, dù tôi không hiểu tại sao ông Nguyễn Phú Trọng được chọn để sang Mỹ, nhưng tôi hy vọng là trong tương lai thì sẽ không có chuyện là sẽ có những thiếu thống nhất trong (lãnh đạo) cấp cao của Việt Nam.

"Bởi vì thực sự hiện nay mình thấy là có khá nhiều người rất hiểu về Việt Nam, người Việt Nam mà, hiểu về chính trị Việt Nam,

"Cũng thấy hối tiếc, dù mừng Tổng Bí thư đang (chuẩn bị) sang Mỹ, nhưng không biết hiệu quả đến mức độ nào.

"Và điều đó tôi nghĩ cũng không giải quyết được,

"Nhưng hy vọng là việc này sẽ được nhớ là một lúc mà quan hệ song phương giữa hai nước đã thay đổi.

"Và đã lên một đường hứa hẹn và tôi tin rằng là cũng có khả năng", nhà nghiên cứu nói với Bàn tròn.

Lợi ích chung hai nước

Bình luận về 'tính biểu tượng' và thực chất ý nghĩa chuyến đi Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng, từ Singapore, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Maine, Hoa Kỳ, nói với BBC:
"Tôi đồng ý với vấn đề biểu tượng. Đây là vấn đề rất quan trọng.

"Tôi nghĩ rằng một ông Tổng bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam sang thăm Mỹ trong lúc này cho quần chúng Mỹ biết rằng là đối với Mỹ vấn đề ý thức hệ không phải là vấn đề quan trọng lắm, ngay bây giờ, mà là vấn đề lợi ích chung của hai nước và an ninh trong khu vực.

"Vấn đề nữa là ông Trọng sang kỳ này là trước khi (Hiệp định) Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được ký kết.

"Mà đây là thời điểm rất quan trọng, nếu ông Trọng sang bên Mỹ và vận động quần chúng Mỹ, cho biết rằng Việt Nam sẽ nghiêm chỉnh thi hành những đòi hỏi của TPP, khi Việt Nam đã ký,
"Trong đó có vấn đề nhân quyền, trong đó có vấn đề bảo vệ công nhân, thì tôi nghĩ đây là một vấn đề có lợi không những cho Mỹ, cho Việt Nam.

"Mà cũng cho mười nước kia nữa trong vấn đề củng cố quan hệ và đẩy mạnh TPP.


"Thành ra chuyến đi của ông Trọng, tôi nghĩ rất quan trọng," Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói với BBC.

Mục tiêu lớn nhất

Khi được hỏi đâu là mục tiêu lớn nhất mà cả hai phía Việt - Mỹ đều nhắm tới trong chuyến công du Hoa Kỳ của nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, Tiến sỹ Trần Việt Thái từ Hà Nội nói:

"Nếu mà nói là mục tiêu hướng tới tổng thể nhất, thì tôi nói đấy là một mối quan hệ ngày càng nồng ấm, ngày càng thân thiện và hợp tác sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực.

"Đặc biệt là những lĩnh vực ví dụ như là kinh tế, thương mại, về an ninh, quốc phòng về giáo dục, về khoa học công nghệ.


Khi được hỏi, liệu chuyến đi có 'nâng tầm' quan hệ của hai nước lên 'đối tác chiến lược' hay không, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao của Việt Nam, nói:

"Cái này tôi không theo dõi, tôi cũng không rõ.

"Nhưng bản chất của quan hệ Việt - Mỹ, tuy về hình thức nó là 'quan hệ toàn diện', nhưng nó đã có ý nghĩa chiến lược ở trong đó.

"Và vấn đề là bây giờ cần phải triển khai nó một cách hiệu quả, thực chất và làm sâu sắc hơn nữa.
"Bởi vì tôi biết là quan hệ Việt - Mỹ còn rất nhiều cơ hội để thúc đẩy, để đi xa hơn nữa về mặt thực chất mà rất có lợi.

"Chứ không chỉ cái chữ 'chiến lược'", Tiến sỹ Trần Việt Thái nói với Bàn tròn Thứ Năm.


 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/06/150624_hangout_nguyenphutrong_us_trip

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét