Thứ Ba, 16 tháng 6, 2015

Chỉ nhốt cọp thôi



 Lê Phan


Khi ông vừa được bầu lên làm tổng bí thư và trước khi lên làm chủ tịch nước, ông Tập Cận Bình, đã có một bài diễn văn nảy lửa về chống tham nhũng.

Trong bài diễn văn được Tân Hoa Xã phổ biến này, ông Tập nói, “Chúng ta phải duy trì chiến đấu chống lại cả cọp lẫn ruồi cùng một lúc, cương quyết điều tra những vụ phạm pháp của các viên chức hàng đầu và cũng tích cực giải quyết những khuynh hướng thiếu lành mạnh và các vấn đề tham nhũng đang xảy ra trong quần chúng.” Ông cũng thề sẽ không có ngoại lệ trong chiến dịch chống tham nhũng và không có khoan dung. Với lời lẽ thật văn hoa khác hẳn với các vị tiền nhiệm gần đây, ông tiếp, “Quyền lực phải bị giới hạn bởi cái lồng của luật lệ.”


Lời tuyên bố đó được đưa ra vào tháng 1, năm 2013. Tháng 3 năm đó, ông Tập nắm luôn cả chức chủ tịch nước. Và kể từ đó ông đã tung ra một chiến dịch chống tham nhũng mà quả không những bắt đám ruồi muỗi viên chức cấp thấp mà cả vài con cọp khá bự.

Nhưng có lẽ chưa có con cọp nào bự bằng con cọp Châu Vĩnh Khang. Xuất thân từ một gia đình tiểu nông, ông Châu sinh ra ở tỉnh Giang Tô vào năm 1942, bảy năm trước khi quân đội Cộng Sản của ông Mao Trạch Đông dành được hoa lục. Gia nhập đảng năm 1964, ông nhanh chóng lập nghiệp trong ngành dầu khí và rồi trở thành tổng quản trị của tập đoàn dầu khí quốc gia CNPC.

Từ ngành dầu khí, ông đã tiếp tục đi lên cho đến mức tột đỉnh của quyền lực. Năm 2002, ông được cử làm bộ trưởng Bộ Công An và rồi trưởng ban chính trị của đảng, cho ông quyền kiểm soát hệ thống tòa án, cảnh sát và công an. Vị thế của ông trong vai trò đứng đầu ngành công an có nghĩa là ông vô cùng thế lực. Năm 2007, ông đã trở thành một trong chín thành viên của ban thường vụ Bộ Chính Trị, một chức vụ mà ông giữ cho đến năm 2012 khi ông về hưu.

Kể từ sau khi ông Tập lên nắm quyền, vị thế của ông bắt đầu lung lay. Lần cuối cùng người ta thấy ông ở một chỗ công cộng là tháng 10, năm 2013, trong khi tin đồn đoán là ông đã bị thanh trừng ngày càng nhiều.

Nếu bị xử công khai, vụ xử ông Châu Vĩnh Khang sẽ có thể là vụ xử giật gân nhất kể từ khi bà Giang Thanh, vợ ông Mao, và bè lũ của bà trong nhóm gọi là tứ nhân bang bị kết án vì những hành vi chống đảng hồi năm 1981. Nhưng nhà chức trách rõ ràng lo ngại về những gì ông có thể tiết lộ nên ông đã bị xử trong một vụ xử tuyệt mật ở hải cảng Thiên Tân, khoảng 120km (75miles) phía Đông Nam của thủ đô Bắc Kinh, thay vì là ở chính thủ đô. Không một tin tức gì được loan báo về vụ xử này ngoại trừ loan báo hôm thứ năm vừa qua là ông Châu đã bị án tù chung thân vì tội nhận hối lộ, lạm quyền và tiết lộ bí mật nhà nước.

Trong những gì chính thức viết về phiên xử không hề thấy nhắc đến điều mà nhiều quan sát viên tin là lý do chính cho vụ xử ông Châu, đó là vì ông là một người bảo trợ chính cho ông Bạc Hy Lai, một cựu thành viên bộ chính trị, có thời làm vua một cõi ở Trùng Khánh, những đã bị kêu án tử hình treo, có nghĩa là cũng bị tù chung thân hồi năm 2013 vì lạm quyền. Cả ông Châu lẫn ông Bạc đều là đối thủ của ông Tập. Ông Châu được biết đã từng bảo với đàn em là không cần phải sợ gì ông Tập vì ông có thể kiểm soát nổi ông Tập. Trong khi đó ông Bạc thì đang nuôi hy vọng sẽ là người thay thế khi ông Tập hết hạn cầm quyền. Việc xử án hai người này có lẽ là một cố gắng của ông Tập để đàn áp sự chống đối trong nội bộ đảng.

Khi tấn công vào ông Châu, ông Tập đã phá lệ. Chưa bao giờ một đương kim hay là cựu thành viên của ban thường vụ Bộ Chính Trị, vốn là cơ quan cao nhất nước, đã bị chính thức cáo buộc tham nhũng. Những viên chức thường trong bộ chính trị thì không kể. Ông Trần Hy Đồng, cựu bí thư thành ủy Bắc Kinh bị kết án năm 1998 về tội tham nhũng. Ông Trần Lương Vũ, cựu bí thư thành ủy Thượng Hải bị tù sau đó một thập niên cũng về tội tham nhũng. Nhưng trong nhiều năm nay người ta vẫn nghĩ là những người lên đến hàng của ông Châu đã ngấm ngầm có được quyền miễn tố. Nhưng ông Châu đã giúp phá lệ cũng phải vì từ khi ông Tập tuyên bố nhắm cả đến cọp thì tin đồn vẫn nói con cọp đó chính là ông Châu.

Những chi tiết sơ sài về vụ xử đã được báo chí nhà nước tiết lộ không cho biết thêm được gì hơn về những gì đã được tiết lộ về vụ án này. Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn chính thức của nhà nước, nói là ông Châu đã bị kết tội nhận hối lộ trị giá 731,100 nguyên (117,500 đô la) từ ông Tưởng Khiết Mẫn, một cựu giám đốc công ty dầu khí mà rồi sau đó được chính ông Châu cất nhắc lên làm giám sát các công ty quốc doanh. Ông Châu được nói đã yêu cầu ông Tưởng thu xếp các cơ hội làm ăn cho bạn bè và thân nhân. Ông Tưởng đã bị xử từ hôm tháng 4 nhưng vẫn còn chờ phán quyết về bản án của tòa. Tòa án ở Thiên Tân cũng đưa ra phán quyết là con trai của ông Châu và vợ của ông này cũng nhận hối lộ trị giá gần 21 triệu đô la. Riêng về tội tiết lộ bí mật nhà nước thì không thấy có chi tiết gì được đưa ra về bí mật nào đã bị ông tiết lộ. Nhưng người nhận những bí mật này được nói là ông Tào Chính Vĩnh, một người đã nổi tiếng thời thập niên 1990 vì tài phong thủy và có khả năng chữa bệnh.

Ông Châu được nói là đã nhận những tội này và đã bày tỏ hối lỗi cho “hậu quả nghiêm trọng” mà những tội ác này của ông ảnh hưởng đến xã hội, cũng như các “thiệt hại” mà ông đã gây nên cho uy tín của đảng.

Dân chúng Trung Quốc thì hẳn chẳng có gì là ngạc nhiên trước những tiết lộ về sai trái ở cấp cao này. Những vụ liên quan đến các viên chức cấp thấp hơn trong mấy tháng gần đây đã cho thấy tham nhũng trong hàng ngũ lãnh đạo phổ biến đến mức nào.

Điều chắc chắc sẽ còn nhiều đồn đoán sẽ là liệu việc xử ông Châu có tăng cường cho vị thế của ông Tập hay không. Một số chuyên gia thì diễn tả bản án này là chiến thắng cho chủ tịch họ Tập. Nhưng Giáo Sư Steve Tsang, chuyên gia về chính trị Trung Quốc của viện đại học Nottingham ở Anh thì nói quyết định của Bắc Kinh xử kín ông Châu cho thấy ông Tập không mạnh như một số quan sát viên nghĩ. Giáo Sư Wu Qi Ang của viện đại học Thanh Hoa thì tin là các lãnh tụ Đảng Cộng Sản đã đạt được một “dàn xếp chính trị” với ông Châu, “Cứ xét đến sự việc là Châu đã quyết định không kháng án và qua những lời tuyên bố của ông trước tòa, vụ xử này có thể được coi như là một thỏa thuận chính trị được thu xếp trước.”

Thu xếp một thỏa thuận như vậy hẳn là để tránh cho Đảng Cộng Sản khỏi cảnh bứt dây động rừng. Là một cựu trùm tình báo và công an, ông Châu hẳn biết rất nhiều bí mật của nhiều nhân vật quan trọng mà ông có thể dùng để trả giá.

Riêng Giáo Sư Tsang thì tin là vụ xử ông Châu không phải là chống tham nhũng mà có lý do chính trị. Ông Tsang bảo ông Tập coi ông trùm công an này là một trở ngại trong việc dành vị thế độc tôn trong đảng. Giáo sư Tsang nói, “Chúng ta không biết ông Tập Cận Bình muốn làm gì ở Trung Quốc nhưng chúng ta biết ông đầy tham vọng. Chúng ta cũng biết là ông muốn để lại sự nghiệp muôn đời.”

Dầu sao chăng nữa chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập đã có ảnh hưởng. Nay đã vào đến năm thứ ba, chiến dịch đã dẫn đến gia tăng số viên chức tự tử. Những món hàng xa xỉ phẩm ở Trung Quốc ngày nay khó bán lắm. Nhưng đồng thời có vẻ cũng đang bắt đầu có sự chống cự từ một số phe phái cầm quyền trong đảng. Chả thế mà bà con gái của Tướng Trần Vân, một trong những đồng chí đã cùng ông Mao dựng nên sự nghiệp, đột nhiên lên tiếng bênh vực ông Tập. Trong cái chính trị lắt léo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, người ta sẽ hỏi, “Tại sao phải bênh nếu không có người chống?” và người chống đó hẳn đủ quan trọng để cho một trong những dòng con lãnh tụ quan trọng nhất phải lên tiếng bênh vực.


Lê Phan - nguoi-viet.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét