Quá xem nhẹ hình ảnh công an xã
Về trình độ học vấn của công an xã, pháp luật hiện hành quy định rằng trưởng và phó công an xã có thể chỉ cần học xong chương trình phổ thông (có bằng, hoặc giấy chứng nhận cũng được), công an viên thì chỉ cần tốt nghiệp THCS. Thậm chí, với miền núi, vùng sâu còn hạ tiêu chuẩn, chấp nhận cả đầu vào là “học xong chương trình tiểu học”. Lập luận từ phía ban ngành liên quan chính là pháp luật hiện hành quy định như vậy vì chấp nhận thực tế rằng công an xã có vai trò quan trọng trong bảo vệ trật tự trị an. Và thực tế, với đầu vào thấp như vậy, Bộ Công an đã phải rất chú trọng đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ thêm cho lực lượng vũ trang bán chuyên trách này. Tuy nhiên, thực tế có đáng “bình tâm” như vậy?
Xin thưa với những nhà lập pháp, “vai trò quan trọng trong bảo vệ trật tự trị an” là một công thức không phải chỉ có “sức mạnh cơ bắp”, mà còn bao hàm tri thức, sự hiểu biết, và cả đạo đức nghề nghiệp. Quả thật Việt Nam đang vướng phải một thực trạng phân cấp ngành nghề theo một kiểu tương đối hạn chế. Ví dụ, giáo viên tiểu học chỉ cần tốt nghiệp cao đẳng, thậm chí là trung cấp sư phạm. Hay như công an xã, thì chỉ cần trình độ học vấn tiểu học là đủ. Trong khi đó, một công an viên muốn “bảo vệ trật tự trị an” thì trước hết phải có tri thức về chuyện môn lẫn văn hóa hành xử. Tất cả những yếu tố này không thể được tích tụ trong ngày một ngày hai, hay trong một hay hai khóa huấn luyện chuyên môn là đủ.
Chẳng phải như nhà mình, ở các quốc gia khác, muốn làm công an, nhất là công an quản lý trật tự an ninh của các vùng cụ thể, tất cả đều phải qua trường lớp đào tạo, thậm chí là đại học hẳn hoi. Trong một xã hội tri thức tăng, thì tội phạm không chỉ dừng ở những kẻ cướp bóc bằng dao búa, mà còn những hình thức tinh vi hơn bao giờ hết. Vậy nên, việc đảm bảo trình độ học vấn là rất quan trọng, phải được ưu tiên. Quan trọng hơn hết, công an xã chính là người tiếp xúc trực tiếp và nhiều nhất với người dân, nên cách ứng xử và khả năng chuyên môn tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ, giải quyết các vấn đề xã hội,…lại càng phải được yêu cầu cao, thậm chí phải được siết chặt.
Toàn dùng ‘nắm đấm’
Trong trường hợp Việt Nam, việc chọn những công an xã có trình độ học vấn tiểu học, trung học cơ sở lại càng không ổn. Hầu hết thanh niên có trình độ học vấn thấp ở Việt Nam, theo quan sát của cá nhân tôi, đều là những tay “anh chị”, vốn lười lao động, ham chơi. Mọi người có thể nói “nhà nghèo thiếu điều kiện đi học”, nhưng tôi tin trong thời buổi đại đồng hiện nay, các trường hợp không có đủ tiền để học hết phổ thông và thi tốt nghiệp là không phải phổ biến. Nghĩa là, đa phần các em thất học, hoặc chỉ học vài năm tiểu học rồi nghỉ, có vấn đề về tính cách, văn hóa, thậm chí là đạo đức. Câu hỏi đặt ra rằng khi tuyển chọn họ làm “công an xã”, thì họ lấy gì (cơ bắp hay trí óc) để phục vụ dân sinh. Và liệu với học vấn thấp, ảnh hưởng đến hành xử, văn hóa và đạo đức, các công an viên có đủ sức sống đúng và sống đẹp như những gì mà đất nước 90 triệu dân mong chờ.
Họ chẳng có gì cả. May ra thì có một vài tấm gương công an xã tận tụy, thì lại quá nghèo khó đến mức người ta chỉ dám khen, chứ chẳng dám theo. Người dân đã quá quen với phong thái ứng xử thiếu tế nhị, thiếu lịch sự, thậm chí là bạo lực và toàn dùng “nắm đấm” nói chuyện của công an xã khi tiếp dân. Không ít người từng phản ánh, phê phán, châm biếm thái độ hách dịch, nhũng nhiễu của các ông quan “công an xã” vốn là “đầy tớ” của dân, nhưng lại ăn nói “trên đầu, trên cổ” người dân.
Thế nên nhắc đến công an, đặc biệt công an xã, chẳng ai dám lụy vào. Thậm chí có người “mặt tái xanh” khi thấy anh công an xã ghé nhà, dù chỉ là để thông báo vài ba chuyện vặt của xã. Chẳng trách họ, bởi những năm qua, việc “dính líu” đến công an xã để rồi mất mạng không còn là chuyện hiếm. Ngày xưa ông cha có câu “cao su đi dễ khó về, khi đi trai tráng khi về bủng beo”. Còn nay, sau hàng tá vụ công an xã đánh chết dân, dân đến đồn công an xã xong về nôn ra máu, dân bị công an xã đánh te tua, tàn tạ… thì người ta hát trêu nhau rằng đi đồn điền cao su ngày xưa cũng chẳng còn đáng sợ bằng việc đến đồn công an xã.
Dân đã quen “gọi” công an xã đến giải quyết đánh nhau, chứ hầu hết mọi người không thể nghĩ ra một vai trò nào khác vốn được nhiều vị chức trách gọi là chăm lo đời sống cho nhân dân. Ở nước ngoài, công an không chỉ đi tuần an ninh, mà họ còn giúp dân đủ thứ việc, như thể một anh chàng thợ đụng. Công an cũng là người tư vấn về luật, thậm chí là về kinh tế để người dân biết và bảo vệ quyền lợi của mình, phát huy đóng góp với đất nước. Trong khi ở mình, công an xã hội hiện diện tại chỗ nào thì y như rằng, hoặc chỗ đó có đánh nhau, hoặc chỗ đó đang có tiệc tùng, nhậu nhẹt.
“Cha truyền con nối”
Ở vùng tôi đang sống, thế hệ bạn cùng thời tiểu học với tôi ra làm công an xã không hiếm. Đó là chưa kể những anh chàng làm xã đội, vốn cũng thích “dương oai” với dân chúng địa phương. Nhiệm vụ của họ là tuần tra, nhưng thật ra họ đi nhậu nhẹt là chính. Đứa bạn tôi làm xã đội, mập mạp và bụng to ra trông khác hẳn. Cả nhóm người làm “công an, xã đội” toàn là những đứa bạn ngày xưa học kém, quậy thì ít ai sánh bằng. Chính bọn họ cũng thừa nhận với tôi rằng chẳng học cao biết nhiều chữ nên làm công an xã hay chen chân vào xã đội. Để rồi hằng ngày ra ngã ba, ngã tư đường xã để “thanh tra giao thông”, bắt bớ và làm phiền dân đi đường qua lại, kiếm chút ít đi nhậu buổi chiều. Dân ít học nên không biết mình đang bị ức hiếp trước một hành vi phạm pháp đã đành, người vào công an xã cũng chẳng biết chút gì về luật, nên cứ thoải mái cầm gậy ra đường làm oai với dân để kiếm tiền đen.
Mẹ tôi bảo ở xã này, làm công an xã là dễ nhất. Lương thì thấp nhưng bỗng, và tiền “cửa sau” lại không thiếu. Trong đám bạn công an xã, xã đội của quê mình, đa phần có cha, có mẹ, hay có chú bác làm trong xã “lãnh vào”. Họ la rầy con họ học hành không được sẽ bắt đi làm công an xã. Đâm ra nhiều đứa lại thích, lại “phấn đấu” để cha mẹ bắt làm công an xã. Ấy thế nhưng, làm công an xã dễ (với người này), lại rất khó (với người kia). Hiện nay xã hội này không thiếu người tài, và người tốt nghiệp đại học lại càng không thiếu. Hằng năm lượng cử nhân thất nghiệp nhiều như “nêm”, nhưng mấy ai muốn vào làm công an xã mà được chấp nhận. Bất chấp bằng đại học, hay cao học, nếu không có những yếu tố mang tính “thủ tục”, thì việc làm công an xã không phải dễ dàng. Đâm ra, người làm công an xã thường chỉ là “nhà nòi”, chứ người ngoài thì dường như khó xin vào được.
http://www.voatiengviet.com/content/de-nhu-lam-cong-an-xa/2832669.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét