Ngô Đình Nhu (1910-1963)
VAI TRÒ CỦA MIỀN NAM
Các đoạn phân tích trên đây còn giúp cho chúng ta nhận thức vai trò trọng
yếu của Nam Việt trong giai đoạn hiện tại của lịch sử Dân Tộc.
Vì lệ thuộc đối với một chủ nghĩa, mà cả Nga Sô lẫn Trung Cộng đều sử dụng
như là một phương tiện chiến đấu khả dĩ làm cho Dân Tộc họ, các nhà lãnh đạo cộng
sản Việt Nam đã tạo thời cơ cho thực dân Pháp thực hiện được những thủ đoạn
chính trị của họ, mà hậu quả đã đưa đến sự chia đôi lãnh thổ ngày nay.
Sự lệ thuộc nói trên và sự chia đôi lãnh thổ đã tạo hoàn cảnh cho sự
chi phối và sự toan thống trị của nước Tàu đối với Việt Nam tái hiện dũng mãnh,
sau gần một Thế Kỷ vắng mặt. Ký ức của những thời kỳ thống trị tàn khốc của Tàu
đối với chúng ta còn ghi trong mỗi trang lịch sử của Dân Tộc và trong mỗi tế
bào của thân thể chúng ta.
Các nhà lãnh đạo miến Bắc, khi tự đặt mình vào sự chi phối của Trung Cộng,
đã đặt chúng ta trước một viễn ảnh nô lệ kinh khủng. Hành động của họ, nếu có
hiệu quả, chẳng những sẽ tiêu diệt mọi cơ hội phát triển của chúng ta, mà lại
còn đe dọa đến sự tồn tại của Dân Tộc.
Sở dĩ, tới ngày nay, sự thống trị của Trung Cộng đối với Việt Nam chưa
thành hình, là vì hoàn cảnh chính trị thế giới chưa cho phép, và sự tồn tại của
miền Nam dưới ảnh hưởng của Tây phương là một trở lực vừa chính trị vừa quân sự
cho sự thống trị đó. Giả sử mà Nam Việt bị Bắc Việt thôn tính, thì sự Trung Cộng
thôn tính Việt Nam chỉ là một vấn đề thời gian.
Trong hoàn cảnh hiện tại, sự tồn tại của miền Nam vừa là một bảo đảm
cho Dân Tộc thoát khỏi ách thống trị của Trung Cộng, vừa là một bảo đảm một lối
thoát cho các nhà lãnh đạo cộng sản Bắc Việt, khi họ ý thức nguy cơ họ đang tạo
cho Dân Tộc. Nhưng ngày nào họ vẫn tiếp tục thực hiện ý định xâm chiếm miền Nam
thì họ vẫn còn chịu sự chi phối của chính sách chiến tranh xâm lăng của Trung Cộng,
thay vì chính sách sống chung hòa bình của Nga Sô.
Vì vậy cho nên, sự mất còn của miền Nam, ngày nay, lại trở thành một sự
kiện quyết định sự mất còn trong tương lai của Dân Tộc. Do đó, tất cả nỗ lực của
chúng ta trong giai đoạn này phải dồn vào sự bảo vệ tự do và độc lập, và sự
phát triển cho miền Nam để duy trì lối thoát cho miền Bắc và cứu Dân Tộc khỏi
ách thống trị một lần nữa.
Những cái vốn khác: Vốn
nhân lực
Trong một công cuộc Phát Triển Dân Tộc số lượng và phẩm lượng của nhân
công đóng một vai trò quan trọng tương đương với tài nguyên của xứ sở. Dưới đây
chúng ta sẽ tìm hiểu giá trị hiện hữu của vốn về nhân lực và vốn về tài nguyên
của chúng ta. Chúng ta sẽ tự ý để một bên mọi chương trình tài chính và kỹ thuật
để sử dụng tài nguyên và nhân lực một cách hữu hiệu đến mức tối đa trong công
cuộc phát triển. Các chương trình như thế thuộc thẩm quyền các kinh tế gia.
Khuôn khổ chính trị.
Ngoài giá trị hiện hữu của vốn nhân lực và vốn tài nguyên, chúng ta
cũng đề cập đến khuôn khổ chính trị, trong đó hai cái vốn trên sẽ được sử dụng
một cách có lợi nhất cho Dân Tộc trong giai đoạn này. Khuôn khổ chính trị, như
chúng ta sẽ thấy dưới đây, sẽ quy định cách thức sử dụng hai cái vốn trên và ấn
định giới hạn khai thác vốn nhân lực. Trong các nước chưa phát triển như chúng
ta, ngoài cái vốn tài nguyên là một thứ vốn thụ động, nghĩa là tự nó không sinh
lợi được cái vốn hoạt động duy nhất mà chúng ta có thể sử dụng được hết sức rộng
rãi là vốn nhân lực.
Do đó, các kinh tế gia chỉ nhìn nhận vào mục đích trước mắt là khai
thác đến tận cùng cái vốn duy nhất của chúng ta có thể sử dụng được trong công
cuộc Phát Triển Dân Tộc, dễ bị cám dỗ bởi những phương pháp lãnh đạo khả dĩ
giúp cho họ huy động được mà không gặp trở lực cái vốn nhân lực đến mức tối đa.
Phương pháp lãnh đạo thích nghi với quan niệm trên đây là phương pháp độc tài đảng
trị, ví dụ như của cộng sản hay của Đức Quốc Xã. Sự thành công của Nga Sô, và sự
có thể thành công của Trung Cộng tăng nhiều uy tín cho phương pháp trên và nhiều
nhà lãnh đạo bị những phương pháp đó cám dỗ.
Phương pháp độc tài đảng trị.
Phương pháp độc tài đảng trị dựa
trên căn bản chặt hết các dây liên hệ của từng cá nhân bất cứ dưới hình thức
gia đình, xã hội, tôn giáo, văn hóa và thay thế vào đó bằng những dây liên hệ
duy nhất với một đảng chính trị duy nhất, nắm chính quyền. Từ trên căn bản đó
các biện pháp được quan niệm cho mọi lĩnh vực. Cái lợi của phương pháp trên là
biến mỗi cá nhân thành ra một bộ phận rất dễ sai khiến, dễ uốn nắn của một bộ
máy khổng lồ nhiều khả năng nhưng cũng dễ sử dụng trong tay người lãnh đạo. Vì
vậy, nhiều người lãnh đạo, khi có một chương trình vĩ đại cần phải thực hiện
trong một thời gian ngắn, dễ bị cám dỗ bởi một phương pháp hấp dẫn như thế, và
dễ quên rằng những phương tiện mà họ muốn sử dụng như vậy không phải là những
phương tiện vô tri, nhưng là những người mà trách nhiệm của người lãnh đạo là
mưu hạnh phúc cho.
Nhưng hiệu lực của phương pháp trên như thế nào, đối với công cuộc phát
triển toàn diện bằng cách Tây Phương Hóa, mục đích mà, vì sự sống còn của Dân Tộc,
chúng ta phải đạt cho kỳ được.Một công cuộc phát triển bằng cách Tây Phương
Hóa, như chúng ta đã biết, không phải chỉ giới hạn trong sự thâu thập kỹ thuật
Tây phương, nhưng còn bao gồm sự thâu nhận nhiều tiêu chuẩn giá trị mới. Như thế
thì, công cuộc phát triển bằng cách Tây Phương Hóa sẽ đương nhiên dẫn dắt đến sự
cần thiết phải tìm cho xã hội được phát triển một trạng thái điều hòa mà trong
đó các giá trị tiêu chuẩn mới sống chung với nhiều giá trị tiêu chuẩn cũ.
Như thế thì, tiêu chuẩn thành công hay thất bại của một công cuộc Phát
Triển Dân Tộc bằng cách Tây Phương Hóa là sự kiện xã hội được phát triển có tìm
được hay không một trạng thái điều hòa mới để bảo đảm cho sự tiến bộ của xã hội
trong tương lai.
Một xã hội điển hình, đã phát triển bằng cách Tây Phương Hóa theo
phương pháp độc tài đảng trị cộng sản, là xã hội Nga Sô. Vậy xã hội Nga Sô đã
thành công trong công cuộc Phát Triển Dân Tộc chưa ? Nghĩa là xã hội Nga Sô đã
tìm được trạng thái điều hòa mới, khả dĩ bảo đảm sự tiến hóa trong tương lai
chưa? Về vấn đề vô cùng quan trọng này, trong các đoạn trên, chúng ta nhận thấy
hai sự kiện.
Trước hết các giá trị tiêu chuẩn của Nga Sô, trong phạm vi lãnh đạo, bất
lực trong vấn đề bảo đảm một sự lãnh đạo quốc gia liên tục, vì không thực hiện
được một sự chuyển quyền điều hòa, mỗi khi phải thay đổi người.
Sự kiện thứ hai là sự kiện Nga Sô, sau khi mục đích kỹ thuật của công
cuộc phát triển đã đạt, đã phải thay thế các giá trị tiêu chuẩn chiến lược và
giai đoạn của thuyết Các-Mác, bằng những giá trị tiêu chuẩn có tính cách di sản
của văn minh nhân loại, như chúng ta đã thấy trong một đoạn ở trên. Chúng ta phải
ý thức rằng một sự thay thế những giá trị tiêu chuẩn như vậy, đương nhiên, đả
phá đến tận nền tảng chủ nghĩa Các-mác Lê-nin.
Đã như thế thì, chắc chắn rằng không bao giờ các nhà lãnh đạo Nga Sô chấp
nhận một sự thay đổi giá trị tiêu chuẩn như trên, nếu đã không bị thực tế lịch
sử dồn vào cái thế không làm sao không thay đổi được. Thực tế lịch sử đó là các
giá trị tiêu chuẩn chiến lược và giai đoạn của thuyết cộng sản không thực hiện
được một trạng thái điều hòa mới khả dĩ bảo đảm sự tiến hóa của Cộng Đồng.
Các giá trị tiêu chuẩn chiến lược và giai đoạn đó, ví dụ, như chúng ta
đã thấy, đề cao ái tình tự do, đả phá gia đình, phủ nhận quyền tư hữu, bài trừ
tôn giáo, vân vân…đã nhân danh quyền lợi của Cộng Đồng mà bóp chết cá nhân, do
đó đương nhiên tiêu diệt trạng thái thăng bằng động tiền căn bản trong một Cộng
Đồng giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi Cộng Đồng. Trạng thái thăng bằng động
tiến mất, vì hai lực lượng tương phản không còn để tạo ra một cuộc phối hợp
sáng suốt. Sinh lực sáng tạo không có thì sự tiến hóa trong tương lai của Cộng
Đồng không được bảo đảm.
Như thế thì, chính là một đe dọa
đến sự tồn tại của xã hội Nga Sô, đã thúc đẩy các nhà lãnh đạo Nga Sô phải thay
thế các giá trị tiêu chuẩn chiến lược và giai đoạn của thuyết cộng sản.
Và như thế thì vần đề đã rõ, bài
học của Nga Sô chứng minh rằng, phương pháp độc tài đảng trị cộng sản không thể
bảo đảm được sự thành công của một công cuộc Phát Triển Dân Tộc toàn diện, bằng
cách Tây Phương Hóa, như chúng ta đã định nghĩa.
Nếu bây giờ, chúng ta lại giới hạn mục đích công cuộc phát triển, chỉ
trong phạm vi một sự thâu thập kỹ thuật Tây phương, thì phương pháp độc tài đảng
trị cộng sản, thật sự, có nhiều hiệu lực như các nhà lãnh đạo đã bị phương pháp
đó cám dỗ mong tưởng không ?
Tiêu chuẩn thành công hay thất bại của một công cuộc thâu thập kỹ thuật
Tây phương là, như chúng ta đã biết, sự thâu thập có hay không lên được đến mức
độ chế ngự được khả năng sáng tạo kỹ thuật Tây phương.
Theo tiêu chuẩn đó, các kiến thức
hiện tại chưa cho phép chúng ta trả lời đích xác câu hỏi trên, vì kỹ thuật Tây
phương vẫn còn đang ở trong thời kỳ phát triển hùng mạnh và các quốc gia ngoài
Tây phương vẫn còn đang nỗ lực chế ngự các kỹ thuật đó cho kỳ được.
Chúng ta chỉ có thể có hai nhận
xét.
Từ khi nước Anh mở màn cho công cuộc Phát Triển Dân Tộc đến nay, trong
xã hội Tây phương nhiều quốc gia đã thực hiện công cuộc phát triển kỹ thuật của
mình. Sau Anh, nước Đức, nước Pháp, nước Mỹ, nước Ý và nhiều quốc gia nhỏ ở Bắc
Âu, Tây Âu và Đông Âu đều lần lượt thực hiện công cuộc phát triển kỹ thuật. Các
thuộc địa di dân của Tây phương như Úc Châu, Tây Tây Lan và Nam Phi cũng có thể
kể vào số các quốc gia trên. Trong tất cả các quốc gia trên, không có một quốc
gia nào đã cần đến phương pháp độc tài đảng trị để thực hiện công cuộc phát triển
kỹ thuật của mình.
Ngoài Tây phương, nước Nhật, nước Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện công
cuộc phát triển kỹ thuật. Ấn Độ và Trung Hoa đang dồn nỗ lực vào công cuộc phát
triển. Nghĩa là, ngoài Tây phương, nếu có quốc gia đã thực hiện công cuộc phát
triển kỹ thuật bằng phương pháp độc tài đảng trị như Nga, thì cũng có những quốc
gia như Nhật đã thực hiện công cuộc phát triển kỹ thuật đến một trình độ không
kém, bằng một phương pháp không phải là phương pháp độc tài đảng trị.
Như thế thì, trong xã hội Tây phương, không có một công cuộc phát triển
kỹ thuật nào đã được thực hiện bằng phương pháp độc tài đảng trị. Ngoài xã hội
Tây phương, phương pháp độc tài đảng trị không giữ độc quyền thực hiện công cuộc
phát triển kỹ thuật.
Riêng đối với Việt Nam chúng ta, ngoài những sự kiện phân tích trên
đây, chúng ta đã thấy rằng hoàn cảnh lịch sử và vị trí địa dư của chúng ta
không cho phép chúng ta áp dung một phương pháp độc tài đảng trị trong công cuộc
phát triển của chúng ta.
Thăng bằng động tiến.
Trong căn bản, chấp nhận áp dụng
phương pháp độc tài đảng trị là đã lựa chọn con đường dễ nhất, giữa hai con đường.
Việc lãnh đạo một tập thể cũng phức tạp như là đời sống. Nếu đời sống nào cũng
là một thăng bằng động tiến giữa lực lượng phá hoại và lực lượng kiến thiết,
hay là một sự hòa hợp giữa hai khí âm và dương, thì vũ trụ cũng là một thăng bằng
động tiến giữa những lực lượng có những ảnh hưởng trái ngược và chống đối nhau.
Luật thăng bằng động tiến là một luật thiên nhiên của vũ trụ, áp dụng cho các
hiện tượng trong thế giới minh mông và bao la của các tinh tú, cũng như cho các
hiện tượng thiếu cực, và vô hình của các nguyên tử. Đời sống của nhân loại,
trong mọi lĩnh vực và trong mọi giới hạn, đều do luật thăng bằng động tiên chi
phối. Vì thế cho nên, sống hợp với vũ trụ là sống theo luật thăng bằng động tiến,
nghĩa là trong mọi trường hợp, trước tiên, tìm cho được hai đối tượng nào phải
chịu luật
thăng bằng động tiến và sau đó con đường sống là nuôi dưỡng và phát triển
sự thăng bằng đã tìm thấy. Ngược lại, con đường chết, không hợp với vũ trụ là
phá hủy sự thăng bằng đó.
Việc lãnh đạo một tập thể là việc giữ thăng bằng giữa những khối của tập
thể, bởi vì quyền lợi của mỗi khối khác nhau, là việc giữ thăng bằng giữa nhu cầu
dài hạn của tập thể và nhu cầu ngắn hạn của đời sống của các phần tử trong tập
thể. Là việc giữ thăng bằng giữa sinh lực bành trướng của nội bộ và áp lực bên
ngoài đưa vào. Nếu chúng ta lại nhớ rằng các thăng bằng nói trên không phải là
thứ thăng bằng chết, thăng bằng tỉnh chỉ, mà là một thứ thăng bằng sống, thăng
bằng động tiến, thì chúng ta nhận thức rằng lúc nào người lãnh đạo cũng phải hết
sức linh động, để mỗi lúc, thay thế một trạng thái thăng bằng đã bị phá vỡ, bằng
một trạng thái thăng bằng mới thích nghi với sự biến chuyển của tình thế. Và tất
cả công tác trên lại phải được thi hành trong khuôn khổ một chương trình đã hoạch
định, và với một mục đích bất biến.
Chúng ta có thể hình dung được một cách cụ thể công việc của người lãnh
đạo bằng hình ảnh rất thông thường của người cỡi xe đạp. Người cỡi xe đạp lúc
nào cũng phải dời đổi vị trí của trọng tâm của toàn bộ hệ thống người và xe đạp,
để duy trì một thăng bằng luôn luôn thay đổi tùy theo tình trạng của con đường.
Sự thăng bằng của người cỡi xe đạp giữ được dễ dàng khi nào xe đạp tiến tới.
Người cỡi xe đạp là hình ảnh cụ thể rất trung thành của một trạng thái thăng bằng
động tiến. Lúc nào xe đạp tiến là thăng bằng còn giữ được. Xe đạp ngừng, thăng
bằng mất. Có tiến tới mới có thăng bằng, có thăng bằng mới có tiến. Đó là căn bản
của một trạng thái thăng bằng động tiến.
Vì những lý do trên mà chọn phương pháp độc tài đảng trị để lãnh đạo,
là đương nhiên không thừa nhận sự cần thiết phải duy trì trạng thái thăng bằng
động tiến, giữa nhu cầu dài hạn của tập thể và nhu cầu ngắn hạn của đời sống của
những phần tử của tập thể. Chọn như thế có nghĩa là, thay vì cố gắng giữ thăng
bằng giữa hai lực lượng tương phản, đã ngã hẳn về một lực lượng. Sự giữ thăng bằng
động tiến bao giờ cũng khó hơn sự tự buông cho ngã về với một lực lượng.
Cũng như giữ cho xe đạp vững và tiến tới bao giờ cũng khó hơn để cho xe
đạp ngã hẳn về một bên và đứng lại. Vì vậy mà chọn phương pháp lãnh đạo độc tài
đảng trị với hy vọng thỏa mãn nhu cầu dài hạn của tập thể bằng cách bóp nghẹt
nhu cầu ngắn hạn của nhân dân là chọn một con đường dễ, sánh với con đường,
trong đó lúc nào cũng phải giữ một thăng bằng động tiến giữa hai nhu cầu nói
trên.
Và đương nhiên con đường dễ không phải lúc nào cũng là con đường sống.
Riêng hoàn cảnh của Việt Nam, như chúng ta đã thấy, con đường sống không phải
là con đường dễ.
Lý luận trên đây lại cho chúng ta thấy rõ rằng khuôn khổ chính trị
trong đó việc sử dụng cái vốn nhân lực và tài nguyên rất đỗi quan trọng. Vì vậy
sau này chúng ta sẽ trở lại vấn đề này một lần nữa một cách chi tiết hơn.
Nhược điểm một: Dân số ít.
Cái vốn nhân lực của chúng ta cũng là đáng kể. Theo các con số đáng tin
cậy nhất, miền Bắc hiện nay có 17 triệu dân và miền Nam 14 triệu. Hơn ba chục
triệu dân là xấp sỉ dân số của Nhật lúc bắt đầu Tây Phương Hóa. Tuy nhiên, vào
giữa Thế Kỷ 19, khi Nhật Bản mở cửa đón tiếp văn minh Tây phương, các lực lượng
kinh tế trên thế giới, ví dụ, Anh, Pháp hay Đức đều có một dân số tương đương.
Ngày nay tình thế đã khác. Sự nghiên cứu những phương pháp sản xuất kỹ thuật khả
dĩ sinh lợi nhiều nhất, đồng thời với những kỹ thuật sản xuất càng ngày càng
tinh vi, đã dẫn dắt đến việc tập trung các cơ sở kỹ nghệ lại thành những phương
tiện sản xuất vĩ đại. Đồng thời, những khối kinh tế thích nghi với những phương
tiện trên cũng bành trướng theo cùng một nhịp. Ngày nay những khối kinh tế kỹ
nghệ sống mạnh được nhờ sản xuất nhiều và tiêu thụ nhiều phải là những khối to
lớn như Mỹ, khối Nga hay khối Trung Cộng đang hình thành. Sự thật này hiển
nhiên cho đến đỗi, ngay các khối kinh tế kỹ nghệ Tây Âu khác, đều đến một trình
độ phát triển đáng kính, muốn tồn tại cũng đang phải nỗ lực hợp nhất lại thành
một khối một để đương đầu với các khối kinh tế khác trên thế giới.
Trên đây lại là một sự kiện chỉ cho chúng ta thấy một lần nữa, tai hại
của sự lỡ cơ hội của chúng ta, bởi vì điều kiện phát triển lúc bấy giờ ít khắc
nghiệt hơn này nay. Và nếu chúng ta lại lỡ cơ hội lần thứ hai này nữa thì không
cần phải nói, điều kiện phát triển sau này lại còn khắc nghiệt hơn nữa.
Nhất là nếu Trung Cộng thực hiện được công cuộc Phát Triển Dân Tộc của
họ ngay trong cơ hội này, điều mà phần đông đều cho là rất có thể.
Nhược điếm hai: Thiếu tính khí
Bản tính của người Việt Nam lại cần cù và chịu khó, và bẩm chất rất là
thông minh. Sự khiếm khuyết về tính khí không phải là một trở lực bởi vì đó là
một đức tính mà giáo dục có thể đào tạo được, trong khi khiếu thông minh là một
thiên tính. Sự khiếm khuyết về tính khí do nhiều nguyên nhân lịch sử gây ra,
trong số đó có những yếu tố mà chúng ta đã nhắc đến trong đoạn trên đây về vấn
đề Nam tiến của Dân Tộc.
Ngoài ra, tình hình rối loạn ở nội bộ trong mấy Thế Kỷ liền là một trở
lực vô cùng to tát cho sự phát triển của tính khí. Tiếp theo đó sự thống trị của
Pháp, làm tan rã xã hội Việt Nam, càng thúc đẩy sự tiêu diệt tính khí của người
Việt Nam. Bởi vì tính khí xây dựng, trước hết, trên căn bản của một sự tin tưởng
mãnh liệt vào các giá trị tiêu chuẩn của xã hội. Các giá trị tiêu chuẩn bị mất,
thì tính khí cũng không còn.
Trong đời sống của một tập thế, tính khí của mỗi cá nhân cần thiết cho
tập thể hơn là các đức tính khác về lý trí kể cả bẩm chất thông minh. Nhưng chỉ
có lối sống tập thể mới phát huy được tính khí, vì thế cho nên, các môn thể
thao tập thể đóng góp rất nhiều vào công cuộc đào tạo tính khí.
Chúng ta càng nhận thấy sự cần thiết của tính khí đối với tập thể hơn cả
các đức tính khác, khi chúng ta biết rằng các sử gia đều công nhận sự thành
công của người Anh trong lịch sử là nhờ tính khí mà nền giáo dục đã hun đúc cho
họ được đến một cao độ hiếm có, và được phổ cập rộng rãi trong đại chúng.
Vì thế cho nên, vấn đề đào tạo tính khí là một nhiệm vụ vô cùng khẩn yếu
cho công cuộc giáo dục của chúng ta lúc này. Trong công cuộc Tây Phương Hóa, sự
thâu thập các kiến thức của văn minh Tây phương là một điểm quan trọng như thế
nào chúng ta đã biết. Nếu phải cần một mức để so sánh, chúng ta có thể nói rằng
nhiệm vụ đào tạo tính khí cho nhân dân lại còn quan trọng hơn nhiệm vụ truyền
bá những kiến thức mới của Tây phương.
Tuy nhiên, chúng ta không nên quên rằng một nhược điểm chính của cái vốn
nhân lực chúng ta là sự thiếu kỹ thuật trong mọi lĩnh vực. Sở dĩ vấn đề trang bị
về kỹ thuật không được đặc biệt đề cập đến trong đoạn này, là vì công cuộc Tây
Phương Hóa đương nhiên gồm sự trang bị về kỹ thuật đối với cái vốn nhân lực của
chúng ta.
Nhược điểm ba: Vô tổ chức
Nhược điểm thứ ba của cái vốn nhân lực của chúng ta là sự vô tổ chức.
Như chúng ta đã thấy, ở trên, trong đoạn nói về hậu quả của cuộc Nam tiến
của chúng ta, nhân dân Việt Nam, nhất là ở Nam miền Trung và miền Nam, thiếu
tinh thần sống tập thể, bởi vì tổ chức hạ tầng của chúng ta không có. Đó là một
nhược điểm vô cùng tai hại bởi vì tập thể quốc gia cần đòi hỏi ở người dân một
tinh thần tập thể mà không ai hun đúc cho họ trong mấy Thế Kỷ.
Chúng ta không bàn đến sự tổ chức quần chúng chặt chẽ, như một tổ chức
quân đội, theo lối cộng sản. Mục đích của cộng sản vượt xa sự đưa quần chúng
vào khuôn khổ một lối sống tập thể, bởi vì cộng sản nhắm trước tiên mục tiêu chặt
đứt hết dây liên hệ của người dân, trên các lĩnh vực gia đình, xã hội và tôn
giáo, thay thế vào đó bằng những dây liên hệ duy nhất của đảng, để biến người
dân thành một bộ phận hoàn toàn dễ điều khiển của một bộ máy chung mà họ là những
người sử dụng.
Không nói chi đến hình thức tổ chức cực đoan đó, ngay đến hình thức tổ
chức tôn trọng tự do cá nhân đến đỗi, nhiều người quen gọi nó là tự do phóng
túng, của nhiều quốc gia Tây phương, chúng ta cũng không có. Ngoài một hệ thống
hành chánh, thời kỳ thống trị của đế quốc Pháp đã để lại cho chúng ta một xã hội
hoàn toàn vô tổ chức. Chính cái tổ chức, có vẻ chặt chẽ, của các làng mạc của
chúng ta ở miền Bắc cũng bị lung lay đến tận gốc rễ. Ngoài tổ chức gia đình ra,
người dân Việt Nam, lúc bấy giờ, không còn biết một tổ chức xã hội hay chức
nghiệp nào nữa. Song song với một xã hội vô tổ chức và rời rạc, một hệ thống
hành chánh chuyên phục vụ quyền lợi của kẻ thống trị. Đó là một phác họa thô sơ
nhưng xác đáng của xã hội chúng ta.
Trong hoàn cảnh vô tổ chức như vậy, không có một công tác gì của tập thể
có thể thực hiện được. Nếu ngày nay, chúng ta bắt tay vào một công cuộc vĩ đại,
như công cuộc Tây Phương Hóa để Phát Triển Dân Tộc, chắc chắn chúng ta không thể
làm gì được với tình trạng vô tổ chức đó. Và công việc đầu tiên mà chúng ta phải
làm trước khi bắt tay vào công cuộc Tây Phương Hóa là tổ chức cái vốn nhân lực
của chúng ta.
Tổ chức quần chúng.
Vấn đề tổ chức quần chúng quan
trọng đến mức quyết định sự thành công hay thất bại của chúng ta sau này.
Bất cứ trong xã hội nào, Tự Do hay cộng sản, các tổ chức quần chúng đều
có, và đương nhiên, đóng vai trò trung gian giữa chính quyền và các cá nhân.
Không có tổ chức quần chúng, chính quyền không đi tới với nhân dân được.
Không có tố chức quần chúng, nhân dân không làm sao bày tỏ ý kiến cho
chính quyền.
Các tổ chức quần chúng còn là những yếu tố quân bình giữa nhu cầu dài hạn
của tập thể và nhu cầu ngắn hạn của các phần tử trong tập thể. Các tổ chức quần
chúng ở xã hội Tự Do hay cộng sản đều có một vai trò như nhau, chỉ khác một điều
là ở xã hội Tự Do các tổ chức quần chúng do nhân dân tổ chức và điều khiển, với
sự kiểm soát của chính quyền, còn ở trong xã hội cộng sản các tổ chức quần
chúng đều do chính quyền tổ chức và điều khiển.
Trong trường hợp của chúng ta, trong khi quần chúng của chúng ta còn
quen lối sống rời rạc và chưa có ý thức tập thể, sáng kiến hợp thành tổ chức chắc
chắn không thể phát sinh từ trong nhân dân. Và kinh nghiệm tổ chức và điều khiển
cũng không làm sao dồi dào được. Do đó, sự hướng dẫn của chính quyền rất cần
thiết trong lúc đầu.
Chúng ta cần ý thức rõ rằng, sự hướng đẫn tổ chức quần chúng, như chúng
ta quan niệm, không thể là một sự xâm phạm tự do cá nhân. Trong một tập thể, phải
có sự thăng bằng động tiến giữa nhu cầu dài hạn của tập thể và nhu cầu ngắn hạn
của các phần tử của tập thể. Nếu xã hội cộng sản là một trạng thái, trong đó
nhu cầu của cá nhân hoàn toàn bị hy sinh cho nhu cầu của tập thể, thì trong xã
hội chúng ta hiện nay, nhu cầu của tập thể hoàn toàn bị hy sinh cho nhu cầu của
một số ít cá nhân. Trong hai trường hợp sự thăng bằng động tiến đều bị đổ vỡ,
cho nên xã hội chúng ta hiện nay không tiến được, mà xã hội cộng sản tiến một
cách miễn cưỡng.
Ngoài ra, sự hướng dẫn của chúng ta không thể xem là một sự xâm phạm tự
do cá nhân được. Bởi vì mục đích của chúng ta, khuyến khích và hướng dẫn các tổ
chức quần chúng, là đặt cho mỗi cá nhân thêm nhiều dây liên hệ xã hội, nghề
nghiệp, văn hóa, kinh tế, nhờ đó mà quyền lợi của cá nhân được bảo đảm hơn từ
trước tới nay, khi cá nhân chỉ có những sợi dây liên hệ gia đình và quen thuộc.
Trong khi mục đích của cộng sản là chặt hết các dây liên hệ và thay thế vào đó
bằng dây liên hệ duy nhất giữa cá nhân và đảng.
Tính cách thiết yếu của các tổ
chức quần chúng.
Chúng ta cần phải nhấn mạnh đến tính cách cần thiết của tổ chức quần
chúng. Trong một tình thế bình thường, các tổ chức quần chúng đã là những bộ phận
thiết yếu cho sự điều hòa đời sống của một quốc gia. Không có tổ chức quần
chúng huyết mạch của quốc gia không chạy được từ trung ương xuống hạ tầng và
không trở về được từ hạ tầng đến trung ương. Nguồn sống bị chặn nghẹt.
Trong những giai đoạn quyết định
của một Cộng Đồng sự cần thiết của tổ chức quần chúng cho tập thể quốc gia lại
tăng thêm bội phần. Không có tổ chức quần chúng việc lãnh đạo quốc gia không
làm sao thực hiện được. Nhân dân không biết hướng mà đi và người lãnh đạo không
làm sao hướng dẫn quần chúng được.
Xưa kia, trong xã hội Việt Nam, các làng mạc tự trị là những tổ chức quần
chúng có tính cách xã hội. Bộ máy hành chánh của triều đình bao trùm lên trên
các tổ chức quần chúng đó. Trong các vùng của lãnh thổ Việt Nam, nơi nào mà tổ
chức làng mạc đã lỏng lẻo, như phía Nam miền Trung và miền Nam, thì nơi đó, tập
thể quốc gia mất giá trị và biện pháp hành chánh mất hiệu quả. Như thế cũng đủ
cho chúng ta nhận thấy tính cách cần thiết của các tổ chức quần chúng và sự vô
hiệu lực, đối với quốc gia, của bộ máy hành chánh nếu không có tổ chức quần
chúng.
Sở dĩ chúng ta mất ý thức quần
chúng và không quan niệm được tính cách cần thiết của sự tổ chức quần chúng
trong đời sống của quốc gia, vì trong gần một trăm năm, chúng ta đã sống trong
chế độ thống trị của đế quốc, trong đó tổ chức quần chúng bị tuyệt đối cấm
đoán. Đế quốc thống trị Dân Tộc chúng ta, chớ không lãnh đạo Dân Tộc chúng ta.
Thực dân khai thác Dân Tộc bị trị, và không cần biết phải dẫn dắt Dân Tộc bị trị
đi đường nào và đến mục đích gì. Vì thế cho nên, như chúng ta đã thấy, cuộc Tây
Phương Hóa của chúng ta trong thời kỳ Pháp thuộc hoàn toàn không mục đích và
không đường hướng dẫn. Chủ định đã như vậy, thì nhà cầm quyền Pháp cần gì đến tổ
chức quần chúng. Ngược lại họ cần phải cấm đoán mọi hình thức tổ chức quần
chúng để giữ cho nhân dân sống rời rạc và không đoàn tụ được. Trong điều kiện
đó, một bộ máy hành chánh, chuyên lo phục vụ quyền lợi cho kẻ thống trị, đủ để
cho nhà cầm quyền Pháp cai trị xứ này. Nhiệm vụ của bộ máy hành chánh của Pháp,
đối với dân chúng Việt Nam chỉ là bảo vệ cuộc trị an, để cho các quyền lợi kinh
tế của Pháp được bảo đảm. Vì vậy cho nên, các tổ chức quần chúng đối với người
Pháp, chẳng những không cần thiết lại còn là những tổ chức phá rối trị an.
Như thế chúng ta đã thấy rõ vì sao, dưới thời Pháp thuộc các tổ chức quần
chúng không thể sinh sống được. Những người quen thuộc với nề nếp cai trị của
Pháp, không quan niệm được rằng sự lãnh đạo của một quốc gia không phải là giữ
cho được một cuộc trị an. Vì nhiệm vụ của bộ máy lãnh đạo quốc gia của chúng ta
ngày nay nhất định không phải là nhiệm vụ của bộ máy cai trị của Pháp xưa kia.
Chúng ta cần giải quyết những vấn đề của Dân Tộc mà người Pháp không cần biết đến.
Chính vì không nhận định được sự kiện này mà tất cả các chính phủ Việt Nam, do
đế quốc Pháp thành lập, hoặc do đế quốc Pháp chi phối đều thất bại.
Họ bị thất bại vì họ tiếp tục
công cuộc trị an của người Pháp, trong khi đó vấn đề chính là lãnh đạo quốc
gia, nghĩa là phải giải quyết các vấn đề của Dân Tộc trong giai đoạn này.
Trong khi những chính phủ ấy lo công cuộc trị an, thì nhân dân sẽ theo
những người nào giải quyết được các vấn đề của Dân Tộc.
Tóm lại, nếu ngày nay chúng ta sử dụng được một bộ máy hành chánh hoàn
bị như bộ máy hành chánh của người Pháp trước đây, chúng ta cũng không giải quyết
được vấn đề Việt Nam hiện nay, bởi vì vấn đề hiện nay không phải là một vấn đề
hành chánh và sự trị an, mà là một vấn đề to tát và quan hệ hơn nhiều: Vấn đề
lãnh đạo một Dân Tộc trong một giai đoạn quyết liệt. Nếu chúng ta không giải
quyết được, thì người khác sẽ thay chúng ta mà giải quyết.
Tổ chức chính trị và tổ chức quần chúng
Các tổ chức quần chúng có phải
là những tổ chức chính trị không ?
Tổ chức chính trị là tổ chức của một đảng chính trị tạo ra để qui tụ những
người cùng một xu hướng chính trị và sẵn sàng góp sức tranh đấu cho xu hướng
chính trị đó.
Tổ chức quần chúng là một tổ chức
gồm những người làm cùng một nghề, hoặc cùng làm việc chung tại một vị trí, hoặc
những người cùng đeo đuổi một mục đích xã hội, văn hóa hay thể thao, hoặc những
người cùng một quyền lợi kinh tế.
Như vậy, tổ chức quần chúng không phải là một tổ chức chính trị. Tuy
nhiên, một tổ chức quần chúng gồm những công dân của quốc gia, vì thế, lúc có
cơ hội, một tổ chức quần chúng vẫn có thể có thái độ chính trị và ảnh hưởng
chính trị. Một tổ chức quần chúng không phải là một tổ chức chính trị. Ảnh hưởng
chính trị của một tổ chức quần chúng quan trọng hay không quan trọng tùy thuộc
sự tổ chức quần chúng có hàng ngũ chặt chẽ hay là không có và rộng lớn hay
không. Vì ảnh hưởng chính trị đương nhiên phải có của các tổ chức quần chúng,
mà có sự lầm lẫn vô tình hay cố ý giữa các tổ chức quần chúng và tổ chức chính
trị. Sự lầm lẫn vô tình của người chỉ nhìn thấy ảnh hưởng chính trị của các tổ
chức quần chúng. Sự lầm lẫn cố ý của những người lợi dụng các tổ chức quần
chúng để làm hậu thuẫn chính trị.
Nhưng các tổ chức quần chúng, chỉ
đóng được đúng vai trò chính của nó trong guồng máy quốc gia, khi nào giữ được
bản chất không chính trị mặc dù vẫn có ảnh hưởng chính trị đương nhiên không thể
tránh được.
Trong tình trạng chiến tranh
ngày nay, các vấn đề tổ chức quần chúng lại còn trở nên quan trọng hơn nữa. Bên
nào tổ chức được quần chúng, bên đó sẽ thực hiện được chương trình phát triển của
mình và sẽ nắm thắng lợi.
Vốn về tài nguyên
Vốn về tài nguyên của chúng ta không thể nói là phong phú bởi vì nhiều nhiên
liệu quan trọng về kinh tế hay quốc phòng chưa tìm thấy ở lãnh thổ Việt Nam. Những
nhiên liệu thuộc về năng lực thiết yếu cho kỹ nghệ như dầu hỏa và uranium chúng
ta chưa có, than đá rất nhiều và thủy lực có thể khai thác được. Nhiều quặng mỏ
ở miền Bắc đã tìm thấy hoặc đã khai thác và khoáng mạch chắc chắn còn nhiều
trong dãy Trường Sơn nhưng sự truy tầm chưa được tổ chức có phương pháp.
Gần năm ngàn cây số bờ biển, Sông Cửu Long, Sông Đồng Nai và hệ thống
kinh rạch chi chít ở miền Nam chứa đựng một nguồn thủy lợi dồi dào chưa được
khai thác đúng mức. Đồng Bằng Sông Nhị Hà và Sông Cửu Long là những vùng đất
phì nhiêu. Một kỹ thuật canh tác hợp lý có thể tăng gia mức sản xuất ít nhất
lên đến hai trăm phần trăm. Những cánh đồng minh mông vùng cao nguyên có thể chỉnh
đốn thành những vùng chăn nuôi đầy triển vọng.
Các rừng, phía Bắc miền Bắc, dọc
theo dãy Trường Sơn và các khu rừng già phía Đông miền Nam và các khu rừng ngập
nước phía Tây tàng trữ những vốn thiên sản dồi dào, nếu được giữ gìn và tu bổ.
Các vùng đất đỏ và đất xám miền Nam và Cao Nguyên miền Trung là những
vùng đất phì nhiêu để trồng những loại cây kỹ nghệ. Một phần nhỏ đã được khai
phá trồng cao su và vài loại khác. Nhưng phần lớn vẫn là cái vốn chưa xài tới.
Bản kê khai sơ lược trên đây chỉ
cho chúng ta thấy cái vốn to tát về tài nguyên còn đang nằm ngủ trong tay chúng
ta.
Để khai thác cái vốn đó, chúng
ta chỉ có một cái vốn nhân lực gồm tám mươi lăm phần trăm là nông dân hoặc làm
những nghề không rõ rệt, năm phần trăm là quân nhân, tám phần trăm là công
nhân.
Mức sống trung bình của số người làm thành cái vốn nhân lực trên đây rất
thấp. Mức lợi tức ước lượng trung bình cho mỗi người, theo các tài liệu nghiên
cứu đáng tin cậy nhất, lối 60 Mỹ kim một năm, lối 5.000 bạc Việt Nam. Để có thể
so sánh chúng ta nên biết rằng lợi tức trung bình hằng năm của mỗi người dân Ấn
Độ là 57 Mỹ kim, Trung Hoa là 27 Mỹ kim, Nhật Bản là 100 Mỹ kim. Chúng ta lại
biết rằng những quốc gia nào có một mức lợi trung bình cho mỗi người dân dưới
100 Mỹ kim kể là những quốc gia chưa có mở mang. Nếu mức lợi tức trung bình lên
được 100 đến 300 Mỹ kim, thì quốc gia được kể vào hạng kém mở mang. Từ 300 đến
500 Mỹ kim thì kể là khá mở mang. Từ 500 đến 800 kể là đã mở mang và trên 800
thì kể là mở mang đến cao độ. Trong các nước kể là mở mang đến cao độ có những
nước Mỹ, Anh, Thụy Sĩ và một vài nước phía Bắc Âu Châu.
Những con số trên đây cho chúng ta thấy rằng mức sống của dân chúng Việt
Nam rất là thấp. Vì vậy cho nên, xu hướng tự nhiên của người lãnh đạo là khai
thác cho đến mức cái vốn tài nguyên của chúng ta để nâng cao mức sống của nhân
dân.
Nhưng vấn đề Phát Triển Dân Tộc
không thể theo một chiều hướng duy nhất thỏa mãn nhu cầu ngắn hạn của các phần
tử của tập thể. Chính trong vấn đề phát triển kinh tế này, hơn vấn đề nào hết,
bởi vì nó sẽ liên quan trực tiếp và nặng nề đến đời sống thường ngày của nhân
dân, luật thăng bằng động tiến cần phải được tôn trọng. Điều cốt yếu là thực hiện
được công cuộc phát triển mà không gây những thống khổ cho toàn dân trong nhiều
thế hệ. Riêng về trường hợp của Việt Nam, vì vị trí địa dư, vì hoàn cảnh lịch sử
và vì mục tiêu của công cuộc phát triển mà chúng ta sẽ bàn đến với chi tiết ở
đoạn sau, công cuộc phát triển có thể thực hiện được trong điều kiện thăng bằng
kể trên.
Nhu cầu dài hạn của tập thể.
Vậy nhu cầu dài hạn của tập thể
đòi hỏi những gì ?
Trong công cuộc Phát Triển Dân Tộc, khai triển kinh tế là một phần
chính yếu. Và trong công cuộc khai triển kinh tế trang bị máy móc kỹ nghệ cho xứ
sở là phần chính yếu.
Sự thực hiện công cuộc trang bị kỹ nghệ của tất cả các quốc gia trên thế
giới, trong xã hội Tây phương cũng như ngoài xã hội Tây phương, kể cả nước Nga
và nước Tàu, đều phải nhờ viện trợ ngoại quốc. Viện trợ kỹ thuật là một sự kiện
đương nhiên, bởi vì bước đầu của công cuộc phát triển là thâu thập kỹ thuật.
Nhưng sự viện trợ tư bản cũng thiết yếu ngang hàng hay hơn sự viện trợ kỹ thuật.
Sự viện trợ tư bản ngoại quốc có thể trực tiếp hay gián tiếp, dưới hình thức
quà biếu hay dưới hình thức cho vay. Và tùy trường hợp và tùy cơ hội, khối viện
trợ tư bản ngoại quốc nhiều hay ít.
Nhưng trong trường hợp nào, viện trợ tư bản ngoại quốc cũng đóng vai
trò trụ cốt. Và chưa có một trường hợp phát triển nào đã thực hiện được chỉ bằng
sự nỗ lực thắt lưng buộc bụng của dân chúng trong quốc gia tìm phát triển.
Tuy nhiên có những cơ hội thuận lợi cho các quốc gia cần trang bị kỹ
nghệ, cũng như có những hoàn cảnh nghiêm khắc hơn. Trong trường hợp trên khối
viện trợ tư bản ngoại quốc lên cao và đài thọ một tỷ lệ quan trọng các nhu cầu
trang bị kỹ nghệ. Phần nhỏ còn lại sẽ do lợi tức của quốc gia liên hệ gánh chịu.
Trong hoàn cảnh thuận lợi này, công cuộc trang bị kỹ nghệ không trở thành một
cái gánh nặng gian lao và đau khổ cho dân chúng.
Trong trường hợp thứ hai, khối viện trợ tư bản ngoại quốc không được dồi
dào, và chỉ đài thọ được một tỷ lệ nhỏ của nhu cầu trang bị kỹ nghệ. Phần lớn
còn lại phải do lợi tức của quốc gia liên hệ gánh chịu. Và trong hoàn cảnh
nghiêm khắc đó, công cuộc trang bị kỹ nghệ trở thành một cái gánh đau khổ nặng
nề cho dân chúng.
Trong trường hợp phát triển thứ nhất có thể là trường hợp của một quốc
gia nhỏ như quốc gia Việt Nam. Và trường hợp thứ hai là trường hợp đương nhiên
của các khối dân to tát như khối dân Trung Cộng vì hai lý do dưới đây.
Sự phát triển của một nước nhỏ như quốc gia Việt Nam, không thể trở
thành một sự đe dọa cho ai cả, và do đó, sẽ không tạo một phản ứng thù nghịch
nào có thể gây trở lực cho công cuộc phát triển của chúng ta. Và một sự lãnh đạo
sáng suốt đủ tạo hoàn cảnh cho khối viện trợ tư bản ngoại quốc lên đến mức độ
khả dĩ bảo đảm cho một công cuộc trang bị kỹ nghệ không đau khổ cho dân chúng.
Trong khi đó, sự phát triển của một khối dân, như khối dân Trung Cộng, tự nó là
một sự đe dọa cho tất cả thế giới, dầu mà các nhà lãnh đạo Trung Cộng không có
những tham vọng bành trướng như hiện nay.
Và đương nhiên, những phản ứng thù nghịch sinh ra khắp nơi và dựng lên
vô số trở lực cho công cuộc phát triển. Và một sự lãnh đạo sáng suốt nhiều lắm
cũng chỉ làm cho thuyên giảm được các trở lực trên, nhưng tuyệt nhiên không bao
giờ tạo được hoàn cảnh để cho viện trợ tư bản ngoại quốc tăng gia. Và công cuộc
trang bị kỹ nghệ nhất định sẽ vô cùng đau khổ cho toàn dân.
Giả sử mà, sự đe dọa cho cả thế giới của sự phát triển của một khối dân
số to tát như khối Trung Cộng, không có thật sự, thì nhu cầu phát triển của khối
đó cũng sẽ là vô bờ bến, không có viện trợ tư bản ngoại quốc nào thỏa mãn cho nổi.
Trong khi đó, nhu cầu phát triển của một quốc gia nhỏ, như quốc gia Việt
Nam, trong hiện tình quốc tế thế giới, có thể do viện trợ tư bản ngoại quốc thỏa
mãn đến một tỷ lệ quan trọng.
Hoàn cảnh phát triển của Việt Nam và của Trung Hoa khác nhau là như vậy.
Trách nhiệm của người lãnh đạo, là trong mọi công cuộc của Dân Tộc, tìm và tạo
những yếu tố thuận lợi, không dẫn dắt đến sự tiêu hao sinh lực của Cộng Đồng.
Trong cộng cuộc Phát Triển Dân Tộc, sự tiết kiệm sinh lực của Cộng Đồng vì vận
mạng của các thế hệ tương lai, lại trở thành khẩn thiết hơn nữa.
Như thế thì, việc chấp nhận một khuôn khổ phát triển tiền chế theo lối
cộng sản, bất kể hoàn cảnh đặc biệt của chúng ta, là một hành động thiếu sáng
suốt. Và sự gắn liền vận mạng của Việt Nam với vận mạng của Trung Cộng, trong
giai đoạn phát triển hiện nay, là một hành động di hại cho Dân Tộc.
Đóng góp trang bị kỹ nghệ.
Các con số dưới đây giúp cho chúng ta ý thức được số lượng của phần
đóng góp của lợi tức quốc gia vào công cuộc trang bị kỹ nghệ cho từng quốc gia.
Nước Anh là nước đầu tiên trên
thế giới đã thực hiện công cuộc kỹ nghệ hóa. Nghĩa là lúc bấy giờ, nước Anh
không có cần phải đương đầu với một sự cạnh tranh nào cả mà cũng phải, trong mười
năm, truất trong tức lợi quốc gia hằng năm một số là mười bảy phần trăm, 17%, để
bỏ vào vốn trang bị kỹ nghệ. Như vậy trong mười năm đầu, và sau đó bách phân lần
lần giảm xuống. Nghĩa là đại cương trong mười năm, mỗi năm mỗi người dân có làm
ra được 100 đồng chỉ còn tiền được riêng cho mình 83 đồng.
Nếu Mỹ ngày nay trở nên một khối kinh tế mạnh nhất thế giới, lúc bắt đầu
kỹ nghệ hóa, đã phải mỗi năm truất mười lăm phần trăm, 15%, lợi tức quốc gia để
sung vào quỹ kỹ nghệ hóa.
Trong trường hợp tương tự, nước Pháp đã phải bỏ vào đến mười ba, 13, phần
trăm. Nước Đức đi sau, sự cạnh tranh bắt đầu gay cấn, nên đã phải đóng vào quỹ
kỹ nghệ hóa đến hai chục phần trăm, 20%, lợi tức quốc gia trong những năm quyết
liệt nhất.
Thời gian kỹ nghệ hóa càng dài thì gánh nặng nhân dân phải đóng góp
chia ra nhiều năm, có thể nhẹ đi nhưng không làm sao tránh được. Thời gian kỹ
nghệ hóa càng ngắn sự đóng góp của nhân dân dồn lại ít năm, lại càng nặng nề
hơn và đòi hỏi nhiều hy sinh to tát hơn. Nhật Bản khi kỹ nghệ hóa, trong hai
mươi bốn năm đầu từ 1890 đến 1914, mỗi năm phải đóng góp 10 phần trăm lợi tức
quốc gia vào quỹ trang bị kỹ nghệ và hai mươi năm sau đó từ năm 1914 đến 1936,
mỗi năm 18 phần trăm của lợi tức quốc gia.
Nước Nga, muốn đi mau đã bắt buộc nhân dân phải đóng góp một cách bách
phân lên tới 25 phần trăm, trong thời gian từ 1927 đến 1932 của kế hoạch ngũ
niên đầu tiên, và sau cùng sự đóng góp lên đến 27 phần trăm. Sự cùng khốn của
dân chúng Nga Sô lên đến tột độ. Và chỉ có một chính sách độc tài khốc liệt của
Staline mới giữ cho dân chúng không nổi loạn và đánh đổ chế độ cộng sản. Và to
lớn, và hùng mạnh như nước Nga mà suýt một chút nữa chế độ độc tài cộng sản đã
bị sụp đổ vì dân chúng oán ghét nên trong Đệ Nhị Đại Chiến đã hướng về kẻ xâm
lăng, người Đức, như là một người giải phóng. Chỉ sự vụng về, và chính sách kỳ
thị chủng tộc, của Đức Quốc Xã đã đánh thức lòng công phẫn của dân chúng Nga đối
với các nước Tây Âu và đã cứu chế độ cộng sản khỏi phải bị tiêu diệt. Và chính
tổ quốc của cộng sản đã được cứu thoát khỏi ngoại xâm không phải vì lý thuyết cộng
sản mà vì tinh thần Dân Tộc của nhân dân Nga. Sự kiện này hàm nhiều ý nghĩa.
Sau cùng là Trung Hoa, đang thực hiện công cuộc kỹ nghệ hóa bằng cách
cưỡng bách dân chúng đóng góp vào quỹ trang bị kỹ nghệ 16 phần trăm của lợi tức
cho năm đầu của kế hoạch ngũ niên thứ nhất, năm sau 18 phần trăm, và năm sau nữa
22 phần trăm. Và năm 1956 bách phân đã lên đến 25 phần trăm và từ năm 1957 hơn
một phần ba của lợi tức quốc gia đã phải bỏ vào quỹ trang bị kỹ nghệ. Vì thế, nếu
chúng ta nhớ rằng lợi tức của người Trung Hoa thấp vào bậc nhất thế giới, chúng
ta quan niệm được nỗi cùng khốn của dân Tàu trong lúc này. Một mặt nhân lực bị
huy động và khai thác triệt để, một mặt lợi tức làm ra một trăm đồng, phải truất
ra 33 đồng khỏi quỹ tiêu thụ, nghĩa là làm việc phải nhiều hơn và ăn uống phải
ít hơn. Vì thế cho nên, nếu không có một bộ máy độc tài đảng trị tuyệt đối vô
nhân đạo, không làm sao mà giữ nổi hơn 700 triệu dân không nỗi loạn lật đổ chế
độ cộng sản được.
(Tiếp Phần III d)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét