Giáo sư Nguyễn Văn Bông
Xem kì 1, kì 2, kì 3, kì 4, kì 5, kì 6, kì 7, kì 8, kì 9, kì
10, kì 11, 12, kì 13, 14, 15, 16
CHƯƠNG II: VIỆT NAM
Sau gần một thế kỉ dưới ách thống trị ngoại bang, nước Việt
Nam đã vùng lên – với Thế giới Đại chiến thứ nhì – giành lại chủ quyền. Nhưng,
trong lúc các quốc gia đồng cảnh ngộ đã vượt qua những khó khăn và đang củng cố
nền độc lập, xây dựng xã hội trong cảnh thái bình, Việt Nam phải trải qua một
giai đoạn lịch sử chính trị vô cùng xáo trộn, với khói lửa của chiến tranh, với
đất nước phân li và tương lai mù mịt.
Mục I: TỪ ĐẾ QUỐC ĐẾN CHÍNH THỂ CỘNG HÒA
9-3-1945: Quân đội Thiên hoàng, từ lâu có mặt trên toàn cõi
Đông Dương, trong chớp nhoáng lật đổ hệ thống chính quyền thuộc địa và xóa bỏ
chủ quyền Pháp Quốc.
11-3-1945: Từ Cơ mật Viện của triều đình Huế, một bản Tuyên
cáo được công bố, nguyên văn như sau: “Cứ tình thế chung trong thiên hạ, tình
thế riêng cõi Đông Á, chính phủ Việt Nam công nhiên tuyên bố từ ngày nay Điều ước
Bảo Đại 1884 với nước Pháp bãi bỏ và nước Việt Nam khôi phục quyền độc lập. Nước
Việt Nam sẽ gắng sức tự túc tiến triển cho xứng địa vị một quốc gia độc lập”.
14-3-1945: Hoàng đế Bảo Đại lại ban chiếu hủy bỏ những hiệp
ước bất bình đẳng mà nước Pháp đã ép buộc nước Việt Nam kí ngày 6-6-1862 và
ngày 15-3-1874 và toàn bộ xứ Nam Kỳ từ ngày ban chiếu, thuộc chủ quyền đế quốc
Việt Nam.
Rồi ba hôm sau, ngày 17-3-1945, Dụ số 1 của Hoàng đế Bảo Đại
thành lập Chính phủ Trần Trọng Kim, “một Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc
lập sau 80 năm thuộc quyền ngoại quốc thống trị”.
Tình thế Việt Nam lúc này rất đen tối. Đảng Cộng sản Đông
Dương, núp sau mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội (Việt Minh) đã tuyên
truyền khẩu hiệu “Đánh Nhật đuổi Pháp”, hoạt động ráo riết phản tuyên truyền và
tranh giành ảnh hưởng chính trị với Chính phủ Trần Trọng Kim và các đảng phái
Quốc gia.
Và khi trái bom nguyên tử của Mỹ đã dội xuống Trường Kỳ[1]
và Quảng Đảo[2] đưa đến sự đầu hàng vô điều kiện của Nhật, Việt Minh lợi dụng
thời cơ với chiến dịch ngấm ngầm và kĩ thuật khéo cướp chính quyền tại Hà Nội
nhân một cuộc biểu tình ngày 13-8-1945[3] để ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim.
Trước phong trào chính trị lên cao tại Hà Nội, chính phủ Trần
Trọng Kim, thiếu bản lĩnh, mất tinh thần tranh đấu từ chức và Bảo Đại, một con
người thiếu ý thức chính trị tuyên bố thoái vị ngày 22 tháng 8-1945.
Trong chiếu thoái vị ngày 25-8-1945 Bảo Đại có viết:
“Nay thấy nhiệt vọng dân chủ của quốc dân Bắc Bộ lên cao
quá, nếu Trẫm cứ ngồi yên mà đợi Quốc hội thì không thể nào tránh khỏi nạn Nam
Bắc phân tranh, đã thống khổ cho quốc dân lại thuận tiện cho người lợi dụng.
Cho nên mặc dầu Trẫm hết sức đau đớn nghĩ tới công lao Liệt
thánh vào sinh ra tử trong gần 400 năm để mở giang sơn đất nước từ Thuận Hóa đến
Hà Tiên, Trẫm cũng quả quyết thoái vị để nhường quyền điều khiển quốc dân lại
do một chính phủ Cộng hòa.”
Thật là ngây thơ! Thoái vị và trở thành cố vấn tối cao cho
Chính phủ Hồ Chí Minh.
Rồi từ đó, tình hình Việt Nam biến chuyển rất mau lẹ trong
khung cảnh chính trị rối ren giữa hai khuynh hướng Cộng sản và Quốc gia.
Đoạn: KHUYNH HƯỚNG CỘNG SẢN
Sau khi Bảo Đại thoái vị, Hồ Chí Minh công bố ngày 2-9-1945
Nội các của ông và đồng thời thiết lập “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Tình trạng
tạm thời này được hợp thức hóa bằng một cuộc tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 bầu Quốc
hội Lập hiến gồm 330 dân biểu được phân phối như sau: 230 đại diện Việt Minh;
50 đại diện Việt Nam Quốc dân Đảng; 30 đại diện các dân tộc thiểu số; 20 đại diện
Việt Nam Đồng minh Hội.
Ngày 16-11-1946 “Hiến pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” do Quốc
hội Lập hiến soạn thảo và biểu quyết được ban hành. Chiếu theo Hiến pháp này, tổ
chức chính quyền được ấn định như sau:
Quyền Hành pháp: được giao phó cho một vị Chủ tịch và một Hội
đồng Chính phủ. Chủ tịch đóng vai trò Quốc trưởng vô trách nhiệm chính trị và
có một số quyền hạn của các Quốc trưởng trong chế độ Nghị viện như: chỉ định Thủ
tướng, ban hành luật pháp, quyền ân xá v.v… Hội đồng Chính phủ do Thủ tướng chủ
tọa gồm một số Bộ trưởng và Thứ trưởng nắm thực quyền Hành pháp và chịu trách
nhiệm trước Quốc hội.
Quyền Lập pháp do một Quốc hội độc viện đảm nhiệm. Quốc hội
mỗi năm chỉ họp hai khóa thường lệ và giữa hai khóa họp được đại diện bởi ủy
ban thường trực. Cần ghi nhận hai đặc điểm: thứ nhất ủy ban thường trực sử dụng
toàn quyền của Quốc hội nghĩa là có thể lấy những quyết định có hiệu lực như đạo
luật, kiểm soát hoặc chỉ trích Chính phủ, tuyên chiến v.v… Thứ hai là các dân
biểu có thể bị bãi miễn bởi nhân dân nếu có kiến nghị bất tín nhiệm của 1/4 tổng
số cử tri và nếu kiến nghị ấy được 2/3 tổng số dân biểu chấp thuận.
Tóm lại, phân tích Hiến pháp 1946, chúng ta liên tưởng ngay
đến Hiến pháp Liên Sô. Trong cả hai, nguyên tắc phân quyền không được áp dụng,
trong thực tế quyền lực ở trong tay Đảng Cộng sản, Hiến pháp 1946 của Việt Minh
chung quy là một văn kiện xác nhận long trọng địa vị ưu thế của một chính đảng.
Quốc hội cũng như Chính phủ chỉ là những định chế hình thức, những phương tiện
thực hiện và hợp thức hóa chính sách cùng đường lối của đảng thống trị.
Và tổ chức chính quyền này vẫn tiếp tục áp dụng xuyên qua
bao biến cố đưa đến Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946; sự tan vỡ của Hội nghị
Fontainebleau 27-7-1946; Tạm ước 14-9-1946 và đến đêm 19-12-1946 chiến tranh lại
bùng nổ giữa quân đội Pháp và Việt Minh, cuộc chiến tranh tiếp diễn cho đến năm
1954 với Hiệp định Genève 20-7-1954 phân chia lãnh thổ Việt Nam.
Đoạn 2: KHUYNH HƯỚNG QUỐC GIA
Trong khi Việt Minh chiếm và củng cố chính quyền ngoài Bắc
tháng 9 năm 1945, trong Nam quân đội Anh đổ bộ lên Saigon với mục đích giải giới
Nhật. Cùng theo quân đội Anh có quân đội Pháp lợi dụng cơ hội tái chiếm Đông
Dương.
Mặc dù hoàn thành được hệ thống cai trị tại miền Nam với các
chính phủ bù nhìn, và sau khi đổ bộ lên Bắc Việt với Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946,
công cuộc tái chiếm Đông Dương càng ngày càng khó khăn trước sức kháng chiến
anh dũng của dân tộc Việt Nam.
Có lẽ nhận thấy không thể dùng võ lực, Pháp liền nghĩ đến giải
pháp chính trị. Vì tiếng súng ngày 19-12-1946 đã chấm dứt mọi cuộc thương nghị
với Việt Minh, Pháp nhìn về Hương Cảng nơi mà Bảo Đại, cố vấn tối cao của Chính
phủ Hồ Chí Minh thừa dịp đi công cán tại Trùng Khánh, ở lại đó. Và sau nhiều cuộc
vận động và thương nghị của một số đoàn thể chính trị và tôn giáo, lá bài Bảo Đại
được đem ra thí nghiệm.
Ngày 5-6-1948, Hiệp định Hạ Long ra đời, long trọng công nhận
nền độc lập của Việt Nam cùng sự gia nhập của Việt Nam vào Liên hiệp Pháp. Thiếu
tướng Nguyễn Văn Xuân được chỉ định cầm đầu Chính phủ Lâm thời để kí kết vào Hiệp
định.
Ngày 8-3-1949 Hiệp định Elysée được kí kết xác nhận lại mối
bang giao Việt-Pháp giữa Hoàng đế Bảo Đại và Tổng thống Pháp V.Auriol. Rồi từ
Pháp về Bảo Đại ban hành Dụ số 1 ngày 1-7-1949 ấn định việc tổ chức và điều
hành các cơ quan công quyền Việt Nam. Dụ số 1 này, sau phần lí do gồm 4 mục: Mục
1: Quốc hội Lập hiến; Mục II: Quốc trưởng; Mục III: Chính phủ; IV: Hội đồng tư
vấn quốc gia.
Sau khi xác nhận rằng “ý chí quốc dân là nguồn gốc của mọi
ngành hoạt động quốc gia, nhưng vì tình hình chiến tranh hiện tại, ý chí ấy
không thể phát biểu một cách tự do được” và trong lúc chờ đợi một Quốc hội Lập
hiến, tổ chức chính quyền ở giai đoạn giao thời, gồm 3 cơ quan; Quốc trưởng,
Chính phủ và Hội đồng Tư vấn Quốc gia.
1. Quốc trưởng – tức là Bảo Đại – tượng trưng cho Quốc gia
có những quyền hạn như các Quốc trưởng khác như quyền ân xá, quyền chủ tọa Hội
đồng Tổng trưởng, quyền cử Đại sứ hoặc tiếp nhận ủy nhiệm thư v.v… Tuy nhiên có
điểm đáng lưu ý là Quốc trưởng “ấn định chính sách của chính phủ cho chỉ thị về
sự hoạt động của chính phủ trong tất cả các ngành bổ nhiệm và cách chức Thủ tướng
và các Tổng trưởng”.
2. Chính phủ: đảm nhiệm quyền Hành pháp. Thủ tướng Chính phủ
điều khiển sự hoạt động của Chính phủ và chuyên trách điều hòa sự liên lạc giữa
các nhân viên Chính phủ chuyên trách và kiểm soát sự thi hành các Dụ và sắc lệnh.
3. Bên cạnh Quốc trưởng và Chính phủ, Dụ số 1 còn thiết lập
một Hội đồng Tư vấn Quốc gia, mục đích để quốc dân có thể phát biểu ý kiến một
cách hết sức rộng rãi. Các hội viên Hội đồng Tư vấn Quốc gia “đều do Quốc trưởng
ban bố sắc lệnh tuyển lựa trong các nhân sĩ hoặc đại diện cho dư luận quốc dân,
hoặc đại diện cho các quyền lợi toàn quốc và địa phương hoặc có tài năng xứng
đáng”.
Hội đồng Tư vấn Quốc gia phát biểu ý kiến về các vấn đề do
Chính phủ giao xét. Tuy nhiên, Chính phủ bắt buộc phải hỏi ý kiến Hội đồng trước
khi chấp thuận luật lệ về ngân sách, quy chế tự do cá nhân, sự cải cách căn bản
của nền tảng kinh tế và xã hội, ngoại trừ trường hợp khẩn cấp hoặc bất khả
kháng.
Từ ngày ban hành Dụ số 1 cho đến ngày kí Hiệp định Genève
20-7-1954 – 5 năm qua tại miền Nam có tất cả 9 chính phủ liên tiếp nắm chính
quyền:
Chính phủ Bảo Đại
(2-7-1949)
Chính phủ Nguyễn
Phan Long (18-1-1950)
Chính phủ Trần Văn
Hữu (6-5-1950)
Chính phủ Trần Văn
Hữu II (20-2-1951)
Chính phủ Trần Văn
Hữu III (8-3-1952)
Chính phủ Nguyễn
Văn Tâm (15-6-1952)
Chính phủ Nguyễn
Văn Tâm II (1-1-1953)
Chính phủ Hoàng
thân Bửu Lộc (12-1-1954)
Chính phủ Ngô Đình
Diệm (7-7-1954)
Một sự lạm phát chính phủ như thế chứng tỏ sự thất bại của
giải pháp Bảo Đại. Trong lúc chiến tranh tiếp diễn, càng ngày càng quyết liệt,
lòng dân hướng về cuộc đấu tranh chống thực dân, thì các nhà lãnh đạo quốc gia,
thoát thân từ một giai cấp trưởng giả, liên hệ mật thiết với đế quốc Pháp, thiếu
bản lĩnh, không gây được sự hào hứng cùng đem lại độc lập thực sự cho quốc gia,
lần lần mất cả uy tín. Chính nghĩa kháng chiến chống thực dân, giành độc lập lọt
vào tay Việt Minh. Để rồi sau trận Điện Biên, Pháp phải điều đình với Việt Minh
phân chia lãnh thổ.
Sau Hiệp định Genève, ngoài Bắc theo chế độ độc tài cộng sản,
trong Nam Chính phủ Ngô Đình Diệm thành lập ngày 7-7-1954 tìm cách truất phế Bảo
Đại bằng một cuộc trưng cầu dân ý tổ chức ngày 23-10-1955. Với uy tín sẵn có thời
ấy cùng với một tổ chức khéo léo, Ngô Đình Diệm thâu lượm kết quả: 5.721.735
phiếu – trong số 5.828.907 công dân đi bầu – biểu quyết truất phế Bảo Đại và
công nhận Thủ tướng Ngô Đình Diệm giữ chức vụ Quốc trưởng.
Dựa trên kết quả này, chính quyền Ngô Đình Diệm ban hành Hiến
ước Tạm thời số I ngày 26-10-1955 nguyên văn như sau:
“Xét rằng kết quả của cuộc Trưng cầu Dân ý ngày 23-10-1955,
đã biểu lộ một cách rõ rệt ý chí của toàn dân Việt Nam muốn thiết lập nền dân
chủ.
Xét rằng trong khi chờ đợi một Hiến pháp được ban hành, các
cơ quan công quyền trong nước cần phải được quy định bởi một Hiến ước Tạm thời.
Xét rằng chính thể Cộng hòa đã được long trọng tuyên bố:
TUYÊN BỐ
Điều thứ 1 – Quốc gia Việt Nam là một nước Cộng hòa.
Điều thứ 2 – Quốc trưởng, đồng thời cũng là Thủ tướng Chính
phủ, lấy danh hiệu là Tổng thống Việt Nam Cộng hòa.
Điều thứ 3 – Một ủy ban được thiết lập để soạn dự án Hiến
pháp của Quốc gia Việt Nam. Bản Hiến pháp này sẽ được đưa ra trước Quốc hội do
dân bầu trước cuối năm nay.
Điều thứ 4 – Trong khi chờ đợi Hiến pháp được ban hành các đạo
luật và sắc lệnh hiện hữu vẫn được tạm thời áp dụng, ngoại trừ những điều khoản
nào trái ngược với chính thể Cộng hòa.”
Hai hôm sau, Chính phủ Ngô Đình Diệm thứ hai được thiết lập
với Ngô Đình Diệm Tổng thống kiêm Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Ngô
Đình Nhu và Ngô Đình Cẩn cố vấn.
Mục II: CHẾ ĐỘ NGÔ ĐÌNH DIỆM (1955-1963)
Sau khi truất phế Bảo Đại và tập trung quyền lực trong tay.
Ngô Đình Diệm phát động chiến dịch loại trừ các đoàn thể độc lập và đồng thời tạo
một tổ chức chính trị bán chính thức mệnh danh là “Phong trào Cách mạng Quốc
gia”. Và ngày 4-3-1956 một cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội Lập hiến. Sau một thời
gian thảo luận, dự án Hiến pháp được Quốc hội Lập hiến chung quyết ngày 20-10-1956
và ngày 26-10-1956 Tổng thống Ngô Đình Diệm ban hành Hiến pháp Việt Nam Cộng
hòa, đánh dấu một giai đoạn lịch sử chính trị Việt Nam. Chúng ta sẽ lần lượt
phân tích và nhận xét Hiến pháp này.
Đoạn 1: PHÂN TÍCH HIẾN PHÁP 26-10-1956
Hiến pháp 1956 gồm một phần mở đầu và 10 thiên.
A. Phần mở đầu được soạn thảo dưới hình thức một bản tuyên
ngôn xác định sự tin tưởng của Nhà nước lập hiến:
“ở tương lai huy
hoàng bất diệt của quốc gia và Dân tộc Việt Nam mà lịch sử tranh đấu oai hùng của
Tổ tiên và ý chí quật cường của toàn dân đảm bảo”;
“ở sự trường tồn của
nền văn minh Việt Nam”;
“ở giá trị siêu việt
của con người”.
Và ý thức rằng Hiến pháp phải thể hiện nguyện vọng của nhân
dân, nghĩa là:
Củng cố Độc lập chống
mọi hình thức xâm lăng thống trị;
Bảo vệ Tự do cho mỗi
người và cho Dân tộc;
Xây dựng Dân chủ về
chính trị, kinh tế xã hội, văn hóa cho toàn dân trong sự tôn trọng nhân vị.
B. Về quyền lợi và nhiệm vụ của công dân, Hiến pháp 1956 đã
xác nhận một cách rất đầy đủ. Có tự do cá nhân như quyền không bị bắt bớ, giam
giữ trái phép, quyền tự do đi lại, tính cách bất khả xâm phạm của gia cư, quyền
tự do hội họp, quyền tự do lập hội, tự do tín ngưỡng được công bố long trọng.
Ngoài ra, một số quyền kinh tế như quyền tư hữu, quyền tổ chức những hợp tác
kinh tế; một số quyền chính trị như quyền bầu cử, ứng cử, quyền tham gia điều
khiển việc công hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp qua sự trung gian của đại diện; một
số quyền xã hội như quyền tự do nghiệp đoàn, quyền đình công, quyền được cứu trợ
khi bị thất nghiệp, già yếu, bệnh tật, thiên tai, quyền làm việc và hưởng thù
lao xứng đáng, quyền được hưởng một nền giáo dục cơ bản miễn phí, tóm lại một số
quyền căn bản của công dân trong một xã hội dân chủ của thế kỉ hai mươi được
công nhận rõ rệt.
Song song với quyền lợi ấy Hiến pháp cũng ghi một số nhiệm vụ
công dân như:
Nhiệm vụ tôn trọng
và bảo vệ Hiến pháp và luật pháp;
Nhiệm vụ bảo vệ Tổ
quốc, chính thể Cộng hòa nền tự do dân chủ;
Nhiệm vụ góp phần
vào việc chi tiêu công cộng.
C. Về cơ cấu chính quyền, Hiến pháp 1956 dành riêng Thiên thứ
ba cho Tổng thống và Thiên thứ tư cho Quốc hội.
1. Quyền Hành pháp được ủy nhiệm cho Tổng thống dân cử bởi
quốc dân. Tổng thống – có thể nói rằng – là tất cả quyền Hành pháp. Tổng thống
có Phó Tổng thống, các bộ Trưởng và Thứ trưởng phụ tá. Các Bộ trưởng do Tổng thống
bổ nhiệm và chịu trách nhiệm trước Tổng thống.
Do nhân dân bầu thẳng với nhiệm kì 5 năm, Tổng thống nắm giữ
một số quyền hạn tối quan trọng như:
Sáng quyền lập
pháp: Tổng thống có quyền đưa ra Quốc hội xét các dự thảo luật;
Quyền gửi thông điệp;
Quyền phủ quyết: tức
quyền bác bỏ một đạo luật do Quốc hội chung quyết và yêu cầu Quốc hội phúc nghị
một hay nhiều điều khoản;
Quyền hành về quân
sự: Tổng thống là Tổng tư lệnh Tối cao của các lực lượng quân sự;
Quyền hành về ngoại
giao: quyền kí kết các điều ước, các Hiệp định quốc tế và quyền bổ nhiệm các sứ
thần.
Tất cả các quyền với
tư cách Quốc trưởng và chỉ huy Hành pháp.
2. Quyền lập pháp được ủy nhiệm cho Quốc hội dân cử. Quốc hội
tức là cơ quan Lập pháp. Chiếu theo điều 55, Quốc hội biểu quyết các đạo luật.
Ngoài ra cần nhấn mạnh thêm rằng Quốc hội chấp thuận các điều ước và các hiệp định
quốc tế, biểu quyết ngân sách quốc gia; có quyền đề nghị sửa đổi Hiến pháp và
tham gia vào việc tổ chức và điều hành Đặc biệt Pháp viện, một cơ quan tài phán
có thẩm quyền xét xử Tổng thống về các nhân vật trọng yếu của Quốc gia.
Bên cạnh hai định chế căn bản, Quốc hội và Tổng thống còn có
một số cơ quan như Hội đồng Kinh tế Quốc gia, Thượng Hội đồng Thẩm phán và Viện
Bảo hiến.
Đoạn 2: NHẬN XÉT
Hiến pháp 1956 – thoạt tiên – có thể xem là một bản văn quy
định rõ rệt thẩm quyền các cơ quan quốc gia và đồng thời ấn định những mối
tương quan thực tế hầu đáp ứng với nhu cầu của thời cuộc. Tuy nhiên nhìn kĩ lại
những điều kiện cấu tạo bản Hiến pháp cùng một số điều khoản đặc biệt, chúng ta
có thể quả quyết rằng chế độ quy định bởi Hiến pháp 1956 là một chế độ quyền
uy, khung cảnh của một sự chớm nở độc tài cá nhân trong thực tế.
A. Trước nhất người ta có thể tự hỏi vì lí do gì mà nhà Lập
hiến ưng thuận cho “đương kim Tổng thống (tức là Ngô Đình Diệm) sẽ là Tổng thống
đầu tiên theo Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa”? Khi mà đã tổ chức được một cuộc
trưng cầu dân ý và một cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội Lập hiến thì người ta
không hiểu vì sao không tổ chức được một cuộc bầu cử Tổng thống chiếu theo bản
Hiến pháp mới. Sự kiện này chứng tỏ sự thiếu tinh thần dân chủ của đương kim Tổng
thống.
B. Nhận xét thứ hai liên quan đến điều 98: “Trong nhiệm kỳ Lập
pháp đầu tiên (tức từ 1956 đến 1959) Tổng thống có thể tạm đình chỉ sự sử dụng
những quyền tự do đi lại và cư ngụ, tự do ngôn luận và báo chí, tự do hội họp
và lập hội, tự do nghiệp đoàn và đình công để thỏa mãn những đòi hỏi đích đáng
của an toàn chung, trật tự công cộng và Quốc phòng”.
Một câu như thế xóa bỏ hết Thiên thứ ba của bản Hiến pháp!
Và chính vì với những quyền rộng như vậy mà chế độ Ngô Đình Diệm có phương tiện
loại trừ các đoàn thể quốc gia độc lập, phát động phong trào suy tôn mở đường
cho một chế độ độc tài cá nhân.
C. Nhận xét thứ ba liên quan đến chế độ Tổng thống. Một số
bình luận gia, khi phê bình Hiến pháp 1956, kết luận rằng Hiến pháp này thiết lập
Tổng thống chế theo kiểu Hoa Kỳ. Đây là một khuynh hướng tối quan trọng cần phải
xét lại vì sự thất bại của chế độ Ngô Đình Diệm làm nhiều người tưởng rằng chế
độ độc tài là hậu quả tất nhiên của chế độ Tổng thống. Thật ra Tổng thống chế
Việt Nam năm 1956 không phải là Tổng thống chế Hoa Kỳ. Trong lúc Hiến pháp Hoa
Kỳ cố giữ thế quân bình giữa các quyền được thiết lập, đặc điểm của hệ thống tổ
chức chính quyền theo Hiến pháp 1956 là ưu thế quá mức của Tổng thống. Và ưu thế
này được thể hiện qua những quyền hành của Tổng thống và nhất là sự can thiệp
tích cực của Hành pháp vào lãnh vực Lập pháp.
Thật vậy, ngay ở điều khoản thứ ba chúng ta nhìn thấy ”Tổng
thống lãnh đạo quốc gia”. Tổng thống bổ nhiệm và cách chức các sứ thần cùng
công chức cao cấp không cần ý kiến của Quốc hội. Trái với nguyên tắc phân nhiệm
mà điều 3 ghi rõ là “Nguyên tắc phân nhiệm giữa Hành pháp và Lập pháp phải rõ rệt”.
Hiến pháp 1956 dành cho Tổng thống quyền kí sắc luật giữa hai khóa họp Quốc hội,
quyền kí sắc lệnh tuyên bố tình trạng khẩn cấp, báo động hoặc giới nghiêm.
Một sự tập trung quá mức quyền hành cùng sự thủ tiêu đối lập
và sự hiện diện của một chính đảng duy nhất đã đưa chế độ Ngô Đình Diệm lần lần
đi đến một chế độ quyền hành cá nhân áp dụng những phương tiện chuyên chế mà tiếng
súng ngày 1-11-1963 đã đưa vào dĩ vãng.
Mục III: VIỆT NAM SAU CÁCH MẠNG 1-11-1963
Giai đoạn hậu Cách mạng là một giai đoạn quan trọng đánh dấu
một khúc quanh mới mà Việt Nam Cộng hòa cố tìm những công thức phù hợp với thực
trạng – Đồng thời cũng là một giai đoạn bất ổn chính trị thể hiện trên bình diện
pháp lí qua 5 văn kiện căn bản:
Hiến ước Tạm thời
số 1 ngày 4-11-1963;
Hiến ước Tạm thời
số 2 ngày 7-2-1964;
Hiến chương Việt
Nam Cộng hòa ngày 16-8-1964;
Hiến chương Lâm thời
ngày 20-10-1964;
Ước pháp Tạm thời
ngày 19-6-1965;
Và liên tiếp 5 Chính phủ cầm quyền:
Chính phủ Nguyễn
Ngọc Thơ (4-11-1963 – 30-1-1964);
Chính phủ Nguyễn
Văn Khánh (8-2-1964 – 20-10-1964);
Chính phủ Trần Văn
Hương (31-10-1964 – 27-1-1965);
Chính phủ Phan Huy
Quát (16-2-1965 – 12-6-1965);
Chính phủ Nguyễn
Cao Kỳ (19-6-1965).
Một sự lạm phát chính trị như thế rất là tai hại. Nếu lí do
chính là tình trạng của một quốc gia đang phát triển lại phải chiến đấu một mất
một còn với phiến loạn cộng sản, cần phải ghi thêm rằng sự kiện mà một số tướng
lãnh đã lợi dụng danh nghĩa quân đội để thỏa mãn tự ái cá nhân và củng cố địa vị
đồng thời sự bất lực của các tổ chức chính trị và bầu không khí nghi kị, chia rẽ
giữa các đoàn thể là những yếu tố làm dao động cuộc sinh hoạt chính trị trong
vòng 3 năm qua.
Trong khung cảnh đen tối ấy, một cánh cửa đã hé mở: đó là sự
hình thành của Quốc hội Lập hiến với sứ mạng hoàn thành Hiến pháp tương lai hầu
bình thường hóa cuộc sinh hoạt chính trị trên những tiêu chuẩn vững chắc.
Đoạn 1: SỰ HÌNH THÀNH QUỐC HỘI LẬP HIẾN
Sự thành lập chính phủ Nguyễn Cao Kỳ đánh dấu một giai đoạn ổn
định. Nhưng, nếu thành phần lãnh đạo tương đối ổn định, những xáo trộn chính trị
lại bắt đầu, những phong trào đấu tranh lại chớm nở đôi khi mang tính cách bài
ngoại rõ rệt.
Đặc điểm của thời kỳ xáo trộn này là khẩu hiệu Quốc hội Lập
hiến được tung ra để làm mục tiêu tranh đấu và phản đối tính cách bất chính
đáng của chánh quyền. Trước tình trạng khẩn trương ấy, Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia
cho triệu tập Đại hội Chính trị Toàn quốc.
Được triệu tập từ ngày 12-4 đến 14-1-1966 Đại Hội nghị Chính
trị Toàn quốc gồm tất cả 117 đại diện các đoàn thể tôn giáo, chính trị, nghiệp
đoàn, thanh niên, sinh viên và Hội đồng Dân cử[4].
Sau 3 ngày thảo luận, trong bản đúc kết trình bày ngay phiên
bế mạc, Đại Hội nghị Chính trị Toàn quốc đề nghị các điểm chính sau đây:
Cần phải bầu cử Quốc
hội Lập hiến và tổ chức chính quyền dân cử;
Tạo điều kiện thuận
tiện để chuẩn bị bầu cử bằng hai biện pháp: ban hành tự do báo chí và khuyến
khích sinh hoạt chính trị tạo điều kiện thuận tiện cho các chính đảng hoạt động
và liên kết thành những khối lớn ngõ hầu tiến tới một Quốc hội với một đa số vững
chãi;
Phát động một
phong trào xây dựng dân chủ sâu rộng để giáo huấn quần chúng về mặt chính trị;
Thực hiện đại đoàn
kết dân tộc để xây dựng dân chủ, phát triển kinh tế, kiến thiết, công bằng xã hội,
chiến thắng cộng sản, tái lập thanh bình cho Tổ quốc.
Sứ mạng của Đại hội nghị đã hoàn tất. Thật ra, trước phong
trào đấu tranh đòi triệu tập Quốc hội Lập hiến của Phật giáo – Viện Hóa đạo,
trước tính cách chính đáng của một nguyện vọng, Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia, không
đường lối vững chắc, không can đảm có một phản đề nghị chín chắn tình hình. Và
ý nghĩa sâu xa của Đại hội – đối với Ủy ban Lãnh đạo – chỉ là cơ hội để… nhượng
bộ trước áp lực ngoài đường. Và sự nhượng bộ này được thể hiện qua bản sắc luật
bầu Quốc hội Lập hiến mà Vị Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia đọc ngay tại
phiên bế mạc của Đại Hội nghị, giữa tiếng vỗ tay hoan hô. Sắc luật nguyên văn
như sau:
Điều 1: Thể theo nguyện vọng của toàn dân, một Quốc hội Lập
hiến sẽ được bầu cử, có nhiệm vụ soạn thảo và biểu quyết Hiến pháp Việt Nam Cộng
hòa.
Điều 2: Quốc hội Lập hiến nói ở Điều I sẽ được thành lập
trong thời hạn từ 3 đến 5 tháng kể từ ngày kí Sắc luật này theo thể thức đầu
phiếu phổ thông trực tiếp và kín trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa.
Điều 3: Ngày bầu cử, số dân biểu, thể thức bầu cử, quy chế
dân biểu, tổ chức và điều hành Quốc hội Lập hiến sẽ được một Sắc luật ấn định
sau.
Sắc luật triệu tập Quốc hội Lập hiến cũng không làm lắng dịu
tình hình chính trị. Mặc dù Phật giáo – Viện Hóa đạo đã biểu tình – ngay trong
ngày – để ăn mừng chiến thắng, bầu không khí lại bắt đầu sôi động và cuộc tranh
đấu của Viện Hóa đạo lại chuyển sang những mục tiêu khác. Và từ ngày ban hành Sắc
luật triệu tập Quốc hội Lập hiến (14-4-1966) đến ngày bầu cử (2-9-1966) cuộc
tranh chấp giữa Chính phủ và Viện Hóa đạo vẫn tiếp diễn, dưới nhiều hình thức,
có tính cách quá trầm trọng đến nỗi Chính phủ phải dùng võ lực để tái lập uy
quyền quốc gia và an ninh công cộng. Rồi – éo le thay! – chính Viện Hóa đạo,
ngày 15-8-1966 đã công khai bầy tỏ lập trường “bất hợp tác việc bầu cử Quốc hội
Lập hiến do chính quyền đương kim tổ chức”.
Tuy nhiên toàn dân đã nô nức đi bầu. Mặc dầu chưa hẳn là giải
pháp duy nhất để giải quyết khủng hoảng chính trị, cần phải thành thật nhận định
rằng cuộc bầu cử Quốc hội Lập hiến ngày 11-9-1966 là một thắng lợi lớn. Thắng lợi
về mặt an ninh vì các lực lượng bảo vệ an ninh đã chứng minh khả năng trong việc
bảo vệ dân chúng chống chiến dịch khủng bố của Việt Cộng. Thắng lợi về mặt
chính trị vì dân tộc Việt Nam đã chứng tỏ rằng họ không thờ ơ với quốc sự nếu họ
có dịp phát biểu ý kiến.
Bảng Tổng kết bầu cử Quốc hội Lập hiến 11-9-1966
Số dân biểu: 117 (trong số này gồm cả 4 dân biểu gốc Miên và
9 dân biểu gốc Thượng, Chàm và Thượng du Bắc Việt di cư)
Sơ đồ 4
(Theo tài liệu của Phủ Đặc ủy Hành chánh)
Đoạn 3: QUỐC HỘI LẬP HIẾN 1966
Khai mạc long trọng
ngày 27-9-1966 với tất cả ước vọng. Quốc hội Lập hiến bắt tay vào việc soạn thảo
cơ cấu căn bản của Quốc gia.
A. Những đặc tính của
Quốc hội Lập hiến
1. Quốc hội Lập hiến
có thể xem là một Quốc hội trẻ. Tuổi trung bình là 40. Phân tích tuổi các dân
biểu, chúng ta có thể chia như sau:
* Từ 25 đến 35 tuổi: 41 vị;
* Từ 36 đến 45 tuổi: 35 vị;
* Từ 46 đến 55 tuổi: 28 vị;
* Từ 56 đến 65 tuổi: 13 vị.
2. Về thành phần xã hội, các bác sĩ, dược sĩ, kĩ sư và công
chức chiếm đa số.
Thành phần xã hội của dân biểu Quốc hội Lập hiến
Nghề tự do (gồm kĩ
sư, dược sĩ, bác sĩ, luật sư, giáo sư, chủ báo, kí giả): 37;
Thương mại: 9;
Nông nghiệp: 6;
Công chức: 38;
Hội viên Hội đồng
dân cử: 16;
Linh tinh (công chức,
sĩ quan hồi hưu, ban trị sự giáo hội, đại diện Fulro, chánh tông v.v…): 11
3. Phân tích theo miền, thành phần dân biểu chia ra như sau:
* Nam: 49 vị;
* Trung: 36 vị (29 vị đắc cử trại Trung phần và 7 đắc cử nơi
khác);
* Bắc: 32 vị.
3. Về phương diện chính trị, vấn đề trở nên phức tạp hơn.
Trên nguyên tắc, đối với một nhà quan sát, tư cách ứng cử viên, các chính đảng
và chương trình ứng cử là một yếu tố quan trọng trước ngày bầu cử. Tại Việt
Nam, vấn đề không được đặt ra như vậy. Trong số 117 dân biểu đắc cử, nếu chúng
ta nhìn lại tư cách ứng cử của các vị ấy trước ngày bầu chúng ta thấy có:
93 vị ứng cử với
tư cách độc lập;
13 vị ứng cử với
tư cách cá nhân;
2 vị ứng cử với tư
cách Việt quốc;
7 vị ứng cử với tư
cách Giáo phái (Hòa Hảo, Cao Đài);
2 vị ứng cử với tư
cách đại diện Fulro.
Tư cách độc lập và tư cách cá nhân khác nhau ở chỗ nào? Rất
khó mà trả lời. Nếu không gì trở ngại cho rằng độc lập và cá nhân là một, chúng
ta có thể kết luận rằng vấn đề chính kiến, vấn đề chính đảng, tóm lại vấn đề
chính trị thuần túy cố ý bị lãng quên để nhường bước cho uy tín và cảm tình cá
nhân.
Trong điều kiện ấy, mầu sắc chính trị của Quốc hội Lập hiến
trở nên khó hiểu. Vẫn biết rằng đã có 4 khối dân biểu:
Khối Liên minh Dân
chủ: 46 dân biểu;
Khối Đại chúng: 22
dân biểu;
Khối Phục hưng Miền
Nam: 12 dân biểu;
Khối Độc lập: 16
dân biểu.
và 21 trong tình trạng “độc lập”. Các vị này đã tách khỏi Khối
Đại chúng vì bất đồng ý kiến về số lập trường chính trị.
Tuy nhiên cần phải nhận định rằng xuyên qua hoạt động của
các khối, chúng ta thấy kỉ luật nội bộ không được chặt chẽ cho lắm và không một
tài liệu nào chứng minh một cách xác thực sự khác biệt về chính trị giữa các khối
dân biểu.
B. Hoạt động của Quốc hội Lập hiến
Cho đến ngày 1-3-1967 Quốc hội Lập hiến đã tuần tự biểu quyết
chấp thuận trên 80 điều khoản trong số 135 điều của bản dự thảo Hiến pháp. Các
nét chính của chế độ chính trị tương lai của Việt Nam đã được phác họa. Tuy
nhiên hãy còn sớm để có thể phê bình vì Quốc hội còn phải biểu quyết toàn bộ lại
và hiện giờ khó tiên đoán được rằng quyền phúc nghị của Ủy ban Lãnh đạo Quốc
gia sẽ áp dụng hay không và đến mức độ nào. Và chính vấn đề này là then chốt.
Thật vậy, có thể nói rằng Quốc hội Lập hiến luôn luôn bị ám ảnh
bởi điều 20 của Sắc luật ngày 16-6-1966 ấn định tổ chức Quốc hội Lập hiến. Điều
20, đoạn 2 quy định như sau:
“Trong thời hạn ban hành, Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia
có thể yêu cầu Quốc hội phúc nghị một hay nhiều điều khoản đã được Quốc hội biểu
quyết. Nếu Quốc hội không đồng ý sửa đổi theo yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban Lãnh
đạo Quốc gia thì Quốc hội sẽ chung quyết bằng một cuộc minh danh và đích thân đầu
phiếu với đa số hai phần ba (2/3) tổng số dân biểu. Nếu đa số 2/3 trên đây
không đạt được, bản tu chính của Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia đương nhiên
coi như chung quyết.”
Quốc hội Lập hiến đã yêu cầu tu chính điều 20 này, viện hai
lí do:
1. Lí do thứ nhất: Quyền lập hiến là một quyền nguyên thủy
do quốc dân ủy thác cho Quốc hội Lập hiến. Trên nguyên tắc, với tư cách nguyên
thủ quốc gia, Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia chỉ có quyền phủ quyết một đạo
luật chớ không được sử dụng quyền này đối với một bản Hiến pháp đã được Quốc hội
Lập hiến chung quyết. Hơn nữa trong trật tự pháp lí hiện tại ấn định bởi Ước
pháp Tạm thời ngày 19-6-1965, Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia chỉ có quyền Lập pháp và
quyền Hành pháp mà thôi.
2. Lí do thứ nhì: Có lẽ khi ban hành Sắc luật, Ủy ban Lãnh đạo
Quốc gia ngại sự len lỏi của các phần tử cộng sản hoặc trung lập vào Quốc hội Lập
hiến nên dùng điều 20 phòng ngừa. Sự lo ngại rất chính đáng ấy không còn lí do
tồn tại nữa vì thành phần Quốc hội Lập hiến gồm toàn các nhân vật quốc gia chân
chính có lập trường chống cộng vững chắc.
Trên đây là hai lí do chính mà Phái đoàn Quốc hội Lập hiến
đã trình bày cùng Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia trong cuộc tiếp xúc ngày 18-11-1966.
Phản ứng của chính quyền được thể hiện qua bức thông điệp của Chủ tịch Ủy ban
Lãnh đạo Quốc gia gửi ông Chủ tịch Quốc hội Lập hiến ngày 26-12-1966.
Trong bức thông điệp, Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia
không đề cập trực tiếp đến những luận cứ của Quốc hội Lập hiến mà chỉ khẳng định
rằng:
Sự kiện mà ứng cử
viên đắc cử cũng như thất cử và đại đa số đồng bào với tỉ lệ 80% đã hăng hái
tham gia tổng tuyển cử đương nhiên chứng minh họ đã chấp nhận Sắc luật ngày
19-6-1966.
Sửa đổi Sắc luật
căn bản đã được 80% nhân dân chấp nhận cách đây chưa đầy ba tháng sẽ làm cho
chúng ta mang tiếng thất tín cùng đồng bào cử tri toàn quốc.
Vấn đề chưa giải quyết! Mặc dù đa số dân biểu đứng dậy giơ
tay “Xin thề quyết tâm bảo vệ bản Hiến pháp mà chúng ta sẽ hoàn thành” trong
phiên họp ngày 29-12-1966, cuộc tranh chấp sẽ tiếp diễn và liên quan mật thiết
đến nội dung bản Hiến pháp tương lai…
(Còn tiếp)
Nguồn: Nguyễn Văn Bông, Luật Hiến pháp và Chính trị học. In
lần thứ hai. Sài Gòn 1969. Bản điện tử do pro&contra thực hiện.
[1] Tức Hiroshima ngày 06/08/1945 (p&c)
[2] Tức Nagasaki ngày 09/08/1945 (p&c)
[3] Có lẽ đó là ngày 17/08/1945. ( p&c)
[4] Thật ra chỉ có lối 100 vị tham gia Đại hội. Và sự vắng mặt
được chú ý nhất là đại diện của Giáo hội Phật giáo Thống nhất. Chỉ trong buổi bế
mạc một nhân sĩ Phật giáo – ông Trần Quang Thuận – có đến nhưng tuyên bố không
phải là đại diện chính thức của Giáo hội Phật giáo Thống nhất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét