Tác giả: Carl Thayer (The Diplomat)
Biên dịch: Thiên Hương (Dự án Đại sự ký Biển Đông)
Thay vào đó, Trung Quốc đang từ từ đẩy trung tâm hàng hải ra khỏi khu vực Đông Nam Á.
Từ khi hình ảnh vệ tinh xác nhận rằng
Trung Quốc đang xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông vào năm ngoái, các nhà
báo, các chuyên gia an ninh và cả các quan chức chính phủ chấp nhận một
cách thiếu cân nhắc thuật ngữ vốn làm cho vấn đề còn đang tranh cãi này
trở nên càng mù mờ hơn là làm rõ nó. Không có thứ gì bị lạm dụng như
thuật ngữ “cải tạo đảo đá” này, cả trong việc sử dụng hàng ngày và ý
nghĩa pháp lý của nó.
Một bài bình luận được viết bởi học giả Trung Quốc Shen Dingli
lập luận rằng không có lệnh cấm cải tạo đảo đá nào trong luật pháp quốc
tế. Ông đưa ra ví dụ về sân bay quốc tế Kansai của Nhật Bản, thành phố
Thượng Hải, Hồng Kông và Dubai. Tuy nhiên, không ví dụ nào trong đó có
thể so sánh với những gì đang diễn ra ở Biển Đông.
Hãy nói rõ rằng Trung Quốc đang không cải
tạo đảo đá ở Biển Đông nhằm cải thiện các điều kiện trên vùng đất tại
đây – trên một hòn đảo – vốn đã bị suy thoái do tác động của môi trường
hoặc sự sử dụng của con người. Trung Quốc đang hút cát từ đáy biển và
các rạn san hô để tạo ra các hòn đảo nhân tạo. Trung Quốc tuyên bố một
cách sai lạc rằng họ đang cải tạo đảo đá trên các hòn đảo thuộc chủ
quyền của họ. Không phải như thế! Trung Quốc đang xây dựng các công
trình nhân tạo tại các bãi nửa chìm nửa nổi (các thực thể ngập trong
nước ở thuỷ triều cao) và các đá. Trung Quốc không thể tuyên bố chủ
quyền đối với các thực thể này. Các thực thể này cũng không được hưởng
các vùng biển hoặc vùng trời theo luật.
Các đảo nhân tạo có một ý nghĩa khác biệt
trong luật pháp quốc tế. Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển
(UNCLOS) chủ quyền của các đảo nhân tạo chỉ có thể được thiết lập bởi
một quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nó. Điều 56
nói rằng “Trong vùng đặc quyền kinh tế, các quốc gia ven biển có …
quyền tài phán … liên quan đến: (i) việc thiết lập và sử dụng các đảo
nhân tạo, các thiết bị và công trình…”. Điều 60 cho phép các quốc gia
ven biển “đặc quyền xây dựng … các đảo nhân tạo”. Và Điều 80 trong luật
này kéo dài đặc quyền xây dựng các đảo nhân tạo này đến thềm lục địa một
quốc gia ven biển.
Tất cả bảy thực thể mà hiện nay Trung
Quốc đang chiếm giữ và đã chuyển đổi thành các đảo nhân tạo đều là chủ
thể của vụ kiện Philippines đưa ra trước Tòa án Trọng tài của Liên Hợp
Quốc. Thông cáo và Tuyên bố yêu sách của Philippines lập luận rằng theo
UNCLOS thì bãi Vành Khăn, bãi Ken Nan, bãi Gaven và bãi Xubi đều là các
thực thể ngập nước đồng thời cả bãi Vành Khăn và bãi Ken Nan đều là một
phần của thềm lục địa Philippines. Hơn nữa, Philippines cho rằng bãi cạn
Scarborough, bãi Gạc Ma, bãi Chữ Thập và bãi Châu Viên là đá theo
UNCLOS. Tất cả các thực thể này đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế
hoặc thềm lục địa của Philippines.
Tóm lại, Trung Quốc thừa nhận các thực
thể này là đảo theo ý nghĩa pháp lý và do đó yêu sách không chỉ có chủ
quyền với các hòn đảo này mà còn với lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế,
thềm lục địa và vùng trời phía trên chúng. Philippines cho rằng các thực
thể này là các bãi ngầm, rạn san hô và bãi nửa chìm nửa nổi ngập nước
không đủ điều kiện là đảo theo UNCLOS nhưng là một phần của thềm lục địa
Philippines, hoặc thuộc đáy biển quốc tế.
Vấn đề xây dựng đảo nhân tạo của Trung
Quốc đã bị làm mù mờ đi bởi ba vấn đề khác. Vấn đề đầu tiên liên quan
đến nỗ lực của Trung Quốc để thực thi quyền tài phán của mình trên vùng
nước rộng mười hai hải lý xung quanh các đảo nhân tạo này và không phận
trên các thực thể này. Luật pháp Trung Quốc đòi hỏi việc đưa ra các
đường cơ sở trước khi khẳng định về quyền tài phán trên các vùng biển.
Với trường hợp ngoại lệ là quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đã không đưa ra
bất kỳ đường cơ sở nào trên các thực thể mà họ đã chiếm giữ.
Cần lưu ý rằng tất cả các đảo nhân tạo
của Trung Quốc đều nằm gần các thực thể mà Việt Nam đang chiếm giữ. Nếu
những thực thể này được hưởng một vùng lãnh hải mười hai hải lý thì vùng
lãnh hải của Trung Quốc sẽ chồng lên một vùng lãnh hải tương tự được
đưa ra yêu sách bởi Việt Nam. Điểm mấu chốt là tất cả các thực thể này
đang tranh chấp và các bên tham gia ký kết UNCLOS được lệnh cấm không
được tiến hành bất kỳ hành động nào làm thay đổi hiện trạng.
Việc Trung Quốc đòi
quyền chủ quyền trong trường hợp này là một hình thức của việc đánh tráo
khái niệm pháp lý, trong đó Trung Quốc chuyển đổi các thực thể và đá
ngập nước thành các đảo hình thành tự nhiên.
Trung Quốc đã nhiều lần ngăn chặn các máy
bay quân sự của Philippines và Mỹ bằng việc buộc họ rời khỏi khu vực mà
các quan chức quân đội Trung Quốc gọi là “khu vực cảnh báo quân sự”
hoặc “khu vực an ninh quân sự”. Nếu các thông tin trên các phương tiện
truyền thông về việc các tàu chiến Mỹ đã kiềm chế trước việc xâm phạm
khu vực mười hai hải lý quanh các đảo nhân tạo và máy bay quân sự của Mỹ
đã không trực tiếp vượt qua các thực thể này là chính xác thì sự đánh
tráo khái niệm pháp lý của Trung Quốc đã thành công.
Vấn đề thứ hai liên quan đến sự tương
đương giữa hành động TQ gọi là “cải tạo đảo đá” với những nỗ lực tương
tự của VN, Malaysia và Philippines. TQ lập luận rằng các bên tranh chấp
khác đã thay đổi nguyên trạng từ rất lâu và Trung Quốc chỉ đang cố gắng
bắt kịp. Câu hỏi quan trọng là những hoạt động nào đã được thực hiện từ
năm 2002 và với mục đích gì?
Philippines đã tiến hành cải tạo đảo ở
Palawan. Palawan là một thực thể hình thành tự nhiên và đủ điều kiện để
được công nhận như là một hòn đảo theo luật pháp quốc tế. Philippines có
chủ quyền trên đảo Palawan và do đó họ có thể cải tạo đảo một cách hợp
pháp với bất cứ mục đích nào.
Trường hợp của Việt Nam lại khác. Hình
ảnh vệ tinh của đảo Sơn Ca và đảo Đá Tây do Việt Nam chiếm giữ, được
công bố bởi Sáng kiến Hàng hải minh bạch châu Á (AMTI), chỉ ra rằng từ
năm 2010 Việt Nam đã mở rộng các thực thể này thêm 21.000 và 65.000 mét
vuông. Liệu kích thước có phải là vấn đề? Các nhà báo, nhà bình luận
học thuật và các quan chức chính phủ nhanh chóng đưa ra nhận xét rằng
phạm vi và quy mô của việc xây dựng của Trung Quốc đã làm cho hành động
tương tự các bên tranh chấp khác trở nên nhỏ bé hơn. Hành động gọi là
cải tạo đảo đá của Việt Nam chỉ bằng 1,9% diện tích mà Trung Quốc đã xây
dựng.
Không ai trong số các nhà bình luận trên,
bao gồm cả AMTI, đưa “cải tạo đảo đá” ở Biển Đông vào một bối cảnh phù
hợp. Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter kêu gọi Việt Nam dừng việc “cải
tạo đảo đá” là sai lầm. Vấn đề cần quan tâm ở đây không phải là quy mô
của các công trình nhân tạo mà là mục đích đằng sau việc xây dựng này.
Trung Quốc và tất cả các bên tranh chấp khác vào tháng Mười năm 2002 đều
đã ký vào Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) vốn
không có tính ràng buộc.
Theo DOC, các bên tham gia ký kết đồng ý
“thực hiện việc kiềm chế trong khi tiến hành các hoạt động có thể làm
phức tạp hoặc gia tăng tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định
…” Rõ ràng là việc cải tạo đảo đá được thực hiện bởi Philippines hoặc
việc mở rộng đảo được thực hiện bởi Việt Nam không đạt đến mức làm phức
tạp hoặc leo thang tranh chấp cũng như ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định
ở Biển Đông.
Tuy nhiên, hành động của TQ lại làm phức
tạp các tranh chấp. Việc xây dựng đảo nhân tạo của TQ trực tiếp phá vỡ
UNCLOS và đại diện cho một động thái phủ đầu chống lại mọi quyết định
của Tòa án trọng tài.TQ đã thay đổi “bằng chứng hiện trường” và đưa ra
trước khu vực một việc đã rồi. Trung Quốc đã ngăn chặn tự do hàng hải và
việc đi ngang qua của các tàu hải quân và máy bay cũng như các ngư dân
trong khu vực. Ví dụ cụ thể là hiện nay có những thông tin cho rằng một
tàu chiến Trung Quốc bắn vào ngư dân Philippines ở gần một trong các đảo
nhân tạo của Trung Quốc.
Hoạt động xây dựng của Trung Quốc đã ảnh
hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực vì các tuyên bố lặp đi lặp
lại của Trung Quốc rằng những hòn đảo nhân tạo sẽ phục vụ mục đích quốc
phòng. Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố mình có quyền đơn phương tuyên
bố và thiết lập một Vùng nhận dạng phòng không tại biển Đông. Một nhà
bình luận Trung Quốc đã đi quá xa khi nói rằng Trung Quốc nên đối đầu
với máy bay quân sự Úc bay qua vùng trời phía trên các đảo nhân tạo của
Trung Quốc và nếu cần thiết thì bắn hạ chúng.
Trung Quốc được cho là đã chấm dứt “cải
tạo đảo đá” trên bốn trong số các thực thể và chuyển sang củng cố sự
hiện diện của họ bằng cách xây dựng cầu tàu, bến cảng và các tòa nhà cao
tầng. Việc xây dựng một đường băng dài 3110 mét trên bãi Chữ Thập cùng
với các thông tin rằng một đường băng tương tự sẽ được xây dựng tại bãi
Xubi để cung cấp cơ sở hạ tầng hỗ trợ việc triển khai tất cả các loại
máy bay quân sự Trung Quốc hiện có. Trung Quốc có thể đột ngột và trong
thời gian ngắn chuyển đổi các cơ sở có bề ngoài là dân sự và khoa học
thành các căn cứ tiền tiêu cho các hoạt động quân sự.
Vấn đề thứ ba liên quan đến các tác động
lên môi trường biển của các hoạt động xây dựng của Trung Quốc. Là một
bên tham gia ký kết UNCLOS, Trung Quốc đang bị ràng buộc phải bảo vệ môi
trường biển. Các quan chức Trung Quốc nhiều lần tuyên bố rằng họ đã cân
nhắc các tác động lên môi trường của hoạt động xây dựng của họ và không
có mối nguy hại đang hiện hữu. Khẳng định của Trung Quốc đang bị thách
thức bởi các quan chức Philippines cũng như các nhà khoa học biển. Hình
ảnh vệ tinh cho thấy rõ dấu nạo vét trên các rạn san hô liền kề với nơi
Trung Quốc đang xây dựng các đảo nhân tạo.
Không, Trung Quốc đang không cải tạo đảo
đá. Trung Quốc đang xây dựng các căn cứ tiền tiêu trên các đảo nhân tạo
cho đội tàu đánh cá, các tàu thăm dò dầu và khí đốt và các tàu hải giám
của họ. Khi Trung Quốc hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm
các radar tầm xa, thì sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian cho việc máy bay
quân sự và tàu chiến hải quân của họ xuất hiện. Tóm lại, Trung Quốc đã
thành công trong việc đánh tráo khái niệm pháp lý bằng cách chuyển đổi
UNCLOS thành “luật quốc tế với đặc tính Trung Quốc”. Tiến triển này sẽ
thúc đẩy sự khẳng định của Trung Quốc về “chủ quyền không thể tranh cãi”
trên Biển Đông. Như tôi đã nói ở các bài báo khác, Trung Quốc đang từ
từ và cố ý đẩy trung tâm hàng hải ra khỏi khu vực Đông Nam Á.
https://daisukybiendong.wordpress.com/2015/06/10/trung-quoc-khong-cai-tao-dao-da-o-bien-dong/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét