Nguyễn Thị Từ Huy
Một người bạn thân của
tôi nói rằng hiện nay tư liệu về Hồ Chí Minh rất nhiều nên việc giải thiêng
không còn cần thiết nữa. Theo tôi, người bạn này sống chủ yếu ở Mỹ nên mới nói
như vậy. Bởi vì, một người bạn khác, là giảng viên đại học ở Việt Nam, cho biết
rằng sinh viên đang hào hứng tham gia cuộc thi tìm hiểu chủ nghĩa Mác-Lê nin.
Dĩ nhiên là tìm hiểu theo định hướng của đảng. Đồng thời, cá nhân tôi, khi tìm
thông tin trên mạng thì thấy phong trào học tập tư tưởng Hồ Chí Minh hiện đang
được thực hiện một cách rầm rộ ở các trường đại học khắp cả nước, từ Bắc chí
Nam.
Tư liệu về Hồ Chí
Minh nhiều, nhưng ở Việt Nam, sách lịch sử chính thống và báo chí chính thống
chỉ cho phép công bố và truyền bá những tư liệu được phép của Ban Tuyên giáo.
Hãy hình dung rằng cả thế giới biết việc Marx có con riêng, nhưng báo chính thống
Việt Nam không thể đăng thông tin đó. Marx hay Hồ Chí Minh đều bị kiểm duyệt, nếu
các thông tin làm ảnh hưởng tới cái gọi là « tư tưởng Marx-Lê nin » và « tư tưởng
Hồ Chí Minh » mà đảng đã và đang tuyên truyền. Môn lịch sử, cũng như mọi môn
khoa học xã hội khác, được dùng làm công cụ tuyên truyền trong các chế độ toàn
trị cộng sản. Thậm chí, cách vận hành của hệ thống toàn trị khiến cho bản thân
lịch sử cũng biến mất. Đến mức Václav Havel nói rằng trong chế độ toàn trị «
không có lịch sử ».
Sẽ rất nhầm lẫn nếu
cho rằng người dân Việt Nam hiện nay đã hiểu rõ chế độ của mình. Đáng tiếc, sự
thật là, chỉ có một số rất ít người nhìn thấy bản chất của chế độ.
Đấy là lý do khiến những
người đấu tranh cho dân chủ ở trong nước nghĩ rằng cần phải đi con đường khai
minh, thông qua giáo dục. Tuy nhiên, bế tắc là ở chỗ, một khi trường học bị biến
thành công cụ tuyên truyền của chính quyền, với sự hỗ trợ các tổ chức đảng, của
bộ máy an ninh mật, an ninh văn hóa và cảnh sát, thì việc khai minh qua con đường
giáo dục trên thực tế sẽ bị cản trở, thậm chí không thể tiến hành được. Hoặc nếu
thực hiện được thì cũng chỉ nửa vời, bởi bản thân sự hợp tác, trong xã hội toàn
trị, đã bao hàm trong nó sự thỏa hiệp. Nan đề là ở chỗ : sự thỏa hiệp không cho
phép thực hiện được mục đích giáo dục khai minh và giáo dục tự do. Liệu có thể
giải quyết được nan đề, vừa thỏa hiệp với quyền lực toàn trị vừa thực hiện được
một nền giáo dục đích thực ?
Một trong những con
đường có thể có hiệu quả hiện nay là truyền thông tự do trên mạng (trong đối lập
với truyền thông tuyên truyền chính thống). Đại lộ thông tin internet là không
gian mà những người muốn tiến hành các chương trình khai minh, nâng cao dân
trí, chấn hưng dân khí cần sử dụng. Ngoài ra, mọi con đường đều dẫn tới thành
Rome. Câu hỏi có lẽ là: bao giờ những người hiện đang đi trên những con đường
khác nhau có thể kết nối lại với nhau?
Những người muốn xây
dựng Việt Nam thành một quốc gia độc lập, phát triển về kinh tế, khoa học, văn
hóa, muốn xây dựng một xã hội dân chủ tại Việt Nam, cần đối diện với khó khăn
to lớn này : việc bưng bít thông tin, truyền thông tuyên truyền một chiều,
chính sách ngu dân… được thực hiện nhiều thập kỷ nay đã mang lại hậu quả ghê gớm
đối với các thế hệ người Việt. Hậu quả đó chính là những bộ não bị đúc khuôn, bị
tẩy trắng, mất khả năng tư duy, sẵn sàng tin vào những gì được tuyên truyền mà
không hề hoài nghi, không hề đặt câu hỏi. Và mặt khác của vấn đề là ở chỗ những
bộ óc như vậy lại tin rằng mình nắm giữ chân lý, rằng những ai khác mình đều là
lạc hậu, phản động…
Trong bối cảnh đó,
xin giới thiệu lại cùng quý độc giả hai bức thư của Hồ Chí Minh gửi Stalin vào
tháng 10 năm 1952 về vấn đề cải cách ruộng đất. Nội dung của chúng xác nhận rằng
Hồ Chí Minh là người thiết kế chương trình cải cách ruộng đất tại Việt Nam, dưới
áp lực của Liên Xô và Trung Quốc. Hai bức thư này đã được một số người dịch và
phân tích trên một số website và blog. Ở đây tôi sử dụng bản dịch tiếng Pháp,
được giới thiệu trong công trình khảo cứu lịch sử « Le communiste vietnamien
(1919-1991) » của nhà nghiên cứu Céline Marangé, in năm 2012, tại Paris. Đồng
thời tôi cũng dịch một đoạn phân tích của Tiến sĩ Khoa học chính trị Céline
Marangé về bối cảnh lịch sử của hai bức thư này, và một đoạn ngắn khác bình luận
về tính chất phức tạp của các nhân vật lịch sử và các sự kiện lịch sử Việt Nam.
(Nguyễn Thị Từ Huy)
I. Phân tích của
Céline Marangé về bối cảnh lịch sử của hai bức thư:
Đầu những năm 1950,
điện Kremlin vẫn còn rất thận trọng đối với cuộc chiến tranh Đông Dương và nhân
vật Hồ Chí Minh. Kremlin chỉ ủng hộ đề nghị gia nhập Liên Hợp Quốc do nước Việt
Nam Dân chủ Cộng Hoà đệ trình ngày 29/12/1959, khi mà 9 tháng sau, Pháp cũng
đưa ra một đề nghị tương tự cho « Nước Việt Nam của Bảo Đại » và cho các vương
quốc Lào và Campuchia. Tương tự như vậy, khi mà tất cả các đại diện của các đảng
cộng sản nước ngoài đã được mời đến dự đại hội lần thứ XIX của đảng cộng sản
Liên Xô, Hồ Chí Minh buộc phải viết thư cho Stalin để được mời tham dự. Ngày 30
tháng 9 năm 1952, Hồ Chí Minh gửi cho Stalin một bức điện tín từ Bắc Kinh để
xin ông ta cho phép được bí mật tới Moscou. Ngày 2 tháng 10 Stalin cho phép Hồ
Chí Minh tới tham dự với hình thức « không chính thức ». Trong thư trả lời
Stalin, gửi ngày 17 tháng 10, Hồ Chí Minh đề nghị Stalin cho Liu Shao-qi (Lưu
Thiếu Kỳ, Chủ tịch nuớc CHND Trung Hoa) tham dự vào những thảo luận về Việt
Nam. Ba người đó gặp nhau tại Moscou ngày 28 tháng 10 năm 1952. Trước cuộc họp,
Liu Shao-qi đã đề nghị Stalin phải nài Hồ Chí Minh để ông ta tiến hành cải cách
ruộng đất tại Việt Nam. Hồ Chí Minh lúc đó muốn dừng lại ở việc giảm tiền lĩnh
canh. Nhưng khi Stalin yêu cầu ông ta thực hiện một cuộc cải cách ruộng đất
theo mô hình cải cách ruộng đất ở Trung Quốc, Hồ Chí Minh đã chịu thuận theo ý
muốn của Stalin. Hai ngày sau, ông viết cho Stalin đề nghị gửi tới Việt Nam hai
cố vấn Xô Viết, ưu tiên người nói tiếng Pháp, và đề nghị nhận các sinh viên Việt
Nam đến đào tạo tại Moscou, và đặc biệt là cung cấp các vũ khí hiện đại. Hôm
sau, ngày 31 tháng 10, Hồ Chí Minh chuẩn y một chương trình cải cách ruộng đất,
đã được hiệu chỉnh với sự hỗ trợ của Liu Shao-qi và Wang Jiaxiang, đại sứ đầu
tiên của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Liên Xô (1949-1951). Trước khi rời khỏi
Moscou, Hồ Chí Minh viết một lá thư cảm ơn Stalin, trong đó một lần nữa ông hứa
với Stalin sẽ dành tâm lực vào cuộc cải cách ruộng đất. Những bức thư này mang
lại cảm giác rằng Hồ Chí Minh đã chấp nhận tiến hành cải cách ruộng đất để có
được vũ khí với số lượng lớn và để tạ lỗi với Stalin, cho đến lúc đó vẫn tiếp tục
dè chừng Hồ Chí Minh. Tháng 12, Stalin tuyên bố với Liu Shao-qi và đại sứ Trung
Quốc rằng ông ta « về phần mình, đánh giá Hồ Chí Minh là một người tốt, dù ban
đầu thì không tốt ». Khi trở về Việt Nam, Hồ Chí Minh đề nghị Mao Trạch Đông
cung cấp các chuyên gia về cải cách ruộng đất và cung cấp các ý tưởng. Ban bí
thư trung ương của đảng cộng sản Trung Quốc gửi sang Wang Li, người đảm nhiệm
chức vụ « cố vấn tinh thần và ý thức hệ », đồng thời, về sau, đó là một trong
những người chỉ huy Cách mạng văn hóa Trung Quốc, trước khi bị bắt vì tội «
khuynh tả cực đoan », vào năm 1967. Để đến phụ giúp cho Việt Nam, Wang Li có
thêm Qiao Xiaoguang, một chuyên gia về cải cách ruộng đất, người đã lãnh đạo đảng
cộng sản Trung Quốc vùng Quảng Tây. Ngày 2 tháng 3 năm 1953, tức là ba ngày trước
khi Stalin chết, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua một nghị định
về việc phân loại bộ phận dân cư ở nông thôn, nghị định này được dùng làm cơ sở
pháp lý cho cải cách ruộng đất và cho « tòa án giai cấp ».
(Trích từ cuốn « Le
communiste vietnamien (1919-1991) », Céline Marangé, Paris, SciencePo/Les
Presses, 2012, tr. 193-195)
II. Hai bức thư của Hồ
Chí Minh gửi Stalin
Thư thứ nhất
Đồng chí I.V. Stalin
thân mến
Tôi đã bắt đầu soạn
thảo dự án chương trình cải cách ruộng đất của Đảng Lao động Việt Nam, và sẽ
nhanh chóng trình bày với đồng chí.
Tôi gửi tới đồng chí
cùng một số yêu cầu sau đây, và hy vọng sẽ nhận được chỉ thị của đồng chí về những
vấn đề này.
1. Cử một hoặc 2 đồng
chí Liên Xô tới Việt Nam để tìm hiểu và nghiên cứu thực trạng tại chỗ. Nếu như
các đồng chí đó biết tiếng Pháp, họ có thể thể giao tiếp với một tầng lớp rộng
rãi. Mất khoảng mười ngày để đi từ Bắc Kinh tới chỗ chúng tôi.
2. Chúng tôi muốn gửi
50-100 học sinh sang Liên Xô học tập, họ đã có trình độ văn hóa lớp 9 ở Việt
Nam, một vài ngườ trong số họ là đảng viên và những người khác chưa phải là đảng
viên, độ tuổi của họ từ 17-22. Đồng chí có nhất trí về vấn đề này không?
3. Chúng tôi muốn nhận
từ các đồng chí 10 tấn thuốc kí ninh (thuốc chống sốt rét) cho quân đội và dân
thường, có nghĩa là cứ nửa năm nhận 5 tấn.
4. Chúng tôi cần những
loại vũ khí sau đây :
a) Pháo binh phòng
không 37 li cho 4 trung đoàn, tổng số là 144 khẩu và 10 cơ số đạn cho mỗi khẩu
pháo.
b) Pháo trận địa 76,2
li cho 2 trung đoàn, tổng số là 72 khẩu và 10 cơ số đạn cho mỗi khẩu.
c) Súng máy phòng
không 12,7 li cho hai trung đoàn, tổng số là 200 khẩu và 10 cơ số đạn cho mỗi
khẩu.
Sau khi nhận chỉ thị
của đồng chí về những vấn đề trên, tôi dự định sẽ rời khỏi Moscou vào ngày 8 hoặc
ngày 9 tháng 11 [1952].
Gửi tới đồng chí lời
chào cộng sản và những lời chúc tốt đẹp nhất !
Hồ Chí Minh
30-10-1952
2. Thư thứ hai
Đồng chí I.V. Stalin
thân mến
Tôi gửi đồng chí
chương trình cải cách ruộng đất của Đảng lao động Việt Nam. Dự án chương trình
do tôi soạn thảo, với sự hỗ trợ của đồng chí Liu Shao-qi và [đại sứ Cộng hòa
Nhân dân Trung Hoa tại Liên Xô từ 1949-1951 Wang Jiaxang].
Mong đồng chí xem xét
và cho chỉ thị về vấn đề này.
Gửi đồng chí lời chào
cộng sản.
Hồ Chí Minh
31/10/1952
(Phụ lục 4, Le
communiste vietnamien (1919-1991) , Céline Marangé, Paris, SciencePo/Les
Presses, 2012, tr. 534-535)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét