Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

NGƯỜI ĐI BỘ XUYÊN VIỆT MANG SÁCH CHO TRẺ EM NGHÈO

 

Nhất Anh
 
Giữa bức tranh màu xám của thái độ thờ ơ, hờ hững trong xã hội Việt Nam, đâu đó có những tia sáng le lói của những người trẻ tuổi dành nhiệt huyết của mình cho một Việt Nam văn minh và tri thức.

Một trong số đó là anh Nguyễn Quang Thạch, người được truyền thông tại Việt Nam gọi là “ăn mày sách,” đã bỏ ra 18 năm đi nghiên cứu và vận động mọi người “sách hoá nông thôn”, đem sách, đem tri thức đến với trẻ em vùng quê.

Chúng tôi trò chuyện qua điện thoại với anh Nguyễn Quang Thạch trong một buổi chiều Thứ Sáu từ toà soạn, khi anh đang ở Ninh Thuận, chuẩn bị một ngày mới tiếp tục cuộc hành trình đi bộ xuyên Việt từ Hà Nội vào Sài Gòn. Mặc dù câu chuyện đôi lúc bị ngắt quãng giữa chừng do kết nối đường dài từ Mỹ về Việt Nam, song câu chuyện của anh đầy ắp những hoài bão và khát khao cho một thế hệ trẻ Việt Nam được nuôi dưỡng bằng tri thức.

Chân dung của anh Nguyễn Quang Thạch- người được truyền thông Việt Nam gọi bằng cái tên "kẻ ăn mày sách". (Ảnh: Facebook của anh Nguyễn Quang Thạch).

Nguyễn Quang Thạch sinh trưởng trong một gia đình tri thức ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Từ nhỏ, tâm hồn của cậu bé Thạch đã được nuôi dưỡng hàng ngày qua năm tháng bằng những cuốn sách khác nhau trên kệ tủ ở nhà. Có ông nội với mong muốn khai trí, gieo vào lòng con cháu sự tử tế và khát vọng thay đổi xã hội vì đất nước, có người cha dạy toán miễn phí hai mươi năm cho các trẻ em ở quê, có chú là nhà văn Nguyễn Quang Thân- tác giả của tác phẩm “Vũ điệu cái bô” hay “Ngoài khơi miền đất hứa”, cậu bé Thạch đã được dạy dỗ qua những dòng thơ, câu chữ và qua tấm lòng bao dung, rộng mở với cộng đồng và thế giới.

“Trước những năm 40, em ông nội tôi đã lấy đất xây trường học cho người nghèo. Bác tôi từng là sĩ quan quân đội, nhà có hơn 4,000 đầu sách. Tuổi thơ của tôi đắm chìm vào trong thế giới sách, đọc hết cuốn này đến cuốn khác. Tôi thấy mình rất may mắn khi nhiều người trong dòng họ đều là người tri thức, được ăn học đàng hoàng. Họ dạy cho tôi rất nhiều lời hay lẽ phải và hình thành cho tôi thói quen đọc sách từ rất sớm,” anh Thạch chia sẻ. 

Năm 1997, khi đang là sinh viên của trường Đại Học Sư Phạm Vinh ở thành phố Vinh, cậu bé Thạch ngày nào nay đã trở thành một thanh niên với nhiều trăn trở làm cách nào để giúp ích và thay đổi cho đất nước, cho xã hội. Năm 22 tuổi, anh đặt mục tiêu cho mình trở thành một “nhà cách mạng thư viện”, đem tri thức đến cho mọi trẻ em mọi miền đất Việt. Anh muốn thay đổi hệ thống thư viện Việt Nam thành một hệ thống dân sự, mà nôm na theo tiếng Anh, anh nói là “civil library system”- thư viện sách rộng mở cho tất cả mọi người tiếp cận.

* Để sách không còn là 'xa xỉ'

“Sách vốn dĩ là một người bạn đồng hành trong cuộc sống của mỗi người, đặc biệt là ở các trẻ em phương Tây. Tuy nhiên, đối với trẻ em ở vùng nông thôn Việt Nam, sách là thứ xa xỉ mà có lẽ các em không bao giờ có điều kiện tiếp xúc và tìm đọc ngoại trừ sách giáo khoa”, anh Thạch trăn trở.
Để biến mục tiêu của mình thành hiện thực, Thạch bắt đầu xin đi làm thủ thư cho thư viện của khoa Ngoại Ngữ trường Đại Học Sư Phạm Vinh. Với công việc thủ thư này, anh có thể quan sát, nghiên cứu và ghi chép được hành vi đọc của sinh viên.

Và anh nhận ra rằng: “Những người sinh viên sinh sống ở vùng nông thôn đến thư viện chỉ với mục đích tìm tài liệu, lấy các con số, thông tin để nuôi các con điểm cho tốt hơn. Sau khi kết thúc một bài tập, bài luận, họ hoàn toàn biến mất, không còn xuất hiện ở thư viện nữa. Nhưng đối với một số người sinh ra ở thành phố, người ta đến thư viện với niềm đam mê tìm hiểu kiến thức ở độ sâu, có người khi gần 12 giờ đêm mới chịu rời thư viện”.

Năm 1999, sau khi tốt nghiệp đại học, Thạch từng nghĩ mình sẽ bắt đầu đi làm, kiếm thật nhiều tiền trước rồi mới tính đến chuyện đi theo mục tiêu “khai sáng” của mình. Thế mà sau đó anh lại quyết định bỏ công việc cao hơn, đến thành phố Vũng Tàu xin làm ở công ty giày, mà theo anh, để anh có thời gian và cơ hội tìm hiểu đời sống của các công nhân.

“Vì sao tôi lại quyết định như thế? Vì những điều mình ấp ủ, lo toan thì cần bắt tay làm ngay, không thể đợi đến khi có tiền hay có thời gian rồi từ từ quên lãng nó”, anh Thạch bộc bạch.

“Tôi đến làm việc tại hãng giày với mong muốn được tiếp xúc với các công nhân, tìm hiểu về cách sống, cách suy nghĩ và thói quen của họ. Và tôi nhận ra rằng, vì những người công nhân đều xuất phát từ nông dân, họ thì chẳng bao giờ có thói quen đọc sách cả. Đọc sách đối với họ là điều gì đó rất xa vời” anh Thạch trả lời khi tôi hỏi vì sao anh lại chọn đi làm ở xí nghiệp giày.

Sau một thời gian làm việc ở hãng giày, năm 2000, Thạch xin được công việc ở Bộ Giao Thông Vận Tải tại thành phố Vinh. Trong giai đoạn này, anh bắt đầu nghiên cứu được nhiều hơn các tính chất, thói quen văn hoá vùng miền cũng như khảo sát các câu chuyện khác nhau. Một trong số đó là những câu chuyện với các cô gái “bán hoa”; anh dành thời gian trò chuyện và tìm hiểu về họ.

Anh cũng nhận ra điều tương tự như ở những người công nhân; các cô gái không có ăn học, không được tiếp cận với nền kiến thức từ sách; họ không được nuôi dưỡng tinh thần qua những trang sách về tình thương, lòng tử tế hay vị tha. Rồi anh bâng quơ suy nghĩ “giá như các cô được đọc sách từ nhỏ, được nuôi dưỡng tâm hồn qua sách, thì có lẽ, các cô cũng sẽ không chọn nghề này làm nghiệp của mình”.

* Muốn có một tương lai tri thức đầy đủ

Năm 2003, sau một chuyến công tác trở về từ Nhật Bản, được nhìn thấy tận mắt sự phát triển về nền giáo dục tiên tiến, sự thôi thúc trong anh Thạch xây dựng một nền tảng kiến thức cho người dân một lúc một tăng. Anh khát khao được thay đổi đất nước, thay đổi một tương lai tri thức đầy đủ.

Anh Thạch trong một lần vận động sách hoá nông thôn. (Ảnh: Facebook của anh Nguyễn Quang Thạch).

Năm 2007, sau nhiều năm nghiên cứu và khảo sát, nhận thấy dòng họ đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống cộng đồng của người Việt Nam khi mà có biết bao dòng tộc đã xây dựng các cổng làng hay các ngôi mộ bề thế, anh Thạch tự bỏ tiền túi bắt đầu mô hình tủ sách dòng họ ở quê anh, tỉnh Hà Tĩnh. Mô hình được hoạt động dựa vào kết cấu dân sự và khuyến học để tự làm tủ sách và đóng góp sách cho gia đình và dòng tộc. Từ Hà Tĩnh, mô hình tủ sách dòng họ được nhiều dòng họ ủng hộ và lan rộng ra ở các khu vực khác. Năm 2010, đã có hơn 48 tủ sách dòng họ được thành lập ra ở trên 14 tỉnh Việt Nam.

Cùng năm đó, Thạch giới thiệu mô hình tủ sách phụ huynh với mục đích tập hợp các cha mẹ đóng góp xây dựng tủ sách và đặt ngay trong lớp học của con trẻ. Theo anh, khi đặt tủ sách vào trong lớp học, tần suất trẻ con tiếp xúc bằng mắt với sách cao hơn; sách càng gần trẻ em bao nhiêu thì sự kích thích đọc sách càng cao bấy nhiêu.

Cũng trong năm 2010, Thạch bắt đầu cuộc hành trình xuyên Việt từ Hà Nội ra Sài Gòn của mình bằng xe máy trong hai mươi ngày với hy vọng mở rộng tủ sách dòng họ và tủ sách nông thôn đến với nhiều người Việt hơn nữa.

“Tôi mong muốn chuyến đi của tôi có thể tạo hiệu ứng lớn trong cộng đồng, để những người tri thức khác đóng góp công sức của mình trong việc giảm thiểu vấn đề thiếu sách ở vùng nông thôn. Tôi muốn truyền tải thông điệp đến với mọi người, hãy cùng có trách nhiệm chia sẻ thông tin và tri thức của mình đến với dòng họ của mình ở quê”, anh Thạch bày tỏ. 

Tiếp sau tủ sách dòng họ và tủ sách phụ huynh, anh Thạch tiếp tục xây dựng tủ sách giáo xứ được đặt trong các nhà thờ để các cộng đồng trong giáo xứ có thể duy trì và phát triển tủ sách.

 * Đi bộ xuyên Việt vì sách


  Đầu năm 2015, Thạch lại chuẩn bị cho mình một chuyến đi xuyên Việt khác. Lần này, không phải đi xe gắn máy mà là đi bộ. Với anh, chuyến đi này là nỗ lực của anh trong việc kêu gọi hơn 500 ngàn người Việt Nam đóng góp 240,000 ngàn đồng mỗi năm một người cho chương trình sách hoá nông thôn, đem sách về cho các trẻ em vùng sâu vùng xa.

 Anh bắt đầu cuộc hành trình đi bộ xuyên Việt của mình vào ngày mùng 1 Tết (ngày 19 tháng 2 năm 2015)- cái ngày mà lẽ ra anh phải sum vầy với gia đình và tận hưởng ngày nghỉ Tết đầu năm. 

Nhưng Thạch lại chọn đi ngày đó, bởi anh muốn bản thân mình cũng như với tất cả người Việt biết rằng đất nước mình còn nghèo, thua kém rất nhiều quốc gia khác. Anh đi để nhắc nhở rằng trong khoảnh khắc niềm vui năm mới là thực tại xã hội đáng buồn. Anh đi để xoá tan cái thực tại đó, để nó từ từ biến mất đi.

Một ngày anh Thạch đi bộ khoảng 20 kilomet. Trong suốt dọc đường đi, anh ghé ngang các trường học, các nhà thờ, ngôi chùa hay các nhà dân để phỏng vấn các học sinh và người địa phương. Các cuộc phỏng vấn đã đưa ra cho anh kết luận rằng đa số các trẻ em anh hỏi chuyện dọc đường hầu như không đọc sách báo nào khác ngoài sách giáo khoa hoặc các quyển truyện tranh.

“Các em không hề đọc các truyện mang tính chất nhân văn như “Túp lều bác Tom”, “Không gia đình”, hay các câu chuyện cổ tích của Andesen. Các trường tôi đi tới hiếm có trường nào có sách để học sinh đọc, hoặc thư viện của trường đều không cho đem sách về nhà để đọc”, anh kể, “điều này lại càng làm tôi muốn hành động vì một sự bình đẳng tiếp cận tri thức giữa nông thôn và thành thị”.

Tôi hỏi anh Thạch có gặp trở ngại nào trong suốt cuộc hành trình của mình không, anh trả lời chính quyền không gây trở ngại gì cho anh, đi đến đâu, người ta cũng lắng nghe anh, cũng chăm chú ý đến kế hoạch sách hoá nông thôn mà anh đang làm. Nhưng có một trở ngại lớn nhất cho anh là sức khoẻ.

“Năm 1996, sau một cuộc phẫu thuật bong võng mạc không thành công, một con mắt của tôi đã bị hỏng hoàn toàn. Điều này gây khó khăn cho tôi trong lúc đi bộ, vì đôi lúc có cảm giác con mắt còn lại của mình cũng muốn mờ đi theo vì tầm nhìn hạn chế. Nhiều lúc bụi đường bay vào mắt làm rát con mắt không thể chịu nổi, cứ tưởng muốn bung luôn con mắt còn lại. Ngoài ra, có lần tôi bị ngộ độc thức ăn, phải nằm tạm ở nhà dân mất một ngày”.

“Tuy vậy, tôi vẫn phải đi, không thể vì thế mà bỏ giữa chừng. Tôi không biết sau này con mắt còn lại của mình có còn thể thấy đường được hay không, nên vậy, tôi muốn hoàn thành sứ mệnh xuyên Việt này, để đem tủ sách đến tay cho các em, để các em có điều kiện được đọc, được nuôi dưỡng tinh thần”.

“Tôi từng nghĩ đến chuyện sau này mình bị mù, sẽ chuyển sang công việc dạy học, hay đi làm nghề massage để có tiền nguyên góp và tiếp tục chương trình sách hoá nông thôn”, anh Thạch tâm sự, giọng nói trong anh là sự quyết tâm mà không ai có thể ngăn cản. 

Ngay cả khi đã kết thúc hành trình này, Nguyễn Quang Thạch vẫn chưa có ý định dừng lại.

Thạch cho hay, anh sẽ tiếp tục vận động người dân Việt Nam và cả những đồng bào sinh sống ở hải ngoại ủng hộ các chương trình tủ sách dòng họ và tủ sách phụ huynh, đem càng nhiều sách đến tay các trẻ em nông thôn Việt Nam. 

"Tôi mong muốn tất cả mọi người Việt cùng chung tay với tôi xây dựng, chứ nếu chỉ có một mình ông Thạch, thì dù có nỗ lực cấp mấy thì cả đời cũng chưa hoàn thành”, anh Thạch bày tỏ khi được hỏi có dự định tiếp theo sau khi kết thúc cuộc hành trình xuyên Việt này.

“Ngoài ra, sau cuộc đi bộ này, nếu điều kiện cho phép, tôi sẽ sang Ấn Độ, làm một cuộc đi bộ khoảng 500 đến 700 kilomet khác để phát động chương trình tủ sách phụ huynh, thúc đẩy các trẻ em nghèo ở Ấn Độ có sách đọc”, anh nói.

Sau khi gác điện thoại kết thúc buổi trò chuyện, chúng tôi chợt tưởng tượng ra một buổi sáng sớm ở đâu đó trên đường, có một người đàn ông đeo kính, vác chiếc ba lô trên lưng, đang kiên nhẫn đi bộ về phía trước, về nơi mà ở đó ánh sáng tri thức luôn hiện diện trong đời sống.

Truyền thông Việt Nam gọi anh bằng cái tên “kẻ ăn mày sách,” khi anh đã dành ra 18 năm đi tìm kiếm, vận động quyên góp sách cho các trẻ em vùng sâu vùng xa.

Còn tôi, chúng tôi muốn gọi anh là “người đàn ông khai sáng” vì một khát khao cháy bỏng đến với từng trẻ em và cao cả hơn, là một khát vọng thay đổi cộng đồng, thay đổi tương lai vì người Việt Nam.


Nguoi-viet.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét