Trần Tiến Dũng
Cầu Nhị Thiên Đường, cây cầu được xây dựng từ thập niên 1920, là một
trong những câu cầu gắn liền với lịch sử của thành phố thuở xa xưa gọi
là “Hòn ngọc Viễn Đông”.
Hôm có tin về chuyện xe tải đổ dốc cầu
Nhị Thiên Đường đâm vào nhà dân làm chết hai người. Một người bạn, ở tận
xứ Úc Châu điện về hỏi. “ Tai nạn thê lương quá hả anh, phải cầu Nhị
Thiên Đường hôm anh đưa tôi đến chụp ảnh không? Ở Sài Gòn ngồi trong
nhà mà còn chết vì xe đụng thì dân mình còn biết trốn ở đâu an toàn cho
được hả anh”.
Tất nhiên tôi biết cảm xúc của anh về vấn nạn tai
nạn giao thông mà người Việt trong nước phải gánh chịu như một cuộc
chiến tranh tàn khốc. Bạn tôi là một nhà nhiếp ảnh tài tử. Từ Trà Vinh ,
anh vượt biên theo gia đình lúc tuổi thơ, ký ức về Sài Gòn trước 1975
của anh rất ít.
Anh tâm sự “ Các địa danh như chợ Bến Thành, Sở
Thú... thì tôi chỉ nghe qua, sau này từ Úc về tôi có tới cho biết, nhưng
cái tên Nhị Thiên Đường thì trăm phần trăm tôi biết bởi ngoại rồi má
tôi cứ đè tôi ra xức dầu mỗi khi trái gió trở trời, mỗi lần tôi phản ứng
là mấy bả la. “Dầu Nhị Thiên Đường ở cầu Nhị Thiên Đường trên Sài Gòn
đó con, bây nghe lời xức đi rồi mai mốt tao dắt bây lên cây cầu đó coi
cho biết với người ta.”
Hôm anh về Việt Nam, anh nhờ tôi đưa qua
cho biết cầu Nhị Thiên Đường. Cây cầu thuộc quân 8 này không còn cao so
với các cây cầu mới xây, nhưng theo lời anh vui miệng bàn “Chưa có cây
cầu mới nào có được cái tên cao ngất như cầu Nhị Thiên Đường”.
Tôi phần nào hiểu sự hứng thú của anh khi được thỏa lòng gặp được Sài
Gòn qua cây cầu mình hằng mong muốn. Có nhiều cách để ký ức hốt nhiên
bừng thức trong lòng người, kỳ diệu nhất là cách nguồn hương ký ức đánh
thức những ngày tháng êm đềm đâu dễ lãng quên.
Về một tên đường quen thuộc mà sâu đậm
Một chiều Sài Gòn, chúng tôi ngồi trong quán cà phê nhỏ trên đường
Trương Quyền. Nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ bấm điện thoại di động mời họa sĩ
Trịnh Cung. Trong nhịp sống nhanh và tốc độ phát triển đô thị hôm nay,
chuyện người Sài Gòn chỉ đường cho người Sài Gòn không còn lạ.
Hồn nhiên biết bao khi một nhà thơ trải suốt tuổi trung niên khắp mọi
địa chỉ cà phê, quán nhậu lại không biết làm sao chỉ cho rành cách đến
một con đường thuộc trung tâm Sài Gòn.
Cuộc hẹn cà phê của chúng
tôi với anh Trịnh Cung tưởng như bất thành vì chuyện rắc rối tên đường;
nhưng may sao, chính người họa sĩ bỗng tỉnh thức. Giọng anh hớn hở như
trẻ thơ vang lên trong loa điện thoại di động. “ Ôi, nhớ rồi, nhớ rồi...
đó là đường Bác sĩ Tín!”
Lập tức, chúng tôi gồm hai thi sĩ, một
nhạc sĩ được chính cái tên đường cũ mở lại nguồn hương ký ức sâu đậm.
Lúc ấy, chúng tôi có cảm giác không gian quán nhỏ của cô họa sĩ trẻ tên
Mai chuyển động ngược thời gian quay về với cánh rừng khuynh diệp bạt
ngàn.
Người bình dân miền Nam ngày trước gọi chai dầu gió Khuynh
Diệp được bác sĩ Tín pha chế và sản xuất là “dầu gió bà đẻ”. Thế hệ
người Sài Gòn cố cựu đều không xa lạ với thân thế của vị lương y và
doanh nhân danh tiếng này.
Ngày trước danh tiếng thương hiệu dầu
gió Khuynh Diệp Bác Sĩ Tín đích thực là nguồn hương đồng hành với các bà
mẹ cao cả vừa qua cơn vượt cạn và các vầng trán non ngày rạng ngời của
trẻ sơ sinh.
Hôm đưa người bạn từ Hà Nội lần đầu vào Sài gòn vào
Chợ Lớn ăn hủ tíu mì, chúng tôi qua cầu Nhị Thiên Đường, anh nói. “ Tên
cầu hay thật!”. Chúng tôi kể cho anh nghe về chuyện cá độ thời tiết của
dân ghiền cờ bạc sống quanh cây cầu này. Anh lập lại cụm từ “ hay thật!”
khi biết dân cá độ đặt cược trên lượng nước mưa từ mái tôn, ống nước
chảy xuống cái thau.
Anh bỗng hỏi.” Thế, tên cầu Nhị Thiên Đường là do trước đây có loại dầu nỗi tiếng Nhị Thiên Đường à?”
Đương nhiên, cây cầu đúc có tuổi đời gần cả trăm năm được người Pháp
xây dựng trên dòng kênh Đôi được gọi theo tên thương hiệu hãng dầu Nhị
Thiên Đường.
Người Sài Gòn ngày xưa còn gọi dầu Khuynh Diệp bác
sĩ Tín là dầu xanh, dầu Nhị Thiên Đường là dầu đỏ.Trong ký ức về tuổi
thơ của chúng tôi, chai dầu nóng ấm, thơm phức ngoài công dụng dùng để
thoa lên trán, mũi... lúc cảm ho, thậm chí có khi “bị” các bà, má bắt lè
lưởi ra để thấm chút dầu nhằm trị đầy hơi, đau bụng.
Thời đó,
công dụng và mùi hương của dầu Nhị Thiên Đường được coi là phương thuốc
trị bá bệnh lặt vặt trẻ con. Lạ thay, bọn trẻ con chúng tôi cảm nhận
hiệu nghiệm dầu Nhị Thiên Đường đích thị là thiên đường thứ hai. Ngày
nay loại dầu thiên đường thứ hai đâu rồi?
Cách đây ít năm, Chị
chúng tôi về từ Canada. Lúc chị mở cái va ly đựng quà để tặng bà con,
bên cạnh mùi hương đặc trưng tỏa ra từ các vật phẩm mang về từ nước phát
triển mà mọi người quen miệng gọi là mùi quà Mỹ, thì cả nhà chúng tôi
bỗng nhận ra mùi hương chân phương quen thuộc gắn bó suốt quãng đời vừa
êm đềm vừa sóng gió của mình, đó là dầu Nhị Thiên Đường.
Nguồn hương dầu gió theo chân người Việt tự do
Đoán biết chúng tôi đang ngạc nhiên, chị tôi cầm lố dầu Nhị Thiên Đường
rồi tách ra từng chai tặng từng người thân. Chị nói. “Người bạn dược sĩ
của chị có tiệm thuốc Tây ở Toronto gởi tặng. Sản xuất lại loại dầu
này, con cháu của chủ hãng dầu Nhị Thiên Đường thành công lắm, không chỉ
với Việt kiều, cộng đồng di dân gốc Á đều biết tiếng.”
Cầm chai
dầu chỉ bằng ngón tay cái, với nhãn hiệu, co chữ, màu sắc cách trình bày
y chang như ngày xưa, khác chăng là có thêm phần giới thiệu bằng tiếng
Anh bên cạnh tiếng Hoa, tiếng Việt.
Có người cho rằng, thời buổi
tràn ngập hàng hiệu toàn cầu đáng gì mấy thứ thương hiệu dầu gió đó mà
nhắc. Hẳn nhiên chúng tôi có ý so hơn kém giá trị thương trường của các
thương hiệu lưu giữ sâu đậm trong ký ức người Sài Gòn trước 1975 và phẩm
chất các hàng hiệu có mặt trên thương trường hiện nay ở Việt Nam.
Khác biệt giữa hàng hóa tự do và độc tài
Thương thương hiệu ký ức thuộc về cảm xúc văn hóa cộng đồng và hơn hết
nếu một thương hiệu không mở được đời sống con người tự do và bị bóp
nghẹt trong một thể chế độc tài thì đâu có đáng được ghi nhận là thương
hiệu quốc gia!
Bạn có biết minh tinh võ thuật màng bạc hàng đầu
Châu Á, Vương Vũ từng đóng phim quảng cáo cho thương hiệu kem đánh răng
Hynos không? Thời chúng tôi, đứa trẻ nào cũng hát liền miệng câu slogan
do chính bọn con nít chế ra : “Hynos Chà Và đen cha cha cha...”
Bạn có biết thương hiệu xà bông Cô Ba của tỉ phú Trương Văn Bền. Xà bông
Cô Ba đã vươn sang thị trường Đông Dương như Lào, Campuchia và có mặt
tại các thị trường Hồng Kông, Singapore, thậm chí đánh bạt các thương
hiệu xà bông cao cấp hiệu Marseille của Pháp có mặt tại thị trường Đông
Dương thời đó.
Mộ cô bạn trẻ thế hệ 9x, hỏi.” Nếu ngay lập tức
gọi tên một vài thương hiệu tiêu dùng hàng đầu ở nước ta, phản ứng trí
nhớ chú sẽ gọi thương hiệu Việt hay nước ngoài?”
Tôi muốn cười
trừ để không phải trả lời. Vì đến con nít không biết ngoại ngữ nhưng vẫn
có thể gọi đúng tên các thương hiệu tiếng Anh, Pháp, Nhật, Hàn... để ca
tụng và chán ngán, sợ hãi hàng hóa Trung Quốc.
Nhưng nếu phải
trả lời bằng trí nhớ, chúng tôi vẫn có thể nhớ hoài những thương hiệu
Việt như dầu Cù là, xà bông Cô Ba, bột Giặc Net, kem đánh răng Hynot, xe
hơi Ladalat, sữa Ông Thọ, pin Con Ó... Vấn đề chính khiến trí nhớ chúng
tôi không hề quên những thương hiệu Việt nỗi tiếng không chỉ vì đã sử
dụng từ khi mới chào đời cho đến tuổi trưởng thành; điều cốt lõi, gần
như , nhu cầu sử dụng hàng tiêu dùng của thế hệ chúng tôi đều được các
các thương hiệu Việt đáp ứng với phẩm chất tối ưu tương ứng với mức thu
nhập.
Thời trước 1975, các thương hiệu Việt nỗi tiếng bên cạnh
giá trị phẩm chất còn mang đến cho mỗi người Việt vị thế tự tin, niềm tự
hào. Nói theo ngôn ngữ thời toàn cầu hóa ngày nay là: Đã có một thời,
người Việt Nam tìm thấy quyền lực tinh thần trong từng sản phẩm nỗi
tiếng của thương hiệu Việt và thời đó không còn tồn tại nữa.
Nhớ
về những nguồn hương từ thương hiệu Việt trước biến cố 1975 mà chúng tôi
lưu giữ sâu đậm trong ký ức, chợt nhớ đến câu nói nỗi tiếng của văn hào
Nobel văn chương người Nga.: Aleksandr Solzhenitsyn. “ Chỉ giữ những gì
bạn luôn mang theo bên mình: những ngôn ngữ đã biết, những vùng đất đã
qua, những người đã quen biết. Hãy để ký ức làm hành trang của bạn.”
Ký ức con người thế hệ trước chỉ có thể phục sinh bằng chính ký ức của
thế hệ tiếp theo. Hiện nay rất nhiều thương hiệu nỗi tiếng từ nền kinh
tế của chính thể VNCH được cộng đồng người Việt hải ngoại kế thừa và
quảng bá, vì chính những người Việt xa quê hiểu hơn ai hết rằng một
thương hiệu hàng tiêu dùng hàng ngày dù chỉ là một loại dầu gió cũng
minh bạch được ý thức kinh tế, chính trị của người Việt tự do.
Nguồn: nguoi-viet.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét