Hà Tường Cát
(tổng hợp)
Hôm Thứ Năm, Tân Hoa
Xã loan tin Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản
Trung Quốc, bộ trưởng công an từ 2002 đến 2007, bí thư ủy ban chính trị pháp luật
từ 2007 đến 2012, bị kết án tù chung thân vì những tộ danh tham nhũng và làm lộ
bí mật nhà nước.
Bản tin này cũng cho
biết Chu nhận tội tại một phiên xử kín ở tòa án Thiên Tân và tuyên bố không
kháng cáo. Trước đây chỉ có tin Chu bị xét xử từ ngày 22 tháng 5 tiếp theo quyết
định chính thức truy tố hồi tháng 4 sau cuộc điều tra kéo dài 9 tháng và không
có chi tiết gì khác được công bố về
phiên tòa. Như vậy Chu là một trong những
nhân vật từng có quyền lực nhất bị thanh trừng trong cái mà mọi người được biết
là chiến dịch diệt trừ tham nhũng của chủ tịch Tập Cận Bình.
Chu Vĩnh Khang, 72 tuổi,
quê ở Vô Tích tỉnh Giang Tô, gia nhập đảng Cộng Sản Trung Quốc năm 1964. Nghề nghiệp của ông là kỹ sư dầu khí, chuyên về khảo
sát và thăm dò địa chất. Hoạt động trong ngành này Chu đã lên tới các chức vụ
thứ trưởng công nghiệp dầu khí, Tổng giám đốc tập đoàn dầu khí quốc gia – công
ty năng lượng lớn nhất Trung Quốc. Năm
1999, Chu là bí thư đảng ủy tỉnh Tứ Xuyên.
Sau khi người vợ đầu
tiên chết trong một tai nạn giao thông có nhiều bí ẩn, Chu lấy cháu gái của chủ
tịch Giang Trạch Dân và là một trong những người tích cực tham gia vào việc đàn
áp phong trào Pháp Luân Công. Thành tích này khiến Chu được thăng chức bộ trưởng
công an và đảm nhiệm vị trí Trưởng Phòng 610, cơ quan bí mật do Giang Trạch Dân
lập ra với mục đích đàn áp diệt trừ Pháp Luân Công cả trong và ngoài nước. Chu
đã bị kiện ở 10 quốc gia vì vai trò trong vụ Pháp Luân Công.
Truyền thông Trung Quốc
đầu năm nay tố cáo Chu Vĩnh Khang đã "kết bè kéo cánh" với Bạc Hy Lai,
chính trị gia cao cấp của Trung Quốc "ngã ngựa" trong những
năm gần đây, Tờ China Daily cho hay hai cựu quan chức đã "xây dựng bè phái
chính trị" và tuyên bố "chơi một trận lớn". Chu và Bạc được cho
là từng tổ chức một cuộc họp bí mật, trong đó họ chủ trương "điều chỉnh"
chính sách cải cách và mở cửa của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình vào những năm
1970.
Bài báo cũng cho biết
Chu Vĩnh Khang có kế hoạch lật ngược quy định các ủy viên Bộ Chính trị từ 68 tuổi
trở lên không được tái cử, nhằm tiếp tục duy trì quyền lực. Theo đó, Chu sẽ giữ
chức Ủy viên trưởng Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc
hội). Chu còn dốc toàn lực cài cắm thân tin khắp nới, gây ra phản ứng tiêu cực
trong toàn đảng Cộng sản Trung Quốc.
Năm 2012, Chu được
cho là đã báo với Bạc về việc giám đốc
công an Trùng Khánh Vương Lập Quân,
"cánh tay phải" của Bạc, đang tị nạn trong lãnh sứ quán Mỹ tại Thành
Đô. Từ đây, vụ bê bối liên quan đến Bạc Hy Lai vỡ lở.
Dư luận tin rằng toàn
bộ những diễn biến trong nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc gần đây là sự đấu
tranh quyền lực giữa hai phe Tập Cận Bình và Bạc Hy Lai, một ngôi sao trên
chính trường Trung Quốc và được dự đoán sẽ nắm giữ vị trí quan trọng hơn trong
cuộc chuyển giao quyền lực ở Trung Quốc năm 2012. Tháng 9 năm 2013, Bạc bị kết
án chung thân vì các tội nhận hối lộ, tham nhũng và lạm quyền, đồng thời dính
líu đến vụ án giết người của vợ.
Đầu năm nay, sau khi
Chu Vĩnh Khang đã bị điều tra và bắt giữ, Ủy ban trung ương đảng qua một cuộc họp do chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì,
đưa ra một tuyên bố cảnh báo tư tưởng bè phái, nói rằng "Các thành viên của
đảng cần ưu tiên thực hiện các nguyên tắc của đảng, và đảng sẽ không khoan nhượng
trước những bè phái, phe phái trong nội bộ". Một bài viết trên truyền
thông nhà nước Trung Quốc tiếp đó liệt kê các bè phái của những quan chức tham
nhũng, trong đó có nhóm quan chức ngành dầu khí nhiều quyền lực mà Chu Vĩnh
Khang từng đóng vai trò chủ chốt.
Tờ South China
Morning Post dẫn lời một giới chức Tứ Xuyên, cho rằng sự dính líu lâu dài của
Chu Vĩnh Khang, đã tạo nên "môi trường
xấu", gây hàng loạt các vụ tham
nhũng ở tỉnh này và khiến Tứ Xuyên trở thành một "trường hợp đặc biệt"
trong chiến dịch chống tham nhũng trên khắp Trung Quốc. Tứ Xuyên, Giang Tây và Sơn Tây là các tỉnh bị
ảnh hưởng mạnh nhất trong chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" do Chủ tịch
Trung Quốc Tập Cận Bình đề ra cuối năm 2012. Từ 2012, Trung Quốc đã trừng phạt gần
28.000 quan chức, gồm các cán bộ của 60 thành phố và cấp cục, vụ, và hơn 24,000
trường hợp vi phạm nguyên tắc của đảng Cộng sản Trung Quốc bị điều tra.
Chu Vĩnh Khang chính
thức bị điều tra tháng 7 năm ngoái, tới tháng 1 năm nay vụ án Chu Vĩnh Khang và
29 quan chức cấp cao khác được chuyển sang
cơ quan công tố, chuẩn bị xét xử. Chu được coi là đã phát huy ảnh hưởng
của mình trong nhiều thập kỷ. Con trai ông
là Chu Bân, tham gia một số dự án kinh doanh ở Tứ Xuyên và có sự cộng
tác với các quan chức địa phương.
Một số cán bộ cấp cao
của Tứ Xuyên và các tỉnh khác cũng bị
liên đới, như Lý Sùng Hy, cựu chủ tịch Ủy ban chính hiệp Tứ Xuyên, Quách
Vĩnh Tường, cựu Phó tỉnh trưởng Tứ Xuyên, cựu bí thư Thành Đô Lý Xuân Thành và
cựu phó chủ tịch Hải Nam Đàm Lực.
Chu Vĩnh Khang còn được
cho là đã lợi dụng vị trí của mình để theo dõi nhiều lãnh đạo hàng đầu của
Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình. Bloomberg dẫn tin từ hai giới chức
điều tra cho biết Chu "đã lợi dụng
việc nghe lén điện thoại và những phương
pháp khác để thu thập thông tin về tài sản gia đình, cuộc sống cá nhân và quan
điểm chính trị của các lãnh đạo Trung Quốc". Ông cũng sử dụng Lương Khắc,
cựu cục trưởng Cục An ninh Nhà nước Bắc Kinh, để lấy thông tin về các lãnh đạo
đảng.
Chu Vĩnh Khang là quan chức cấp cao nhất bị truy tố các tội
danh tham nhũng và nhận hối lộ kể từ những năm 1980, Tòa án nhân dân tối cao
Trung Quốc tuyên bố Chu và 28 quan chức cấp cao khác sẽ được xét xử "công
khai theo pháp luật". Tuy nhiên cuối cùng Chu chỉ được xử trong phiên tòa
họp kín ở Thiên Tân. Một đoạn video ngắn được đưa lên truyền hình CCTV cho thấy
Chu Vĩnh Khang tuyên bố nhận tội và không kháng cáo.
Đứng giữa hai công an
dìu lên trước vành móng ngựa, người ta thấy Chu đầu tóc bạc trắng, sự thay đổi
nhanh chóng chỉ trong vòng một năm ở con người đầy uy quyền và tiền bạc một thời
bây giờ thất thế.
Nguồn: nguoi-viet.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét