LỜI TRẦN TÌNH
Tập tài liệu bạn đang
có trong tay là kết tụ những nghiên cứu và phân tích dựa trên kinh nghiệm lịch
sử của Cố Vấn Ngô Đình Nhu cùng một số Phụ Tá thân cận nhằm giúp những Cán Bộ
Quốc Gia nắm vững con đường xây dựng và Phát Triển Dân Tộc. Công cuộc hình
thành một lược đồ thích hợp cho tương lai Dân Tộc vừa nhen nhúm thì biến cố
ngày 1 tháng 11 năm 1963 đã làm sụp đổ, hậu quả là những tàn phá sâu rộng về cả
mặt nhận thức lẫn nhân tâm, khiến đất nước tiếp tục chìm đắm trong chiến tranh,
nghèo đói và bị các thế lực ngoại lai khống chế.
Một phần những đề tài
này đã được thảo luận trong hàng ngũ cán bộ lãnh đạo dưới thời Đệ Nhất Cộng
Hòa, nhưng chưa được đào sâu và áp dụng, nhất là công cuộc xây dựng tầng lớp
lãnh đạo có đủ khả năng gánh vác trọng trách trong giai đoạn mới cần nhiều thời
gian chuẩn bị, nên lược đồ xây dựng cho tương lai Dân Tộc bị gián đoạn từ đó.
Trung thành với khát
vọng chung, và cùng ôm ấp lý tưởng xây dựng một tương lai lâu dài cho đất nước,
một số chiến hữu trung kiên đã cho in tập tài liệu này năm 1964, nhưng tình
hình chính trị bất ổn, và chính quyền quân sự lúc ấy đang chịu những áp lực từ
nhiều phía, vì vậy tập tài liệu quí hiếm này bị coi là di sản của ‘’chế độ cũ’’
nên bị chôn vùi đến quên lãng.
Tiếp đến là biến cố
30 tháng Tư năm 1975 đẩy khối người Việt Quốc Gia vào tuyệt lộ, giữa lúc cơ đồ
tan hoang, lòng dân thất vọng đến tột cùng. Kẻ ở người đi, từng người dân lênh
đênh theo vận nước, con đường giải phóng Dân Tộc khỏi ách độc tài đảng trị của
cộng sản để tái xây dựng một quốc gia phú cường chỉ còn là ảo ảnh. Khát vọng
xây dựng đất nước của những người hằng thao thức và nặng lòng với quê hương rà
soát lại, và nhận ra rằng con đường đã có sẵn, làm sao cùng khởi động để tiến tới
việc tái cấu trúc mô hình đã bị bỏ dở trước đây. Năm 1988, tập tài liệu được
tái bản tại Hoa Kỳ do một nhóm thân hữu đã cùng sát cánh bên nhau trong nhiều
năm, trong ấy phải kể đến các ông Cao Xuân Vỹ, Lê Văn Đồng, Phan Xứng, Đỗ La
Lam, và một số thân hữu khác. Nhưng nỗ lực lần này cũng không đi xa hơn, tập
tài liệu gần như biến mất trên thị trường sách báo. Trong khi lớp Cán Bộ Quốc
Gia đã một thời đóng góp cho đất nước lần lượt ra đi theo định luật của thời
gian, thế hệ kế tiếp làm mắt xích nối kết chu kỳ lịch sử chưa sẵn sàng bắt tay
vào công việc còn dang dở, trong khi đất nước bị cộng sản đẩy vào nghèo đói chậm
tiến và lạc hậu suốt hơn ba thập niên qua.
Đứng trước hoàn cảnh
Việt Nam hôm nay, những người thật sự quan tâm tới vận mệnh Dân Tộc không khỏi
âu lo khi nhìn thấy cơ đồ của tổ tiên đang bị kẻ thù phương Bắc bao vây và gặm
nhấm từng phần từ khắp mọi lãnh vực, bên trong thì bè lũ tham ô ngu dốt đang tiếp
tay cho giặc làm bại hoại sức đề kháng, nhằm triệt hạ ý chí quật cường của Dân
Tộc, nên nguy cơ nước ta lại rơi vào ách thống trị phương Bắc không còn là vấn
đề bàn cãi, mà chỉ là thời gian, nếu chúng ta không sớm thức tỉnh.
Tìm lại những bài học
lịch sử của tiền nhân để áp dụng vào con đường cứu nước và dựng nước trong thời
đại hôm nay, thật ra đã có sẵn ngay trong tập tài liệu này. Nếu đem đối chiếu
những diễn biến chính trị toàn cầu có ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam trong mấy
chục năm qua, thì chúng tôi vừa ngạc nhiên vừa khâm phục, vì những diễn tiến ấy
đã được đề cập đến, và phân tích một cách chính xác cách nay đã gần 50 năm. Do
đó điểm hội tụ những trăn trở của lớp sĩ phu trong nước cũng như ở hải ngoại muốn
nhìn thấy hướng đi tương lai của Dân Tộc hiện rõ nét ngay trong tập Chính Đề Việt
Nam này. Tập tài liệu không vạch ra những chi tiết, vì đó là một lược đồ mang
tính lịch sử, không phải chỉ một hai thế hệ, mà là sự nối tiếp của một ngàn năm
lịch sử, và sẽ kéo dài đến hàng ngàn năm về sau. Do đó, lược đồ này cần được
nghiên cứu sâu rộng để soạn thảo thành những tài liệu chi tiết của từng vấn đề,
hầu có thể áp dụng hiệu quả vào công cuộc chung của đất nước. Đây là một công
trình nghiên cứu cần sự góp sức của nhiều khối óc ở trong nước cũng như hải ngoại.
Vì vậy dù gặp muôn
vàn khó khăn, nhóm chủ trương quyết định ấn hành tập tài liệu này, nhằm tái khởi
động sức phấn đấu của Dân Tộc trong giai đoạn cấp bách hiện nay.
Chúng tôi mong ước tập
tài liệu này sẽ được đón nhận và trở thành những mắt xích nối kết những người
có cùng khát vọng phát triển và xây dựng một nước Việt Nam cường thịnh, trong
đó người dân thật sự quyết định lấy vận mệnh của chính mình.
Ấn hành tập tài liệu này, nhóm chủ trương
không nhắm mục đích tài chánh, do đó không để giá tiền như những ấn phẩm lưu
hành trên thị trường, mà là muốn giữ gìn một công trình nghiên cứu có giá trị
vượt thời gian đã bị chôn vùi đến quên lãng gần nửa thế kỷ qua, mà theo thiển
nghĩ của chúng tôi không thể đánh giá công trình trí tuệ thượng thặng này bằng
tiền bạc được. Hơn nữa công trình này nên trở thành sở hữu chung của mọi người,
nhất là những ai đã có dịp đọc qua, chắc chắn không thể phủ nhận giá trị đích
thực của nó, và nên chia sẻ với những người cùng chung chí hướng để góp sức cho
một tương lai tốt đẹp hơn.
Điều mong ước sau
cùng của chúng tôi là tập tài liệu này sẽ không là nguyên cớ cho bất kỳ phiền
phức nào cho ai, dầu ở trong nước hay tại hải ngoại.
Chúng tôi hết lòng
kính trọng và biết ơn những bậc đàn anh đã nêu gương yêu nước và kiên trì khích
lệ các thế hệ tương lai nối tiếp con đường của cha anh.
Sài Gòn, Mùa Xuân
2009.
******
PHẦN I
NHẬN ĐỊNH VỀ THẾ GIỚI
A - Lĩnh vực chính trị
Hiện nay trong lĩnh vực
chính trị, thế giới chia làm hai khối rõ rệt: một bên là khối tự do, một bên là
khối cộng sản.
Mặc dầu gần đây, có xảy
ra một mặt những cuộc tranh chấp đôi khi lên đến một cao độ đáng chú ý giữa các
quốc gia trong khối cộng sản, cũng như trong khối Tự Do, một mặt khác nhiều thỏa
ước có tính cách chính trị, văn hóa, khoa học hay kinh tế đã được ký kết giữa
những quốc gia thuộc khối khác nhau, sự phân biệt trên vẫn còn giữ nguyên giá
trị. Lý do của tình trạng đó là sự khác biệt giữa hai khối do hai quan niệm
khác nhau về PHƯƠNG PHÁP LÃNH ĐẠO.
Hai bên đều tuyên bố
mục đích tối hậu của mình là mưu hạnh phúc cho nhân dân. Tuy nhiên, để đạt mục
đích đó, khối Tự Do chủ trương khắc phục cho được sự tự
ý tham gia của quần chúng vào công cuộc xây dựng hạnh phúc đó. Trái lại
khối cộng sản chủ trương một sự tham gia cưỡng bách.
Hai quan niệm đều có ưu và khuyết điểm. Sự chọn
lựa một trong hai quan niệm trên không căn cứ trên các ưu và khuyết điểm ấy mà
lại do những hoàn cảnh lịch sử, mà chúng ta sẽ thấy.
Nay chỉ cần biết rằng
sự khác biệt giữa hai quan niệm ấy đã dẫn dắt đến các sự khác biệt về lý thuyết
chính trị, về bộ máy chính phủ, về hệ thống kinh tế và về quyền sở hữu.
B - Lĩnh vực văn hóa
Bây giờ nếu chúng ta
đứng vào lĩnh vực văn hóa thì nhận thấy thế giới lại chia ra làm nhiều khối
hơn. Trước tiên là khối Âu Mỹ gồm các nước ở
Âu Châu, kể cả Nga Sô và các nước Đông Âu thuộc Nga. Các nước ở Bắc và Nam Mỹ
và những quốc gia do người Âu lập ra ở Úc Châu, Tân Tây Lan và Nam Phi. Khối
này gồm các nước thuộc vào xã hội Tây Phương thừa hưởng văn hóa Hy Lạp và La Mã
khi xưa và văn hóa Gia Tô sau này.
Khối thứ hai gồm các quốc gia Ả Rập ở từ vùng cận Đông đến Hồi Quốc,
Thổ Nhĩ Kỳ, Soudan, Ai Cập và các quốc gia Bắc Phi Châu. Khối này lập thành xã
hội Hồi Giáo thừa hưởng văn hóa Hồi Giáo.
Khối thứ ba gồm các
quốc gia ở phía Đông Đại lục Âu Á: Nhật Bổn,
Đại Hàn, Trung Hoa và Việt Nam, lập thành xã hội Đông Á thừa hưởng văn hóa xưa
của Trung Hoa.
Khối thứ tư gồm Ấn Độ và ngoài các nước nhỏ phụ cận phía Bắc Ấn Độ,
Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt, Mã Lai và Nam Dương. Lập thành xã hội Ấn Độ
thừa hưởng văn hóa Ấn Độ.
Và sau hết khối Hắc Phi gồm các quốc gia mới xuất hiện ở Phi
Châu lập thành xã hội Hắc Phi có một văn hóa phôi thai.
C - Lĩnh vực khoa học
kỹ thuật
Bây giờ nếu chúng ta
đứng vào lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, thì chúng ta lại nhận thấy các khối
chính trị văn hóa nói trên tự nhiên biến mất, và lại hiện ra một hiện trạng thống
nhất bất ngờ. Tất cả các quốc gia trên đều theo đuổi một khoa học, khoa học Tây
phương, đều áp dụng một kỹ thuật, kỹ thuật Tây phương, dù kỹ thuật đó thuộc về
lĩnh vực chính trị, hay quân sự, hay giáo dục, hay sản xuất, hay kinh tế, hay kỹ
nghệ, hay vận tải và giao thông.
Vì những lý do gì mà
tùy theo lĩnh vực, thế giới khi thì hợp thành một khối, khi lại chia ra nhiều
khối ?
Các sự kiện lịch sử
dưới đây sẽ giải thích rõ hình trạng mới xem qua phức tạp đó.
Văn minh Tây phương
chinh phục thế giới
Trở ngược lại dòng lịch
sử và nhìn vào bản đồ thế giới vào khoảng Thế Kỷ XIV, thời kỳ mà các phương tiện
giao thông còn nghèo nàn, thì chúng ta nhận thấy rằng cách đây không quá 600
năm, các xã hội mà chúng ta đã phân biệt trên kia trong lĩnh vực văn hóa đã có.
Chẳng những thế, lúc bấy giờ ranh giới giữa các xã hội trên lĩnh vực văn hóa lại
cũng là ranh giới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và kỹ thuật.
Nhưng sau đó, văn
minh Tây phương thoát khỏi thời kỳ phôi thai và phát triển một cách hùng mạnh.
Nền văn minh này tự tạo cho mình một sinh lực dồi dào nhờ thừa hưởng được văn
hóa Hy Lạp và La Mã xây dựng trên những căn bản lý trí chính xác và nhờ ở Kinh
Thánh Gia Tô gieo cho quần chúng một đức tin mãnh liệt.
Nhờ đó, người Tây
phương tìm được nhiều phát minh khoa học và sáng chế được nhiều kỹ thuật khả dĩ
giúp cho họ vượt biển và chinh phục nhiều đất đai mới. Lúc đầu họ chiếm những
vùng dân cư thưa và lạc hậu ở Nam và Bắc Mỹ lập thành những quốc gia mới theo
kiểu Âu Châu.
Nhưng lần lần theo đà
phát triển càng ngày càng mãnh liệt và càng ngày càng nhanh của xã hội Tây
phương, người Tây phương khắc phục được nhiều kỹ thuật mới lạ khả dĩ đặt vào
trong tay họ những mãnh lực vật chất không xã hội nào đương đầu nổi. Và vào Thế
Kỷ 16 họ đã bắt đầu chinh phục xã hội Hồi Giáo lân cận. Thế Kỷ 17 và 18 chứng
kiến sự thất bại của các quốc gia trong xã hội Ấn Độ và Thế Kỷ 19 đến lượt các
quốc gia trong xã hội Đông Á. Đến Thế Kỷ 20 văn minh Tây phương đã hoàn toàn
chinh phục thế giới và nhờ đó mang lại cho các Dân Tộc Tây phương một nền thịnh
vượng chưa từng thấy. Tất cả các quốc gia ngoài xã hội Tây phương đều bị biến
thành thuộc địa hay bán thuộc địa. Chỉ trừ một vài Dân Tộc như Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật
Bổn vì nhờ đã sớm nhận định được bí quyết thành công của người Tây phương là ưu
thế của họ trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật.
Những nước này đã ‘’Duy
Tân’’ kịp thời, khắc phục những kỹ thuật của Tây phương để chẳng những tự
vệ đối với sự tấn công của Tây phương mà lại còn, cũng như các nước trong xã hội
Tây phương, mang lại cho Dân Tộc của họ một mức sống dồi dào hơn.
Tất cả các nước khác
như Việt Nam đều phải chịu mang ách nô lệ, và cũng như Việt Nam, đã mất một cơ hội thứ nhứt để xây dựng cho Dân Tộc
mình một quốc gia hùng cường và để mang lại hạnh phúc cho đời sống của quần
chúng.
Ngày nay tình trạng
thống nhất của thế giới trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật có hai ý nghĩa.
1.- Văn minh Tây phương đã chinh phục thế giới,
và đã chinh phục bằng khoa học kỹ thuật.
2.- Các quốc gia nào muốn tồn tại đều phải khắc
phục khoa học Tây phương và kỹ thuật Tây phương.
Nhưng muốn khắc phục
được khoa học Tây phương và kỹ thuật Tây phương, trước tiên phải khắc phục lối
suy luận của Tây phương đặt trên căn bản chính xác về lý trí. Và sau đó khắc phục
những tập quán trong đời sống hằng ngày khả dĩ nuôi dưỡng và duy trì lối suy luận
trên. Nếu chỉ hấp thụ khoa học và kỹ thuật không, thì không sáng tác được. Mà
không sáng tác được khi người Tây phương tiếp tục sáng tác là mối đe dọa của
Tây phương vẫn còn mãi.
Vì vậy cho nên, ngày nay trên thế giới vấn đề Tây Phương
Hóa là một vấn đề thiết yếu cho các quốc gia muốn tồn tại, mặc dầu Tây Phương
Hóa theo kiểu khối Tự Do hay Tây Phương Hóa theo kiểu khối cộng sản.
Và đó cũng là một vấn
đề thiết yếu cho nước Việt Nam.
Sau này chúng ta sẽ
xem vấn đề Tây Phương Hóa là như thế nào, và việc Tây Phương Hóa có hại đến
tinh thần Dân Tộc không.
Vấn đề cộng sản.
Từ đầu của Thế Kỷ XX,
lý thuyết cộng sản đã làm chấn động xã hội Tây phương. Sau đó lý thuyết cộng sản
đã trụ đóng và phát triển ở Nga. Và ngày nay lý thuyết cộng sản đang hoành hành
ở Á Châu và đang đe dọa Nam Mỹ. Nhưng ở mỗi nơi lý thuyết cộng sản được tiếp nhận
bởi những lý do khác nhau và được giải thích theo một lối thích nghi với hoàn cảnh
địa phương. Cộng sản ở Âu Châu khác cộng sản ở Nga. Cộng sản ở Nga khác cộng sản
ở Tàu, nhưng ba nơi đều là cộng sản. Các sự kiện lịch sử dưới đây sẽ giải thích
vẻ phức tạp mới xem qua đó.
Cộng sản ở Tây phương
Khoa học và kỹ thuật
của Tây phương đã phát triển theo một đà càng ngày càng nhanh, vì thế cho nên
nhiều lúc đã vấp phải sức thụ động của các cơ cấu xã hội lúc nào cũng tiến hóa
chậm hơn. Trong các thời kỳ đó sự xung đột bộc lộ bằng những xáo trộn xã hội.
Cuối Thế Kỷ 19, Tây phương phát minh những kỹ
thuật sản xuất kỹ nghệ.
Lúc đầu những lực lượng sản xuất mới đó chưa
được điều khiển hoàn bị, đã gây ra nhiều cuộc đảo lộn trong một xã hội thủ công
nghệ. Đa số thợ thủ công bị phá sản và trở thành thợ thuyền vô sản, trong khi
những máy móc sản xuất tối tân tập trung tư bản vào tay một thiểu số. Sự quân
bình trong việc phân phối tài sản của xã hội thủ công nghệ cũ đã bị đổ vỡ và đại
đa số dân chúng thợ thuyền phải sống một đời vô cùng cực khổ.
Karl Max, Triết Học Gia và Kinh Tế Gia, người
Đức gốc Do Thái, sống ở Anh, nhận thấy rằng tất cả các tệ đoan lúc bấy giờ do ở
chỗ các cơ cấu của xã hội Tây phương không còn thích nghi với những lực lượng sản
xuất mới do các phát minh kỹ thuật mang đến. Do đó Karl Max đề nghị một kiểu xã
hội mới xây dựng trên những căn bản mới để cho phù hợp với các phương tiện sản
xuất mới. Ông chủ trương thành lập xã hội mới bằng một cuộc cách mạng toàn diện.
Như vậy, ở Tây
phương, thuyết cộng sản là một phương thuốc của Tây phương đề nghị để chữa căn
bệnh cho xã hội Tây phương trong một giai đoạn phát triển cam go.
Về sau các nhà lãnh đạo
Tây phương lại tìm được nhiều phương thuốc khác, nhờ đó mà xã hội Tây phương chẳng
những trở nên lành mạnh mà còn phát triển mạnh bạo hơn, như chúng ta thấy ngày
nay. Do đó mà hiện nay, thuyết cộng sản đã mất rất nhiều sinh lực trong xã hội
Tây phương và trong một ngày gần đây sẽ không còn nữa.
Cộng sản ở Nga.
Trong xã hội Tây phương, Nga là một Dân Tộc
Slave ở trên ranh giới giữa Âu và Á, chịu ảnh hưởng Á Châu rất nhiều bởi các cuộc
chinh phục như của Thành Cát Tư Hãn và của Attila. Các nước ở Tây Âu lại thuộc
giống Latin hay là Saxon. Sự hai bên cùng theo Đạo Gia Tô đáng lý ra phải giúp
cho sự sum họp, lại trở thành thêm một yếu tố chia rẽ sau khi Giáo Hội Gia Tô
đã vỡ ra thành hai giáo hội, một Giáo Hội Đông trong đó có Nga và một Giáo Hội
Tây ở La Mã.
Vì lý do trên mà trong lịch sử giữa Nga và Tây
Âu có một cuộc tranh chấp không ngừng hiện nay vẫn đang tiếp diễn. Cuộc tranh
chấp lúc trầm lúc bổng. Tây Âu thắng nhờ kỹ thuật tiến bộ hơn. Lúc nào Nga hấp
thụ được kỹ thuật Tây phương thì lại giữ phần thắng nhờ khối dân đông và đất rộng.
Tây phương lại phát minh những kỹ thuật mới và lại thắng, và cứ như thế tấn tuồng
lại tái diễn.
Vào cuối Thế Kỷ 19, khi Tây phương, ngoài đã
chinh phục thế giới nhưng trong lại gặp phải những trở lực xã hội tạo hoàn cảnh
cho thuyết cộng sản bành trướng, thì Nga ở vào một thời kỳ yếu thế vì kém về kỹ
thuật. Các nhà lãnh đạo Nga, theo chiến thuật cổ truyền, đang nỗ lực hấp thụ
các kỹ thuật mới của Tây phương. Nhưng lần này ngoài các kỹ thuật vật chất họ lại
thâu nhận thêm thuyết cộng sản. Vì hai lý do:
1.- Họ muốn gấp rút bắt kịp Tây Âu bằng cách tổ
chức trước Tây phương một xã hội mới thích nghi với các phương tiện sản xuất mới
như Marx đã đề nghị.
2.- Nếu nước Nga trở nên thành trì của thuyết
cộng sản, thì sự bành trướng của thuyết cộng sản trong các nước Tây Âu sẽ biến
các đảng cộng sản của các quốc gia nầy thành những đồng minh nội tuyến trong
lòng địch, rất quí báu cho Nga trong cuộc tranh chấp hằng mấy Thế Kỷ với Tây
Âu.
Như vậy, chuyển từ
Tây Âu sang Nga thuyết cộng sản đã nghiễm nhiên từ một phương thuốc được đề nghị
cho xã hội Tây phương, biến thành vừa là một phương tiện giúp cho sự phát triển
của Nga vừa là một khí giới sắc bén giúp Nga đánh bại kẻ thù.
Dầu sao sự tranh chấp vẫn là một sự tranh chấp
nội bộ giữa các quốc gia trong xã hội Tây phương.
Sở dĩ Nga đã đưa cuộc tranh chấp ấy lên thành
một cuộc tranh chấp quốc tế chỉ vì kẻ thù Tây Âu lúc bấy giờ đã bủa vây lưới
kinh tế của họ trên khắp thế giới.
Và cũng vì để tạo cho họ vây cánh trên khắp thế
giới mà các nhà lãnh đạo Nga Sô đã hô hào các lãnh tụ các quốc gia bị chinh phục
làm thuộc địa hay bán thuộc địa gia nhập vào hàng ngũ cộng sản
Như vậy thuyết cộng sản đối với Nga chỉ là một
phương tiện và ngày nào mục đích đã đạt được, phương tiện sẽ không còn giá trị
nữa.
Ngày nay, mục đích đã đạt, Nga đã thắng nhờ khắc
phục được kỹ thuật Tây Âu và nhờ khối dân đông và đất rộng của mình. Các biến cố
hiện tại ở Âu Mỹ chứng tỏ rằng Nga sắp đến lúc bỏ phương tiện cộng sản và trở về
với xã hội Tây phương
Những sự tiếp xúc của
Tòa Thánh La Mã với các lãnh tụ Giáo Hội Nga là một trong những cố gắng để đưa
Nga Sô về xã hội Tây phương.
Và ngày đó sự tranh chấp quyết liệt giữa cộng
sản và Tư Bản, như ngày nay, sẽ tự tiêu và nhường chỗ cho một cuộc tranh chấp
khác quyết liệt hơn hiện nay đã bắt đầu thành hình giữa khối Trung Cộng và khối
Âu Mỹ.
Cộng sản ở Á Châu
Trong hệ thống giá trị
truyền thống của hai nền văn minh Á Châu: Văn minh Ấn Độ và văn minh Trung Hoa,
không có một điểm nào có thể làm mầm cho một thuyết tàn bạo như thuyết cộng sản
nảy nở được.
Sở dĩ ngày nay thuyết cộng sản hoành hành được
ở Á Châu là vì chính Tây phương đã tạo hoàn cảnh cho nó nẩy nở và chính Tây
phương đã đưa nó vào. Sau khi thảm bại trước lực lượng chinh phục của Tây
phương, các quốc gia ở Á Châu đều lần lượt bị biến thành thuộc địa hay bán thuộc
địa. Tinh thần bất khuất của Dân Tộc khiến các lãnh tụ vẫn tiếp tục một cuộc
tranh đấu vô hy vọng. Bởi vì, để đương đầu với những lực lượng xâm lăng hùng hậu
của Tây phương bủa lưới khắp chiến trường thế giới, chúng ta chỉ có thể đưa ra
để nghinh chiến những lực lượng kém kỹ thuật trong một chiến trường giới hạn
trong từng quốc gia. Sự thất bại đã cầm chắc nếu chúng ta không có những đồng
minh đồng sức với kẻ thù.
Vì nhận định như vậy cho nên các lãnh tụ cách
mạng thức thời đều hưởng ứng lời kêu gọi của Nga Sô. Sự đồng minh với Nga Sô sẽ
mang lại cho họ:
1. Những phương tiện xứng đáng để đánh bật kẻ
thù ra khỏi lãnh thổ.
2. Một kiểu mẫu và những phương pháp phát triển
quốc gia khi đã phục hồi độc lập.
Như vậy sang Á Châu thuyết cộng sản chỉ còn là
một phương tiện để đánh kẻ xâm lăng và một phương pháp phát triển.
Cho tới đây những nhà lãnh đạo chủ trương theo
cộng sản còn có lý vững chắc. Nhưng sau đó họ hoàn toàn lầm lẫn nếu họ say mê
mà tôn thờ thuyết cộng sản như là một chân lý, và quên rằng:
1. Nga Sô chỉ xem thuyết cộng sản là một
phương tiện và chỉ có giá trị là một phương tiện.
2. Phương pháp cộng sản áp dụng ở Nga mặc dầu
đã đưa đến kết quả, nhưng không phải vì vậy mà có thể áp dụng một cách hữu hiệu
cho mọi quốc gia.
Mao Trạch Đông đã
nhìn thấy rõ hai điểm trên đây. Sự khác biệt giữa các phương pháp cộng sản ở
Nga và ở Tàu là một bằng cớ. Cộng sản ở Việt Nam cũng nằm trong khuôn khổ trình
bày trên đây.
Ngô Đình Nhu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét