Hà Văn Thịnh
Việc Khu Du lịch Đồng
Xanh, thuộc Công ty CP Văn hóa - Du lịch Gia Lai khánh thành tượng “quốc tổ” và
18 vua Hùng đúng vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là một cố gắng đáng ghi nhận. Thế
nhưng, những sự phản cảm của công trình văn hóa đồ sộ này lại là điều đáng phải
bàn...
Trước hết, xin nhấn mạnh
rằng mọi sự thảo luận về hình dáng của “quốc tổ” - các vua Hùng phải như thế
nào, giống ai là điều không cần thiết bởi sẽ chẳng có ai... đúng về điều...
không thể biết! Vấn đề là ở chỗ, một pho tượng (hay nhóm tượng) phải đạt đến
trình độ thẩm mỹ nhất định – giá trị thẩm mỹ càng cao thì tuổi thọ của pho tượng
càng dài, thậm chí đạt gần đến sự vĩnh cửu như tượng Vệ Nữ, David, Nữ Thần Tự
Do...
Thuở xa xưa, người
nghệ sĩ cảm nhận các giá trị thẩm mỹ bằng trực giác của thiên tài nên mới có thể
tạo ra những tác phẩm gần với sự bất tử. Thời nay, tất cả đều đã được số hóa
nên việc tìm ra các chuẩn mực về cơ thể phù hợp với tuổi tác, nghề nghiệp (chẳng
hạn chân của các thủy thủ thường là hơi vòng kiềng), dân tộc (da vàng hay da trắng)
là điều khá dễ dàng. Do vậy, đừng có đổ lỗi cho “sai sót kỹ thuật” mà phải nhận
chân rằng sự kém cỏi, vô trách nhiệm là “cha đẻ” của sự lố lăng lịch sử không
thể chấp nhận của Khu Du lịch Đồng Xanh nói riêng, các cơ quan, ban ngành quản
lý văn hóa của tỉnh Gia Lai nói chung.
Thứ nhất, tượng “quốc
tổ” - một người đàn ông mà da trắng như tuyết, lông mày lá liễu, râu giống với
râu... dê, môi đỏ như son và 10 móng tay đỏ hoe đỏ hoét là sự phỉ báng chứ
không còn là tôn vinh nữa. Làm sao có thể chấp nhận một người đàn ông có móng
tay tô đỏ ? Từ cổ chí kim, chưa thấy ai đúc tượng, tả đàn ông môi đỏ như son
cho dù trong đời thường có những người như thế.
Cần nói thêm rằng những
người mặt trắng (bạch diện thư sinh) trong văn hóa xưa là để chỉ vị thần bảo hộ
cho chốn... lầu xanh(!) Chỉ riêng điều này thôi đã đáng phải từ chối sự ‘tôn
vinh” rồi.
Sự lố lăng phi thẩm mỹ,
coi thường nghệ thuật còn lộ rõ ở chỗ khắc đôi tai của “quốc tổ”: Trên đời này
làm gì có ai có mép trên của tai nằm ngang cánh mũi? Đó là chưa nói mắt quá nhỏ,
trán quá hẹp; về mặt hình tướng, thường là hình dạng của những người trí tuệ
bình thường, nông cạn... Chẳng ai lại đi tôn vinh một người như thế làm “quốc tổ”.
Thứ hai, cách đây 2
năm, cũng tại Khu Du lịch Đồng Xanh đã trưng bày tấm bia ghi vua Hùng sống 692
tuổi, trị vì 200 năm, có 60 vợ, 59 con trai và con gái..., đã từng làm dậy sóng
biết bao tờ báo. Như vậy, cái sự “NHẦM” – coi thường sự thật lịch sử, bất chấp
dư luận dường như đã là một căn bệnh khó chữa?
Thứ ba, có rất nhiều
câu hỏi mà những người có trách nhiệm nhất thiết phải trả lời.
1, Gỗ mít có vân và
chất rất đẹp, để càng lâu càng đẹp, tại sao phải tô trát, vẽ vời? Phải chăng vì
để che đi rất nhiều khuất tất?
2, Chẳng lẽ chỉ cần
to là cấp ngay bằng chứng nhận Guiness Việt Nam mà không cần biết giá trị thẩm
mỹ cần phải có, cần phải được thẩm định kỹ càng? Sự vội vàng công nhận ngay lập
tức hàm ẩn những điều gì? Một nền văn minh mà chỉ cần to nhất là đáng để ngợi
ca, bất chấp mọi quy tắc, nguyên tắc tối thiểu của văn hóa theo đúng nghĩa đen
của từ này là cách tư duy nào?
3, Cứ đổ lỗi cho tư
nhân để phủi trách nhiệm (như chuyện ồn ào xung quanh tấm bia năm 2013) không
phải là cách làm hợp lý của những người làm công tác quản lý văn hóa. Tại sao một
pho tượng phản cảm, vô lý như thế vẫn có thể qua mắt các cơ quan thẩm định?...
Không thể chấp nhận
cách “tôn vinh” tổ tiên như tượng “quốc tổ” ở Khu Du lịch Đồng Xanh, Gia Lai. Cần
phải dỡ bỏ ngay để làm lại và, cần phải thành lập một hội đồng có chuyên môn về
tất cả các lĩnh vực có liên quan mới có thể có câu trà lời thỏa đáng – nếu
chúng ta muốn có một pho tượng Quốc Tổ đích thực.
Xin đừng nhầm lẫn lịch
sử bằng sự thiển cận của cách nghĩ, cách nhìn. Cách “khen” ngày Giỗ Tổ như thế
còn quá hơn cả bằng mười hại nhau...
Huế, 30.4.2015
Hà Văn Thịnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét