Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

Hà Văn Thịnh - Nỗi đau đứng thứ nhất về... trộm cắp ở Nhật!

    Hà Văn Thịnh - Nỗi đau đứng thứ nhất về... trộm cắp ở Nhật!

    Hà Văn Thịnh
    Những dòng tin trên báo chí vẫn đang còn nóng hổi, có lẽ là những lưỡi dao cào xé dài lâu vào nỗi đau của hàng triệu người Việt: năm 2014, tổng số vụ việc phạm pháp do người nước ngoài gây ra ở Nhật là 15.215 vụ, có đến 2.488 vụ liên quan đến người Việt Nam, chiếm 16,3%; tổng số người nước ngoài bị cảnh sát Nhật bắt giữ là 10.689, trong đó người Việt là 1.548, chiếm 14,48%(!)...



    Liên Hiệp Quốc có 192 thành viên (trong trường hợp này không kể Nhật Bản). Khỏi phải nói khoảng cách giữa 1/192, tức 0,52% với 15% là... mênh mông đến mức nào. Cảnh sát Nhật cho biết là số người Việt Nam bị bắt ở Nhật chỉ đứng sau người Trung Quốc (nhiều hơn vài trăm người) – nhưng thật ra, nếu tính đúng theo tỷ lệ dân số Việt Nam ít hơn Trung Quốc 15 lần, thì số lượng người Việt trộm cắp ở Nhật là... nhất thế giới!

    Các con số lạnh căm còn cho biết những sự thật ‘tàn nhẫn’: 54,2% các trường hợp phạm tội là những người đang đi du học; nếu tính riêng các vụ trộm cắp thì người Việt bị bắt giữ chiếm 25,98% (1.745/6.716) và, các vụ trộm cắp đều là tội phạm có tổ chức tinh vi, từ khâu ‘cảnh giới’ đến đường dây tiêu thụ...

    Rất nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan đến sự thật xấu xí mà chúng ta buộc phải nhìn thẳng vào nó. Tại sao nạn trộm cắp của người Việt ở Nhật (và một số nước khác) không hề thuyên giảm mà lại gia tăng? Làm thế nào để rửa cái tiếng xấu ê chề đó? Tại sao nhiều đến thế những trí thức tương lai chỉ lo du học trộm cắp? Tại sao dư luận ít bàn đến (không dám ‘vạch áo” vì sợ cái lưng lấm láp bị phơi bày?) và, tại sao các cơ quan chức năng không nhập cuộc một cách kiên quyết kèm theo những chế tài nghiêm khắc?...

    Đã đến lúc cái cách nhìn thẳng vào sự thật bằng ‘thói quen’ lâu nay là, sau khi nhìn thì vội vàng nhắm mắt, bịt tai lại - phải được cất kỹ vào góc “quên”, để thay bằng cách nói thẳng, nói thật cùng các biện pháp thật và, thẳng.

    Thứ nhất, tất cả những vụ bắt giữ người Việt phải được truyền thông trong nước đưa tin ngay, kèm theo danh tính, vụ việc cụ thể, rõ ràng. Cách giấu nhẹm thông tin hay để cho nó thành cơm nguội hay hóa bùn chỉ là cách ‘tiếp tay’ cho tội ác, cách làm xấu hơn nữa, nhiều nữa hình ảnh của người Việt. Không ít con ông cháu cha nằm trong số 54,2% tội phạm nhưng lại là du học sinh đó. Phải chăng vì liên quan đến 5C nên phải che đậy?

    Thứ hai, mọi hình thức phạm pháp ở nước ngoài phải có sẵn những chế tài cẩn trọng sao cho những người đó không thể nào có cơ hội để luồn lách vào các cơ quan nhà nước sau này. Bài học của ‘rút kinh nghiệm’, ‘kiểm điểm sâu sắc’ có vô số các hệ lụy đắng cay: Ngựa quen đường cũ là điều mà cha ông đã cảnh báo từ lâu rồi.

    Thứ ba, không thể biện minh rằng tệ nạn tham nhũng – ăn cắp dễ dàng do có quyền lực và có ‘cơ chế dễ’, là không liên quan đến thói xấu ăn cắp, ăn trộm của lớp trẻ. Không hề ngẫu nhiên khi hai nước có công dân trộm cắp nhất, nhì ở Nhật là TQ và VN: cả hai đều nằm trong những nước có tham nhũng nhiều nhất.

    Khi nói đến môi trường dễ, sự thật lại càng làm cho ta phải xót xa: Người Nhật thật thà và tốt đến nỗi không quy định việc bỏ túi xách ra khỏi không gian siêu thị, khiến cho mọi ý đồ đen tối đều được thực hiện không mấy khó khăn.

    Rõ ràng, nếu tội tham nhũng và ăn cắp được nghiêm trị như cách các nước Hồi giáo vẫn áp dụng thì nạn ăn cắp, ăn trộm sẽ giảm hẳn, nếu không nói là hầu như không có trong các quốc gia Hồi giáo. Chúng ta không làm như thế nhưng có lẽ nên có những biện pháp gần đến mức như thế.

    Để kết thúc việc lạm bàn này, xin kể hai câu chuyện đáng ngẫm suy.

    Chuyện thứ nhất, khi cháu tôi (đội trẻ SLNA) được chọn vào đội trẻ bóng đá VN đi thi đấu ở UAE, hỏi nó cái gì ấn tượng nhất thì nó trả lời rằng lỡ làm rơi ví từ tối hôm trước ở sảnh khách sạn, sáng hôm sau, vẫn thấy nó nằm yên chỗ cũ. Mừng quá, định nhặt lên thì nhân viên hỏi trong ví có gì? Rồi, cả hai cùng mở ví xem có đúng như vậy không! Theo anh ta cho biết, anh ta trực và thấy, nhưng không nhặt lên vì để cho ai đã làm rơi thì chính người đó cầm lại.

    Chuyện thứ hai, khi tôi trả phòng khách sạn ở Vientiane, vừa trao chìa khóa thì nhận lại giấy tờ ngay. Còn ở ta, dù biết là thầy giáo, đi dạy cho lớp luật tại chức nhưng nhân viên khách sạn vẫn bắt chờ để gọi người lên kiểm tra, rất lâu sau đó mới đưa lại chứng minh tức là... cho phép... thầy đi!

    Hai câu chuyện trên đây tuy ở hai quốc gia thật xa nhưng lại có chung điều tốt đẹp: Họ đều có một môi trường văn hóa sống thật lành mạnh, đáng để chúng ta phải tự nghĩ về mình.

    Một khi tham nhũng là quốc nạn thì làm sao ngăn được lũ trẻ ăn cắp vặt? Làm sao có thể ngăn được cái xấu khi hàng ngàn vụ việc đã xảy ra ở Nhật mà chỉ có vài vụ được thông tin cho có, gọi là...?



    Nguồn: danluan.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét